/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ Giám đốc Hàn Quốc giết bạn đồng hương bỏ xác trong vali

Một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ Giám đốc Hàn Quốc giết bạn đồng hương bỏ xác trong vali

05/01/2021 18:15 |

(LSVN) - Trong trường hợp, hành vi của Giám đốc Hàn Quốc Jeong In Cheol có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội "Giết người" được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Đối tượng Jeong In Cheol bị công an bắt giữ sau 19 giờ lẩn trốn.

Liên quan đến vụ việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM đang tạm giữ hình sự Jeong In Cheol (35 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc, giám đốc Công ty Creata Việt Nam) để điều tra về hành vi giết người và cướp tài sản.

Theo đó, tại cơ quan điều tra, bước đầu Jeong In Cheol khai nhận do mâu thuẫn nợ nần tiền bạc nên một mình ra tay sát hại đồng hương Han Tong Duk, phi tang xác, bỏ xác nạn nhân vào túi nilông và vali.

Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM hiện đang tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ việc có hay không hành vi che giấu tội phạm của một số người bạn của Jeong In Cheol.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SB LAW cho biết, ngày 15/9/2003, giữa Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc đã ký Hiệp định về Dẫn độ số 46/2005/LPQT và Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 19/4/2005. Nội dung của Hiệp định dẫn độ này được pháp luật Việt Nam công nhận, bao gồm cả Bộ luật Tố tụng Hình sự và Bộ luật Hình sự hiện hành.

Theo Điều 1 của Hiệp định này, “mỗi bên đồng ý dẫn độ cho bên kia bất kỳ người nào đang có mặt trên lãnh thổ của nước mình mà bên đó yêu cầu để tiến hành truy tố, xét xử hoặc thi hành án vì một tội có thể bị dẫn độ”. Hiệp định quy định người bị dẫn độ là người có hành vi phạm tội có thể bị xử phạt tù với thời hạn từ một năm trở lên hoặc nặng hơn theo quy định pháp luật của cả hai bên tại thời điểm yêu cầu dẫn độ.

Ngoài ra, đối tượng Jeong In Cheol thực hiện tội phạm không mang tính chất chính trị và không nằm trong các trường hợp được quy định tại Điều 3. Bắt buộc từ chối dẫn độ của Hiệp định Dẫn độ Việt Nam – Hàn Quốc. Do đó, chúng ta có thể hợp tác với phía nước bạn dẫn độ tội phạm nếu như bên Hàn Quốc có yêu cầu.

Tuy nhiên, toàn bộ tội phạm mà đối tượng thực hiện nằm trong phạm vi lãnh thổ của Việt Nam, thế nên chúng ta cũng có thể từ chối dẫn độ theo Điều 4 của Hiệp định này về Quyền tự quyết định từ chối dẫn độ và xử lý đối tượng theo trình tự, thủ tục và pháp luật Việt Nam.

Hiện trường vụ việc.

Bên cạnh đó, Điều 5 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định hiệu lực của Bộ luật Hình sự được áp dụng với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp phía Hàn Quốc không yêu cầu dẫn độ tội phạm hoặc trường hợp Hàn Quốc yêu cầu dẫn độ nhưng chúng ta từ chối theo Điều 4 của Hiệp định dẫn độ Việt Nam - Hàn Quốc, đối tượng sẽ bị xử lý tại Việt Nam, theo pháp luật Việt Nam và bởi cơ quan nhà nước Việt Nam.

Theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Giết người" thì:

Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
[…] i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

Trong trường hợp, hành vi của Giám đốc Hàn Quốc Jeong In Cheol có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội "Giết người" được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Ngoài ra, tại Khoản 4 của Điều 123 Bộ luật này cũng quy định thêm về hình phạt bổ sung của tội: “Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm".

Cùng quan điểm với Luật sư Hà, Luật sư Nguyễn Thị Thanh Phương (thuộc Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự) cũng cho rằng nếu Hàn Quốc không có yêu cầu dẫn độ thì việc truy tố, xét xử Jeong In Cheol sẽ do các cơ quan tố tụng Việt Nam tiến hành. Trong đó, hành vi giết người tại Việt Nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Nếu Jeong In Cheol bị Tòa án Việt Nam tuyên hình phạt tù có thời hạn, thì còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là Trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam sau khi chấp hành xong hình phạt tù (Điều 37 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017): “Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.”.

