(LSO) - Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp, tọa đàm, hội thảo và gửi Dự thảo để lấy ý kiến đóng góp của các Luật sư, các ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, các Đoàn Luật sư đối với Dự thảo sửa đổi Bộ Quy tắc. Các ý kiến đóng góp đối với Dự thảo sửa đổi đã được nghiên cứu, tiếp thu 6 lần trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo cuối cùng là Dự thảo 7. Dự thảo này đã được Hội đồng Luật sư toàn quốc thông qua.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Bộ Quy tắc (cũ) do Hội đồng Luật sư toàn quốc thông qua, được ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20/7/2011 của Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã góp phần củng cố và hoàn thiện các giá trị chuẩn mực về đạo đức và định hướng hành vi ứng xử nghề nghiệp của Luật sư, là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư, tạo cơ sở để Luật sư tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề và sinh hoạt đời sống, giữ gìn phẩm giá, uy tín của mỗi cá nhân Luật sư nói riêng và góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đội ngũ Luật sư nói chung. Bộ Quy tắc còn là một trong những công cụ chủ yếu để Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư thực hiện chức năng tự quản, là cơ sở để giải quyết khiếu nại, tố cáo, xem xét khen thưởng, xử lý kỷ luật Luật sư.
Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện Bộ Quy tắc trong hơn 8 năm qua đã cho thấy, Bộ Quy tắc đã bộc lộ những bất cập, hạn chế về nội dung, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong quá trình hành nghề luật sư, khiến cho việc giải quyết các vấn đề, tình huống phát sinh của các Luật sư gặp những khó khăn nhất định. Trong một số trường hợp phải xem xét, xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư, các Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã gặp những vướng mắc do vấn đề chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ ràng trong Bộ quy tắc.
Một số quy tắc trong Bộ Quy tắc còn quy định chung chung, chưa thể hiện rõ những việc Luật sư phải làm hoặc không được làm. Tuy không có mâu thuẫn lớn, nhưng một số nội dung của Bộ Quy tắc cũng thể hiện sự không đồng nhất, có thể còn chồng chéo với quy định pháp luật. Có những nghĩa vụ đạo đức trong Bộ Quy tắc đồng thời là nghĩa vụ pháp lý của Luật sư đã được pháp luật quy định. Nội dung một số quy tắc đã được quy định trong các văn bản nội bộ khác của Liên đoàn như Điều lệ, quy chế…, một số quy tắc còn chưa chuẩn về mặt kỹ thuật, văn phong…
Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay có các giao dịch dân sự, kinh tế phức tạp. Nhu cầu dịch vụ pháp lý trong xã hội ngày một đa dạng, phát sinh những vấn đề, tình huống, những tranh chấp, khiếu nại trong quan hệ giữa Luật sư với khách hàng và với các chủ thể khác có liên quan đến phạm trù đạo đức nghề nghiệp. Bộ Quy tắc hoặc chưa có quy định điều chỉnh, hoặc quy định còn bất cập, chưa rõ ràng nên rất cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước đồng thời cũng đặt ra yêu cầu hội nhập quốc tế cho Luật sư, nghề Luật sư Việt Nam. Những giá trị đạo đức cốt lõi có tính phổ quát của nghề Luật sư trên thế giới cần được tiếp tục tham khảo, tiếp thu có chọn lọc vào Bộ Quy tắc để tạo sự tương đồng giữa hoạt động của luật sư Việt Nam với hoạt động Luật sư trong khu vực và trên thế giới.
Với những lý do nêu trên, Bộ Quy tắc cần thiết được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của nghề Luật sư và thực tiễn hành nghề của Luật sư Việt Nam.
Thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong năm 2018 – 2019, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (Bộ Quy tắc). Liên đoàn đã thành lập Tổ xây dựng dự thảo sửa đổi và tổ chức tổng kết việc thực hiện, nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Bộ Quy tắc.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp, tọa đàm, hội thảo và gửi Dự thảo để lấy ý kiến đóng góp của các Luật sư, các ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư, các ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, các Đoàn Luật sư đối với Dự thảo sửa đổi Bộ Quy tắc. Các ý kiến đóng góp đối với Dự thảo sửa đổi đã được nghiên cứu, tiếp thu 6 lần trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo cuối cùng là Dự thảo 7. Dự thảo này đã được Hội đồng Luật sư toàn quốc thông qua. Bộ Quy tắc mới đã được ban hành theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam được nghiên cứu sửa đổi trên cơ sở các định hướng cơ bản sau đây:
- Khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện Bộ Quy tắc; rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định còn chồng chéo, chung chung, chưa đầy đủ, chưa có quy định để điều chỉnh, loại bỏ những quy tắc đã được pháp luật quy định, điều chỉnh để tránh trùng lắp.
