Chân dung nhà khoa học Julius Robert Oppenheimer.
Tội đồ hay người có công?
Julius Robert Oppenheimer (22/4/1904-18/2/1967) là một nhà vật lý lý thuyết người Mỹ, Giáo sư Đại học California tại Berkeley. Là lãnh đạo thời chiến của phòng thí nghiệm Los Alamos, ông là một trong số những “cha đẻ của bom nguyên tử” với vai trò quan trọng trong dự án Manhattan, dự án thời Chiến tranh thế giới thứ hai phát triển các vũ khí hạt nhân đầu tiên.
Oppenheimer sinh ra tại TP. New York, trong một gia đình Do Thái. Cha là Julius Oppenheimer, một nhà nhập khẩu hàng dệt may giàu có di cư từ Đức tới Hoa Kỳ năm 1888. Mẹ là họa sĩ Ella Friedman. Sau nhiều nỗ lực của người cha Oppenheimer, năm 1912 gia đình chuyển về một căn hộ tại Manhattan, một khu vực nổi tiếng với những biệt thự xa hoa và những ngôi nhà hiện đại. Oppenheimer có một người em trai tên Frank, người về sau cũng trở thành nhà vật lý.
Oppenheimer đầu tiên đi học ở trường Alcuin, sau vào năm 1911 nhập học tại Trường Xã hội Văn hóa Đạo đức (nay là Trường Văn hóa Đạo đức Fieldston, một trường danh giá thuộc hệ thống Ivy League cho các trường dự bị). Oppenheimer là một cậu học trò đa tài, quan tâm tới văn học ngôn ngữ Anh và Pháp, và nhất là yêu thích khoáng vật học.
Ông hoàn thành lớp 3 và lớp 4 trong vòng 01 năm, và nhảy cóc nửa năm lớp 8. Vào năm cuối trung học, ông bắt đầu quan tâm tới hóa học. Ông vào học trường Harvard ngành hóa muộn một năm, ở tuổi 18, bởi mắc chứng viêm loét đại tràng khi đang khảo sát khoáng vật trong chuyến đi nghỉ mùa hè của gia đình tại Jáchymov (Tiệp Khắc).
Julius Robert Oppenheimer - “cha đẻ của bom nguyên tử”
Bên cạnh chuyên ngành hóa, quy định của Harvard cũng yêu cầu ông phải học lịch sử, văn học và triết học hoặc toán học. Ông bù đắp cho việc nhập học muộn bằng cách học mỗi kỳ 06 khóa trình và được nhận vào hội danh dự Phi Beta Kappa. Ngay trong năm đầu ông đã được nhận dự thính sau đại học về vật lý dựa trên kết quả tự học, nghĩa là ông không phải qua các khóa cơ bản và có thể học luôn các khóa chuyên sâu. Một khóa về nhiệt động lực học do Percy Bridgman đứng lớp đã lôi cuốn ông đến với vật lý thực nghiệm. Ông tốt nghiệp loại ưu chỉ trong 03 năm.
Oppenheimer thực hiện những khám phá quan trọng về thiên văn học lý thuyết. Đặc biệt là về thuyết tương đối tổng quát và lý thuyết hạt nhân, vật lý hạt nhân, phổ học, và lý thuyết trường lượng tử, mở rộng lý thuyết này vào điện động lực học lượng tử. Hình thức luận toán học của cơ học lượng tử tương đối tính cũng thu hút sự quan tâm của ông, mặc dù ông nghi ngờ tính khả thi của nó.
Ngày 09/10/1941, ít lâu trước khi Hoa Kỳ chính thức tham chiến vào Chiến tranh thế giới thứ hai, Tổng thống Franklin Roosevelt phê chuẩn một chương trình khẩn cấp phát triển bom nguyên tử. Tháng 5/1942, Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Quốc phòng James Bryant Conant, người khi còn là giảng viên ở Harvard có dạy Oppenheimer, mời ông tới đảm nhận công việc tính toán neutron nhanh.
Ông nhận được biệt danh “Người điều phối đứt gãy nhanh”, ám chỉ tới sự lan truyền của một phản ứng dây chuyền neutron nhanh trong một quả bom nguyên tử. Một trong số những hành động đầu tiên của ông là tổ chức một khóa giảng mùa hè về lý thuyết bom ở tòa nhà ông làm việc ở Berkeley.
Quả cầu lửa tại vụ thử hạt nhân Trinity.
Một nhóm những nhà vật lý Châu Âu cùng với sinh viên theo học ông, trong số đó là Robert Serber, Emil Konopinski, Felix Bloch, Hans Bethe và Edward Teller. Những người bận bịu tính toán những thứ cần thiết phải thực hiện, và thực hiện theo trình tự nào, để chế tạo quả bom. Nỗ lực của các nhà khoa học ở Los Alamos được hiện thực hóa trong vụ thử hạt nhân đầu tiên gần Alamogordo vào ngày 16/7/1945, một nơi Oppenheimer đặt cho mật danh “Trinity” vào giữa năm 1944.
