Phí thành viên và sự ủy thác của Luật sư

23/12/2022 08:48 | 1 năm trước

(LSVN) - Cả nước ta hiện có trên 17.000 Luật sư thành viên, và chắc rằng hàng quý, hàng năm khi nộp phí thành viên cá nhân Luật sư có những sự ủy thác, kỳ vọng đối với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố. Trên hết là ước mong, kỳ vọng về một tương lai tươi đẹp của nghề Luật sư tại Việt Nam; về trách nhiệm và sự đóng góp của Liên đoàn, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố đối với sự phát triển nghề Luật sư; về sự phát triển, tiến bộ của xã hội trong đó có sự đóng góp tích cực của giới Luật sư.

 

Ảnh minh họa.

Cùng với đó, khi nộp phí thành viên người Luật sư cũng có những gửi gắm, ủy thác, hy vọng liên quan trực tiếp đến việc thu, sử dụng nguồn phí thành viên. Trước hết, như bao nguồn thu, chi khác, yêu cầu về việc sử dụng có trách nhiệm, thiết thực, hiệu quả, công khai, minh bạch đối với phí Luật sư là yêu cầu tất yếu. Đến nay, những yêu cầu này đã, đang được Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố đảm bảo nghiêm ngặt, thực hiện hiện tốt.

Yêu cầu về sự tiện ích trong việc nộp và kiểm tra, đối chiếu việc giao, nộp phí thành viên. Theo cách thức truyền thống, trước đây Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư thường áp dụng phương pháp thu trực tiếp và thống kê thủ công. Điều này đối với các Đoàn Luật sư ít Luật sư là tương đối phù hợp đặc biệt đối với những thành viên cao tuổi. Nhưng trong giai đoạn hiện nay khi công nghệ, thông tin, khoa học đã đến mọi người, mọi nhà. Từ các bà nội trợ đến các em nhỏ đã thường xuyên thực hiện giao dịch và thanh toán qua tài khoản, thanh toán trực tuyến. Do đó nếu chỉ tiếp tục thực hiện việc thu và quản lý nguồn thu theo phương pháp truyền thống đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là đối với các Đoàn Luật sư có đông thành viên, các Luật sư hoạt động ở nhiều địa bàn khác nhau. Hiện Liên đoàn đã thông báo và triển khai việc thu phí qua tài khoản Ngân hàng kết hợp thu trực tiếp là phù hợp yêu cầu của thực tiễn. Thực hiện Đề án chuyển đổi số, tới đây việc xây dựng và triển khai thực hiện việc quản lý Luật sư trong đó có việc thu, nộp phí thành viên thông qua một App chuyên dụng là rất cần thiết.  

Luật sư nộp phí thành viên mong muốn Liên đoàn, Đoàn Luật sư thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ, hỗ trợ cho Luật sư. Đại diện, bảo vệ, hỗ trợ là chức năng, nhiệm vụ chính của Liên đoàn và Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố. Chính việc ra đời, tồn tại và triển khai các hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố đã thể hiện và có tính chất quyết định trong công tác đại diện, bảo vệ, hỗ trợ hoạt động nghề Luật sư. Thời gian vừa qua cũng đã ghi nhận hoạt động đại diện, bảo vệ, hỗ trợ Luật sư thông qua một số hoạt động cụ thể như việc góp phần xây dựng chính sách, việc tham gia xây dựng pháp luật, đến việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện các Văn kiện nội bộ của Liên đoàn, Đoàn Luật sư từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả chức năng tự quản nghề Luật sư. Hay việc giải quyết, bảo vệ, hỗ trợ Luật sư, Đoàn Luật sư trong các vụ việc cụ thể khi Luật sư có yêu cầu, trong đó có những vụ việc đạt kết quả cao.

Thực tế cũng đã và đang tồn tại quan niệm của số ít Luật sư cho rằng sẽ chỉ đóng phí hoặc khi đóng phí cần được Liên đoàn và Đoàn Luật sư hỗ trợ trực tiếp như việc hỗ trợ tìm việc làm, tạo ra thu nhập,… thậm chí yêu cầu phải đáp ứng một số đề nghị, đòi hỏi vượt quá chức năng, nhiệm vụ hoặc khả năng của Liên đoàn, Đoàn Luật sư.

Mong muốn phí thành viên được phân bổ, sử dụng vào các công việc để phát triển nghề Luật sư và cá nhân Luật sư như việc sử dụng để hỗ trợ bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức trợ giúp pháp lý, truyền thông phát triển nghề nghiệp… Đây là những yêu cầu, đòi hỏi rất chính đáng của giới Luật sư nhưng cũng cần được thực hiện trên cơ sở cân đối thu chi và đảm bảo hài hòa với các nhóm nhiệm vụ khác. Thực tế hiện nay số phí thành viên các Đoàn Luật sư thu được rất hạn hẹp. Nhất là với các Đoàn dưới 100 Luật sư số tiền thu được không đủ để đảm bảo cho hoạt động hành chính tối thiểu. Để duy trì hoạt động ngoài số phí theo quy định tại các Đoàn thường phải phát động Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư có điều kiện, khả năng hỗ trợ, tài trợ. Một số Đoàn nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ chính quyền để duy trì hoạt động, những sự hỗ trợ này cũng rất hạn chế và không phải là giải pháp căn cơ cho sự phát triển nghề Luật sư. Mặc dù còn rất khó khăn về tài chính nhưng các Đoàn Luật sư và giới Luật sư luôn ý thức trách nhiệm, thường xuyên tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý. Đây chính là điểm sáng trong công tác Luật sư và đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận trong Thông báo số 136/TB-VPCP ngày 06/5/2022 Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã nêu rõ: “Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị, pháp lý được Đảng và Nhà nước giao, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực: (1) Góp ý, xây dựng chính sách, pháp luật; (2) Rà soát thủ tục hành chính; (3) Trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng khác theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý; (4) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và một số công tác xã hội khác”.

Mong muốn được Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư triển khai các hoạt động để chính cá nhân Luật sư được tái thụ hưởng trực tiếp một phần kinh phí đã đóng góp như được tham gia các hội thảo, hội nghị, được tri ân, được khen thưởng, được tổ chức gặp mặt, được tham dự các hoạt động miễn phí… Đây là yêu cầu rất khó có thể đáp ứng vì số lượng kinh phí nộp về Đoàn và Liên đoàn cơ bản không thể đáp ứng để tổ chức được các sự kiện này. Liên đoàn, các Đoàn đều có quy chế về sử dụng và phân bổ nguồn thu trên cơ sở cân đối rất chi tiết và cụ thể các nguồn thu và khoản chi, chế độ khen thưởng, tặng kỷ niệm chương, chúc mừng… đã được quan tâm thực hiện trong điều kiện, khả năng cho phép. Mặt khác về bản chất có thể hiểu việc nộp phí thành viên với mức phí thấp như hiện nay thì phí thành viên có thể được hiểu như một dạng phí ghi danh chứ không phải là một khoản nộp ủy nhiệm để thực hiện các hoạt động tái phục vụ trực tiếp cho cá nhân Luật sư.

Mặc dù vậy, hiện nay các Đoàn đều có quy định về phúc lợi như thăm hỏi ốm đau, chúc mừng và nhiều Đoàn tổ chức 1- 2 lần/năm các hoạt động tập thể và không thu phí bao gồm cả chi phí phát sinh về hậu cần có Luật sư thành viên. 

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Luật sư không cung cấp dịch vụ pháp lý khi khách hàng không tự nguyện

Từ khoá : lsvn.vn LSVN luật sư