/ Đời sống - Xã hội
/ Người cựu chiến binh, thương binh 04 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ

Người cựu chiến binh, thương binh 04 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ

04/06/2021 08:58 |

(LSVN) - Đến phường Hương Văn (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chắc hẳn ai cũng biết ông Trần Hưng Lễ là hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB), người chiến sĩ này 04 lần được tặng danh hiệu "Dũng sĩ" trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông là đảng viên, cán bộ hưu trí, thương binh 4/4 được Đảng, chính quyền và nhân dân luôn tin yêu, trân trọng.

Ông Trần Hưng Lễ là hội viên Hội Cựu chiến binh, người đã 04 lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ông Trần Hưng Lễ sinh năm 1943 tại phường Hương Văn trong một gia đình nông dân nghèo yêu nước. Trước cảnh quê hương bị quân thù giày xéo, giặc giết mất người cha khi ông mới 09 tuổi, thấy chế độ Mỹ - Diệm thối nát, bất công, ông giác ngộ lên đường theo cách mạng vào tháng 01/1961. Ông tham gia lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Hương Trà và được tăng phái về làm xã đội trưởng xã Hương Thạnh (nay là Hương Văn – Hương Xuân) trong thời kỳ khó khăn ác liệt. Mỹ nguỵ tiến hành lập “ấp chiến lược” khu vực Hương Trà. Kẻ địch tạo lập “ấp chiến lược” gọi là 02 sông 03 núi (02 hào và 03 vật cảng hàng rào). Chúng đào mối chiến hào rộng 03m, sâu 3,5m xen kẽ là những hàng rào thép gai, có vật cảng đụn đất cao nhằm ngăn chặn sự tấn công của quân giải phóng.

Áng ngữ phía Tây Bắc giáp đường Quộc lộ 1A, địch xây dựng đồn KM17 (Tứ Hạ-thị xã Hương Trà), đây là trung tâm chỉ huy của Mỹ - Nguỵ ở phía Bắc TP. Huế. Nơi đây có sân bay dã chiến, Bộ chỉ huy lữ đoàn “Kỵ binh bay” (Lữ đoàn dù 101) và Trung đoàn thủy quân lục chiến làm  lá chắn vững chắc bảo vệ TP. Huế từ xa. Thực hiện chiến lược cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, lực lượng quân sự địa phương phải “nắn gân” những vùng nhạy cảm. Ông Lễ là xã đội trưởng, người được nhân dân địa phương gọi với cái tên hài hước “Gan cóc tía”. Với tác phong người lính nhanh nhẹn, lúc ẩn lúc hiện, cải trang khéo léo, ông Lễ đã bắt sống Thiếu úy tình báo quân đội nguỵ Cao Hiến giữa ban ngày. 

Những hoạt động đột nhập, bắn tỉa, bắt cóc đối với quân nguỵ…đã làm cho quân địch đóng quân ở Hương Trà lo lắng, hoang mang. Đêm mồng 5, rạng sáng 6/4/1967 lực lượng bộ đội địa phương Hương Trà phối hợp với đặc công phân khu Trị Thiên (do ông Dương Bá Nuôi – Phó phân khu về trực tiếp chỉ đạo) đánh đột nhập vào trung tâm đồn Km17. Trước sự tấn công mạnh mẽ bất ngờ của quân và dân Hương Trà quân địch trở tay không kịp ta đã diệt gọn Trung đoàn Bộ binh 03 do Thiếu tá Nguyễn Văn Thọ, Chỉ huy trưởng, bắt làm hàng binh 120 tên và thu nhiều chiến lợi phẩm khác. Kể từ đó vành đai “Ấp chiến lược” Hương Trà bị chia cắt, tạo điều kiện cho LLVT hoạt động gần gũi, gắn bó với nhân dân.

Các hội viên Hội Cựu chiến binh thắp hương cho đồng đội.

Xuân Mậu Thân 1968 quân và dân Hương Trà đồng loạt nổi dậy, phối hợp với bộ đội chủ lực tiến công mạnh mẽ, thần tốc đánh chiếm các căn cứ quân sự của Mĩ nguỵ ở đồn Km17, nhổ tung vành đai “ấp chiến lược”. Thừa thắng xông lên, LLVT địa phương cùng với quân chủ lực và nhân dân nổi dậy tiến vào TP Huế. Quân và dân ta làm chủ TP. Huế được 24 ngày, do tình hình chiến lược và bảo đảm an toàn lực lượng chúng ta phải rút khỏi TP. Huế.

