Những ngày cuối năm Canh Tý, giới Luật gia Việt Nam vừa tiếc thương vĩnh biệt anh Nguyễn Đình Lộc – vị Bộ trưởng Tư pháp đã có công xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn cho công cuộc Cải cách tư pháp đương đại của đất nước. Thì hôm qua, ngày mùng 7 Tết Tân Sửu, tôi nhận được tin nhắn từ một nhà báo của Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh: “Bác Hai Nghĩa yếu lắm rồi !”. Tôi vội vàng liên hệ với anh Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp để hỏi thăm tình hình và dự định sẽ vào thăm anh Hai Nghĩa ngay sau khi Đại dịch Covid-19 được kiểm soát.
Ấy mà trưa nay, tôi bàng hoàng nhận được tin Anh đã ra đi. Anh Trương Vĩnh Trọng (Hai Nghĩa) – Người có công lao lớn, trực tiếp cho sự ra đời của Nghị quyết 49/NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã vĩnh biệt chúng ta! Nhớ thương Anh mà không vào được với Anh ở Giồng Trôm, Bến Tre như ngày nào, tôi mượn ngòi bút này ghi lại một trong những kỷ niệm sâu sắc của tôi về Anh, không chỉ là Tổng công trình sư mà còn là Người thừa hành tâm huyết, kiên định Nghị quyết của Bộ Chính trị về Cải cách tư pháp. Đó là về sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Đầu Thu năm 2007, tôi trở về Hà Nội với tư cách là Bộ trưởng Tư Pháp. Ngay trong buổi tôi gặp chào xã giao Anh, khi đó Anh là Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách Nội chính, Anh đã giao cho tôi nhiệm vụ sớm trình thành lập tổ chức Luật sư toàn quốc. “Các nhiệm kỳ trước chưa thành lập được nhiệm kỳ này phải cố gắng hết sức. Quan trọng nhất là người đứng đầu”, Anh dặn dò. Tôi sững sờ trước sự sâu sát của Anh và hết sức vui mừng vì đó cũng là một trong những ưu tiên trong công việc mới của tôi – đột phá vào khâu yếu nhất về tổ chức và hoạt động của giới Luật sư nước ta lúc bấy giờ. Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đã quy định về việc thành lập tổ chức Luật sư toàn quốc, nhưng từ đó đến nay quy định ấy vẫn chỉ là trên giấy. Không sớm hình thành được tổ chức Luật sư toàn quốc thì khó mà phát triển nhanh được đội ngũ Luật sư và đặc biệt là nâng cao chất lượng hoạt động của họ. Chừng nào chưa phát triển được đông đảo đội ngũ ấy và chưa đưa được hoạt động của họ vào nền nếp thì chừng ấy chưa thể thực hiện được chủ trương lớn của Nghị quyết 49 về Cải cách tư pháp: Lấy cải cách hoạt động xét xử là trọng tâm và hoạt động tranh tụng là khâu đột phá.
Ngay sau cuộc gặp gỡ với Anh, tôi họp Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp để truyền đạt nhiệm vụ Anh giao và cũng là dốc “bầu tâm sự” của tôi với các đồng nghiệp. Tất cả đều đồng tình và bắt tay ngay vào việc xây dựng Đề án “Thành lập tổ chức Luật sư toàn quốc”, một việc không quá khó khăn với chuyên môn của Bộ. Nhưng, “quan trọng nhất là người đứng đầu”. Câu dặn dò này của Anh làm tôi mất ăn mất ngủ nhiều đêm trong gần nửa năm trời. Tôi đã gặp những Luật gia có tiếng, có nhiều kinh nghiệm và đã từng giữ cương vị cao trong bộ máy các cơ quan tư pháp để thuyết phục họ tham gia, nhưng họ đều lắc đầu từ chối. Có người thì “Anh nghỉ hưu rồi, Anh muốn được nghỉ ngơi!” có người thì “Phức tạp lắm, chú ơi!”. Cũng có người đánh tiếng với tôi “Sẵn sàng tham gia…”. Tất cả những điều đó, tôi đều báo cáo Anh, thấy Anh chưa nói gì tôi hiểu là chưa được. Vạn sự khởi đầu nan mà!
