Ảnh minh họa.
Vì tiền, họ hàng cũng “bán”
Những ngày cuối năm 2021, cơn sốt đất ở Lâm Đồng bắt đầu manh nha và bùng nổ mạnh trong vòng 04 tháng đầu năm 2022.
Các vùng nông thôn, các buôn làng cho tới ruộng rẫy, “view” sông suối, “view” cánh đồng, hồ nước, núi đồi tất thảy đều được cho lên bảng giá với sức mua bán chóng mặt.
Trước những cơn sốt đất “đổ bộ” bên cạnh câu chuyện những nhà đầu cơ lướt sóng dễ dàng kiếm tiền tỉ thì những người làm môi giới, thậm chí người dân có tiền cũng không bỏ qua cơ hội kiếm tiền, thậm chí dùng đủ chiêu trò, mánh khóe tinh vi để móc túi từ người bán và người mua.
Lâm Đồng từ giữa tháng 7 đã thưa cảnh hạ đồi, phân lô. Tình trạng "nhà nhà làm cò đất, người người làm cò đất" cũng không còn. Tại các "dự án" đã sang nhượng cho khách hàng, chỉ còn lại những bảng rao "bán đất" bị trôi mực theo nắng mưa mà không ai để ý.
Giới đầu tư nói, Lâm Đồng đã hết thời sốt đất ảo. Song, hệ lụy lại vô vàn.
Đầu năm 2022, do cần tiền đầu tư kinh doanh nên chị Nguyễn Thị Hoàng Nh. và em gái quyết định rao bán hai lô đất tại Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng).
Ngay sau khi đăng tải thông tin bán đất, rất nhiều khách hàng đã tìm đến hỏi mua, nhưng chị Nh. và em gái sau đó quyết định bán lại cho người họ hàng với số tiền bán rẻ hơn 100 triệu đồng/lô so với giá chốt của một khách hàng ở Hà Nội.
Mọi việc sẽ không có gì nếu việc trao đổi mua bán sau đó diễn ra theo đúng thông lệ. Nhưng bên mua sau đó lấy lý do dù là họ hàng nhưng ít gặp mặt, ít tiếp xúc với chị Nh. và em gái, đã đưa đề nghị bên mua sẽ soạn thảo hợp đồng đặt cọc, và bên mua muốn người nhận cọc sẽ là ba ruột của chị Nh. là ông Nguyễn Xuân Đ.
Để người mua được yên tâm nên chị Nh. và em gái vui vẻ đồng ý để cho ba thực hiện giao dịch nhận cọc với số tiền cọc là 1 tỉ đồng và trong giấy đặt cọc cũng thể hiện rõ “hai lô đất của các con tôi”; “ông Nguyễn Xuân Đ. là bố của hai con trên có nhận cọc của bà Lê Thị Tuyết Nh.”.
Việc ký kết giấy nhận cọc và chuyển tiền đặt cọc sau đó được diễn ra thuận lợi, hẹn 10 ngày sau phía chị Nh. sẽ công chứng chuyển quyền sử dụng đất cho người bà con kia. Chị Nh. và em gái sau đó dùng tiền để đầu tư kinh doanh.
Vậy nhưng… “đời không như là mơ”
Khi gần đến thời điểm hai bên tiến hành bước tiếp theo là chuyển quyền sử dụng đất thì người bà con cho rằng phía chị Nh. bán giá cao, yêu cầu “giảm giá mỗi lô thêm 200-300 triệu đồng” và cố tình trì hoãn việc thanh toán.
Yêu cầu giảm giá không được chấp nhận, bên mua “quay đầu xe” yêu cầu phía chị Nh. hoàn trả lại 01 tỉ đã nhận cọc với lý do “rất gì và này nọ”.
“Sau khi ký Giấy nhận cọc, bên mua cho rằng phía bên tôi bán giá cao nên cố tình trì hoãn việc thanh toán. Mặc dù tôi đã giải thích là giá chúng tôi chuyển nhượng cho bên mua vì là bà con nên vẫn rẻ hơn 100 triệu đồng, nhưng phía bên mua vẫn không chấp nhận là liên tục ép chúng tôi hoàn trả lại 01 tỉ đã nhận cọc với lý do là Ba chúng tôi nhận tiền là không hợp lệ và người này dọa sẽ kiện ra tòa nếu chúng tôi không trả tiền cọc cho bà ta”, chị Nh. cho hay.