Tháng 05/1968, Mỹ nguỵ phản công lại các căn cứ, sư đoàn “Kỵ binh bay” của Mỹ nguỵ đổ bộ xuống vùng La Chữ (Hương Chữ - Hương Trà). LLVT địa phương huyện phối hợp với bộ đội chủ lực Sư đoàn 324 (lúc đó có ông Lê Khả Phiêu nguyên Tổng Bí thư Trung ương Đảng, Chính uỷ sư đoàn) cùng quân và dân ta chiến đấu dũng cảm, kiên quyết ngăn chặn, không cho địch tái chiếm các vùng giải phóng. Cuộc đối đầu ác liệt đầy cam go, giành giật nhau từng mảnh đất, từng chiến hào. Ông Lễ cùng đồng đội chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và bị thương nặng, do cháy máu nhiều ông đã ngất xỉu, địch bắt đưa lên trực thăng vận chuyển ra hạm đội ở biển đông. Khi tỉnh dậy ở trạm cứu thương của địch, chúng đưa ông vào trại giam Hoà Cầm (Đà Nẵng) và cuối cùng là nhà tù đảo Phú Quốc (Kiên Giang). 

Trong suốt 05 năm (1968 – 1973) ở nhà tù Phú Quốc ông bị địch tra tấn dã man, đánh gãy răng, nhiều lần chết đi sống lại. Với tinh thần dũng cảm, kiên quyết thà chết không bị khuất phục. Ông cùng cán bộ chiến sĩ cách mạng trong tù luôn đấu tranh với chế độ hà khắc của trại giam, động viên nhau giữ ý chí của người chiến sĩ cách mạng xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Tháng 03/1973 thực hiện Hiệp định Pari, ông được trao trả tù binh tại sân bay Thiện Ngôn – Tây Ninh. Sau 05 năm xa cách đất liền nay ông trở về trong vòng tay đồng đội ở Đoàn an dưỡng D130 miền Đông Nam Bộ. Sau đó trở về làm chính trị viên Tiểu đoàn 1 - Quân khu miền Đông Nam Bộ. Nhưng vết thương, bệnh tật không để cho ông yên tâm công tác. Tháng 12/1974 ông ra miền Bắc điều trị an dưỡng tại Quảng Bình và đi học trường Quân chính Quân khu 4. Tháng 02/1975 ông tình nguyện trở lại chiến trường Trị - Thiên và ông được toại nguyện trở lại tỉnh đội Thừa Thiên - Huế, tiếp tục chiến đấu góp sức cùng toàn quân, toàn dân giải phóng Thừa Thiên - Huế ngày 26/3/1975.

Theo sự phân công của tổ chức Đảng, ngày 19/6/1976 ông được chuyển về Ban tổ chức tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế và được phân công về Ban tổ chức huyện ủy Hương Trà, công tác cho đến năm 2003 nghỉ hưu. Được trở về sống trong gia đình ấm cúng, vợ là cán bộ nghỉ hưu, có 02 gái 01 trai học hành thành đạt. Ghi nhận những thành tích chiến đấu công tác ông Lễ đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương chiến công hạng nhất, nhì, ba và 04 lần được tặng danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mĩ, dũng sĩ diệt cơ giới, dũng sĩ quyết thắng, dũng sĩ cấp ưu tú vào các năm 1965, 1966, 1967, 1968. 

Thành tích, chiến công và cuộc đời ông Trần Hưng Lễ cứ lặng lẽ trôi đi. Nhưng tấm lòng của đồng đội một thời chung chiến hào đánh giặc và cả những lớp trẻ hôm nay, không quên những chiến công của ông. 

Ông Lễ tâm sự: “Dù cho bệnh tật, vết thương, mảnh đạn vẫn còn năm trong cơ thể, hành hạ thân xác, nhưng được sống trở về với người thân, với nơi chôn nhau cắt rốn, được đồng đội, đồng chí luôn dành tình cảm ưu ái, tôi rất cảm kích, coi đó là niềm hành phúc lớn…”.

Thời gian trôi mau cuốn theo bao biến cố của cuộc đời. Hằng ngày những người lính CCB một thời anh dũng hi sinh, vẫn chịu đựng những mất mát, thương tích để lại trong cơ thể. Dẫu rằng mất mát ấy không gì bù đắp, nhưng nổi đau rất riêng ấy đã góp phần mang lại hạnh phúc cho gia đình và Tổ quốc được độc lập, hoà bình, non sông thu về một mối. Nhân dân và đồng đội đã làm nên những chiến công anh hùng và chính họ - những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” bình dị, kiên trung.

HOÀNG NGHĨA

Phú Thọ: 84 y, bác sĩ lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang phòng chống dịch Covid-19

Lê Minh Hoàng