/ Pháp luật - Đời sống
/ Những câu hỏi gửi Bộ trưởng GTVT và Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: Kỳ 3 - Dự án cấp đè dự án, doanh nghiệp và 27.000 hộ dân gánh chịu hệ lụy?

Những câu hỏi gửi Bộ trưởng GTVT và Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: Kỳ 3 - Dự án cấp đè dự án, doanh nghiệp và 27.000 hộ dân gánh chịu hệ lụy?

26/04/2022 04:03 |

(LSVN) - Để làm rõ câu trả lời, PV Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có văn bản đề nghị làm việc trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh, tuy nhiên, bước sang tuần thứ 2, câu trả lời từ phía tỉnh Nam Định vẫn là: Chưa sắp xếp được…

Bộ GTVT đã nói gì?

Sau chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ngày 07/4/2022, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, Bộ GTVT đã có buổi làm việc với Công ty Mai Thanh về công trình hoàn trả Dự án nước sạch và đã rõ nhiều nội dung đáng chú ý.

Về thẩm quyền, phía Bộ GTVT cho biết, Dự án WB6 triển khai từ năm 2008 đến nay “chưa một giây dừng lại”; còn Dự án nước sạch của Công ty Mai Thanh do tỉnh Nam Định ra các quyết định triển khai từ năm 2015 nhưng Bộ GTVT không được biết. Do vậy, thẩm quyền thực hiện công trình hoàn trả tuyến ống nước sạch thuộc phần GPMB do tỉnh Nam Định đảm nhiệm.

Thi công cầu vượt thuộc Cụm công trình Kênh nối Đáy - Ninh Cơ.

Về Công văn số 587/UBND-TNMT ngày 30/09/2020 của UBND huyện Nghĩa Hưng gửi Bộ GTVT đề nghị phía Dự án WB6 làm Chủ đầu tư công trình hoàn trả tuyến ống nước sạch vì công trình này có “nhiều yếu tố kỹ thuật nằm ngoài chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện Nghĩa Hưng”. Phía Bộ GTVT cho biết, đây là “công văn vượt cấp” nên đã chuyển trả UBND tỉnh Nam Định giải quyết. Sau đó, UBND tỉnh Nam Định đã có công văn nhận trách nhiệm làm công trình này. Việc tỉnh Nam Định giao huyện Nghĩa Hưng thực hiện là thuộc thẩm quyền của tỉnh.

Cũng do Dự án nước sạch cấp sau, Bộ GTVT không được biết, nên Dự án WB6 cũng không xem xét việc đánh giá lại Báo cáo tác động môi trường (ĐTM) để xem ảnh hưởng của Kênh nối Đáy – Ninh Cơ có tác động trực tiếp đến Dự án nước sạch như thế nào?

Về thiết kế kinh tế - kỹ thuật Kênh nối Đáy – Ninh Cơ cũng vậy, Bộ GTVT triển khai từ năm 2015 và không xét đến tuyến ống hoàn trả Dự án nước sạch vì… cũng không biết có Dự án nước sạch được tỉnh triển khai.

Về phương án đi nổi qua cầu, phía Bộ GTVT trên tinh thần trách nhiệm cũng đã thuê một đơn vị tư vấn xem xét. Tư vấn đưa ra 3 phương án đi nổi: Trên mặt cầu, cạnh thân cầu và treo dưới gầm cầu. Tuy nhiên, cả 3 phương án đều không thể chấp nhận vì làm thay đổi kết cấu cầu. Cụ thể, đi nổi trên cầu sẽ phải mở rộng mặt cầu thêm 1,2m; đi bên thân cầu, tuyến ống sẽ lạm lệch trọng tâm cầu; treo dưới gầm cầu, để bảo đảm độ tĩnh không tính từ mặt nước, cầu phải thêm cao độ và phải kéo dài cầu. Do vậy, Chủ dự án WB6 chỉ có thể chấp nhận phương án đi ngầm dưới đáy kênh.

Trước kiến nghị của Công ty Mai Thanh, Bộ GTVT cũng cho rằng, cần phải bàn lại với UBND tỉnh Nam Định về nhiều nội dung.

Sau buổi làm việc, Công ty Mai Thanh tiếp tục đề xuất phương án đi nổi cạnh thân cầu nhưng chia nhỏ thành nhiều tuyến ống 2 bên thân cầu. Theo ý kiến chuyên gia, cách làm này sẽ khắc phục được vấn đề lệch trọng tâm cầu.

