/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số vấn đề xung quanh đề xuất phương thức quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội

Một số vấn đề xung quanh đề xuất phương thức quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội

05/01/2021 18:08 |

(LSO) - Bộ Công thương đang lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, trong đó đề xuất phương thức quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội tương đương với phương thức quản lý với các sàn thương mại điện tử. Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến từ các cá nhân, doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Đánh giá về đề xuất này, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, hiện nay theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử thì hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác (khoản 1 Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử).

Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.

Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử là thương nhân, tổ chức thiết lập website thương mại điện tử để các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.

Các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử bao gồm: Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; Website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; Website có chuyên mục mua bán trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ; Các loại website khác do Bộ Công thương quy định.

Còn mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác (Khoản 22 Điều 3 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng).

Hiện nay, mạng xã hội đang ngày càng phát triển, không chỉ trong đời sống, giao lưu, liên kết mà nó còn là một công cụ hỗ trợ kinh doanh đắc lực của nhiều doanh nghiệp. Đây được xem như là một kênh giao dịch buôn bán được khá nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là ở Việt Nam. Thói quen mua hàng hóa trên mạng xã hội đang ngày càng chiếm thị phần lớn các hoạt động giao dịch mua bán bên cạnh hoạt động mua bán qua sàn giao dịch thương mại điện tử.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường,
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp
.

Tuy nhiên, đến nay thì vấn đề quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở. Do đó, việc ra đời của Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, trong đó có quy định về hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội là cần thiết. Song cần phải nghiên cứu kỹ cách thức quản lý hoạt động của loại hình này, tránh việc chồng chéo, gây khó khăn cho người dùng hoặc ôm đồm quản lý.

Về quan điểm của VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi quản lý hoạt động mạng xã hội theo hướng chỉ áp dụng với các mạng xã hội có chức năng đặt hàng trực tuyến và/hoặc hỗ trợ thanh toán, chuyển phát, để xét quan điểm này có hợp lý không cần xem xét quy định trong bản dự thảo và tính chất, chức năng của mạng xã hội với sàn giao dịch thương mại điện tử.

Luật sư Cường cho rằng, trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử có đề xuất phương thức quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội tương đương với phương thức quản lý với các sàn thương mại điện tử. Chính sách này chưa thật sự hợp lý. Bởi mạng xã hội với khả năng kết nối và chia sẻ thông tin, cho phép người dùng có thể kết nối, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả. Người dùng có thể đăng tải, chia sẻ thông tin và tương tác với người dùng khác nên mạng xã hội được bộ phận người dùng sử dụng cho mục đích giới thiệu, quảng bá hàng hóa, dịch vụ và tương tác với khách hàng.

Điểm chung giữa mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đều là nơi có thể đăng tải những thông tin giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ và tiến hành mua bán hàng hóa, dịch vụ trực tuyến đó.

Tuy nhiên, sàn thương mại điện tử có chức năng chính là tiến hành việc mua bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ, giúp các thương nhân, tổ chức, cá nhân bán được nhiều hàng hóa trên website thương mại điện tử, khi thành lập website thương mại điện tử bán hàng cần đăng kí với Bộ Công thương. Còn mạng xã hội chủ yếu sẽ được sử dụng để mục đích đơn thuần như một kênh quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, việc mua bán là vấn đề tự phát giữa những người dùng mạng xã hội, chưa có sự điều chỉnh rõ ràng về mặt pháp lý.

Nhiều mạng xã hội không tham gia vào quá trình giao dịch giữa người bán và người mua, không yêu cầu người bán và người mua phải thực hiện giao dịch trên nền tảng của mình. Thực tế là hoạt động của hai loại hình này là khác nhau. Cách thức giao dịch đặt hàng và giao kết hợp đồng khác nhau. Đối với mạng xã hội thì chủ sở hữu trang có thể chính là người bán nhưng với sàn giao dịch thương mai điện tử thì thương nhân, tổ chức, cá nhân bán hàng không phải chủ sở hữu website. Phạm vi, quy mô hoạt động trên mạng xã hội cũng đơn giản hơn nhiều, hoạt động buôn bán chủ yếu là nhỏ lẻ, nhiều trường hợp là không đăng ký kinh doanh.

Theo như dự thảo quy định, mạng xã hội cho phép người dùng được mở gian hàng hoặc đăng thông tin cung cấp dịch vụ và sử dụng các chức năng của mạng xã hội để tương tác với người dùng. Khi mạng xã hội có những tin cung cấp dịch vụ hoặc có chuyên mục mua bán thì sẽ được coi là sàn thương mại điện tử, như vậy, gần như mọi mạng xã hội dù không chủ động tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử cũng sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định và phải thực hiện các nghĩa vụ tương tự sàn thương mại điện tử. Việc này không thực sự cần thiết bởi nhiều mạng xã hội chưa có chức năng mua bán chuyên nghiệp giống các website như: phương thức đặt hàng trực tuyến, hỗ trợ thanh toán, chuyển phát, các chính sách trả hàng, hoàn tiền, cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh chuyên nghiệp để đảm bảo quyền lợi cả người mua và người bán.

Từ những nội dung phân tích ở trên, có thể thấy quan điểm của VCCI về việc thu hẹp phạm vi quản lý hoạt động mạng xã hội theo hướng chỉ áp dụng quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội tương đương với phương thức quản lý với các sàn thương mại điện tử với các mạng xã hội có chức năng đặt hàng trực tuyến và/hoặc hỗ trợ thanh toán, chuyển phát là hợp lý, phù hợp với chức năng của sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội như hiện nay, Luật sư Cường chia sẻ.

THANH THANH

/muc-gia-xet-nghiem-covid-19-tu-ngay-30-7-2020.html