Kể từ khi có hiệu lực, Nghị định 37/2015/NĐ-CP đã làm rõ các loại hợp đồng, phân định được quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng và các chủ thể liên quan góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng và chi phí của dự án đầu tư xây dựng công trình, góp phần chống thất thoát, lãng phí, giảm đáng kể nợ đọng vốn trong xây dựng, đảm bảo tính công bằng giữa các chủ thể và nâng cao hiệu quả đầu tư của dự án đầu tư xây dựng công trình, đặc biệt là các công trình xây dựng có sử dụng vốn nhà nước. Tuy nhiên, Nghị định 37/2015/NĐ-CP cũng đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp với thực tiễn quản lý, đặc biệt là sau khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Xây dựng năm 2020, có một số quy định mới cần được Chính phủ hướng dẫn chi tiết.
Chính vì vậy, ngày 01/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP. Trong đó có những điểm mới đáng chú ý liên quan đến các loại Hợp đồng xây dựng sau đây:
Thứ nhất, bổ sung quy định chi tiết về loại Hợp đồng xây dựng đơn giản, quy mô nhỏ và hình thức Hợp đồng theo chi phí cộng phí
Nghị định số 50/2021/NĐ-CP cập nhật thêm khái niệm về loại Hợp đồng xây dựng đơn giản, quy mô nhỏ và bổ sung một số quy định chi tiết về loại Hợp đồng này. Theo đó, đây là hợp đồng xây dựng để thực hiện các gói thầu và có giá trị không vượt quá hạn mức của gói thầu quy mô nhỏ theo quy định của pháp luật về đấu thầu (ví dụ: gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa có giá trị gói thầu không quá 10 tỉ đồng; gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá trị gói thầu không quá 20 tỉ đồng,…), đồng thời nội dung công việc thuộc phạm vi của hợp đồng có tính chất kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện. Nghị định 50/2021/NĐ-CP cũng quy định: riêng hợp đồng đơn giản, quy mô nhỏ, chủ đầu tư xem xét, quyết định việc thực hiện bảo lãnh tạm ứng hợp đồng đảm bảo phù hợp với tính chất công việc của hợp đồng; Việc tạm ứng hoặc không tạm ứng do bên giao thầu và bên nhận thầu xem xét, thống nhất theo đề nghị của bên nhận thầu bảo đảm phù hợp với yêu cầu của gói thầu, giảm bớt thủ tục không cần thiết.
“Hợp đồng theo chi phí cộng phí” cũng là một hình thức hợp đồng xây dựng được quy định tại Điều 140 Luật Xây dựng 2014 nhưng Nghị định số 37/2015/NĐ-CP dường như đã “bỏ quên” không đề cập quy định chi tiết và hướng dẫn về loại hợp đồng này. Chính vì vậy Nghị định số 50/2021/NĐ-CP đã khắc phục đưa vào phân loại và tạo tiền đề pháp lý quy định giá hợp đồng xây dựng và các điều kiện áp dụng trong các Thông tư hướng dẫn sau này. Giá hợp đồng theo chi phí cộng phí là giá hợp đồng chưa xác định được giá trị tại thời điểm ký kết hợp đồng, các bên chỉ thỏa thuận về chi phí quản lý, chi phí chung và lợi nhuận do chưa đủ cơ sở xác định phạm vi công việc và chi phí trực tiếp để thực hiện các công việc của hợp đồng. Hình thức hợp đồng này chỉ áp dụng với các gói thầu mà tại thời điểm ký kết hợp đồng các bên chưa đủ cơ sở xác định phạm vi công việc, nhu cầu cần thiết về việc sử dụng vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công để thực hiện các công việc dự kiến của hợp đồng.
Thứ hai, hiệu chỉnh tên gọi một số loại Hợp đồng xây dựng và trao quyền chủ động hơn cho các chủ đầu tư đối với hình thức Hợp đồng EPC.
Khoản 2 Điều 1 Nghị định 50/2021/NĐ-CP hiệu chỉnh lại tên gọi của một số loại Hợp đồng xây dựng sau:
- “Hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ” đổi thành “Hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị”;
- “Hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị công nghệ” đổi thành “Hợp đồng thiết kế và mua sắm vật tư, thiết bị” – (EP);
- “Hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình” đổi thành “Hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị và thi công xây dựng công trình” (PC),
- “Hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình” đổi thành “Hợp đồng thiết kế – mua sắm vật tư, thiết bị – thi công xây dựng công trình” (EPC).
Riêng Hợp đồng EPC được ưu tiên áp dụng đối với dự án phức tạp, có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao và phải tuân thủ chặt chẽ tính đồng bộ, thống nhất từ khâu thiết kế đến khâu cung cấp thiết bị, thi công, đào tạo chuyển giao công nghệ.
Trước khi quyết định áp dụng loại hợp đồng EPC, người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức đánh giá các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, rút ngắn thời gian thực hiện của dự án, tính đồng bộ từ khâu thiết kế, cung cấp thiết bị, thi công xây dựng công trình đến khâu đào tạo vận hành, chuyển giao công trình để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của dự án được phê duyệt và đảm bảo tính khả thi của việc áp dụng hợp đồng EPC so với các loại hợp đồng khác.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng xây dựng.
Nghị định 50/2021/NĐ-CP quy định rõ việc việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng được áp dụng trong cả thời gian hợp đồng được gia hạn. Theo đó:
- Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá hợp đồng được điều chỉnh trong trường hợp:
Khi (1) Nhà nước thay đổi các chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác; hoặc (2) Khi dự án được điều chỉnh có ảnh hưởng đến hợp đồng, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác; hoặc (3) các trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
- Đối với hợp đồng trọn gói, bổ sung thêm 2 trường hợp được điều chỉnh hợp đồng sau:
(1) Khi Nhà nước thay đổi các chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác; (2) Khi dự án được điều chỉnh có ảnh hưởng đến hợp đồng, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác.
Như vậy, có thể thấy Nghị định 50/2021/NĐ-CP ban hành với kỳ vọng kịp thời bổ sung các quy định còn chưa đầy đủ, chưa cụ thể; đồng thời bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về xây dựng và khắc phục được những tồn tại, hạn chế nhằm rút ngắn thời gian thực hiện và nâng cao hiệu quả đầu tư dự án.
Công ty Luật TNHH Vietthink
Những mâu thuẫn, chồng chéo giữa pháp luật đất đai với các văn bản pháp luật khác