Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật
Thứ nhất, để đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, TAND Tối cao đã ban hành Án lệ số 47/2021/AL ngày 25/11/2021 nhằm xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại nhưng bị hại không chết để xử lý hành vi giết người trong trường hợp hành vi của bị cáo là phạm tội chưa đạt. Sau đó, TAND Tối cao đã ban hành Công văn số 100/TANDTC-PC ngày 13/6/2023 để hướng dẫn về việc áp dụng án lệ này theo đó để xác định bị cáo có phạm tội "Giết người" thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt hay không thì cần đánh giá một cách khách quan, toàn diện mọi tình tiết của vụ án.
Theo đó, ngoài việc chứng minh bị cáo đã có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại thì cần phải xem xét, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ của vụ án, các tình tiết thể hiện tính chất, mức độ của hành vi, cơ chế hình thành vết thương, sự quyết liệt trong thực hiện hành vi, vị trí cơ thể bị hại mà bị cáo có ý định tấn công để chứng minh ý thức chủ quan của bị cáo là cố ý thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho tính mạng của bị hại; hành vi của bị cáo thể hiện sự côn đồ, hung hãn, quyết liệt, coi thường tính mạng người khác; bị hại không chết là ngoài ý thức, mong muốn chủ quan của bị cáo.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, rất nhiều cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cho rằng chỉ cần hành vi phạm tội của bị cáo có yếu tố dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu của cơ thể nạn nhân là sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự của bị cáo về tội “Giết người” theo Án lệ số 47 trong mọi trường hợp mà bỏ qua việc đánh giá toàn diện các yếu tố khác mà Công văn số 100/TANDTC-PC của TAND Tối cao đã hướng dẫn. Từ nhận thức khác nhau như vậy đã dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, việc xác định bị cáo phạm tội “Giết người” hay “Cố ý gây thương tích” vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau, đồng thời không loại trừ việc sẽ truy cứu người phạm tội sai tội danh, không đúng với tính chất hành vi phạm tội của bị cáo, làm xấu đi tình trạng của bị cáo.
Thứ hai, trong thời gian vừa qua, có một hiện tượng, hành vi đã được phản ánh đó là việc lắp đặt, sử dụng bẫy chuột bằng điện tại đồng ruộng gây hậu quả điện giật chết người và gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe của người khác. Xoay quanh vấn đề này trong một vụ án mà người phạm tội có làm chết người và gây thương tích cho một người khác thì sẽ bị xử lý về một tội “Giết người” theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành với tình tiết định khung tại điểm l “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” hay sẽ xử lý về hai tội riêng biệt là tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích” căn cứ vào từng hậu quả thực tế đã xảy ra hoặc cũng có quan điểm cho rằng trường hợp này người phạm tội chỉ bị truy cứu về tội “Vô ý làm chết người” và tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” tức việc xác định lỗi trong hành vi phạm tội của người phạm tội là lỗi vô ý. Trong thực tiễn đã phát sinh nhiều quan điểm về định tội danh khác nhau.
Thứ ba, đối với tình tiết “Phạm tội có tính chất côn đồ”, hiện nay cơ quan tố tụng vẫn vận dụng theo hướng dẫn tại Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 của TAND Tối cao và Kết luận của Chánh án TAND Tối cao tại Hội nghị tổng kết ngành Tòa án từ năm 1995. “Côn đồ” theo Từ điển tiếng Việt được định nghĩa là kẻ chuyên gây sự, hành hung, có những hành động ngang ngược, thô bạo. Theo hướng dẫn của Tòa án nhân tối cao tại Công văn số 38 và Kết luận tại Hội nghị tổng kết ngành Tòa án năm 1995 thì “Có tính chất công đồ” có nghĩa là: “Coi thường pháp luật, luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng và thích dùng vũ lực để uy hiếp người khác, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự người khác.” Hiện nay, có thêm Án lệ số 17/2018/AL có xác định yếu tố được đánh giá là “có tính chất côn đồ” là việc: “Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt với nhau mà tội phạm đã dùng mã tấu chém nhiều nhát vào những vùng trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân”.
