/ Pháp luật - Đời sống
/ Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Phòng không nhân dân

Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Phòng không nhân dân

01/12/2023 20:09 |

(LSVN) - Thực hiện Nghị quyết số 89/202/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật năm 2023 và Quyết định số 805/QĐ-TTg ngày 06/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình dự án Luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024, Bộ Quốc phòng đã xây dựng Hồ sơ dự án Luật Phòng không nhân dân và lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương. Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Phòng không nhân dân (viết tắt là dự thảo Luật), tác giả xin tham gia một số ý kiến cụ thể nhằm góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật.


Ảnh minh họa.

Thứ nhất, khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật quy định về nguyên tắc tổ chức phòng không nhân dân quy định: "Được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương;…". Tác giả kiến nghị sửa đổi nội dung này như sau: "Được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến cơ sở;…". Lý do là khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật quy định ở cấp thôn tổ chức một tổ bắn mục tiêu bay thấp…, do dó, việc quy định tổ chức thống nhất từ Trung ương đến cơ sở sẽ đầy đủ, chính xác hơn.

Thứ hai, khoản 4 Điều 4 dự thảo Luật quy định: "Huy động nguồn lực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân.".

Theo quan điểm của tác giả, cụm từ "tổ chức" nội hàm trong đó đã bao gồm cơ quan, doanh nghiệp… Do đó, đề nghị biên tập lại nội dung này như sau: "Huy động nguồn lực của tổ chức, cá nhân để thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân."; đồng thời, rà soát, điều chỉnh nội dung này cho thống nhất trong dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, cụm từ "cá nhân" bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài và người gốc Việt Nam hoặc người nước ngoài không có quốc tịch đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Việc huy động nguồn lực của cá nhân để thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân phải gắn liền với quyền và nghĩa vụ của họ. Tuy nhiên, Điều 39, Điều 40 dự thảo Luật chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của công dân là chưa đầy đủ, do đó, cần xem xét, điều chỉnh nội dung này cho thống nhất.

Thứ ba, điểm b, khoản 2 Điều 6 dự thảo Luật quy định: "Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) trọng điểm phòng không nhân dân".

Tuy nhiên, Điều 74 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 quy định: "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập, được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt về kinh tế - xã hội, có chính quyền địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó".

Do đó, cần bổ sung điểm b, khoản 2 Điều 6 dự thảo Luật cho đầy đủ như sau: "Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (sau đây gọi chung là cấp huyện) trọng điểm phòng không nhân dân".

Thứ tư, khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật quy định về tổ chức lực lượng phòng không nhân dân quy định: "Ở cấp thôn tổ chức tối thiểu một tổ bắn mục tiêu bay thấp do lực lượng dân quân tại chỗ đảm nhiệm".

Tuy nhiên, thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 2 Luật Dân quân tự vệ năm 2019 quy định: "Dân quân tự vệ tại chỗ là lực lượng làm nhiệm vụ ở thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (sau đây gọi chung là thôn) và ở cơ quan, tổ chức”.

Do đó, để thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan, cần sửa đổi, bổ sung nội dung khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật như sau: "thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (sau đây gọi chung là thôn) tổ chức tối thiểu một tổ bắn mục tiêu bay thấp do lực lượng dân quân tự vệ tại chỗ đảm nhiệm".

Thứ năm, khoản 2 Điều 32 dự thảo Luật quy định: "Thẩm quyền ra lệnh tạm giữ, bắt giữ, chế áp tạm giữ, bắt giữ, chế áp:

a) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có quyền ra lệnh bắt giữ…;

b) Quân khu được quyền ra lệnh bắt giữ…;

…".

Tuy nhiên, thẩm quyền ra lệnh tạm giữ, bắt giữ, chế áp tạm giữ, bắt giữ, chế áp là thẩm quyền của cá nhân cụ thể, là người có chức vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu…

Do đó, theo tác giả cần phải quy định cụ thể người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan đó có quyền ra lệnh tạm giữ, bắt giữ, chế áp tạm giữ, bắt giữ, chế áp (ví dụ: Bộ trưởng, Tư lệnh, Cục trưởng, Vụ trưởng, Trưởng phòng, chiến sỹ,…).

Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN

Một số ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Bùi Thị Thanh Loan