(LSVN) - Vấn đề lợi dụng từ thiện để trục lợi đang thu hút dư luận thời gian qua, rõ ràng đây là một vấn đề pháp lý cho thấy cơ chế pháp luật của chúng ta thực sự lỏng lẻo, chưa đủ căn cứ để điều chỉnh và xử lý dứt điểm được vấn nạn này. Tại sao cộng đồng mạng và báo chí liên tục nhắc đến câu chuyện từ thiện nhằm trục lợi nhưng cơ quan điều tra vẫn chưa vào cuộc?
Gần đây, những vụ việc mạo danh từ thiện nhằm trục lợi đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất của người dân. Điều đáng nói những người bị tố ăn chặn tiền từ thiện lại chính là những "người của công chúng", có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Điều này có thể gây ra những tác động xấu, làm ảnh hưởng đến hoạt động từ thiện chân chính, mang những nghĩa cử cao đẹp. Và rõ ràng đây là một vấn đề pháp lý cho thấy cơ chế pháp luật của chúng ta thực sự lỏng lẻo, chưa đủ căn cứ để điều chỉnh và xử lý dứt điểm được vấn nạn này. Tại sao cộng đồng mạng và báo chí liên tục nhắc đến câu chuyện từ thiện nhằm trục lợi nhưng cơ quan điều tra vẫn chưa vào cuộc?
Cần có luật riêng
Trao đổi về vấn đề này với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Ngô Ngọc Diễm, Công ty Luật ThinkSmart cho biết, theo quy định của pháp luật, hoạt động kêu gọi từ thiện vẫn đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP. Tại Điều 5 của Nghị định này quy định các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ như sau: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25/9/2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Việc đứng ra kêu gọi tiền cứu trợ trong trường hợp với tư cách là cá nhân thì không phải là đối tượng điều chỉnh của Nghị định 64/2008 nói trên. Tuy nhiên, mặc dù không bị điều chỉnh bởi Nghị định song cá nhân vẫn phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình.
Luật sư Ngô Ngọc Diễm cho rằng, bản chất của việc cá nhân đại diện đứng ra nhận tiền để ủng hộ được xác định là quan hệ dân sự. Trong đó cá nhân chỉ là người đại diện theo ủy quyền của người có tài sản, có trách nhiệm chuyển giao tài sản của bên cho sang bên nhận tài sản theo thỏa thuận, cam kết trước đó.
"Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, nếu tồn tại luật riêng để điều chỉnh sẽ tốt hơn viện dẫn luật chung. Bởi lẽ những quy định cụ thể sẽ có phạm vi bao quát đầy đủ và chi tiết sự đa dạng trong hoạt động từ thiện của cá nhân. Như vậy có thể thấy, những quy định của pháp luật về vấn đề quyên góp từ thiện của cá nhân vẫn chưa thật sự chặt chẽ. Pháp luật cần phải có những quy định cụ thể đối với các cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp, nếu có thể thì bắt buộc phải có bên thứ ba giám sát việc quản lý và sử dụng tiền từ thiện, yêu cầu người tiếp nhận tiền từ thiện phải liên hệ với chính quyền địa phương hoặc các cơ quan chuyên môn như phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Chữ thập đỏ…, tăng cường cơ chế kiểm tra giám sát hoạt động để tránh những tiêu cực có thể phát sinh", Luật sư Diễm nêu quan điểm.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu chứng minh được khoản tiền bị dùng trái mục đích
Về vấn đề này, Luật sư Ngô Ngọc Diễm cho biết, việc làm từ thiện của cá nhân chưa có những quy định bắt buộc cụ thể về thủ tục, giấy tờ, chứng từ đi kèm, theo đó trong tường hợp chưa xác định có dấu hiệu phạm tội thì cơ quan điều tra chưa thể vào cuộc làm sáng tỏ.
"Khi một cá nhân sử dụng tài khoản mình mở tại ngân hàng để huy động tiền từ thiện, thì tài khoản đó dưới góc độ pháp lý vẫn chỉ là một tài khoản tiền gửi cá nhân thông thường. Do vậy, việc công khai số dư tài khoản, lịch sử hoạt động tiền ra, vào tài khoản thuộc quyền quyết định của cá nhân đó, hoặc người được cá nhân đó ủy quyền. Pháp luật chỉ quy định trong một số trường hợp đặc biệt, các cơ quan nhà nước có quyền can thiệp, yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cá nhân", Luật sư cho biết.
Ngoài ra, theo Luật sư những thông tin về vụ việc ăn chặn tiền từ thiện vừa qua bản chất chỉ là những lời đồn đoán, chưa có căn cứ cụ thể rõ ràng. Phía những "người của công chúng" này cũng đã đưa ra những bằng chứng sao kê về số tiền nhận quyên góp ủng hộ. Do đó, nếu vẫn tiếp tục kéo dài những sự việc này có thể gây bất ổn dư luận, mất niềm tin vào hoạt động từ thiện của các cá nhân, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của nhiều người.
Việc mạo danh từ thiện để trục lợi dưới góc độ pháp luật là hành vi phạm. Vì vậy nếu chứng minh được khoản tiền từ thiện bị dùng trái mục đích, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cụ thể, theo quy định của pháp luật hiện nay, nếu ai đó lợi dụng sự tín nhiệm của người khác đứng ra kêu gọi quyên góp ủng hộ tiền, tài sản để làm từ thiện khiến người khác chuyển giao tiền, tài sản từ thiện cho mình nhưng lại biển thủ, chiếm đoạt số tiền đó làm của riêng, số tiền chiếm đoạt từ 4.000.000 đồng trở lên thì hành vi này có dấu hiệu của tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Nếu số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
"Như vậy, có thể thấy rằng, hoạt động từ thiện xuất phát từ cái tâm và đạo đức con người, đây là một hoạt động thiện nguyện. Nếu ai đó lợi dụng hoạt động từ thiện để chiếm đoạt tiền, tài sản của người khác thì không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự", Luật sư Diễm nhận định.
Do đó, nếu những nhà hảo tâm đã quyên góp tiền từ lời kêu gọi của các nghệ sĩ, có chứng cứ chứng minh họ không minh bạch, có dấu hiệu trục lợi thì cần làm đơn tố giác tội phạm gửi đến các cơ quan chức năng để được xem xét. Từ đó, cơ quan điều tra sẽ yêu cầu ngân hàng và những người liên quan cung cấp dòng tiền trong tài khoản từ thiện để điều tra. Trong trường hợp không có người tố giác, nhưng quá trình thực hiện nhiệm vụ cơ quan điều tra tự mình phát hiện có dấu hiệu trục lợi hoạt động từ thiện, họ cũng có quyền điều tra theo quy định. Ngoài ra, nếu có nghi ngờ người làm từ thiện, dưới danh nghĩa là "nhà hảo tâm" dùng tiền từ các hoạt động thu nhập bất hợp pháp như một hình thức để rửa tiền, thì cơ quan điều tra cũng có thể điều tra độc lập.
"Hy vọng, rằng mỗi chúng ta không vì những thông tin xấu trên mạng xã hội mà có cái nhìn sai lệch về hoạt động ý nghĩa này. Tôi tin tưởng cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc để làm rõ những vấn đề xung quanh việc từ thiện của một số nghệ sĩ. Qua đó góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan, tránh bỏ lọt tội phạm, tránh làm oan người vô tội", Luật sư Diễm nói.
VÕ QUẾ
Cần tôn trọng và đảm bảo quyền tác nghiệp, hoạt động của báo chí