Đóng gói sản phẩm nước mắm tại Công ty cổ phần Chế biến hải sản Nam Định (tỉnh Nam Định). Ảnh: Trần Quốc.
Nhiều chỉ tiêu không đạt
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính đề ra tại Nghị quyết 35 của Chính phủ, nhiều nội dung đạt được kết quả đáng kể. Nhờ nỗ lực triển khai các Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 02 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năm 2019, năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam đã tăng 10 bậc so năm 2018. Chỉ số Đổi mới sáng tạo tăng ba bậc, đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ ba trong ASEAN và là năm thứ ba liên tiếp thăng hạng.
Với tinh thần đồng hành cùng DN, Chính phủ đã ban hành và thực hiện nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; khuyến khích hộ gia đình chuyển đổi lên DN. Nhằm bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của nhà đầu tư, giai đoạn 2017 - 2019, Chính phủ cũng đã ban hành gần 40 văn bản chỉ đạo nội dung cải cách điều kiện kinh doanh, tập trung cắt bỏ, đơn giản hóa 50% số điều kiện kinh doanh đã ban hành. Về cơ bản, các điều kiện kinh doanh quy định chung chung, khó tiên liệu, không rõ ràng đã được cắt giảm. Mục tiêu giảm chi phí kinh doanh cho DN cũng được triển khai tại các cấp, các bộ, ngành. Qua đó, tỷ lệ hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trong giai đoạn thông quan đã giảm từ 30 đến 35% năm 2015 xuống còn khoảng 19,1% năm 2019.
Đáng lưu ý, Chính phủ đã ban hành các chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN, không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá một lần/năm; trong thủ tục hành chính, không được yêu cầu người dân, DN bổ sung hồ sơ, tài liệu quá một lần kể từ ngày tiếp nhận. Đây cũng là giai đoạn Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm rất lớn cho cộng đồng DN thông qua các hội nghị hằng năm do Thủ tướng trực tiếp chủ trì và ban hành, thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo,...
Việc không đạt số lượng một triệu DN hoạt động như mục tiêu đề ra có nguyên nhân chủ yếu từ thực trạng chính sách, giải pháp phát triển và hỗ trợ DN chưa được triển khai hiệu quả vào cuộc sống. Theo phản ánh của cộng đồng DN, nhiều địa phương thiết lập đường dây nóng, hộp thư điện tử để tiếp nhận và giải quyết khó khăn cho DN nhưng các kênh liên lạc này hầu như không hoạt động, gửi câu hỏi nhưng không nhân được phản hồi. Bên cạnh đó, mức độ tiếp cận, thụ hưởng chính sách hỗ trợ của các DN còn hạn chế. Ngoài ra, dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 cũng khiến cho số lượng DN thành lập mới giảm mạnh, trong khi số DN thua lỗ, đóng cửa tăng lên.
Chất lượng, hiệu quả và bền vững
Sách trắng DN 2020 ghi nhận, kết quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam có sự đóng góp hơn 60% GDP từ khu vực DN. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù không đạt mục tiêu một triệu DN vào năm 2020 nhưng tiếp tục đặt ra mục tiêu có một lực lượng DN nhất định vào năm 2025 là cần thiết. Bởi đó không phải để có một con số đẹp mà phải đạt được một ngưỡng nhất định về quy mô DN để hình thành sức sản xuất hàng hóa lớn, tạo việc làm cho xã hội. Vấn đề là cần rút kinh nghiệm, bài học từ quá trình thực hiện Nghị quyết 35 để có cách làm hiệu quả hơn.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khuyến cáo: Với giai đoạn 5 đến 10 năm tới, mục tiêu phát triển DN phải khác đi, không phải là số lượng mà là chất lượng, hiệu quả và tính bền vững. Theo đó, cần xác định rõ hơn mục tiêu phát triển DN. Quan trọng là mức độ tự chủ, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị, năng lực cạnh tranh - trong đó có năng lực, trình độ về quản trị, công nghệ, nguồn nhân lực và sản phẩm, dịch vụ. Tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng đơn giản hóa, công khai minh bạch, bình đẳng và kiến tạo, hỗ trợ thay vì thanh tra, kiểm soát quá nhiều. Kiên định, nhất quán và nghiêm túc thực hiện các quy định về hỗ trợ, phát triển DN như Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 115/2020/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ,… Bên cạnh đó, cần tuyên truyền và tạo điều kiện để DN thật sự tuân thủ, thượng tôn pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng và phát triển lành mạnh, bền vững.
Khác với nhiều nền kinh tế, Việt Nam có số lượng hộ kinh doanh gia đình rất lớn, khoảng hơn 5,5 triệu hộ, trong đó khoảng 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế. Chính phủ có chủ trương khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển lên DN để khẳng định về địa vị pháp lý và luật hóa các quyền, nghĩa vụ của người kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng nhưng chưa tạo được làn sóng hưởng ứng sâu rộng.
Theo Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, muốn các hộ kinh doanh đủ điều kiện tích cực chuyển đổi lên DN đúng theo quy định của pháp luật, cần có giải pháp hợp lý từ chính sách thuế và tạo kênh hỗ trợ vốn, kỹ thuật, khoa học - công nghệ đem lại hiệu quả thiết thực. Từ đó, hộ kinh doanh tính toán bài toán lợi ích - chi phí để quyết định có chuyển đổi hay không. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 với nhiều thay đổi trong các quy định về hoạt động đầu tư, kinh doanh được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt quan trọng thúc đẩy hình thành đội ngũ DN Việt Nam lớn mạnh hơn về cả chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
Đơn cử, Luật Doanh nghiệp 2020 tạo thuận lợi hơn cho DN từ khi thành lập và trong cả quá trình gia nhập thị trường, nhất là quản trị DN, như: DN được tự làm con dấu thay vì do cơ quan công an cấp; đăng ký kinh doanh dễ dàng hơn do được thực hiện hoàn toàn qua mạng hoặc qua dịch vụ bưu chính. Để nâng cao khả năng quản trị cho DN, luật cho phép cổ đông được kiện người quản lý để bảo vệ quyền lợi của mình; cổ đông chỉ cần sở hữu 5% cổ phần là có thể triệu tập cuộc họp,...
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của DN Việt Nam, cần khuyến khích phát triển DN khu vực tư nhân có quy mô vừa và lớn; xây dựng các thương hiệu mạnh của DN Việt Nam trên thị trường trong nước và ngoài nước. Cần đổi mới tư duy quản lý nhà nước về DN, coi DN vừa là khách hàng được phục vụ vừa là đối tượng quản lý. Tạo môi trường thuận lợi cho DN tư nhân phát minh, đổi mới, sáng tạo và áp dụng mô hình kinh doanh, dịch vụ sản phẩm chưa từng có tiền lệ. Muốn vậy, trước hết, phải hỗ trợ DN sau tác động của dịch Covid-19 bằng cách nghiên cứu xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị các ngành tiềm năng mới liên quan dịch vụ trực tuyến, sức khỏe, y tế...; hỗ trợ DN phục hồi, đổi mới mô hình kinh doanh, sản phẩm, phương thức kinh doanh để phù hợp tình hình mới; thúc đẩy chuyển đổi số trong DN. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thực hiện nhóm giải pháp phát triển DN có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành, tạo cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo trong DN. Đồng thời có các giải pháp tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho DN; tăng cường liên kết DN, tham gia chuỗi giá trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với phát triển DN.
TÔ HÀ/NHANDAN
Đề xuất về tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm