/ Đời sống - Xã hội
/ Những sự kiện chính trị, pháp lý tiêu biểu năm 2020

Những sự kiện chính trị, pháp lý tiêu biểu năm 2020

12/01/2021 07:20 |

(LSVN) - 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước: 75 năm Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam, 45 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 1010 năm Thăng Long - Hà Nội… Năm 2020 cũng là năm tuy trong một bối cảnh chưa từng có tiền lệ, nhưng đất nước đã đạt được rất nhiều thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Trên cơ sở tham khảo ý kiến của các chuyên gia, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã lựa chọn ra 10 sự kiện được xem là nổi bật về chính trị, pháp lý được quan tâm nhất trong năm 2020. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

1. Cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam thành công, góp phần hoàn thành mục tiêu kép của Chính phủ

Virus corona khởi phát từ tháng 12/2019 là nỗi ám ảnh đối với toàn thế giới trong năm 2020. Tính đến cuối tháng 12/2020, Covid-19 đã hoành hành ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm mầm bệnh cho hơn 78 triệu người và cướp đi mạng sống của hơn 1,7 triệu người. Riêng tại Việt Nam, đến nay đã phát hiện trên 1.400 ca nhiễm bệnh (chủ yếu từ nguồn nhập cảnh), 35 người đã tử vong. Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Đảng, Chính phủ và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt. Nhiều biện pháp pháp luật hành chính lần đầu đã được áp dụng như phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội… đã góp phần kiểm soát dịch bệnh  trên toàn quốc. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh thế giới suy thoái nghiêm trọng. Tăng trưởng GDP đạt trên 2%; cả năm ước đạt 2 đến 3%; Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là nước duy nhất tăng trưởng dương ở khu vực Đông Nam Á, là một trong số ít nước tăng trưởng dương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh dịch bệnh; các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm; niềm tin của nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Chính phủ tiếp tục được củng cố.

Cũng liên quan đến phòng chống dịch bệnh, lần đầu tiên các vi phạm trong phòng chống và làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng không chỉ bị xử lý hành chính mà còn bị xử lý hình sự.

2. Hoàn thành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Tính đến cuối tháng 10/2020, toàn bộ 67/67 (100%) đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, bảo đảm đúng quy định, chất lượng theo yêu cầu. Tại các đại hội này, công tác chuẩn bị văn kiện được tiến hành công phu, kỹ lưỡng; chất lượng văn kiện được nâng lên, nhất là việc xác định tầm nhìn và các nhiệm vụ đột phá; công tác nhân sự có nhiều đổi mới, phát huy dân chủ, khách quan, chặt chẽ, đúng quy trình…

Tại Hội nghị Trung ương 14 (diễn ra từ ngày 14-18/12/2020), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định triệu tập Đại hội XIII của Đảng từ ngày 25/01/2021 đến ngày 02/02/2021 tại thủ đô Hà Nội. Đến nay, việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã hoàn thành theo đúng mục đích, yêu cầu, kế hoạch đề ra. Với mục tiêu tổng quát là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; phát huy sức sáng tạo, ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đại hội XIII của Đảng thành công sẽ là mốc son quan trọng để đưa đất nước ta vào giai đoạn phát triển mới.

3. Việt Nam đảm nhận thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN

Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò kép là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Với vai trò Chủ tịch HĐBA, ngay tháng 01/2020 - tháng mở đầu năm kỷ niệm 75 năm thực hiện Hiến chương LHQ, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề ưu tiên trong tháng là thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Sáng kiến thứ hai của Việt Nam trong tháng Chủ tịch HĐBA là tổ chức lần đầu tiên tại HĐBA một cuộc họp về thúc đẩy hợp tác giữa LHQ và ASEAN.

Theo đề xuất của Việt Nam, lần đầu tiên, nội dung hợp tác với ASEAN cũng đã được thúc đẩy thảo luận tại HĐBA LHQ. Ngày 24/11, Đại hội đồng LHQ Khóa 75 đã thảo luận và thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết về hợp tác ASEAN-LHQ. Nghị quyết, với 110 nước đồng bảo trợ, đạt kỷ lục về số nước đồng bảo trợ kể từ khi nghị quyết về hợp tác ASEAN-LHQ được đưa ra lần đầu tiên tại Đại hội đồng LHQ năm 2002. Ngày 07/12, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết A/RES/75/27 thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hàng năm. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng LHQ.

4. Việt Nam tham gia hai hiệp định kinh tế, thương mại quốc tế quan trọng

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực ngày 01/8/2020, sau khi đã được Hội đồng châu Âu thông qua vào ngày 30/3/2020 và Việt Nam phê chuẩn vào ngày 08/6/2020. Đây là một hiệp định thế hệ mới, với phạm vi cam kết rộng, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).   

EU luôn là một trong ba đối tác thương mại hàng đầu (sau Trung Quốc và Mỹ) và là một trong hai thị trường xuất khẩu quan trọng nhất (sau Mỹ) của Việt Nam. Theo thỏa thuận, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU; sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Với Hiệp định EVFTA, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có ký kết hiệp định thương mại tự do với EU.