Ngày 08/4, Bộ GTVT đã có Thông báo số 3490/BGTVT-TTr về việc giải quyết kiến nghị của Công ty Mai Thanh. Theo đó, Bộ GTVT đề nghị: UBND tỉnh Nam Định xem xét và giải quyết các vấn đề liên quan đến “thiết kế tuyến ống nước hoàn trả về đường kính, vật liệu, khoảng cách, phương án khắc phục sự cố/sửa chữa và bồi thường thiệt hại cho Công ty Mai Thanh".

Lãnh đạo tỉnh Nam Định thừa nhận “thiếu sót”: Không xin ý kiến Bộ GTVT?

Tối ngày 23/4, trên Truyền hình Quốc hội, bà Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định thừa nhận: Việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nước sạch cho Công ty Mai Thanh là thực hiện sau khi có Dự án WB6 và “trong quá trình triển khai chúng tôi có thiếu sót là chưa xin ý kiến của Bộ Giao thông vì có liên quan đến Kênh nối Đáy”. Tuy nhận “thiếu sót” nhưng bà Hà Lan Anh vẫn khẳng định: Việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nước sạch là phù hợp với “yêu cầu cấp thiết”, nghĩa là, tỉnh Nam Định không sai.

Bà Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.

Trước đó, trên VTV1 vào tối 07/4, vẫn bà Hà Lan Anh, đã tỏ rõ thái độ với chủ doanh nghiệp có Dự án “cấp thiết” như sau: “Chúng tôi tiếp tục đối thoại, vận động, tuyên truyền doanh nghiệp. Dự kiến chúng tôi sẽ tiến hành cưỡng chế lần 1 vào cuối tháng 4 này”.

Trước đó 1 tháng, vào ngày Quốc tế phụ nữ 08/3, nữ Giám đốc Công ty Mai Thanh đã được UBND huyện Nghĩa Hưng tống đạt Quyết định cưỡng chế, thể hiện quyết tâm thực hiện đến cùng Quyết định số 756/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 của UBND huyện Nghĩa Hưng về xây dựng công trình hoàn trả theo phương án đi ngầm.

Công ty Mai Thanh đã khiếu nại cả 2 quyết định kể trên, cho rằng, những động thái của huyện Nghĩa Hưng về việc triển khai, lập báo cáo đưa ra 2 phương án đi nổi, đi ngầm rồi lấy ý kiến đa số để lựa chọn phương án đi ngầm là không trung thực, khách quan, lạm quyền.

Trên thực tế, tỉnh Nam Định giao huyện Nghĩa Hưng làm Chủ đầu tư công trình tuyến ống hoàn trả vào ngày 28/7/2021 là một “quy trình” khó lý giải.

Trước đấy, chính huyện Nghĩa Hưng đã tự làm Chủ đầu tư dù không được tỉnh giao. Khi thấy khó kham nổi, huyện Nghĩa Hưng đã lúng túng tới mức phải làm cả “công văn vượt cấp” gửi Bộ GTVT đề nghị giao cho phía WB6 làm công trình này khiến Bộ GTVT phải chuyển trả công văn về UBND tỉnh Nam Định.

Ngày 28/7/2021, sau khi thống nhất với Bộ GTVT, UBND tỉnh Nam Định mới có Công văn số 517/UBND-VP5 giao UBND huyện Nghĩa Hưng làm Chủ đầu tư hoàn trả tuyến ống nước sạch. 

Có nghĩa là từ đây UBND huyện Nghĩa Hưng mới được làm Chủ đầu tư. Vậy, cả một quá trình triển khai trước đó, UBND huyện Nghĩa Hưng làm Chủ đầu tư theo lệnh ai, văn bản nào giao nhiệm vụ?

Bị tỉnh yêu cầu phải làm, trong khi Chủ Dự án WB6 không đồng ý cho xâm phạm vào kết cấu cầu vượt, đồng thời lại phải đảm bảo tiến độ của WB6, UBND huyện Nghĩa Hưng đã bộc lộ nhiều dấu hiệu không khách quan, ép Công ty Mai Thanh phải chấp nhận phương án đi ngầm dưới đáy kênh – phương án duy nhất được phía WB6 chấp thuận.

Sau khi bị Công ty Mai Thanh liên tục khiếu nại các quyết định phê duyệt phương án hoàn trả đi ngầm đã ban hành, đến ngày 18/02/2022, UBND huyện Nghĩa Hưng đã “sửa sai” bằng Quyết định số 756/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung. Tại quyết định này, dù đã thay đổi nhiều nội dung so với các quyết định trước, trong đó dự toán đã tăng lên từ 7,3 tỉ lên hơn 9,3 tỉ, nhưng Công ty Mai Thanh vẫn khiếu nại vì quyết định vẫn phê duyệt phương án đi ngầm mà theo hồ sơ tư vấn là “xảy ra sự cố thì không thể khắc phục được”.

