/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số vấn đề về tội ‘Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ’ tại Điều 260 Bộ luật Hình sự

Một số vấn đề về tội ‘Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ’ tại Điều 260 Bộ luật Hình sự

04/11/2021 15:05 |

(LSVN) - Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có nhiều quy định nhằm xử lý nghiêm đối với các hành vi sử dụng rượu, bia, các chất kích thích, ma túy,… tuy nhiên trong thực tiễn xử lý quy định về nồng độ cồn vẫn và một số vấn đề khác còn tồn tại nhiều cách xử lý khác nhau.

Ảnh minh họa.

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 ra đời thay thế cho BLHS năm 1999 nhằm đáp ứng tốt hơn hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm ở nước ta hiện nay. Những năm qua tình hình vi phạm, tội phạm trong quá trình tham gia giao thông đường bộ có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, trong đó tình trạng sử dụng rượu, bia, ma túy và các chất kích thích khác chiếm số lượng lớn và đã gây ra hậu quả rất lớn cho xã hội. BLHS, Luật Giao thông đường bộ. Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có nhiều quy định nhằm xử lý nghiêm đối với các hành vi sử dụng rượu, bia, các chất kích thích, ma túy,… tuy nhiên trong thực tiễn xử lý quy định về nồng độ cồn vẫn và một số vấn đề khác còn tồn tại nhiều cách xử lý khác nhau.

Thứ nhất, về quy định tình tiết định khung nồng độ cồn theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS vẫn còn tồn tại nhiều cách hiểu thể hiện qua ví dụ sau đây:

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án nội dung vụ án như sau: Khoảng 14 giờ 00 phút ngày 13/9/2020 Nguyễn Văn A. trú tại thôn 1, xã M.L., huyện H.N., tỉnh N.A. có đi liên hoan và tham gia uống rượu, sau đó điều khiển xe ô tô di chuyển trên tuyến Quốc lộ số 03 thuộc địa phận xã M.L., huyện H.N., tỉnh N.A. quá trình điều khiển do thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ và do đã sử dụng rượu trước đó nên đã đâm vào anh Trần Văn O. điều khiển xe máy chạy cùng chiều chở theo sau là anh Hồ Thanh Y., hậu quả làm anh Trần Văn O. tử vong tại chỗ, anh Hồ Thanh Y. bị thương và được đưa đi cấp cứu, với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 8%, xe mô tô do anh Trần Văn O. điều khiển bị thiệt hại số tiền 5.000.000 đồng.

Sau khi gây ra tai nạn các nạn nhân đã được đi cấp cứu trong khi chờ lực lượng chức năng đến giải quyết thì Nguyễn Văn A. rời khỏi hiện trường vào quán bên cạnh đường Quốc lộ 03 cách địa điểm xảy ra tai nạn khoảng 500m tại đây A. tiếp tục uống rượu, đến khoảng 14 giờ 20 phút cùng ngày khi Cảnh sát đến đã tiến hành bắt giữ A. và lấy máu để xét nghiệm nồng độ cồn. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu là định lượng Ethanol (cồn) [máu] 0,8 mg/dl và Nguyễn Văn A. bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS. Liên quan đến hành vi phạm tội của Nguyễn Văn A. tồn tại nhiều quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Việc Nguyễn Văn A. bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS là hoàn toàn có cơ sở vì theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác”. Trong trường hợp trên Nguyễn Văn A. điều khiển xe ô tô có Định lượng Ethanol (cồn) [Máu] 0,8 mg/dl là vi phạm quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tại hại của rượu, bia).

Quan điểm thứ hai: Chúng tôi đồng tình với quan điểm này, việc Nguyễn Văn A. bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS là không có căn cứ vì về nguyên tắc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS. Trong vụ án này, Nguyễn Văn A. điều khiển xe ô tô và kết quả xét nghiệm sau 2 lần uống trước và sau gây tai nạn, cho nên không thể xác định được nồng độ cồn của A. tại thời điểm gây ra tai nạn, cho nên, theo nguyên tắc suy đoán vô tội không thể áp dụng điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS để xử lý đối với A. mà cần xử lý A. về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS.

Thứ hai, hiểu thế nào là tình tiết “Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn”?. 

Đối với vấn đề “Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm” lưu ý hai trường hợp:

Một là bỏ chạy do hoảng sợ, lo lắng nhưng sau đó đến cơ quan chức năng khai báo về hành vi thì không bị xử lý trách nhiệm hình sự với tình tiết “Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm”.

Hai là bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm, không đến cơ quan có thẩm quyền trình báo thì bị xử lý trách nhiệm hình sự với tình tiết “Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm”.

Thứ ba, đối với tội giao thông và một số tội danh khác cần có các điều kiện hành nghề thì khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại Điều 41 BLHS về cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì hiệu quả xử lý không cao, chưa nghiêm minh vì vậy kiến nghị bổ sung hình phạt “Tước giấy văn bằng chứng chỉ” tại Điều 41 của BLHS áp dụng đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì sẽ phù hợp hơn, còn đối với quy định tại khoản 5 Điều 260 BLHS kiến nghị hình phạt bổ sung “Tước giấy phép lái xe’ là hoàn toàn phù hợp.

TRẦN VĂN HÙNG

Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 4

Trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành

Lê Minh Hoàng