/ Pháp luật - Tiêu dùng
/ Một số vấn đề liên quan đến thuật ngữ 'tạm khóa báo có'

Một số vấn đề liên quan đến thuật ngữ 'tạm khóa báo có'

07/10/2021 15:54 |3 năm trước

(LSVN) – “Tạm khóa báo có” vào tài khoản ngân hàng là thủ tục tạm thời khóa tài khoản một chiều (chiều nhận tiền) trong một thời gian nhất định. Tức là chủ tài khoản sẽ tạm thời không nhận được tiền chuyển đến từ các tài khoản khác. Các giao dịch còn lại bao gồm cả giao dịch chuyển tiền đi vẫn có thể thực hiện bình thường.

Gần đây, dư luận xôn xao về việc làm từ thiện và sao kê tài khoản từ thiện của các nghệ sĩ Việt. Đặc biệt, liên quan đến các trang sao kê tài khoản ngân hàng của một nữ ca sĩ có dòng ghi "tạm khoá báo có". Rất nhiều thắc mắc liên quan đến thuật ngữ “tạm khóa báo có” này. Vậy pháp luật hiện nay quy định như thế nào về “tạm khóa báo có”, ai được quyền yêu cầu thực hiện tạm khóa báo có tài khoản và việc này ảnh hưởng như thế nào?

  Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài, Công ty Luật TNHH Thuế và Luật Hà Nội. 

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài, Công ty Luật TNHH Thuế và Luật Hà Nội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết căn cứ Văn bản hợp nhất số 10/VBHN-NHNN ngày 22/02/2019 Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt thì tạm khóa tài khoản được định nghĩa như sau:

Điều 12. Tạm khóa và phong tỏa tài khoản thanh toán

1. Tài khoản thanh toán được tạm khóa (tạm dừng giao dịch) một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản khi chủ tài khoản yêu cầu hoặc theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

2. Tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản trong các trường hợp sau:

a) Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

b) Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót;

c) Khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.

Bên cạnh đó, theo Điều 16 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện tạm khóa tài khoản thanh toán của khách hàng (tạm dừng giao dịch) một phần; hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán khi có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản (hoặc người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản); hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Như vậy, tạm khóa báo có vào tài khoản ngân hàng là thủ tục tạm thời khóa tài khoản một chiều (chiều nhận tiền) trong một thời gian nhất định. Tức là chủ tài khoản sẽ tạm thời không nhận được tiền chuyển đến từ các tài khoản khác. Các giao dịch còn lại bao gồm cả giao dịch chuyển tiền đi vẫn có thể thực hiện bình thường. Hay hiểu một cách đơn giản thì khi tài khoản khoá báo có (khoá chiều nhận tiền vào) thì sẽ không chuyển tiền vào được (tài khoản sẽ không nhận được tiền).

Ví dụ, trong thời gian tạm khoá có người chuyển khoản vào thì Ngân hàng sẽ hạch toán treo các khoản này. Thông thường sau 2-3 ngày làm việc nếu tài khoản người nhận không mở và không có yêu cầu ghi có của người chuyển tiền thì tiền sẽ được hoàn về cho người gửi. Tiền chỉ vào được tài khoản khi và chỉ khi tài khoản được mở lại (mà tiền chưa gửi trả người gửi) và có yêu cầu của người chuyển tiền là đồng ý tiếp tục ghi có (chuyển tiền) cho tài khoản đó.

Ai có quyền yêu cầu tạm khóa báo có tài khoản?

Căn cứ quy định tại Điều 16 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN thì việc tạm khóa tài khoản được thực hiện trong 02 trường hợp: (i) Có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản (hoặc người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản); (ii) Theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Tuy nhiên, cần phải phân biệt việc tạm khóa và phong tỏa một phần hoặc toàn bộ giao dịch. Việc phong tỏa tài khoản sẽ được thực hiện trong các trường hợp sau: (i) Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; (ii) Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót; (iii) Khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.