Mãi đến tháng 12/2007, tôi mới mạnh dạn trình Anh phương án chọn anh Lê Thúc Anh - Nguyên Thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Nguyên Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, nơi nghề Luật sư phát triển nhất cả nước, Anh mới gật đầu và đồng ý cho trình Thủ tướng Chính phủ Đề án. Và vào ngày 16/1/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 76/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thành lập tổ chức Luật sư toàn quốc”, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất gồm 9 người. Thực hiện Đề án, chúng tôi, các thành viên Ban Chỉ đạo và Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp phân công nhau đi tất cả 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương để một mặt, thuyết phục về sự cần thiết thành lập tổ chức Luật sư toàn quốc, một lần nữa quán triệt Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị và mặt khác, đề nghị Ban Thường vụ, Thường trực của Tỉnh, Thành ủy giới thiệu nhân sự tham gia Hội đồng lâm thời Luật sư toàn quốc. Công việc lúc đầu tưởng đơn giản, nhưng ở thời điểm 2008 thì không dễ chút nào. Cái chính là do sự thiếu tin tưởng của lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vào đội ngũ Luật sư ở tỉnh, thành phố mình! Tôi lại mang “bầu tâm sự” này đến báo cáo anh Hai Nghĩa. Suy nghĩ một hồi, Anh chỉ thị cho tôi: “Cứ cho ra mắt Hội đồng lâm thời đi, đồng thời soạn thảo một Chỉ thị của Ban Bí thư để trình; anh sẽ lobby cho. Ôi, tôi thực sự vui mừng! Anh đã giải cho tôi thật thấu đáo bài toán mà đầu óc lú lẫn của tôi lúc đó không nghĩ ra!
Thế là, ngày 04/6/2008, Hội đồng lâm thời Luật sư toàn quốc gồm 15 vị được thành lập, ra mắt, bắt tay vào việc chuẩn bị mọi mặt cho việc tổ chức Đại hội lần thứ nhất, đồng thời phối hợp với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng – một việc chưa có tiền lệ! Xây dựng xong, lấy ý kiến đầy đủ các Bộ, Ban ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố rồi, tôi hồi hộp chờ “tín hiệu” của anh Hai Nghĩa. Thế rồi, vào một ngày đẹp trời sau Tết năm 2009, Anh điện thoại cho tôi nói: “Trình đi”. Tôi như mở cờ trong bụng, cho rà soát lại một lần nữa Tờ trình, dự thảo Chỉ thị và toàn bộ hồ sơ kèm theo, ký trình. Anh đọc kỹ hồ sơ, nói với tôi “Chắc ổn rồi, những vẫn cần chuẩn bị thêm trong đầu mà bảo vệ”. Tôi suy nghĩ mãi về vế sau của câu nói này. Hồ sơ đã đầy đủ, Tờ trình đã rất cụ thể, Chính phủ, các bộ, ban ngành liên quan, các địa phương cơ bản đã đồng tình, còn chuẩn bị gì nữa nhỉ? Thế rồi, cái gì đến đã đến! Tại phiên họp của Ban Bí thư, trước khi kết luận, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chất vấn tôi 3 câu: Một, có cần thiết thành lập tổ chức Luật sư toàn quốc hay không, nước ta đã có quá nhiều các tổ chức đoàn thể rồi; Hai, chọn người đứng đầu đã đúng tầm, đúng tâm, có tập hợp được anh em không? Và Ba, Bộ trưởng có cam kết với Ban Bí thư là có tổ chức Luật sư toàn quốc thì giới Luật sư Việt Nam sẽ đoàn kết hơn không, có mạnh hơn không, có đảm đương tốt hơn khâu đột phá của Cải cách tư pháp là tranh tụng không và liệu có bền vững không? Tôi giật mình trước 3 câu hỏi sắc sảo và thực tế này, liếc nhìn sang anh Hai Nghĩa, thấy Anh mỉm cười hiền hậu, tôi tự tin trả lời. Tan họp, Anh gặp tôi, chỉ bắt tay, vỗ vai và lại mỉm cười. Và thế là dự thảo Chỉ thị đã được thông qua và ngày 30/3/2009, lần đầu tiên trong lịch sử 64 năm