Năm 2020, cùng với EVFTA, một trong những hiệp định quốc tế lớn khác được dư luận quan tâm là Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) được ký kết tại Hà Nội vào ngày 15/11/2020, hướng tới mục tiêu hình thành Hiệp định thương mại tự do Đông Á (EAFTA) và khởi đầu cho Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA). Trong đó, 15 nước thành viên chiếm gần tới 30% của dân số thế giới (2,2 tỷ người) và 30% của tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu (26,2 nghìn tỷ USD) vào thời điểm năm 2020, làm nó trở thành một khối thương mại lớn nhất trong lịch sử. Hiệp định sẽ có hiệu lực trong hai năm tiếp theo, sau khi được phê chuẩn bởi các quốc gia thành viên.

Việc tham gia Hiệp định EVFTA và RCEP khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Hai Hiệp định này không chỉ giúp Việt Nam có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường mà còn là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại các mặt hàng xuất khẩu, tạo thế tự chủ, bớt lệ thuộc vào một số thị trường truyền thống.

5. Kết thúc Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ

Ngày 08/11/2011 Chính phủ ra Nghị quyết số 30c/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu trọng tâm là: cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công. Sau gần 10 năm thực hiện, Chương trình đã mang lại những kết quả vô cùng quan trọng.

Báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương cho biết, trước mắt sẽ giảm 5 đơn vị hành chính cấp huyện, 556 đơn vị hành chính cấp xã. Qua 2 năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương, toàn hệ thống chính trị đã giảm 4 đầu mối trực thuộc Trung ương, 100 đầu mối thuộc cấp tỉnh, 496 đầu mối trực thuộc cấp huyện, hơn 2.600 phòng và tương đương, hơn 4.160 đơn vị sự nghiệp công lập…, giảm gần 15.200 cấp trưởng, cấp phó. So với thời điểm tháng 4/2015 đã giảm 6,58% số biên chế, với số lượng cụ thể là 236.000 người. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế đã góp phần giảm được khoảng 10.000 tỷ đồng khi bố trí ngân sách nhà nước năm 2019 cho hoạt động các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiết kiệm chi thường xuyên.

Vấn đề xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, chính quyền thông minh đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3 và cấp độ 4 ngày càng phổ biến, tạo ra sự thay đổi lớn trong phương thức giải quyết công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới một nền hành chính nhà nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, nền hành chính 24/7.

Từ năm 2011, hệ thống thể chế đã được xây dựng, sửa đổi, bổ sung với dấu ấn đổi mới rõ nét. Hiến pháp năm 2013 được ban hành đặt ra yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện các luật, pháp lệnh và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, cạnh tranh, kiểm soát độc quyền, bảo vệ người tiêu dùng, đấu giá tài sản, giải quyết tranh chấp, phá sản, xử lý vi phạm… Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) giai đoạn 2011-2020 không chỉ là vấn đề công khai, minh bạch TTHC mà đi sâu vào việc thay đổi các quy định nội dung TTHC, đã cắt giảm danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện từ 267 ngành năm 2014 xuống còn 243 ngành năm 2020.

6. Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020; tiếp tục phát hiện và xét xử các vụ án trọng điểm, nghiêm trọng

Ngày 12/12/2020, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2013-2020.

Báo cáo tổng kết công tác PCTN cho biết: Trong giai đoạn 2013-2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700.000 tỷ đồng, hơn 20.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14.000 tập thể, nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nâng lên rõ rệt (nếu năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013-2020, đạt 32,04%). Công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; nhiều địa phương, bộ ngành đã chú ý ngăn chặn, xử lý tệ “tham nhũng vặt”.

Năm 2020 cũng là năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực, nhiều vụ án lớn liên quan đến các quan chức lãnh đạo địa phương được phát hiện, xét xử. Riêng từ sau Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo đến nay đã xử lý dứt điểm 12 vụ án, 04 vụ việc; kết thúc điều tra 13 vụ án/53 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 11 vụ án/98 bị can; xét xử sơ thẩm 06 vụ án/33 bị cáo; xét xử phúc thẩm 04 vụ án/06 bị cáo. Trong đó đã kết thúc điều tra, ban hành cáo trạng truy tố 05 vụ án trọng điểm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án nghiêm trọng thuộc các lĩnh vực kinh tế, trật tự xã hội, được dư luận đặc biệt quan tâm, như: vụ án giết người, chống người thi hành công vụ tại Đồng Tâm; vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường; các vụ án liên quan đến băng nhóm Đường “Nhuệ” ở Thái Bình,… Đặc biệt, trong tháng 12/2020 Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) - Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, khởi tố 10 bị can. Đây là vụ án nghiêm trọng, các bị can với phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi để chuyển số tiền đặc biệt lớn (gần 30 nghìn tỷ đồng) từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép, nhằm che giấu hành vi phạm tội khác.

7. 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nghề Luật sư

Ngày 05/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1072/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020 nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và cải cách tư pháp.

Nếu năm 1989 cả nước mới có 186 Luật sư, đến tháng 5/2009 là 5.300 Luật sư thì hiện nay số lượng Luật sư đã tăng lên gần 15.000 thành viên với trên 4.000 tổ chức hành nghề Luật sư tại 63 tỉnh, thành phố. Cùng với việc tăng về số lượng, chất lượng dịch vụ pháp lý của Luật sư cũng được nâng cao đáng kể. Các Luật sư đã tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng trong tất cả các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các Đoàn Luật sư, trong 10 năm qua (từ năm 2009 đến 31/12/2019), đội ngũ Luật sư Việt Nam đã tham gia vào 14.081 vụ án hình sự, 121.744 vụ việc dân sự, 54.170 vụ việc trong lĩnh vực kinh tế kinh doanh thương mại, 9.149 vụ án hành chính, 2.576 vụ án lao động và tư vấn hàng chục nghìn vụ việc pháp lý. Những năm gần đây, đội ngũ luật sư về cơ bản đã đảm nhận 100% việc bào chữa trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu; tích cực tham gia vào hoạt động xây dựng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho cộng đồng. Trong hơn 4 năm (2015-2019), Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cử 761 lượt Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý tại Trụ sở Văn phòng tiếp dân Trung ương; phối hợp với các bộ, ngành trong việc rà soát thủ tục hành chính, đề xuất các biện pháp đấu tranh pháp lý liên quan đến thương mại quốc tế, tham gia tích cực vào hoạt động bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài,...

Năm 2020 cũng là năm giới Luật sư Việt Nam kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam và 10 năm tham gia thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”.

Trong 10 năm qua, nhờ có chủ trương đúng đắn, nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của Luật sư và nghề Luật sư đã có nhiều chuyển biến. Những đóng góp của đội ngũ Luật sư trong hoạt động tư pháp, cung cấp dịch vụ pháp lý cho người dân và các doanh nghiệp đã góp phần vào việc giữ gìn an ninh, trật tự và ổn định xã hội,... từ đó đã đóng góp vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

8. 01 năm thực hiện Bộ quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư (sửa đổi)

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam ban hành lần đầu tiên vào năm 2011 và đã được Hội đồng Luật sư toàn quốc thông qua sửa đổi, bổ sung thay thế vào tháng 12/2019.

Đây được coi là một trong những bộ quy tắc đầy đủ, chặt chẽ nhất so với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp hiện nay ở Việt Nam. Cùng với Luật Luật sư và Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư là cơ sở quan trọng để các Luật sư nâng cao năng lực, hành nghề Luật sư chuyên nghiệp hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay.

Sau một năm thực hiện, Bộ Quy tắc đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng các giá trị chuẩn mực của nghề Luật sư ở Việt Nam, nâng cao uy tín và vị thế nghề Luật sư. Xác định rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư trong việc giáo dục, rèn luyện và giữ gìn phẩm chất đạo đức của Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư đã tích cực triển khai việc học tập, phổ biến Bộ Quy tắc đến tất cả các Luật sư trong cả nước.

9. Nhiều quy định mới tăng mức xử phạt hành chính liên quan đến lĩnh vực truyền thông, sử dụng rượu, bia

Ngày 07/10/2020 Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản (thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ). Nghị định 119/2020/NĐ-CP có nhiều điểm mới, đặc biệt là tăng thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cho sở thông tin và truyền thông các địa phương. Cùng với việc quy định rõ hơn về thẩm quyền, tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, kể từ ngày Nghị định 119/2020/NĐ-CP có hiệu lực, chánh thanh tra sở thông tin và truyền thông và trưởng đoàn thanh tra thông tin và truyền thông cấp sở không còn bị giới hạn trong phạm vi địa phương và theo ủy quyền như quy định tại điểm e khoản 2 Điều 31 Nghị định 159/2013/NĐ-CP.

Ngày 01/01/2020 cũng là ngày Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực. Nghị định này quy định xử lý đối với các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông (xe đạp, xe đạp máy - kể cả xe đạp điện, xe mô tô, xe gắn máy - kể cả xe máy điện, xe ô tô,… và các loại xe tương tự) trên đường mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn; quy định tăng mức phạt hành chính kèm theo các hình thức xử phạt bổ sung. Đối với xe ô tô và xe tương tự xe ô tô, mức phạt cao nhất là 40.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe lên đến 24 tháng.

Trong khi đó, theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP, bên cạnh việc quy định cụ thể về các vi phạm trong lĩnh vực rượu bia như bán, cung cấp, quảng cáo,… bia rượu, Nghị định này còn quy định xử phạt hành chính đối với các hành vi xúi giục, lôi kéo, kích động, ép buộc người khác uống rượu bia. Mức phạt tiền có thể lên đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu bia.

10. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Chương trình đề ra mục tiêu: đến năm 2025 phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau (đến năm 2030 đạt 100%), bao gồm cả thiết bị di động. Phấn đấu Việt Nam sẽ gia nhập nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI) trong năm 2025 và nhóm 50 nước dẫn đầu trong năm 2030. Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII). Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50% vào năm 2025 và trên 80% vào năm 2030…

BH (t/h)

Kỹ năng xét hỏi bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm hình sự

Lê Minh Hoàng