Ảnh minh họa.
Thứ nhất, liên quan đến việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Việc tra cứu thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được triển khai thực hiện, tuy nhiên thông tin tra cứu chưa chính xác. Cụ thể, khi thực hiện việc tra cứu thông tin của công dân người đồng bào dân tộc thiểu số là chưa chính xác hoặc không có thông tin như: Một số thông tin của công dân là người dân tộc Ba Na nhưng hiển thị thông tin tra cứu là dân tộc K’Ho hoặc Ê Đê, có trường hợp thông tin dân tộc của công dân chưa hiển thị; do đó gây khó khăn cho việc giải quyết TTHC, nhất là lĩnh vực hộ tịch. Không xác định được tình trạng hôn nhân của công dân khi đã ly hôn nhưng hệ thống vẫn thể hiện việc vẫn còn quan hệ hôn nhân.
Thứ hai, liên quan đến các phần mềm liên thông các TTHC hiện nay và đặc biệt là đối với 02 nhóm TTHC liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia việc đăng ký tài khoản cho công dân gặp một số khó khăn.
Một là, số điện thoại đăng ký của công dân không chính chủ, xảy ra lỗi tích hợp tại các nhà mạng; đối với công dân không dùng điện thoại thì không thể tạo tài khoản cho công dân.
Hai là, tài khoản đăng ký bằng CCCD công dân cần cài đặt ứng dụng VNeID. Việc tải ứng dụng VNeID của Bộ Công an đòi hỏi cấu hình điện thoại cao (với hệ điều hành IOS từ 13.0 trở lên) nên việc cài đặt phần mềm để kích hoạt tài khoản đối với đa số người dân còn dùng điện thoại cấu hình thấp là không thể tiến hành.
Thứ ba, những bất cập trên hệ thống phần mềm và những yếu tố khác: Các trường cải chính hộ tịch là người lớn tuổi, người đồng bào dân tộc thiểu số không sử dụng điện thoại thông minh, nên việc hướng dẫn cho công dân thực hiện nhập hồ sơ còn khó khăn, mất thời gian. Tốc độ đường truyền internet không ổn định, đôi khi mất kết nối với hệ thống trong thời gian dài gây khó khăn cho công chức tiếp nhận hồ sơ.
Ngoài ra, một số tổ chức bổ trợ tư pháp như tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức đấu giá tài sản; tổ chức hành nghề Luật sư và các tổ chức thừa phát lại chưa được kết nối, truy cập vào dữ liệu quốc gia về dân cư quốc gia cũng gây ra một số khó khăn nhất định.
Ví dụ, trong lĩnh vực công chứng nhiều trường hợp đã thay đổi địa chỉ nơi thường trú khác so với địa chỉ ghi trong căn cước công dân nhưng không khai báo nên chưa được tích hợp vào trong Cơ sở dữ liệu dân cư hoặc có trường hợp đã được tích hợp nhưng khi quét mã QR trên căn cước vẫn thể hiện nơi thường trú cũ. Do vậy, khi công chứng hợp đồng, giao dịch ghi nơi thường trú của công dân không đúng với thực tế với nơi họ hiện tại thường trú. Điều này đã gây nhiều khó khăn khi thực hiện hợp đồng, giao dịch nên công dân phải xin giấy xác nhận nơi cư trú của cơ quan công an thì mới xác định được chính xác về nơi công dân thường trú.
Vì vậy, đề nghị cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện để các tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức hành nghề Luật sư và các tổ chức thừa phát lại được kết nối, truy cập vào Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để thực hiện các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực tư pháp nói chung và lĩnh vực bổ trợ tư pháp nói riêng.
Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Hướng dẫn cấp đăng ký hộ kinh doanh theo quy trình dự phòng