hình thành và phát triển của đội ngũ Luật sư dưới chế độ dân chủ nhân dân, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Luật sư”. Từ đây, con đường dẫn tới việc thành lập tổ chức Luật sư toàn quốc đã được rộng mở. Nhưng tiếc rằng một bộ phận trong giới Luật sư lúc đó chưa nhận được đầy đủ giá trị này. Bên trong nội bộ còn lục đục, ganh đua nhau vị trí người đứng đầu. Mặc dù đã có sự giới thiệu của tổ chức, nhưng trước Đại hội vẫn có người gặp riêng tôi thách thức: “I will win, you will lose!” (Tôi sẽ thắng, anh sẽ thua!), ra Đại hội còn hùng hồn tuyên bố: “Rừng nào Cọp nấy”. Riêng về điều này tôi không báo cáo anh Hai Nghĩa vì không muốn Anh phải suy nghĩ nhiều. Nhưng dường như Anh đã biết. Chẳng thế mà Anh, một Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ lại tham dự Đại hội của một tổ chức đoàn thể suốt 3 ngày liền. Thế mới biết tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết của Anh lớn biết nhường nào. Và có lẽ chính nhờ đó mà Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất, diễn ra tại Hà Nội trong các ngày 10 - 12/5/2009 đã thành công, chính thức thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam – ngôi nhà chung của giới Luật sư cả nước và là thành viên duy nhất đại diện cho Luật sư Việt Nam trong các tổ chức, hiệp hội Luật sư thế giới, châu Á, và ASEAN.
Kể từ đó đến nay, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã trải qua 2 nhiệm kỳ Đại hội, phát triển nhanh đội ngũ hành nghề với gần 2 vạn người, được đào tạo bài bản hơn, chất lượng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp đều đã được nâng cao, hàng ngày đóng góp tích cực cho công cuộc Cải cách tư pháp của đất nước. Vinh dự lớn cho Liên đoàn là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, từ Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư 2 nhiệm kỳ đều đến thăm và làm việc với Hội đồng Luật sư toàn quốc. Giới Luật sư Việt Nam đã có ngày truyền thống 10/10 hàng năm. Và từ chỗ ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI chỉ có 1 Đại biểu là Luật sư thì nhiệm kỳ khóa XIV này đã có 3 Đại biểu Quốc hội là lãnh đạo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Đấy là chưa kể đến các vị Luật sư của các đoàn tham gia Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày càng tăng. Kể sơ sơ như vậy để giới Luật sư và cán bộ, công chức các ngành tư pháp cả nước thấy rõ hơn tầm nhìn và cống hiến to lớn của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng với sự phát triển, trưởng thành của giới Luật sư Việt Nam nói riêng, với sự nghiệp Cải cách tư pháp của đất nước nói chung.
Sự ra đi của anh Trương Vĩnh Trọng, anh Hai Nghĩa là sự mất mát to lớn của công cuộc Cải cách tư pháp và cũng là sự tổn thất khó có thể bù đắp được đối với giới Luật sư Việt Nam. Vĩnh biệt Anh, cá nhân tôi và tôi tin rằng giới Luật sư Việt Nam sẽ mãi luôn tự hào về Người Anh đã có công lao và ân tình lớn đối với Liên đoàn Luật sư Việt Nam; sẽ đoàn kết hơn, thực thi sứ mệnh cao cả bảo vệ công lý của mình tốt hơn để xứng đáng với niềm tin mà Anh đã gửi gắm.
Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2021
PGS. TS. Hà Hùng Cường
Chủ tịch Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam
Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Tư pháp
Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng với sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam