(LSVN) - Tôi đang là đại diện theo pháp luật của công ty A. Công ty B chuẩn bị thành lập và định bổ nhiệm tôi làm người đại diện theo pháp luật. Vậy việc bổ nhiệm tôi là người đại diện theo pháp luật của công ty B có được pháp luật chấp nhận không và quy định như thế nào? - Bạn đọc N.H. (Ninh Bình) hỏi.
Để xác định việc công ty B bổ nhiệm bạn làm người đại diện cho công ty B trong khi bạn đang là đại diện theo pháp luật của công ty A có được pháp luật chấp thuận không thì trước hết cần xác định rõ loại hình doanh nghiệp của công ty A nơi mà bạn đã và đang là đại diện theo pháp luật thuộc loại hình doanh nghiệp nào.
Theo đó, trong trường hợp loại hình doanh nghiệp bạn đã và đang đại diện là doanh nghiệp tư nhân, Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định tại Điều 183 như sau:
Điều 183. Doanh nghiệp tư nhân 1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. 2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. 3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh. 4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. |
Do chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ vốn góp của mình vào doanh nghiệp tư nhân và tài sản cá nhân còn các loại hình doanh nghiệp khác thì chủ doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phần vốn góp vào công ty. Như vậy, trên cơ sở quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành, nếu bạn đã làm người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp tư nhân thì không được đồng thời làm người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp khác. Việc công ty B bổ nhiệm bạn làm người đại diện theo pháp luật cho công ty B là không hợp pháp.
Bên cạnh đó, xét trường hợp doanh nghiệp bạn đã làm đại diện theo pháp luật thuộc loại hình doanh nghiệp khác ngoài doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi xin đưa ra nội dung tư vấn dựa trên các quy định pháp luật sau:
Về vấn đề đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Điều 137. Đại diện theo pháp luật của pháp nhân 1. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm: a) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ. b) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật. c) Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án. 2. Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này. |
Cụ thể, dựa trên cơ sở pháp lý tại khoản 2 của Điều 137, một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật Dân sự 2015.
Đồng thời đối chiếu với khoản 3 Điều 141 quy định về phạm vi đại diện: “Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Bên cạnh đó, tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như sau:
Điều 13. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp 1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. 2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. 3. Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền. |
Như vậy, pháp luật hiện hành chỉ quy định một công ty có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật mà không quy định cụ thể một cá nhân có thể là người đại diện theo pháp luật của nhiều công ty hay không. Ngoài ra, pháp luật cũng không có quy định gì thêm về việc một cá nhân đồng thời làm người đại diện theo pháp luật của nhiều doanh nghiệp.
Với cách tiếp cận của Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Doanh nghiệp 2014, có thể hiểu việc cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của nhiều doanh nghiệp (trừ trường hợp đã là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân) là không bị pháp luật cấm. Vì vậy bạn được phép là người đại diện theo pháp luật của nhiều công ty (trừ trường hợp đã là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân).
NGỌC NHI