Liên quan đến hành vi cướp tài sản của nghi can Jeong In Cheol, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, do Giám đốc người Hàn Quốc này mới bước đầu khai nhận vì mâu thuẫn nợ nần tiền bạc nên một mình ra tay sát hại đồng hương Han Tong Duk chứ không phải chủ đích ban đầu là cướp tài sản của nạn nhân nên chưa rõ hành vi này có cấu thành tội "Cướp tài sản" hay không, do đó, còn cần thêm quá trình điều tra, xác minh và kết luận của cơ quan chức năng, Luật sư Hà đánh giá.

Nếu quá trình điều tra làm rõ Jeong In Cheol giết người để cướp tài sản thì đây là tình tiết định khung theo điểm g, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể là giết người “g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác”.

Như vậy, bước đầu có thể kết luận rằng, hành vi giết người của Giám đốc người Hàn Quốc có thể bị xử phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình và có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, Luật sư Hà đánh giá.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB LAW.

Luật sư Hà cũng cung cấp thêm một số quy định về quy trình giải quyết vụ án hình sự. Theo Luật sư nhìn chung, căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy trình giải quyết vụ án hình sự trải qua các bước cơ bản sau:

Khởi tố vụ án hình sự

Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu của tố tụng hình sự, trong đó các cơ quan có thẩm quyền xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Giai đoạn này được bắt đầu từ khi các cơ quan có thẩm quyền nhận được tin báo hoặc tố giác về tội phạm và kết thúc khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Điều tra vụ án hình sự

Trong giai đoạn này các cơ quan điều tra áp dụng mọi biện pháp do luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội làm cơ sở cho việc xét xử của Tòa án.

Nhiệm vụ của giai đoạn điều tra là xác định tội phạm và người thực hiện tội phạm; xác định thiệt hại do tội phạm gây ra; xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.

Khi kết thúc điều tra cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố nếu có đủ chứng cứ, hoặc đình chỉ điều tra nếu có một trong các căn cứ quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự hay đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can là người thực hiện tội phạm.

Truy tố

Truy tố vụ án hình sự do Viện kiểm sát thực hiện. Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định:

  • Truy tố bị can trước Tòa án;
  • Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;
  • Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Xét xử sơ thẩm án hình sự

Giai đoạn xét xử sơ thẩm được bắt đầu từ khi Tòa án nhận được hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển sang (Điều 276 Bộ luật Tố tụng hình sự).

Quá trình xét xử được thực hiện theo nguyên tắc xét xử trực tiếp bằng lời nói và liên tục, chỉ xét xử những bị cáo, những hành vi theo tội danh mà viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã có quyết định đưa ra xét xử.

Khi kết thúc hội đồng xét xử ra bản án hoặc các quyết định.

Xét xử phúc thẩm án hình sự (nếu bị kháng cáo, kháng nghị)

Phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại những bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo kháng nghị (Điều 330 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).

Khi xét xử Hội đồng xét xử chỉ xử lại những phần bị kháng cáo, kháng nghị trong bản án của tòa sơ thẩm, nhưng trên cơ sở xem xét toàn bộ vụ án.

Tòa phúc thẩm có thể ra một trong các quyết định sau: bác kháng cáo, kháng nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm, sửa án sơ thẩm; hủy án sơ thẩm để điều tra hoặc xét xử lại; hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

Thi hành bản án và quyết định của Tòa án

Chỉ có những bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mới được đưa ra thi hành, trừ trường hợp bản án tuyên một người là không phạm tội hoặc tuyên một hình phạt bằng hoặc thấp hơn thời hạn họ bị tạm giam.

Xét lại các bản án và quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm (trong trường hợp có căn cứ)

Để bảo đảm tính khách quan trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, trong trường hợp các bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án thì được xử lại theo trình tự giám đốc thẩm (Điều 370 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).

Phát hiện ra các tình tiết mới làm thay đổi tính chất của vụ án thì được xét xử lại theo trình tự tái thẩm (Điều 397 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).

THANH THANH

/trach-nhiem-quan-ly-va-giam-sat-cua-bo-y-te-khi-de-xay-ra-hang-loat-sai-pham-tai-benh-vien-bach-mai.html
/nguoi-nuoc-ngoai-pham-toi-o-viet-nam-se-bi-xu-ly-nhu-the-nao.html