- Kế thừa và phát triển những nội dung, quy định của Bộ Quy tắc hiện hành còn phù hợp với thực tiễn, truyền thống tốt đẹp của đội ngũ Luật sư Việt Nam đã được thực tế kiểm nghiệm qua hơn 8 năm thực hiện Bộ Quy tắc;
- Tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm, quy định về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư của một số Hiệp hội, Đoàn Luật sư trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là những nước có truyền thống nghề Luật sư tương đồng với Việt Nam.
II. TỔNG QUÁT NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA BỘ QUY TẮC.
1. Về bố cục Bộ Quy tắc.
So với Bộ Quy tắc (cũ) được Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ I ban hành ngày 20 tháng 7 năm 2011 (gồm Lời nói đầu, 06 chương và 27 quy tắc), Bộ Quy tắc mới gồm Lời nói đầu, 32 quy tắc. So sánh :
Chương I Bộ quy tắc cũ có 5 Quy tắc; Bộ Quy tắc mới rút xuống còn 4 Quy tắc;
Chương II. Bộ Quy tắc cũ có 9 Quy tắc. Bộ Quy tắc mới có 12 Quy tắc;
Chương III. Bộ Quy tắc cũ có 8 Quy tắc; Bộ Quy tắc mới có 9 Quy tắc;
Chương IV. Bộ Quy tắc cũ có 2 Quy tắc, Bộ Quy tắc mới có 3 Quy tắc;
Chương V. Bộ Quy tắc cũ có 1 Quy tắc, Bộ Quy tắc mới có 2 Quy tắc;
Chương VI. Cả Bộ Quy tắc cũ và mới cùng có 2 Quy tắc.
Như vậy, bố cục chung của Bộ Quy tắc về cơ bản, vẫn giữ nguyên 6 chương. Tuy nhiên, các quy tắc trong Chương II: Quan hệ với khách hàng được chia thành 4 mục nhỏ:
Mục 1: Những quy tắc cơ bản;
Mục 2: Nhận vụ việc;
Mục 3: Thực hiện vụ việc và;
Mục 4: Kết thúc vụ việc.
Có ý kiến đề nghị cơ cấu lại bố cục của Bộ Quy tắc mới theo hướng: bổ sung thêm 01 Chương quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ; bỏ chia thành các mục tại Chương II quan hệ với khách hàng; và trình bày bố cục văn bản theo kết cấu Chương – Điều – Khoản – Điểm, tương tự hình thức văn bản quy phạm pháp luật để thuận tiện viện dẫn.
Về những vấn đề này, Tổ dự thảo nhận thấy, tên gọi Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư đã bao hàm phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng rồi nên không cần thiết phải quy định riêng thành một chương “Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng” như ý kiến góp ý.
Đa số các ý kiến nhất trí vẫn giữ tên gọi là các quy tắc, không chuyển thành tên gọi điều khoản, vì lý do: Bộ quy tắc (cũ) đã được thực hiện 8 năm, tên gọi quy tắc đã được dùng quen thuộc và viện dẫn trong quá trình thực hiện, nên không cần thiết phải sửa đổi thành điều khoản. Tên “Quy tắc” cũng thể hiện đặc trưng của các quy phạm đạo đức điều chỉnh hành vi đạo đức và ứng xử của Luật sư, khác với các quy định dưới hình thức tên “Điều”, “Khoản” của quy phạm pháp luật. Việc thay đổi quy tắc thành “Điều” nếu không làm thay đổi bản chất của các quy tắc thì không nên thay. Tổ dự thảo tiếp thu ý kiến này.
Về đối tượng áp dụng: Có ý kiến đề nghị áp dụng Bộ Quy tắc này đối với cả “người tập sự hành nghề Luật sư” vì trong nội hàm của tên gọi “ứng xử nghề nghiệp Luật sư” đã chứa đựng người tập sự hành nghề Luật sư.
