Ảnh minh họa.
Theo đó, Bộ Y tế đã đề ra các nhiệm vụ thực hiện việc nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nhân lực y tế.
Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu rà soát, cập nhật các quy định về điều kiện thành lập cơ sở đào tạo, mở ngành, chuyên ngành khối ngành sức khỏe, đặc biệt là các điều kiện về tổ chức, giảng viên, đào tạo thực hành, chương trình, phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo, kể cả đào tạo cấp văn bằng, đào tạo cấp chứng chỉ lĩnh vực sức khỏe.
Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý. Phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra về số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành, nâng cao trình độ hướng dẫn thực hành lâm sàng của đội ngũ giảng viên;...
Tiếp tục đổi mới chương trình và tài liệu đào tạo; xây dựng chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe gắn với yêu cầu trong tình hình mới và nhu cầu sử dụng nhân lực của hệ thống y tế;...
Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo; đầu tư nâng cấp các phòng thực hành, thí nghiệm, phát triển các trung tâm đào tạo tiên lâm sàng, trung tâm mô phỏng để đào tạo kỹ năng cho người học.
Đầu tư, phát triển cơ sở giáo dục khối ngành sức khỏe theo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tăng cường thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo nhân lực y tế; thực hiện lộ trình kiểm định chất lượng đào tạo nhân lực y tế theo quy định của Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo nhân lực y tế ở cả trường công lập và ngoài công lập.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng và triển khai các mô hình hiệu quả để chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên xuống tuyến dưới để nâng cao trình độ cán bộ y tế tuyến dưới, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay trên địa bàn.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường đào tạo nhân lực y tế cho một số chuyên ngành kém thu hút và vùng khó khăn.
Trong đó, tăng thêm cơ sở đào tạo nhân lực y tế ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt là vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; khuyến khích mô hình liên kết cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành tại địa phương.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, cơ chế đặc thù, miễn, giảm học phí để khuyến khích người theo học các ngành khó thu hút và khuyến khích nhân lực y tế làm việc ở vùng khó khăn. Tiếp tục thực hiện cơ chế đào tạo cử tuyển, đào tạo theo đặt hàng, đào tạo liên thông đối với một số ngành trình độ cao đẳng, đại học để đảm bảo đủ số lượng nhân lực y tế và tạo nguồn cho đào tạo sau đại học các chuyên ngành khó thu hút, như Lao, Phong, Truyền nhiễm, Tâm thần, Giải phẫu bệnh, Pháp y, Pháp y tâm thần, Hồi sức cấp cứu, Dân số, Y học cổ truyền, Y học dự phòng.
Nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù khuyến khích học sinh, sinh viên, học viên theo học các chuyên ngành khó thu hút sau khi tốt nghiệp trở về địa phương. Các địa phương xây dựng các chính sách phù hợp để thu hút nhân lực y tế đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, chuyên khoa sau đại học làm việc tại các vùng khó khăn, trong đó có chính sách hỗ trợ tài chính, hỗ trợ chỗ ở, đi lại, hỗ trợ hợp lý hóa gia đình...
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung chế độ tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề để thu hút cán bộ y tế làm việc tại các chuyên ngành khó thu hút ở vùng khó khăn.
Nâng cao hiệu quả chương trình quân dân y kết hợp; hệ thống đào tạo nhân lực quân y tham gia đào tạo nhân lực y tế; phát triển mô hình đào tạo theo địa chỉ nhằm đảm bảo nhân lực y tế cho các vùng biên giới, hải đảo.
NGUYÊN TRẦN