Nam Định: Nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ trong vụ án ‘Giết người’ khi chơi tổ tôm

02/10/2024 15:11 | 15 giờ trước

(LSVN) – Liên quan đến vụ án ‘Giết người’ khi chơi tổ tôm, Luật sư bào chữa cho gia đình của bị hại đề nghị triệu tập người làm chứng vì cho rằng lời khai của những người này có sự mâu thuẫn theo hướng "đổ lỗi cho bị hại". Do đó, Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) triệu tập những người này, tuy nhiên cả 4 nhân chứng trong vụ án đều không có mặt tại phiên toà vừa qua.

Toàn cảnh phiên tòa.

Chiều ngày 30/9, HĐXX TAND tỉnh Nam Định đã tuyên án vụ án “Giết người do mâu thuẫn trong khi chơi tổ tôm.

Nội dung vụ án

Theo cáo trạng, ngày 11/4, UBND xã Hải Bắc tổ chức lễ hội chùa Xã Hạ. Tại lễ hội, ông Nguyễn Đình Trụ (55 tuổi, trú xã Hải Bắc), dựng rạp ở một khu đất trống để cho người dân tham gia chơi tổ tôm vui.

Đến 21h00 cùng ngày, một nhóm gồm: Lại Duy Thiều (SN 1975, trú xã Hải Phương, huyện Hải Hậu); Lê Minh Thái (SN 1972, trú thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu); Đặng Đức Thọ (54 tuổi, trú thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu); Lưu Hải Cường (42 tuổi, trú xã Trực Đại, huyện Trực Ninh) và Nguyễn Thế Cường (68 tuổi, trú xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu), cùng đến chơi tổ tôm.

Tiếp đó, 22h00 cùng ngày, Lại Duy Thiều ù và đánh trống ù nhưng không đúng quy định. Thấy vậy, anh Lê Minh Thái và mọi người nhắc Thiều phải gõ trống ù cho đúng. Sau đó 2 bên xảy ra xích mích, lời qua tiếng lại với nhau.

Lúc này, anh Thái đứng dậy cầm điếu cày lao về phía Thiều đang ngồi để dọa đánh. Thiều đứng dậy và thách thức anh Thái. Sau đó được mọi người can ngăn, Thiều quay lưng bỏ đi, còn anh Thái cầm điếu cày chạy theo Thiều. Thiều bỏ chạy vào trong nhà anh Trịnh Văn Hiền (nằm sát điểm dựng rạp tổ tôm). Thiều thấy trên bàn bếp nhà anh Hiền có một con dao bầu nên cầm theo đi ra ngoài. Thấy anh Thái vẫn chửi bới mình, Thiều bực tức cầm dao đâm Thái, do vết thương quá nặng anh Thái tử vong trên đường đi cấp cứu. Gây án xong, Thiều bỏ trốn khỏi hiện trường và bắt xe vào Nam.

Ngày 12/4, Thiều bị Công an tỉnh Thừa Thiên Huế bắt giữ khi đang trong quá trình lẩn trốn.

HĐXX bác yêu cầu trả hồ sơ đề nghị điều tra lại vụ án của Luật sư bảo vệ cho gia đình bị hại

Tại phiên toà HĐXX xét thấy, mặc dù không có mâu thuẫn lớn, nhưng bị cáo đã dùng dao đâm vào vùng ngực của nạn nhân gây tử vong là trực tiếp xâm phạm đến tính mạng của người khác. Bị cáo đủ nhận thức để nhận thức được việc đâm vào vùng trọng yếu là gây nguy hiểm đến tính mạng của công dân được pháp luật bảo vệ.

HĐXX Toà án nhân dân tỉnh Nam Định tuyên án vụ án “Giết người” do mâu thuẫn trong khi chơi tổ tôm.

Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng nào và được hưởng các tình tiết như: Thành khẩn khai báo, tự nguyện nhất trí bồi thường đủ số tiền bồi thường theo yêu cầu của gia đình bị hại là hơn 770 triệu đồng.

Sau khi đánh giá các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân,... HĐXX tuyên bị cáo Lại Duy Thiều 12 năm tù về tội Giết người theo điểm n, khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Về trách nhiệm dân sự, bị cáo phải bồi thường số tiền hơn 270 triệu đồng còn thiếu. Ngoài ra, còn chịu trách nhiệm cấp dưỡng cho mẹ đẻ của bị hại số tiền 1 triệu đồng/tháng kể từ tháng 10/2024.

Tại phiên toà, HĐXX bác yêu cầu trả hồ sơ đề nghị điều tra lại vụ án của Luật sư bảo vệ cho gia đình bị hại. Các Luật sư cho rằng, cần triệu tập người làm chứng và điều tra viên để làm rõ có hay việc bị hại dùng điếu cày đánh vào vai và tát vào mặt bị hại. Từ đó, xác định "có lỗi một phần do bị hại" hay không.

HĐXX cũng nhất trí với quan điểm của Viện Kiểm sát về các tình tiết giảm nhẹ như: Thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả, đồng thời không áp dụng tình tiết tăng nặng "có hành vi xảo quyệt" khi bị cáo bỏ trốn.

Luật sư của bị hại đề nghị làm rõ nhiều tình tiết

Trước đó, tại phần tranh tụng diễn ra ngày 28/9, giữa các Luật sư với đại diện Viện Kiểm sát đã những quan điểm trái ngược.

Cụ thể, Viện Kiểm sát đánh giá vụ án một phần có lỗi từ bị hại, trong khi bị cáo cũng có tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả.

Các Luật sư bảo vệ cho gia đình bị hại cho rằng, bị cáo Thiều nhiều lần thay đổi lời khai, mỗi lần thay đổi lại chuyển theo hướng có lợi cho bản thân nên không thể áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo.

Về tình tiết khắc phục hậu quả cũng chưa có căn cứ áp dụng. Bởi, ngay tại tòa, vợ bị cáo liên tục đưa ra điều kiện rằng phía bị hại phải có đơn xin giảm nhẹ cho chồng thì gia đình mới nộp tiền khắc phục.

"Điều đó thể hiện việc bồi thường của bị cáo không tự nguyện mà mục đích là sự trao đổi có lợi cho bị cáo. Do đó, việc áp dụng cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ là không đủ căn cứ", Luật sư gia đình bị Hại nêu.

Nhóm Luật sư của gia đình bị hại cũng cho rằng, sau khi lấy được dao, Thiều đã lao ra rất nhanh, tấn công dồn dập là cố ý sát hại nạn nhân chứ không phải sự cố ngoài ý muốn như bị cáo này khai nhận. Trong khi đó, bị hại chỉ đứng trước cửa nhà và chửi vào trong nhà. Do đó, xác định hành vi chửi là do một phần lỗi của bị hại là không đủ cơ sở.

Luật sư của bị hại đề nghị làm rõ nhiều tình tiết.

Luật sư của gia đình bị hại cũng đề nghị cần áp dụng tình tiết tăng nặng với bị cáo, bởi có hành vi xảo quyệt. Ngay sau khi gây án, trích xuất camera cho thấy bị cáo rất bình tĩnh, không hề hoang mang bỏ chạy. Tiếp đó bị cáo còn đổi tiền, liên hệ và bắt xe để bỏ trốn qua nhiều tỉnh thành. Nếu không có sự phối hợp của Công an các tỉnh thì không bắt giữ được.

Bên cạnh đó, Luật sư cũng đề nghị làm rõ hành vi "xảo quyệt" khi bị cáo bỏ lại điện thoại trên xe ô tô trong quá trình bỏ trốn nhằm đánh lạc hướng cơ quan Công an.

PV