/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Niềm tin - Yếu tố quyết định việc thân chủ mời Luật sư

Niềm tin - Yếu tố quyết định việc thân chủ mời Luật sư

20/01/2023 12:53 |2 năm trước

(LSVN) - Niềm tin là một trong các yếu tố tiên quyết quyết định việc lựa chọn và sử dụng dịch vụ Luật sư của thân chủ.

Ảnh minh họa.

Khi có sự kiện pháp lý xảy ra, người dân hy vọng, gửi gắm vào công lý, vào lẽ công bằng của cuộc sống. Khi đó người dân lựa chọn và sử dụng dịch vụ Luật sư với mong muốn Luật sư giúp họ được thụ hưởng công lý, công bằng. Giả sử người dân không còn niềm tin vào công lý, không còn sự kỳ vọng vào lẽ công bằng, khi đó người dân cũng sẽ không còn lý do để thuê và sử dụng dịch vụ Luật sư. Đây cũng là một trong các lý do giải vì sao nói nghề Luật sư góp phần bảo vệ công lý, công bằng trong xã hội. Điều đó đòi hỏi mỗi Luật sư khi tiếp xúc, làm việc, cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng nói riêng và trong giao tiếp, ứng xử xã hội nói chung cần định hướng tăng cường niềm tin của người dân vào công lý, công bằng sẽ được thực thi trong xã hội .

Cùng niềm tin vào công lý, công bằng người dân sử dụng dịch vụ của Luật sư vì niềm tin vào pháp luật, niềm tin vào thể chế; niềm tin vào việc quyền lợi ích hợp pháp của mình sẽ được pháp luật, được nhà nước bảo đảm với sự hỗ trợ của Luật sư.

Công lý, công bằng không phải lý thuyết xa vời hoặc ở phương trời tưởng tượng nào đó mà công lý, công bằng sẽ được thực hiện ngay trong đời sống xã hội. Người dân tin tưởng, kỳ vọng vào lẽ công bằng được thực thi, hy vọng về việc quyền lợi của mình sẽ được đảm bảo với sự hỗ trợ của Luật sư. Do đó, người Luật sư cần tư vấn, định hướng để tăng niềm tin của người dân vào pháp luật, vào sự vận hành và áp dụng các quy định của pháp luật của cơ quan công quyền trong thực tiễn. 

Người dân lựa chọn và sử dụng dịch vụ Luật sư chính vì niềm tin vào vai trò, vị trí, chức năng của nghề Luật sư, vào các giá trị của nghề Luật sư mang lại cho xã hội nói chung và cho chính cá nhân họ. Niềm tin của khách hàng vào Luật sư không chỉ được thể hiện bởi các quy định của pháp luật mà đã được minh chứng qua lịch sử hình thành và phát triển của nghề Luật sư, qua truyền thống của nghề Luật sư cũng như qua đóng góp ngày ngày của mỗi cá nhân Luật sư thông qua các vụ án, vụ việc cụ thể.

Nếu niềm tin vào công lý, vào pháp luật, vào nghề Luật sư là căn cứ để người dân quyết định việc sử dụng vụ pháp lý thì niềm tin và sự kỳ vọng vào uy tín, thương hiệu của cá nhân Luật sư, vào tổ chức hành nghề Luật sư là yếu tố quyết định việc khách hàng sẽ mời Luật sư nào, mời Luật sư vào thời điểm nào, số tiền khách hàng chi trả cho dịch vụ của Luật sư…

Phân tích sơ lược như trên chúng ta có thể nhận thấy rõ sự kỳ vọng và niềm tin là một trong các yếu tố tiên quyết tạo lập mối quan hệ Luật sư và khách hàng. Không có niềm tin sẽ không có quan hệ Luật sư, khách hàng. Niềm tin của khách hàng với Luật sư không phải chỉ là niềm tin vào cá nhân Luật sư đó, vào tổ chức hành nghề Luật sư đó mà trước hết niềm tin đó hình thành bởi chính quy định của pháp luật cùng việc thực thi pháp luật trong đời sống xã hội. Niềm tin của khách hàng vào người Luật sư được tạo lập trên niềm tin và sự kỳ vọng chung vào các giá trị của nghề Luật sư chứ không phải chỉ là sự kỳ vọng vào cá nhân Luật sư. Việc phấn đấu, đóng góp chung cho nghề nghiệp cũng là phấn đấu, đóng góp cho sự phát triển của cá nhân Luật sư và ngược lại.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của các Đoàn Luật sư, các Luật sư Việt Nam

Bùi Thị Thanh Loan