Ảnh minh họa.
Quy định của pháp luật về định giá tài sản
Hoạt động định giá tài sản trong tố tụng hình sự trước đây được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ và Thông tư số 55/2006/TT-BTC ngày 22/6/2006 của Bộ Tài chính về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự.
Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 ra đời, đã quy định cụ thể về định giá tài sản (Điều 69; Điều 101; Điều 215 đến Điều 222) bao gồm: Yêu cầu định giá tài sản; thời hạn định giá tài sản; tiến hành định giá, định giá lại tài sản; định giá tài sản trong trường hợp tài sản bị thất lạc hoặc không còn; định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt; kết luận định giá tài sản; quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận định giá tài sản.
Hướng dẫn thi hành BLTTHS năm 2015 về định giá tài sản trong tố tụng hình sự, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018, sau đó ban hành Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23/12/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong TTHS theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự.
Để hướng dẫn thi hành Nghị định của Chính phủ về định giá tài sản, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 43/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018, sau đó là Thông tư số 30/2020/TT-BTC ngày 17/4/2020 hướng dẫn Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018; Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23/12/2019, thay thế Thông tư 43/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018. Quy định về phân loại tài sản cần định giá, cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến yêu cầu định giá tài sản; tiếp nhận và triển khai yêu cầu định giá tài sản; thành lập Hội đồng định giá tài sản; quyền và nghĩa vụ của Hội đồng định giá tài sản, Tổ giúp việc Hội đồng định giá tài sản; căn cứ định giá tài sản; lập kế hoạch định giá tài sản; khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá; yêu cầu khi áp dụng phương pháp định giá tài sản; chi phí định giá, định giá lại tài sản trong tố tụng hình sự.
Những bất cập, vướng mắc về định giá tài sản
BLTTHS năm 2015, các Nghị định của Chính Phủ, Thông tư của Bộ Tài chính quy định, hướng dẫn về định giá tài sản trong tố tụng hình sự đã rõ ràng, cụ thể, tuy nhiên thực tế áp dụng vẫn gặp những vướng mắc, bất cập đó là:
Thứ nhất về thời điểm định giá tài sản
Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ và Thông tư số 30/2020 ngày 17/4/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP xác định căn cứ định giá tài sản không phải là hàng cấm là giá giao dịch phổ biến trên thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm định giá và địa điểm định giá được yêu cầu định giá. Tuy nhiên, trước đây theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ quy định việc định giá tài sản phải dựa vào giá phổ biến trên thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm. Sự thay đổi này dẫn tới khi áp dụng Nghị định số 30/2018/NĐ-CP gặp vướng mắc trong nhận thức, áp dụng.
Ví dụ: Ngày 20/6/2006 Trần Thanh L., sinh năm 1977 trú tại phường HC, thành phố QN, tỉnh BĐ có hành vi lén lút, lợi dụng đêm tối vào nhà bà Nguyễn Hồng T. là hàng xóm của L. trộm cắp của bà T. 03 lượng vàng SJC. Quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thành phố QN xác định: 03 lượng vàng SJC mà Trần Thanh L. chiếm đoạt có giá trị là 45.300.000 đồng. Viện Kiểm sát quân sự Khu vực truy tố Trần Thanh L. về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999. Sau khi Viện Kiểm sát ra cáo trạng truy tố và chuyển hồ sơ sang Tòa án thụ lý, bị can L. đã bỏ trốn khỏi địa phương. Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra ra lệnh truy nã bị can L. Đến ngày 10/9/2019, bị can L. bị cơ quan điều tra bắt theo lệnh truy nã, vụ án được phục hồi điều tra. Sau khi phục hồi điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã yêu cầu cơ quan định giá tiến hành định giá lại tài sản theo Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018.
Kết luận định giá tại thời điểm cơ quan điều tra yêu cầu, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thành phố QN xác định 03 lượng vàng SJC có giá trị 125.400.000 đồng, do đó bị can L. bị truy tố về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Như vậy, việc quy định thời điểm định giá tài sản có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định tình tiết định tội, định khung hình phạt. Việc xác định thời điểm định giá là thời điểm cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu là không phù hợp, gây bất lợi cho người phạm tội, trong trường hợp vụ án diễn ra cách xa thời điểm định giá, dẫn tới có sự chênh lệch rất lớn trong việc xác định tài sản bị xâm hại tại hai thời điểm trên.