Loại ý kiến khác đề nghị không áp dụng đối với người tập sự hành nghề Luật sư vì pháp luật quy định họ không được cung cấp dịch vụ pháp lý khi chưa được công nhận là Luật sư, chưa phải là thành viên Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư, chưa có tư cách Luật sư hành nghề; nếu người tập sự trong quá trình tập sự có vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, do nội dung của Bộ quy tắc chỉ điều chỉnh những vấn đề về đạo đức và ứng xử của Luật sư nên Bộ Quy tắc mới cũng không có quy tắc nào điều chỉnh hành vi đạo đức của “người tập sự hành nghề Luật sư”. Quy tắc 24 quy định về đạo đức và ứng xử của Luật sư trong quan hệ với người tập sự là quy định đối với Luật sư hướng dẫn chứ không quy định về ứng xử của người tập sự hành nghề.
Tiếp thu loại ý kiến thứ hai, trong Bộ Quy tắc mới không quy định người tập sự hành nghề Luật sư là đối tượng phải áp dụng.
2. Về nội dung cơ bản của Bộ quy tắc
2.1 Chương I. Quy tắc chung
Bộ Quy tắc (cũ) gồm 5 quy tắc. Bộ Quy tắc mới chỉ còn 4 quy tắc, do chuyển Quy tắc 3 “Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng” sang Chương II (Quan hệ với khách hàng) cho phù hợp với nội dung của chương. 04 quy tắc chung (từ Quy tắc 1 đến Quy tắc 04) quy định những vấn đề chung có tính phổ quát về đạo đức và ứng xử của Luật sư. Quy tắc 1 “Bảo vệ công lý và nhà nước pháp quyền” được sửa thành “Sứ mệnh của Luật sư” thể hiện sứ mệnh của Luật sư trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ công lý, công bằng xã hội, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quy tắc 2 quy định về tính độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan được giữ nguyên như quy tắc hiện hành.
Quy tắc 3 và 4 (Quy tắc 4 và Quy tắc 5 Bộ Quy tắc cũ) được rà soát, chỉnh lý về câu chữ, văn phong, thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Luật sư trong việc giữ gìn danh dự, uy tín và phát huy truyền thống của Luật sư (Quy tắc 5 cũ chỉ quy định “xứng đáng với sự tin cậy của xã hội”) và trách nhiệm của Luật sư trong việc tham gia các hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, không chỉ bó hẹp trong trách nhiệm trợ giúp pháp lý miễn phí như Quy tắc 4 hiện hành.
2.2 Chương II. Quan hệ với khách hàng
Gồm 12 quy tắc (từ quy tắc 05 đến 16). Các quy tắc trong Chương này đã được rà soát, bổ sung những nội dung còn thiếu; loại bỏ những quy tắc đã được pháp luật quy định; thể hiện sự ngắn gọn, cô đọng, súc tích hơn.
Chương này được chia thành 4 mục nhỏ:
* Mục 1 (từ Quy tắc 5 đến Quy tắc 9) là những quy tắc cơ bản trong quan hệ giữa Luật sư với khách hàng, những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng.
* Mục 2 (Quy tắc 10 và Quy tắc 11) là những quy tắc về ứng xử cụ thể của Luật sư khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng, những trường hợp Luật sư phải từ chối tiếp nhận vụ việc;
* Mục 3 (từ Quy tắc 12 đến Quy tắc 15): Quy định về ứng xử của Luật sư khi thực hiện vụ việc của khách hàng; các trường hợp Luật sư có quyền từ chối hoặc phải từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng; ứng xử của Luật sư khi đơn phương chấm dứt thực hiện vụ việc đã nhận của khách hàng và giải quyết khi có xung đột lợi ích trong quá trình nhận, thực hiện vụ việc của khách hàng.
* Mục 4 (Quy tắc 16): Quy định về ứng xử của Luật sư với khách hàng khi kết thúc vụ việc.
Sở dĩ Bộ Quy tắc mới chia Chương II thành 04 mục nhỏ là trên cơ sở tham khảo Bộ Quy tắc của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản và căn cứ vào thực tế quan hệ giữa Luật sư với khách hàng trải qua 03 giai đoạn: Nhận vụ việc, thực hiện vụ việc, kết thúc vụ việc để xác định các quy tắc ứng xử của Luật sư trong từng giai đoạn, tránh bị trùng lắp và dễ áp dụng trong quá trình thực hiện. Những vấn đề chung của mối quan hệ Luật sư với khách hàng được đưa vào Mục 1. “Những quy định cơ bản”. Phần ứng xử còn lại có những quy tắc tương ứng với nội dung và tính chất của từng giai đoạn.
Trong Chương II, vấn đề xung đột lợi ích là vấn đề được đại đa số các Luật sư quan tâm, có nhiều ý kiến trong các buổi tọa đàm, hội thảo trong nước và quốc tế, đặc biệt là ý kiến của các Luật sư trong Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế. Các ý kiến này cho rằng, cần phải nghiên cứu, cấu trúc lại Quy tắc này cho phù hợp với thực tiễn hành nghề Luật sư, với thực tiễn khu vực và quốc tế. Tổ dự thảo đã nhiều lần trực tiếp lấy ý kiến các Luật sư như là những chuyên gia, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong giải quyết các tranh chấp về xung đột lợi ích. Vì vậy, Quy tắc 15 trong Bộ Quy tắc mới đã thể hiện cụ thể trong Quy tắc 15.1 là loại quy phạm định nghĩa về xung đột lợi ích, bảo đảm tính khái quát, khắc phục được sự liệt kê cụ thể về xung đột lợi ích mà trong thực tế kỹ thuật lập pháp, không thể liệt kê hết.
Khi giải quyết các trường hợp xung đột về lợi ích nhằm bảo đảm một cách tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, vẫn cần tôn trọng quyền tự định đoạt của khách hàng trong việc chọn lựa Luật sư bảo vệ cho mình. Vì vậy, Bộ Quy tắc mới có quy định một số trường hợp xung đột về lợi ích, nhưng khách hàng vẫn tự nguyện chấp nhận bằng văn bản thì sẽ không còn là điều cấm đối với Luật sư trong các trường hợp có xung đột về lợi ích. Tất nhiên, sự chấp thuận của khách hàng không được trái với quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
Vấn đề xung đột lợi ích được sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:
Sửa đổi toàn bộ Quy tắc 11 (cũ) “Giải quyết xung đột về lợi ích” thành Quy tắc 15 mới “Xung đột về lợi ích”.
+ Quy tắc 11(cũ) gồm 02 nhóm Quy tắc:
- Quy tắc 11.1. là một quy phạm định nghĩa về “xung đột lợi ích” nhưng chưa bảo đảm tính khái quát chung về xung đột lợi ích mà chỉ nêu ra đối tượng và phạm vi xung đột về mặt chủ thể, nên gặp nhiều hạn chế trong xác định trên thực tế;
- Quy tắc 11.2 quy định việc ứng xử của Luật sư trong 04 trường hợp có xung đột về lợi ích, không bao quát hết được thực tế xung đột.
+ Quy tắc 15 (mới) gồm 04 nhóm quy tắc:
- Quy tắc 15.1. Cũng là một quy phạm định nghĩa nhưng mang tính khái quát cao dựa trên tiêu chí bảo đảm quyền lợi của khách hàng trong mối quan hệ khách hàng - Luật sư.
- Quy tắc 15.2. quy định về ứng xử chung của Luật sư khi có xung đột về lợi ích.
- Quy tắc 15.3. Quy định về 07 trường hợp xung đột lợi ích rõ ràng, dễ xác định.
- Quy tắc 15.4. quy định ứng xử tùy nghi của Luật sư trong một số trường hợp nhất định dựa trên việc tôn trọng quyền lựa chọn của khách hàng.
+ Thêm Quy tắc 15.2 về trách nhiệm của Luật sư đối với trường hợp xung đột lợi ích.
Sửa đổi trên đã khắc phục thiếu sót về xung đột lợi ích trong Quy tắc 11 (cũ) bằng quy định rõ Luật sư phải từ chối và tôn trọng quyền của khách hàng trong các trường hợp xung đột lợi ích cụ thể.
Bổ sung Quy tắc 12.4 “Trong trường hợp đang cùng thực hiện một vụ việc, nếu có sự không thống nhất ý kiến giữa các Luật sư quyền lựa chọn”. Đây là quy định xuất phát từ thực tiễn hành nghề về cách ứng xử giữa các Luật sư cùng bảo vệ quyền lợi của một khách hàng trong vụ việc cụ thể.
2.3 Chương III. Quan hệ với đồng nghiệp
Gồm 9 quy tắc (từ Quy tắc 17 đến Quy tắc 25) quy định về ứng xử của Luật sư trong quan hệ với Luật sư đồng nghiệp, ứng xử của luật sư khi có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp, những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp; ứng xử của Luật sư với tổ chức hành nghề Luật sư; ứng xử của Luật sư với người tập sự hành nghề Luật sư; ứng xử của Luật sư với tổ chức xã hội-nghề nghiệp của Luật sư và của Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân.
Các quy tắc trong Chương này đã được rà soát, thể hiện ngắn gọn, cô đọng, súc tích hơn.
Quy định rõ ràng hơn về tình đồng nghiệp giữa các Luật sư, Luật sư phải tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt tuổi tác và thời gian hành nghề; Luật sư không được tạo thành phe nhóm để cô lập đồng nghiệp, không liên kết, liên danh, thành lập nhóm hoạt động trái pháp luật, Điều lệ Liên đoàn và Bộ Quy tắc này.
Quan hệ của Luật sư với tổ chức xã hội – nghề nghiệp Luật sư và quan hệ của Luật sư với tổ chức hành nghề Luật sư (Quy tắc 21 cũ) được tách ra thành 02 quy tắc riêng (Quy tắc 22 “Ứng xử của Luật sư trong tổ chức hành nghề Luật sư” và Quy tắc 25 “Quan hệ của Luật sư với tổ chức xã hội – nghề nghiệp Luật sư”).
Bổ sung một quy tắc (Quy tắc 23) về ứng xử của Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân trong quan hệ với cơ quan, tổ chức để giữ tính độc lập, trung thực, khách quan của ;uật sư hành nghề với tư cách cá nhân.
Bổ sung Quy tắc 21 “Những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp” bằng Quy tắc 21.7. Luật sư không được “Có hành vi tạo thành phe, nhóm giữa các Luật sư để cô lập đồng nghiệp trong quá trình hành nghề”… và Quy tắc 21.8. Luật sư không được “Thực hiện việc liên kết, liên danh, thành lập nhóm Luật sư hoạt động trái với quy định của pháp luật về Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư”.
Bổ sung Quy tắc 24.2.4 là quy tắc cấm Luật sư “Xác nhận không phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam vào Nhật ký tập sự hành nghề Luật sư và Hồ sơ thực hành để người tập sự hành nghề Luật sư được tham gia kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư”. Quy tắc này xuất phát từ thực tiễn tổ chức các kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề Luật sư để bảo đảm đạo đức nghề nghiệp đối với các Luật sư hướng dẫn tập sự.
2.4 Chương IV. Quan hệ với cơ quan, người tiến hành tố tụng
Gồm 03 quy tắc (từ Quy tắc 26 đến Quy tắc 28) quy định về ứng xử của Luật sư trong quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng khi hoạt động hành nghề trong lĩnh vực tố tụng, bao gồm những ứng xử chung của Luật sư khi tham gia tố tụng, ứng xử tại phiên tòa và những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.
- Sửa đổi tên Chương IV Bộ Quy tắc (cũ) “Quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng”thành “Quan hệ với cơ quan, người tiến hành tố tụng” trong Bộ Quy tắc mới.
- Tách Quy tắc 23 (cũ) “Ứng xử của Luật sư trong quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng” thành 02 quy tắc mới: Quy tắc 26 “Quy tắc chung khi tham gia tố tụng” và Quy tắc 27 “Ứng xử tại phiên tòa”.
- Sửa Quy tắc 24 (cũ) “Những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng” thành Quy tắc 28 mới, theo hướng:
+ Bỏ toàn bộ Quy tắc 24.1, 24.2, 24.3, 24.4, 24.5 vì những nội dung này đã được quy định trong Luật Luật sư và Bộ luật TTHS.
+ Sửa đổi câu chữ trong Quy tắc 24 (cũ) cho gọn lại trong Quy tắc 28. “Những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng”.
“28.1. Phát biểu những điều biết rõ là sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc nơi công cộng về những vấn đề có liên quan đến vụ việc mà mình đảm nhận hoặc không đảm nhận nhằm gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.
