(LSVN) - "Những kết quả trên là sự nỗ lực, từng bước cải thiện thể chế pháp luật của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Tuy nhiên, qua thực tiễn hành nghề Luật sư của mình, tôi nhận thấy còn có một số quy phạm pháp luật chưa rõ, chưa có cách hiểu thống nhất, còn gây tranh cãi hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong việc áp dụng; chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải thích, hướng dẫn đầy đủ, kịp thời".
Ảnh minh họa.
Ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Một trong những nhiệm vụ của cải cách tư pháp là hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp. Tính đến thời điểm hiện tại, có thể điểm qua một số kết quả thực hiện nhiệm vụ này như sau:
- Hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp và tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo đúng định hướng của Đảng về cải cách tư pháp: Hoàn thiện và đưa vào áp dụng Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự; Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự…
- Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 theo hướng thể chế hóa chính sách hình sự nhân đạo hơn, bãi bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm, hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền.
- Luật Tố tụng hành chính năm 2010 được xây dựng theo hướng mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính, bảo đảm sự bình đẳng giữa người dân và cơ quan công quyền trước tòa án.
- Luật Thi hành án Dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và Luật Thi hành án Hình sự năm 2010 đều hướng tới bảo đảm các bản án, quyết định của tòa án được thi hành nghiêm minh theo các nguyên tắc, trình tự, thủ tục minh bạch, dân chủ, công khai, phù hợp với tính chất của từng loại án, quy định rõ tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thi hành án, cơ quan quản lý thi hành án, thể chế hóa những chủ trương mới trong thi hành án, như thay đổi hình thức thi hành án tử hình, xã hội hóa một số khâu thi hành án dân sự...
Những kết quả trên là sự nỗ lực, từng bước cải thiện thể chế pháp luật của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Tuy nhiên, qua thực tiễn hành nghề Luật sư của mình, tôi nhận thấy còn có một số quy phạm pháp luật chưa rõ, chưa có cách hiểu thống nhất, còn gây tranh cãi hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong việc áp dụng; chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải thích, hướng dẫn đầy đủ, kịp thời.
Ví dụ về quy định vay tài sản. Bạn có thể vay tiền, vay vàng hoặc các tài sản khác. Tuy nhiên, lãi suất cho vay được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 làm căn cứ tính lãi nặng mới chỉ quy định lãi suất đối với tài sản cho vay là tiền mà chưa quy định lãi suất cho vay đối với các tài sản khác. Hoặc cũng liên quan đến vấn đề cho vay, trường hợp pháp nhân thực hiện hành vi cho vay nặng lãi thì theo Bộ luật Hình sự hiện hành, pháp nhân thương mại lại không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Cho vay nặng lãi" trong giao dịch dân sự.
Ngoài ra, còn một số nội dung chưa rõ ràng, gây tranh cãi trong Bộ luật Dân sự 2015 như quyền về lối đi qua bất động sản liền kề, hiệu lực của di chúc chung vợ chồng,…
Một vấn đề cần phải nói tới ở đây là việc Luật sư gặp khó khăn trong việc gặp gỡ, tiếp xúc với thân chủ đang bị tạm giam. Mặc dù đã có những quy định trao quyền cho Luật sư được gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi riêng với thân chủ, nhưng trên thực tế, luật sư lại bị gây khó khăn trong quá trình thực thi quyền của mình.
Ngoài ra, trong quá trình trợ giúp pháp lý tại một số địa phương, việc nhận thức và áp dụng pháp luật của các ngành, các địa phương thiếu thống nhất, dập khuôn, máy móc, làm ảnh hưởng đến các quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Hơn nữa, bên cạnh những kết quả tích cực từ sự hội nhập và phát triển kinh tế là tình hình vi phạm, tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện ngày càng nhiều các loại tội phạm mới, đặc biệt là nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao, có tính chất xuyên quốc gia. Thực tế này đã và đang đặt ra nhu cầu tiếp tục thực hiện tốt cải cách tư pháp, tăng cường đổi mới cải cách tư pháp ở nhiều phương diện trong tình hình mới, trong đó phương diện lập pháp có tầm quan trọng đặc biệt.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, triển khai các luật, Nghị quyết của Quốc hội mới ban hành; xây dựng, theo dõi đôn đốc và ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với luật, Nghị quyết.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Chú trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật gắn với thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý văn bản, nhất là những văn bản có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc bổ sung, hoàn thiện các chế định về quyền sở hữu, hợp đồng, bồi thường… để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch dân sự. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện pháp luật về Tố tụng Hình sự, tăng cường tính công khai, minh bạch, có biện pháp mạnh tay để nâng cao tính răn đe.
Luật sư NGUYỄN THỊ THU HOÀI
Công ty Luật TNHH Thuế và Luật Hà Nội