Thứ hai, định giá tài sản là tài sản đặc biệt như vũ khí, súng đạn
Theo quy định vũ khí súng, đạn thuộc trường hợp phải trưng cầu giám định làm căn cứ xác định thiệt hại trong quá trình giải quyết vụ án, tuy nhiên một số vụ án quá trình giải quyết tang vật là vũ khí súng, súng đạn, bị cáo đã bán qua nhiều cầu và không thể thu hồi được hoặc súng tiểu liên AK cấp 5 không còn tính năng tác dụng, không còn giá trí trị sử dụng, thẩm quyền xử lý thuộc các cơ quan chuyên môn trong quân đội nên Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự không có căn cứ định giá những tài sản này. Vấn đề đặt ra, quá trình chiếm đoạt, mua bán các bị cáo đã thay thế sửa chữa các bộ phận súng, thực tế súng vẫn còn những tính năng tác dụng.
Cơ quan tiến hành tố tụng có văn bản yêu cầu cơ quan chuyên môn trong Quân đội xác định giá trị tài sản đối với súng Tiểu liên AK cấp 5, tuy nhiên súng tiểu liên AK cấp 5 do Liên bang Nga (Liên xô cũ) hoặc Trung Quốc viện trợ trước đây không xác định được năm sản xuất, chi phí sản xuất… dẫn tới định giá tài sản bằng phương pháp xác định tài sản tương tự là không đủ cơ sở, việc không định giá được tài sản là những khẩu súng tiểu liên AK cấp 5 dẫn tới không có cơ sở buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, điều này làm cho việc giải quyết vụ án không triệt để nhất là vấn đề dân sự.
Thứ ba, vấn đề định giá tài sản đối với tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường (tài sản là quyền sở hữu trí tuệ, tác phẩm nghệ thuật, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, khảo cổ, kiến trúc, lịch sử).
Qua cách nhìn của mỗi người giá trị một tác phẩm nghệ thuật, di vật, cổ vậthoặc vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, khảo cổ, kiến trúc, lịch sử, quyền sở hữu trí tuệ là khác nhau, đối với người bình thường, ít quan tâm thì giá trị tài sản đó không lớn. Còn đối với những chuyên gia, người đam mê sưu tầm, nghiên cứu thì tài sản đó có giá trị rất lớn, thậm chí là vô giá.
Ví dụ: A xâm phạm tài sản của B là một bình gốm sứ, trên thân bình có in hoa văn và chữ Hán. Qua lời khai của B, đây là tài sản rất quý, là cổ vật xuất xứ từ Trung Quốc có giá trị hơn 500 triệu đồng, B đề nghị cơ quan chức năng định giá đối với chiếc bình gốm sứ và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Hội đồng định giá tài sản cấp huyện định giá tài sản đối với chiếc bình gốm sứ có trị giá 30 triệu đồng. B không chấp nhận với kết luận định giá tài sản trên và đề nghị Hội đồng định giá tài sản cấp tỉnh định lại tài sản vì cho rằng giá trị chiếc bình gốm sứ cao hơn nhiều lần so với giá trị 30 triệu đồng đã được định giá.
Tài sản là tác phẩm nghệ thuật, di vật, cổ vật, quyền sở hữu trí tuệhoặc vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, khảo cổ, kiến trúc, lịch sử là những tài sản không có khung giá, thậm chí là tài sản vô giá. Vì vậy việc định giá gặp rất nhiều khó khăn, rất khó để định giá đúng giá trị của những loại tài sản này. Mặc dù Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ đã có hướng dẫn về vấn đề này nhưng trên thực tế làm thế nào để định giá tài sản bị thiệt hại một cách khách quan, chính xác để vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản vừa làm cơ sở cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như áp dụng đúng khung hình phạt và việc bồi thường thiệt hại đối với những người xâm phạm tài sản là công việc rất phức tạp, khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Một số kiến nghị, đề xuất
Qua những bất cập, vướng mắc thực tiễn áp dụng về định giá tài sản trong tố tụng hình sự, tác giả kiến nghị, đề xuất như sau:
Thứ nhất, cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn liên quan đến xác định thời điểm định giá tài sản là thời điểm tài sản bị xâm phạm để đảm bảo sự thống nhất trong quá trình áp dụng và theo hướng có lợi cho người phạm tội.
Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể định giá tài sản trong trường hợp tài sản là vũ khí, súng đạn không thể định giá hoặc không thể thu hồi được để có cơ sở giải quyết vụ án triệt để.
Thứ ba, bổ sung quy trình định giá tài sản đối với tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường; quyền sở hữu trí tuệ; tác phẩm nghệ thuật; di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, khảo cổ, kiến trúc, lịch sử; quy định việc định giá phải dựa trên kết quả giám định đồng thời phải có thành phần là đại diện các cơ quan chuyên môn, chuyên gia (như cơ quan sở hữu trí tuệ, bảo tàng hoặc khảo cổ…) có kinh nghiệm trong lĩnh vực của tài sản được định giá.
Thạc sĩ LÊ ĐÌNH NGHĨA - NGUYỄN NGỌC LĨNH
Tòa án quân sự khu vực 1 Quân khu 5