Ngày 15/4, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 690/PC-VPCP yêu cầu Bộ GTVT chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Nam Định giải quyết Đơn kêu cứu khẩn cấp của Công ty Mai Thanh.

Hệ lụy “dự án cấp đè lên dự án” ai gánh chịu?

“Thiếu sót” mà Phó Chủ tịch Hà Lan Anh thừa nhận có tên gọi: UBND tỉnh Nam Định cấp dự án đè lên dự án và không cho Chủ dự án bị cấp đè biết. Hậu quả của “thiếu sót” đang dẫn đến hai hệ lụy.

Thứ nhất, Dự án nước sạch cấp sau Dự án WB6 và không thông báo cho Chủ Dự án này biết nên công trình hoàn trả không thuộc trách nhiệm hoàn trả của Bộ GTVT như đối với các công trình hoàn trả khác là Bến phà Mười, hệ thống kênh mương thủy lợi, tuyến đường điện 35KV; mà thuộc phần GPMB gắn với trách nhiệm của tỉnh Nam Định.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Mai Thanh, Chủ dự án Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân.

Trong khi đó, công trình hoàn trả tuyến ống nước sạch theo qui định tại Điều 12 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT hướng dẫn Nghị định 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được xác định là công trình thiết yếu có yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật không thể bố trí ngoài phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

Việc một công trình thiết yếu như thế lại giao cho UBND huyện Nghĩa Hưng từng nhận thấy “có nhiều yếu tố kỹ thuật ngoài chức năng, nhiệm vụ” làm chủ đầu tư; lại nhận nhiệm vụ trong bối cảnh không được đi nổi vì xâm phạm vào kết cấu cầu vượt và phải khẩn trương vì tiến độ của Dự án WB6 đã cận kề… là nhiệm vụ “bất khả thi”, kết quả bị khiếu kiện có thể tiên lượng được.

Hệ lụy thứ hai là do Dự án nước sạch cấp sau và đè lên Dự án WB6 nên không thuộc trường hợp Chủ Dự án WB6 phải lập Báo cáo ĐTM để đánh giá tác động ảnh hưởng của Kênh nối Đáy – Ninh Cơ đối với Dự án nước sạch. Trong khi trên thực tế, nếu Kênh nối đi vào hoạt động thì vùng xâm nhập mặn sẽ tiến sát Nhà máy nước và hồ chứa nước của Dự án nước sạch, từ khoảng cách 40km còn 7km. Sự ảnh hưởng không được đánh giá này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với hoạt động của dự án nước sạch trong suốt 48 năm còn lại.

Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp, đặc biệt là sức khỏe của 27.000 hộ dân đang thụ hưởng nước sạch từ dự án, nếu không có giải pháp đúng đắn ngay từ bây giờ?

Đứng bên bờ sông Đáy trước ngày 26/4 diễn ra hội nghị do Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chủ trì về việc hoàn trả dự án nước sạch, bà Nguyễn Thị Thanh đã khóc.

Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt mệt mỏi. Giọng bà đầy xúc động: 8 năm qua bà đã dốc cạn vốn và sức lực cho dự án có tên gọi “từ tâm” dù chưa được hưởng một đồng nào từ chính sách của Nhà nước đối với Dự án nước sạch nông thôn được pháp luật ưu tiên đầu tư và bảo vệ.

Bà biết ơn các lãnh đạo tỉnh Nam Định trước đây đã động viên, khích lệ, ủng hộ Dự án nước sạch. Bà mong lãnh đạo tỉnh hiện tại sẽ nhìn nhận khách quan, không chỉ dựa vào báo cáo của cấp dưới, để có giải pháp hợp tình, hợp pháp và an toàn, không dồn doanh nghiệp đến bước đường cùng.

“Nếu sai thì phải sửa theo đúng đạo lý và pháp luật. Không thể lấy cái sai này để sửa cái sai khác vì sẽ càng sai hơn. Cũng như không thể diễn ra nghịch cảnh “quýt” làm… nhưng doanh nghiệp và người dân phải chịu” - Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh chia sẻ.

PV

Những câu hỏi gửi Bộ trưởng Bộ GTVT và Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: Kỳ 2 - Có hay không 'kịch bản' ép công trình nước sạch xuống đáy kênh?

Lê Minh Hoàng