28.2. Phản ứng tiêu cực bằng hành vi tự ý bỏ về khi tham gia tố tụng.
28.3. Thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật”.
Các quy tắc trong Chương này đã được rà soát, thể hiện ngắn gọn, cô đọng, súc tích hơn; loại bỏ những nội dung đã được pháp luật quy định.
2.5 Chương 5. Quan hệ với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác
Chương này gồm 02 quy tắc (Quy tắc 29 và Quy tắc 30), quy định về ứng xử của Luật sư trong quan hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. So với Bộ Quy tắc (cũ), Chương này được bổ sung thêm 01 quy tắc quy định về ứng xử của luật sư trong “Quan hệ với các tổ chức, cá nhân khác”.
Luật sư cần có thái độ lịch sự, tôn trọng khi tiếp xúc, làm việc với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác; tuân thủ quy định, nội quy của các cơ quan, tổ chức và quy định của Bộ Quy tắc này.
2.6 Chương VI. Các quy tắc khác
Chương này vẫn gồm 02 quy tắc (Quy tắc 31 và Quy tắc 32), trong đó thay thế Quy tắc 26 (cũ) về ứng xử của Luật sư trong “Quan hệ với các cơ quan thông tin đại chúng” thành Quy tắc 31. “Thông tin, truyền thông”. Quy định chung về ứng xử của Luật sư khi cung cấp thông tin cho báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng mạng xã hội. Quy tắc 32 là quy tắc cuối cùng vẫn quy định về ứng xử của Luật sư khi quảng cáo về hoạt động nghề nghiệp của Luật sư, nghề Luật sư. |
III. NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI TRIỂN KHAI THỰC HIỆN BỘ QUY TẮC
1. Bộ quy tắc được sửa đổi, thông qua và ban hành được sự tài trợ và giúp đỡ quý báu của tổ chức Jica (Nhật Bản). Hiện Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã in ấn và chuyển cho các Đoàn Luật sư để làm tài liệu nghiên cứu, thực hiện. Để Bộ Quy tắc được thi hành nghiêm chỉnh trên thực tế hoạt động hành nghề Luật sư, Liên đoàn cần biên soạn tài liệu và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho các Luật sư báo cáo viên để về triển khai học tập nghiên cứu tại các Đoàn Luật sư, các tổ chức hành nghề.
2. Liên đoàn và các Đoàn Luật sư cần có kết hoạch tổ chức các lớp học tập, bồi dưỡng những nội dung mới của Bộ Quy tắc. Đối tượng là các Luật sư có kinh nghiệm, uy tín trong nghề nghiệp, khả năng trình bày… để về triển khai các lớp bồi dưỡng do các Đoàn Luật sư tổ chức. Thông qua các lớp học tập, bồi dưỡng, các báo cáo viên cần tổ chức trao đổi, đối thoại với các Luật sư học viên về những vấn đề đặt ra từ hoạt động thực tiễn của các Luật sư để ghi nhận, kết luận… giúp cho việc theo dõi, tổng kết việc thực hiện Bộ Quy tắc trong thực tiễn.
3. Theo kinh nghiệm của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản, Liên đoàn cần thành lập một Tổ soạn thảo, có trách nhiệm biên soạn cuốn Bình luận Bộ Quy tắc. Cuốn bình luận này sẽ do Hội đồng Luật sư toàn quốc thông qua, có giá trị nghiên cứu, tham khảo, giúp các Luật sư hiểu cho đúng nội dung và tinh thần của từng quy tắc trong hoạt động nghề nghiệp, làm căn cứ để Liên đoàn giải thích, hướng dẫn trong việc áp dụng các quy tắc, bảo đảm tính thống nhất trong thực hiện hoặc xử lý các vi phạm tại các Đoàn Luật sư.
4. Hàng năm, Ủy ban đào tạo và Trung tâm bồi dưỡng nghề nghiệp Luật sư của Liên đoàn cần phối hợp với các Đoàn Luật sư có kế hoạch bồi dưỡng về Bộ Quy tắc với tài liệu biên soạn, chỉnh lý cho phù hợp với yêu cầu bồi dưỡng của các luật sư, nên tổ chức các lớp theo hình thức đối thoại, trao đổi, tọa đàm về các tình huống này sinh trong thực tiễn hành nghề. Cuối năm, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tổng kết công tác bồi dưỡng để rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng bồi dưỡng cho các năm sau.
Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN MINH TÂM UVBTV Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam |