Một số bất cập và kiến nghị đối với nguyên tắc tiến hành tố tụng của người dưới 18 tuổi

23/09/2023 23:10 | 7 tháng trước

(LSVN) - Việt Nam là một quốc gia luôn quan tâm và bảo vệ quyền trẻ em, trong đó đặc biệt là trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật. Chính vì thế Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định thành một chương riêng để đảm bảo thủ tục tố tụng được phù hợp với lứa tuổi này. Đây là một bước phát triển lớn của pháp luật nước ta và qua thực tế thi hành cho thấy đã phát huy được hiệu lực, hiệu quả rất lớn trong việc xử lý tội phạm là người chưa thành niên. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội thì những điều luật dần trở nên không phù hợp và cần có sự thay đổi để thích hợp với hoàn cảnh xã hội trong tình hình mới. Vì vậy, bài viết này đưa ra những đánh giá, sửa đổi để hoàn thiện hơn nữa về những nguyên tắc đó.

Ảnh minh họa.

 

Đặc điểm của lứa tuổi chưa thành niên là hay bị chi phối, quy luật hình thành ý thức phạm tội và hành vi phạm tội của người chưa thành niên không thể giống hoàn toàn với người đã thành niên. Độ tuổi dưới 18 tuổi là một độ tuổi hết sức nhạy cảm. Lứa tuổi này phạm tội không thể áp dụng máy móc như suy luận với người đã thành niên mà cần phải có những nguyên tắc riêng. Vì vậy cho nên đã có những quy định đặc biệt về nguyên tắc tố tụng đối với người dưới 18 tuổi cụ thể tại Điều 414 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

"1. Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cùa người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.

2. Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi.

3. Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Đoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt.

4. Tôn trọng quyền được tham giạ, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi.

5. Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi.

6. Bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật hình sự đổi với người dưới 18 tuổi phạm tội.

7. Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi".

Những nguyên tắc này được đề ra để phù hợp với tâm sinh lý, những tâm tư tình cảm khác biệt đang trong giai đoạn phát triển chỉ có ở lứa tuổi chưa thành niên. Mặt khác, nhằm để giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên sửa chữa sai lầm là chủ yếu, giúp họ phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, hiện nay cũng xuất hiện nhiều hạn chế, vướng mắc trên thực tiễn áp dụng kể từ thời điểm có hiệu lực cho đến nay.

Thứ nhất, khi tiến hành tố tụng, các quy định khác của Bộ luật Tố tụng hình sự không trái với quy định tại Chương XXVIII vẫn được áp dụng. Người dưới 18 tuổi trong đó có người bị buộc tội có quyền bình đẳng về quyền năng pháp lý với người đủ 18 tuổi khi tham gia tố tụng với cùng một tư cách. Việc quy định các chủ thể tham gia tố tụng khác như người bào chữa, người đại diện của người dưới 18 tuổi không làm mất đi quyền năng pháp lý của người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, trên cơ sở đó làm định hướng xây dựng các quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi cũng như định hướng cho quá trình thực hiện pháp luật, cần được ghi nhận vào như một nguyên tắc tiến hành tố tụng.

Vì vậy, cần phải bổ sung vào khoản 1 Điều 114 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: “1. Bảo đảm người dưới 18 tuổi có quyền bình đẳng với người đủ 18 tuổi về mọi quyền tố tụng”.

Thứ hai, trên thực tế đã có không ít trường hợp báo chí đăng các bài viết kèm hình ảnh về người bị buộc tội dưới 18 tuổi. Thậm chí, nội dung bài viết, hình ảnh đăng kèm lại được cung cấp bởi chính các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Việc này đã vi phạm quyền con người được ghi nhận và bảo đảm trong tố tụng, đặc biệt với người dưới 18 tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương. Vì vậy, bảo đảm giữ bí mật cá nhân cho người dưới 18 tuổi cần được nhấn mạnh là một nguyên tắc áp dụng trong suốt quá trình tố tụng và các thông tin dẫn đến nhận dạng người dưới 18 tuổi là không được phép công bố. Bổ sung này đồng thời thể hiện pháp luật Việt Nam tôn trọng các chuẩn mực quốc tế trong việc bảo đảm quyền riêng tư của người chưa thành niên trong tất cả các giai đoạn tố tụng, tránh những tổn hại gây ra do sự công khai quá mức.

Như vậy, đề xuất bổ sung vào khoản 2 Điều 414 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: “2. Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi trong mọi giai đoạn của quá trình tố tụng. Không được công bố những thông tin có thể dẫn đến việc nhận dạng người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi”.

Thứ ba, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thiếu quy định về quyền của nhà trường, tổ chức trong giai đoạn truy tố. Mặc dù khoản 1 Điều 420 Bộ luật Hình sự 2015 có đề cập trường hợp các chủ thể này tham gia tố tụng theo quyết định của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát. Tại khoản 3 của điều này chỉ liệt kê các quyền của họ trong giai đoạn xét xử. Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra, truy tố thì Điều tra viên, Kiểm sát viên có thể trực tiếp tiến hành một số hoạt động nghiệp vụ như hỏi cung, đối chất thì có cần nhà trường, tổ chức tham gia hay không? Họ có những quyền cụ thể nào để bảo vệ người chưa thành niên trong giai đoạn này?