Tại một phiên họp toàn thể tại Los Alamos vào ngày 06/8/1945 (đêm quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima), Oppenheimer bước lên sân khấu, nắm hai tay mình lại “như thể một tay đấm quyền Anh được giải” trong khi đám đông reo mừng. Ông phát biểu nói lấy làm tiếc rằng quả bom đã không kịp để sử dụng chống lại Đức Quốc xã.
Tuy nhiên, ông và nhiều thành viên dự án khác đã cảm thấy rất buồn về vụ ném bom Nagasaki sau đó 03 ngày, bởi họ cảm thấy quả bom thứ hai là không cần thiết từ quan điểm quân sự. Ông đi tới Washington ngày 17/8/1945, để đưa tận tay một lá thư tới Bộ trưởng Chiến tranh Henry L. Stimson bày tỏ sự bất mãn của ông cũng như ước vọng cấm vũ khí hạt nhân.
Tháng 10/1945 Oppenheimer được phép gặp gỡ Tổng thống Harry Truman. Buổi gặp diễn ra tệ hại, sau khi Oppenheimer nói rằng ông cảm thấy “bàn tay tôi vấy máu”. Nhận xét đó làm Truman nổi giận và chấm dứt cuộc gặp. Sau đó Truman nói với Thứ trưởng Ngoại giao Dean Acheson: “Tôi không muốn nhìn thấy thằng chó đẻ trong văn phòng này thêm một lần nào nữa”. Tuy vậy, vì thành tích lãnh đạo ở Los Alamos, ông nhận được Huân chương Công trạng (danh dự dân sự cao nhất ở Hoa Kỳ) từ Truman năm 1946.
Suýt trở thành kẻ giết người
Theo những thông tin thu thập được, Oppenheimer vốn là đứa trẻ có trí não rất giống với Chris Langan. Cha mẹ ông coi cậu con trai là thiên tài. Một giáo viên của ông nhớ lại: “Cậu bé đón nhận tất cả ý tưởng mới theo cách đẹp đẽ và hoàn hảo”.
Oppenheimer vào học ở Harvard và tiếp đến là Đại học Cambridge để theo đuổi học vị tiến sĩ ngành vật lý. Ở đó, Oppenheimer, vốn đã phải tranh đấu với nỗi tuyệt vọng ám ảnh suốt cả cuộc đời, đã ngày càng nản chí.
Tài năng của ông vốn dành cho vật lý lý thuyết, và người hướng dẫn của ông - Giáo sư Patrick Blackett (người sau này giành được giải Nobel vào năm 1948) đã ép Robert phải làm những công việc vật lý thực nghiệm vụn vặt, thứ Robert rất căm ghét.
Robert ngày càng trở nên bất ổn định về cảm xúc, và sau đó, trong một động thái kỳ quặc đến mức tới tận ngày nay cũng chưa có ai hiểu thấu đáo, Oppenheimer đã lấy một ít hóa chất ở phòng thí nghiệm rồi tìm cách đầu độc thầy giáo hướng dẫn.
Bởi trước đó, ông từng muốn nghiên cứu vật lý thực nghiệm nhưng bị ngăn cản do tính vụng về của mình. Năm 1926, trong khi đi nghỉ tại Corsica, Oppenheimer đã tỏ ra vô cùng hối hận và thú nhận với 02 người bạn rằng ông phải quay trở về Cambridge ngay lập tức. Lí do là trước khi đi, ông đã phết một lớp chất độc hóa học trong phòng thí nghiệm lên một quả táo và đặt nó trên bàn Blackett. Oppenheimer muốn quay trở về để báo cho Blackett và hy vọng ông không ăn quả táo độc đó.
May mắn thay là Blackett không làm sao. Tuy nhiên, ban lãnh đạo trường đại học đã được thông báo về vụ việc này và định kết án Oppenheimer. Ở một nơi danh giá như Cambridge, Ban Giám hiệu nhà trường không bỏ qua vụ việc lớn như việc sinh viên âm mưu ám sát giáo viên của mình. Nhờ có sự can thiệp kịp thời của cha mẹ mà Oppenheimer đã không bị kết án.
Tuy nhiên, ông bị quản chế và phải trải qua các cuộc kiểm tra tâm lý. Cuối năm 1926, Oppenheimer rời trường Cambridge sau khi nhận lời mời nghiên cứu vật lý lý thuyết tại Đại học Gottingen. Mối quan hệ của Oppenheimer và Blackett cũng được hàn gắn lại sau đó và cùng nhau tiếp tục đóng góp cho sự phát triển khoa học của nhân loại.
VŨ VŨ/PLVN