Ngoài ra, khách hàng đề nghị ngân hàng tạm khóa báo có tài khoản của mình trong một số trường hợp phổ biến như khi thẻ ngân hàng bị mất cắp, nghi lộ thông tin tài khoản cá nhân; khi chủ tài khoản phát hiện tình trạng mạo danh trong các giao dịch ngân hàng hoặc khi có sai sót giữa các chủ tài khoản dùng chung. Khách hàng cũng có thể nhận được thông báo tạm khóa tài khoản khi có văn bản yêu cầu và quyết định thẩm tra tài khoản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật. Hoặc khi có phát sinh nhầm lẫn trong quá trình thanh chuyển khoản từ phía ngân hàng.

Việc chấm dứt tạm khóa tài khoản thanh toán và việc xử lý các lệnh thanh toán đi, đến trong thời gian tạm khóa thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản thanh toán hoặc theo văn bản thỏa thuận giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Như vậy, không phải ai cũng có thể yêu cầu ngân hàng thực hiện tạm khóa tài khoản của một tài khoản bất kỳ và ngân hàng cũng không có quyền tạm khóa tài khoản khi chưa có thỏa thuận với khách hàng hoặc không có yêu cầu bằng văn bản.  Hiện nay, hầu hết các Ngân hàng đều có triển khai dịch vụ internet banking thì việc thực hiện thủ tục tạm khóa báo có tài khoản khá đơn giản và nhanh chóng. Khách hàng có thể thực hiện ngay trên ứng dụng Banking Mobile hoặc liên hệ tổng đài và xác thực một số thông tin cơ bản để đề nghị ngân hàng kích hoạt trạng thái tạm khóa báo có.

Từ những phân tích nêu trên, việc tài khoản của nữ ca sĩ có thời điểm ở trạng thái “tạm khóa báo có” thì khi có người chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng sẽ hạch toán treo các khoản này. Nếu tài khoản của ca sĩ này mở lại và người chuyển vẫn tiếp tục đồng ý chuyển thì những khoản tiền chuyển trong thời gian tạm khóa tài khoản vẫn có thể tiếp tục được ghi nhận.

Tạm khóa báo có ảnh hưởng như thế nào đến cá nhân có tài khoản, các giao dịch và ngân hàng?

Như đã phân tích ở trên, việc tạm khóa báo có tài khoản có ảnh hưởng nhất định tới chủ tài khoản, các giao dịch đến tài khoản đó và cả ngân hàng nơi mở tài khoản. Ngoài việc ngăn chặn các tác động tiêu cực hoặc nguy cơ bị mạo danh, lộ thông tin khi thực hiện tạm khóa báo có thì việc làm này làm gián đoạn một số giao dịch khi không thuộc các trường hợp nêu trên.

Đối với chủ tài khoản, việc tạm khóa tài khoản không được công khai thông tin do đó, chủ tài khoản sẽ không nhận được tiền chuyển tới trong thời gian tạm khóa cho đến khi mở lại. Các giao dịch chuyển tiền đến tài khoản đang tạm khóa báo có sẽ bị hoàn trả hoặc sẽ mất nhiều thời gian hơn để chuyển sau khi có xác nhận tiếp tục chuyển tiền từ người chuyển tiền. Còn các giao dịch chuyển tiền đi vẫn được thực hiện bình thường.

Ngân hàng trong trường hợp có các giao dịch tới tài khoản đang tạm khóa báo có, sẽ phải thực hiện theo các nghiệp vụ chuyên môn, hạch toán treo các khoản chuyển tới tài khoản và thực hiện hoàn lại cho người chuyển sau khi xác nhận lại từ bên chuyển tiền.

Như vậy, trong trường hợp của nữ ca sĩ nêu trên, và theo thông báo của Ngân hàng Vietcombank thì các cá nhân đã chuyển khoản tới tài khoản của nữ ca sĩ trong thời gian tài khoản tạm khóa báo có sẽ được hoàn lại tiền và thời gian phụ thuộc vào hệ thống từng ngân hàng.

PHƯƠNG THẢO

Cần tăng cường đổi mới cải cách tư pháp trên phương diện lập pháp

Lê Minh Hoàng