Cho nên cần bổ sung quy định trong trường hợp người đại diện theo pháp luật, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo dưới 18 tuổi học tập, sinh hoạt vắng mặt có lí do chính đáng thì Tòa án phải ra quyết định hoãn phiên tòa xét xử. Bởi nếu không quy định như vậy sẽ dẫn đến trường hợp, Tòa án sẽ không có căn cứ để hoãn phiên tòa khi những người này vắng mặt có lí do chính đáng. Hơn nữa, việc tham gia của người đại diện theo pháp luật, đại diện nhà trường, tổ chức trong những vụ án có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng vừa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi, vừa thể hiện sự đặc biệt so với các thủ tục tố tụng thông thường khác.

Trong thực tế xét xử, đại diện nhà trường và tổ chức ít có mặt tại phiên tòa xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội, vấn đề này có nhiều nguyên nhân khác nhau, có trường hợp Tòa án không triệu tập họ đến tham gia phiên tòa nhưng cũng có trường hợp nhận được giấy triệu tập của Tòa án nhưng các cơ quan này lại không quan tâm phối hợp với Tòa án trên cơ sở quy định của pháp luật. Nhằm tạo điều kiện cho nhà trường, tổ chức hoàn thành được những vai trò trên thì cần có quy định về tư cách, quyền và nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt và cần bổ sung quy định cụ thể những trường hợp vắng mặt của những người nêu trên nhưng Tòa án vẫn có thể tiến hành phiên tòa.

Thứ tư, hạn chế về ý thức trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người bào chữa. Hiện tại chưa có cơ quan và đội ngũ cán bộ chuyên trách để giải quyết những vụ án do người dưới 18 tuổi thực hiện, nên trong suốt quá trình tố tụng, từ khi bắt đầu khởi tố, điều tra, truy tố đến khi xét xử, cũng như giai đoạn thi hành án, thực tế cho thấy, không có sự phân biệt giữa việc giải quyết những vụ án do người dưới 18 tuổi thực hiện với những vụ án do người thành niên thực hiện. Thành phần Hội đồng xét xử đôi lúc còn chưa đảm bảo hoặc ghi không đúng thành phần theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự phải là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đôi khi về ý thức trách nhiệm các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng còn chưa tích cực giải thích về quyền và nghĩa vụ của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi như chưa giải thích cho họ biết mình có quyền bào chữa, nhờ người khác bào chữa và được bào chữa chỉ định theo quy định pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi. 

Ngoài ra, người bào chữa thường không được đào tạo để có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục về tội phạm người dưới 18 tuổi hoặc không có phong cách làm việc hiệu quả với người dưới 18 tuổi phạm tội. Với luật sự chỉ định, thông thường các cơ quan tiến hành tố tụng tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sự tham gia bào chữa, nhưng nhiều luật sư lại chưa tích cực khi tham gia tố tụng. Khi bào chữa cho người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, người bào chữa đôi khi còn chưa coi trọng việc bào chữa do chỉ định.

Vì vậy, cần ban hành văn bản quy định về cơ chế phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng với Đoàn luật sư các tỉnh thành về hình thức cơ chế “Luật sự trực ban”. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì người đại diện hoặc người bào chữa cho người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền và nghĩa vụ tham gia, chứng kiến khi cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, lấy lời khai người dưới 18 tuổi, trong trường hợp người dưới 18 tuổi không có người đại diện hoặc khi cơ quan tiến hành tố tụng chưa liên hệ, không tìm được người đại diện của người bị buộc tội, chưa tìm được luật sư bảo vệ, bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể mời Luật sư trực ban” tham gia ngay các hoạt động tố tụng này để đảm bảo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi.

Thứ năm, hạn chế về cơ sở vật chất, trình tự thủ tục phiên tòa xét xử người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi và từ ý thức của chính họ.

Các phiên tòa xét xử người dưới 18 tuổi hiện nay cũng giống như xét xử đối với người thành niên. Việc xét xử được tiến hành ở phòng xử án chính thức dành chung cho cả người thành niên và người dưới 18 tuổi. Không khí trang nghiêm của Tòa án, các thủ tục phiên tòa, cũng như cách trang trí, các vật dụng bố trí tại phòng xử án đối với người dưới 18 tuổi không có sự khác biệt. Với tâm lý chưa ổn định, nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài, từ thái độ của người lớn tuổi, người dưới 18 tuổi cần có môi trường xét xử phù hợp và thân thiện hơn. Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi và đại điện hợp pháp của họ không hiểu biết về quyền tự bào chữa, nhờ người khác bào chữa và quyền được bào chữa chỉ định nên không thực hiện được quyền bào chữa của mình. Thậm chí do thiếu hiểu biết và sợ mất tiền mà người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi và đại diện hợp pháp của họ còn từ chối luật sư bào chữa gây khó khăn cho việc xét xử.

Như vậy, có thể thấy thủ tục xử lý đối với người chưa thành niên phải thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào khả năng nhận thức của họ về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Ngoài ra, phải ưu tiên giải quyết nhanh chóng, chính xác, kịp thời các vụ án liên quan đến người chưa thành niên.

PHẠM VĂN PHƯƠNG

 Toà án Quân sự Quân khu 7

Từ khoá : lsvn.vn LSVN