Ảnh minh họa.
1. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp yêu cầu(hoặc bị yêu cầu) tuyên bố phá sản là rất cần thiết.
Theo số liệu từ Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai, hiện Đồng Nai có trên 45 nghìn doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 86% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của tỉnh Đồng Nai là phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng được 65,5 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo việc làm cho trên 265 nghìn lao động. Năm 2021, Đồng Nai có 3.400 doanh nghiệp đăng ký mới. Tuy nhiên, cùng với việc hàng ngàn doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh thì mỗi năm cũng có hàng ngàn doanh nghiệp giải thể, tuyên bố phá sản.
Cũng theo Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai, tính đến tháng 12/2021, Đồng Nai có 977 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Lý do giải thể, ngừng hoạt động chủ yếu là do doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, không thể tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ sức chống chọi với những thay đổi bất lợi của thị trường, đặc biệt sau giai đoạn ngưng hoạt động vì đại dịch Covid-19.
Ngoài việc một số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vì lâm vào tình trạng khó khăn không thể tiếp tục hoạt động được thì một số doanh nghiệp do nợ nần kéo dài, không còn khả năng thanh toán nên phải thực hiện thủ tục yêu cầu tuyên bố phá sản hoặc bị yêu cầu tuyên bố phá sản theo luật để giải quyết tài sản và các khoản công nợ, nghĩa vụ thuế, tài chính với nhà nước theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 4, Luật Phá sản quy định, phá sản là trình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và được Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Theo báo cáo tổng kết hàng năm của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai trong 5 năm trở lại đây thì mỗi năm, Tòa án hai cấp của tỉnh Đồng Nai thụ lý, giải quyết trên dưới 10 vụ yêu cầu tuyên bố phá sản. Mặc dù số lượng doanh nghiệp yêu cầu tuyên bố sản không phải quá lớn. Tuy nhiên, hậu quả của việc doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán lại không hề nhỏ. Một doanh nghiệp dù nhỏ khi mất khả năng thanh toán cũng làm cho hàng trăm người mất việc làm, mất thu nhập, kéo theo nhiều món nợ của ngân hàng, của các doanh nghiệp khác khó có khả năng thu hồi. Chỉ khi có quyết định của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp phá sản mới có thể xử lý những tài sản còn lại của doanh nghiệp đó nhằm thu hồi, thanh toán các khoản nợ, các khoản lương, bảo hiểm của người lao động cũng như xử lý các khoản thuế.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp để được Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Quyết định mở thủ tục phá sản và có quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản cũng không hề dễ dàng mà phải tốn khá nhiều thời gian, công sức do những khó khăn thực tế cũng như những vướng mắc bởi các quy định của pháp luật. Một số doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã khi lâm vào tình trạng nợ nần kéo dài không còn khả năng thanh toán thì hầu như các bộ máy hành chính nhân sự, kế toán, thủ quỹ… của doanh nghiệp không còn hoạt động hoặc rất khó liên hệ dẫn đến những người còn lại không nắm rõ sổ sách kế toán, công nợ, danh sách công nợ, địa chỉ hiện tại chủ nợ, con nợ, người lao động…thậm chí việc bảo quản tài sản còn lại cũng là vấn đề rất khó khăn. Do đó, ngoài việc can thiệp, tác động của Tòa án theo quy định của pháp luật thì việc hỗ trợ của các Luật sư, các tổ chức hành nghề Luật sư là rất cần thiết.
2. Một số khó khăn trong thực tế khi doanh nghiệp yêu cầu tuyên bố ( hoặc bị yêu cầu tuyên bố) phá sản.
2.1. Khó khăn do tình trạng thực tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Doanh nghiệp vừa và nhỏ do quy mô, tính chất hoạt động, yêu cầu nguồn vốn…chính là những lợi thế kinh doanh chủ động, linh hoạt, phù hợp với những người khởi nghiệp. Tuy nhiên, vì quy mô nhỏ nên doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng gặp không ít khó khăn do tính chất nhỏ, yếu thế của mình. Và khi lâm vào tình trạng khó khăn hoặc gặp sự cố, biến động, họ cũng dễ dàng mất kiểm soát, dễ dàng sụp đổ. Đặc biệt, khi lâm vào tình trạng phá sản thì thực tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp không ít khó khăn bởi cách thức hoạt động, quản lý của mình. Trong quá trình tiếp cận, tham gia tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chúng tôi nhận thấy, khi có yêu cầu tuyên bố phá sản hoặc (bị yêu cầu tuyên bố phá sản) do thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp này dẫn đến khá nhiều khó khăn, khó xử lý. Cụ thể:
Tình trạng sổ sách, kế toán không đảm bảo quy định của pháp luật hoặc không chính xác. Một số doanh nghiệp vừa nhỏ thường không có kế toán hoặc kế toán còn yếu hay thuê dịch vụ kế toán làm sổ sách dẫn đến chủ doanh nghiệp không theo dõi, không nắm được chính xác, đầy đủ thông tin. Khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, nợ lương thì thường kế toán nghỉ việc, hoặc không tiếp tục thuê kế toán làm sổ sách, tính toán số liệu kế toán một cách chính xác rành mạch nên khi yêu cầu tuyên bố phá sản thì các thông tin, số liệu kế toán, công nợ và thông tin, địa chỉ của khách hàng là con nợ, chủ nợ…đôi khi không chính xác, không đầy đủ, hoặc không tìm thấy.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa có bộ máy hành chính, nhân sự, chuyên nghiệp nên việc theo dõi thông tin, hồ sơ của người lao động cũng không đầy đủ. Khi có yêu cầu tuyên bố phá sản, việc xác định thông tin, địa chỉ của người lao động cũng khó khăn, kéo dài thời gian giải quyết tại Tòa án, ảnh hưởng đến thời gian xem xét giải quyết yêu cầu phá sản.
2.2. Khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật
Luật Phá sản ra đời đã góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của Doanh nghiệp, Hợp tác xã, qua đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các Doanh nghiệp, Hợp tác xã đang trong tình trạng sản xuất kinh doanh khó khăn, thua lỗ có cơ hội rút khỏi thị trường, góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế; thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn. Mặt khác, Luật Phá sản cũng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và các chủ nợ, đồng thời còn là công cụ định hướng, cảnh báo để các doanh nghiệp, hợp tác xã luôn hoàn thiện để tồn tại và phát triển. Luật Phá sản doanh nghiệp 2014 ra đời cũng đã khắc phục được rất nhiều những điều chưa hợp lý, không còn phù hợp với thực tế của Luật Phá sản số 21/2004/QH11. Tuy nhiên, trọng thực tế hỗ trợ các doanh nghiệp yêu cầu (hoặc bị yêu cầu tuyên bố phá sản), các Luật sư đã gặp phải không ít khó khăn, vướng mặc do một số quy định pháp luật chưa phù hợp thực tế hoặc chưa được hướng dẫn rõ ràng dẫn đến Tòa án và những người tham gia lúng túng. Cụ thể:
Theo quy định tại khoản 2, Điều 38, Luật Phá sản: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải thực hiện việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản”. Theo hướng dẫn tại mục 9 của Công văn số 199/TANDTC-PC ngày 12/8/2020 “Người nộp đơn yêu cầu thuộc trường hợp phải nộp lệ phí và tạm ứng chi phí phá sản mà họ chỉ nộp lệ phí phá sản mà không nộp tạm ứng chi phí phá sản, hoặc không nộp biên lai (chứng cứ khác) về việc nộp hai khoản trên thì Tòa án trả lại đơn cho họ theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 35 Luật Phá sản”. Ngoài khoản tiền lệ phí phá sản thì tiền tạm ứng chi phí phá sản (thường hàng trăm triệu đồng). Thực tế, có những doanh nghiệp của khi lâm vào tình trạng phá sản thì cũng đồng thời lâm vào tình trạng không còn tiền để đóng tạm ứng chi phí phá sản, tài sản cũng không thể bán ngay thậm chí không thể bán được hoặc không còn tài sản để bán và việc vay mượn cũng là vô cùng khó.
Theo Điều 38, Luật Phá sản 2014 quy định về thủ tục nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản vào tài khoản do Tòa án nhân dân mở tại Ngân hàng. Theo mục 7, Công văn 199 hướng dẫn về việc Tòa án thu tiền tạm ứng chi phí phá sản “mỗi vụ việc phá sản, Tòa án nên có một tài khoản riêng để dễ quản lý các chi phí liên quan đến từng vụ việc phá sản” nhưng không hướng dẫn cụ thể, tài khoản này do Chánh án Tòa án mở hay do Thẩm phán giải quyết vụ vụ yêu cầu tuyên bố phá sản mở, đứng tên Thẩm phán dẫn đến khi giải quyết, các Thẩm phán cũng lúng túng.
Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 46, Luật Phá sản: “Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có thể bị Thẩm phán quyết định thay đổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
"b) Có căn cứ chứng minh Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ”. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn nào cụ thể về những trường hợp như thế nào được coi là không khách quan. Ví dụ: Trường hợp trước đó Quản tài viên với tư cách là Luật sư đã từng tư vấn cho một chủ nợ làm các thủ tục yêu cầu yêu cầu tuyên bố phá sản với một doanh nghiệp. Sau đó, Luật sư đó được Tòa án chỉ định làm quản tài viên. Trường hợp này có bị coi là không khách quan hay không".
Khoản 1, Điều 43, Luật Phá sản quy định: “Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân phải được gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính và đăng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân và 02 số báo địa phương liên tiếp nơi doanh nghiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán có trụ sở chính” Thực tế, có những chủ nợ là cá nhân hoặc là người lao động bị nợ lương không còn ở địa chỉ do doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản lưu giữ và không cư trú hoặc không còn cư trú ở địa phương nơi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có trụ sở chính nên việc gửi gửi quyết định và các thông báo của Tòa án cho họ không có kết quả và việc “đăng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân và 02 số báo địa phương liên tiếp nơi doanh nghiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán có trụ sở chính” không đủ cơ sở để xác định được họ đã nhận hoặc biết được thông báo, quyết định của Tòa án( tức là không được coi là tống đạt hợp lệ) nên thẩm phán cũng lúng túng trong việc xử lý những trường hợp này.
Trường hợp vừa là chủ nợ vừa là người có quyền lợi liên quan thì sẽ xác định tư cách của họ như thế nào. Ví dụ: Trường hợp tài sản là nhà xưởng, trụ sở do doanh nghiệp thuê. Quá trình kinh doanh, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và nợ tiền thuê nhà xưởng. Chủ sở hữu tài sản cho thuê vừa là chủ nợ đối với số tiền cho thuê tài sản cũng đồng thời là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Theo quy định của tại khoản 1 Điều 56 của Luật Phá sản: “ Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố phá sản, chủ sở hữu tài sản cho doanh nghiệp, hợp tác xã thuê hoặc mượn để dùng vào hoạt động kinh doanh phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, hợp đồng cho thuê hoặc cho mượn với cơ quan thi hành án dân sự để nhận lại tài sản của mình”. Tuy nhiên, thực tế, có những trường hợp, chủ sở hữu tài sản là nhà xưởng, mặt bằng cho doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thuê nhà, xưởng, mặt bằng. Khi Tòa án thụ lý yêu cầu tuyên bố phá sản của doanh nghiệp thì hợp đồng thuê đã hết hạn nhưng doanh nghiệp yêu cầu tuyên bố phá sản vẫn dùng nhà xưởng, mặt bằng để chứa các tài sản còn lại của doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu. Trường hợp này họ có được tiếp tục trả tiền thuê nhà xưởng hay không cho thời gian chờ giải quyết thủ tục phá sản hay không. Trường hợp chủ sở hữu tài sản muốn ký hợp đồng thuê nhà xưởng với người khác và mong muốn di dời tài sản của doanh nghiệp yêu cầu bố phá sản đến vị trí khác để cho người khác thuê mặt bằng, nhà xưởng. Nếu không thay đổi được và không tính được tiền cho thuê trong thời gian chờ giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản thì chủ sở hữu tài sản cho thuê phải gánh chịu nhiều thiệt thòi. Trường hợp này Thẩm phán và Quản tài viên đều lúng túng.
3. Một số kiến nghị hướng dẫn và hoàn thiện các quy định về Luật Phá sản
Nên có bổ sung quy định của Điều 38 Luật Phá sản: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải thực hiện việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản” theo hướng: Trường hợp đặc biệt như chủ doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có yêu cầu tuyên bố phá sản lâm vào tình cảnh bệnh hiểm nghèo, thiên tai hoặc rủi ro đến mức không còn khả năng nộp tạm ứng chi phí phá sản thì doanh nghiệp đó có thể làm đơn xin miễn nộp tạm ứng chi phí phá sản (chỉ nộp lệ phí phá sản) để Tòa án thụ lý. Sau khi thụ lý, Thẩm phán tự mình hoặc theo yêu cầu của Quản tài viên quyết định việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán sau khi mở thủ tục phá sản để bảo đảm chi phí phá sản.
Nên hướng dẫn mỗi một vụ phá sản mở một tài khoản ngân hàng riêng và chủ tài khoản ngân hàng đó sẽ là Thẩm phán được giao giải quyết vụ phá sản đó. Việc mở tài khoản ngân hàng riêng sẽ đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và dễ dàng trong vấn đề quản lý tài chính, đặc biệt đối với những vụ phá sản doanh và tạo điều kiện thuận lợi, hiệu quả, kịp thời trong việc giải quyết thủ tục phá sản.
Nên có hướng dẫn cụ thể về trường hợp như thế nào bị coi là “Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ”.
Nên bổ sung: Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân phải được gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính và đăng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân và 02 số báo địa phương và 02 số báo Trung ương liên tiếp nơi doanh nghiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán có trụ sở chính”.
Cần có hướng dẫn cụ thể trường hợp vừa là chủ nợ vừa là người có quyền lợi liên quan thì sẽ xác định tư cách của họ như thế nào và khi họ đã hết hợp đồng thuê trong thời gian chờ giải quyết thủ tục phá sản, họ có thể đi đòi tài sản đến vị trí khác mà không làm ảnh hưởng đến việc tiến hành thủ tục phá sản và giá trị tài sản của doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản.
Luật sư NGUYỄN THỊ HỒNG TUYẾN
Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai
Xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp ly hôn trong vụ án hôn nhân và gia đình