Tuy nhiên, Công văn số 38 và kết luận trên đã có từ rất lâu áp dụng cho Bộ luật cũ, lại mang tính chất chung chung, chưa thực sự rõ ràng, hơn nữa trong việc xác định thế nào là “mâu thuẫn nhỏ nhặt” cũng vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, tại Án lệ số 17 chỉ xác định về tình tiết phạm tội “có tính chất côn đồ” trong trường hợp cụ thể của vụ án và áp dụng trong các tình huống tương tự, còn trong thực tiễn có thể xảy ra rất nhiều các hành vi khác nhau, phần lớn việc xác định vấn đề pháp lý này lại phụ thuộc nhiều vào ý chí, nhận thức chủ quan của người tiến hành tố tụng, từ đó dẫn đến việc áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tố tụng còn chưa thống nhất.
Đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, trong thời gian tới, đối với các vụ án mà người phạm tội có sử dụng hung khí tấn công vào vùng trọng yếu của bị hại, cơ quan tiến hành tố tụng cần nghiên cứu thật kỹ Án lệ số 47 và Công văn số 100 của TAND Tối cao, từ đó cần đánh giá một cách toàn diện mọi tình tiết của vụ án, kịp thời xin ý kiến của cơ quan cấp trên hoặc tố chức họp liên ngành, tránh việc nhận thức, tư duy chủ quan, duy ý chí trong việc áp dụng pháp luật trong các vụ án khác nhau.
Thứ hai, trong vụ án sử dụng bẫy điện để phòng chống chuột tại vườn cây, đồng ruộng cần nghiên cứu thật kỹ hướng dẫn tại Công văn số 81/2002/TANDTC của TAND Tối cao, đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng nhưng dẫn tới hậu quả làm chết người, việc xử lý cần phân chia thành các trường hợp như sau:
Thứ nhất, nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội "Giết người".
Thứ hai, nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội "Vô ý làm chết người".
Từ hướng dẫn nêu trên, có thể thấy mấu chốt của việc xử lý đối với hành vi dùng bẫy điện làm chết người nằm ở hai yếu tố, đó là không gian, địa điểm thực hiện hành vi có phải nơi đông người qua lại hay không; và người mắc bẫy điện có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm hay các động thái khác nhằm cảnh báo cho người khác hay không. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan tố tụng xác định hành vi vi phạm pháp luật của người phạm tội làm căn cứu truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đối với trường hợp mà hậu quả của hành vi bao gồm cả làm chết người và gây thương tích cho người khác theo tác giả, cần xác định yếu tố lỗi của người phạm tội là cố ý hay vô ý, nếu xác định được lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý gián tiếp thì áp dụng pháp luật theo hướng hậu quả đến đâu thì xử lý đến đó tức là trong trường hợp trên đã xảy ra hai hậu quả là chết người và gây thương tích thì truy cứu người phạm tội về hai tội danh là hợp lý. Trong trường hợp xác định được lỗi của người phạm tội là vô ý thì cũng truy cứu họ về hai tội danh là “Vô ý làm chết người” và “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” sẽ đảm bảo việc phân hóa hành vi, hậu quả của tội phạm. Tuy nhiên, tác giả cũng đề xuất cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành hướng dẫn áp dụng pháp luật trong trường hợp này để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan tố tụng cấp dưới có căn cứ thống nhất để giải quyết các vụ án.
Thứ ba, đối với việc áp dụng tình tiết “Có tính chất côn đồ”, bởi các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật đã rất lâu lại hướng dẫn cho Bộ luật cũ, nội dung chưa thật sự rõ ràng, chưa thực sự cụ thể, Án lệ số 17/2018 không bao quát được tất cả các vụ án, tình huống trong thực tiễn hiện nay. Do đó, tác giả đề xuất trong thời gian tới cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành hướng dẫn cụ thể hơn để các cơ quan tố tụng cấp dưới có thể áp dụng pháp luật được thống nhất và chính xác.