Nhận thấy giao dịch mua bán diễn ra theo đúng quy định của pháp luật và quan hệ của người nhận cọc và bên bán đã được các bên biết rõ không hề giấu diếm nên phía chị Nh. không đồng ý với yêu cầu vô lý của bên mua. Và “một ngày đẹp trời” hai lô đất của gia đình chị Nh. bị phong tỏa vì liên quan đến một vụ án: “Yêu cầu hủy hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đòi lại tài sản”.
“Từ khởi đầu giao dịch đều là bên mua đưa ra yêu cầu và chúng tôi… vui vẻ chấp thuận chứ yêu cầu để ba tôi nhận tiền cọc không phải do chúng tôi đề ra, và giấy nhận cọc cũng là bên mua tự soạn, chúng tôi hoàn toàn tôn trọng và muốn việc giao dịch diễn ra nhanh chóng thuận lợi, theo đúng pháp luật. Không ngờ bên mua vừa đá bóng lại vừa… thổi còi”, chị Nh. ngậm ngùi nói.
Giờ đây, chị và gia đình không những bị vướng vào những rắc rối “từ trên trời rơi xuống”, mất thời gian đi “hầu tòa” mà còn bị ảnh hưởng rất lớn về kinh tế.
“Do chắc mẩm việc giao dịch diễn ra thuận lợi nên tôi đem tiền cọc và vay “nóng” số tiền khá lớn để đầu tư kinh doanh. Hơn 06 tháng nay, tôi phải 'è cổ' trả lãi suất cao số tiền hơn 01 tỉ đồng. Không chỉ vậy, người họ hàng này còn rêu rao khắp nơi rằng gia đình tôi rắp tâm lừa đảo chiếm đoạt tiền cọc khiến chị em tôi mang tiếng với họ hàng”, chị Nh. cho hay.
Không phải trường hợp… cá biệt
Theo Luật sư Nguyễn Quyết Quyền, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, tại thời điểm lập hợp đồng đặt cọc, bên mua biết rõ chủ sử dụng đất không phải là ông Đ., nhưng có lẽ vì sợ các con của ông Đ. đổi ý nên mới xác lập hợp đồng đặt cọc với ông Đ. và cũng đã ràng buộc đầy đủ các điều khoản theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo Điều 328, Bộ luật Dân sự 2015, ghi rõ:
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia một khoản tiền… trong một thời hạn để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc.
Theo nội dung trao đổi giữa hai bên thì, bên bán trước sau vẫn thể hiện rõ quan điểm là muốn ký hợp đồng chuyển nhượng thực hiện đúng nội dung thỏa thuận trong Giấy đặt cọc, tuy nhiên phía bên mua đã không thực hiện đúng thỏa thuận, từ chối nhận chuyển nhượng. Vì vậy, bên mua là bên vi phạm hợp đồng và phải chịu mất cọc là phù hợp với quy định của pháp luật nhằm đảm bảo ổn định các giao dịch dân sự.
Trước đó, TAND tỉnh Lâm Đồng cũng từng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý ngày 29/10/2020 việc: “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất” với cùng nội dung như trường hợp nhà chị Nh. nói trên.
Theo đó, qua bạn bè ông C. và bà B. được biết bà Hồ Thị V. muốn bán nhà và đất tại Đà Lạt nên ông C. có liên hệ với bà V. và được bà V. cho xem Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số cấp cho bốn người gồm ông Nguyễn Đức T., bà Hồ Thị V., ông Hồ Minh D. và bà Lâm Thị Nguyệt H. Bà V. khẳng định đã được các đồng sở hữu khác ủy quyền cho bà chuyển nhượng tài sản nêu trên và sẽ cung cấp cho ông C. hợp đồng ủy quyền sau.
Sau khi thỏa thuận, các bên thống nhất giá mua bán nhà và đất nêu trên là 54 tỉ đồng.
Bà V. đã viết giấy nhận cọc, nội dung thỏa thuận về tiền cọc, thời hạn thanh toán từng đợt, quyền và nghĩa vụ của các bên, sau đó ông C. đã cọc cho bà V. 01 tỉ đồng.
Và theo giấy nhận cọc thì 03 tháng sau, ông C. phải thanh toán số tiền còn lại của hợp đồng chuyển nhượng nhà đất là 33 tỉ đồng cho bà V.
Sau khi nhận đủ tiền bà và các đồng sỡ hữu khác sẽ ra công chứng để Hợp đồng chuyển nhượng cho ông C. theo đúng nội dung giấy nhận cọc mà hai bên đã cam kết.
Thực hiện Giấy nhận cọc, vợ chồng ông C., bà B. chuyển vào tài khoản cho bà V. sau đó tổng 21 tỉ đồng.
Sau khi giao nhận tiền, lấy lý do bà V. không cung cấp được cho vợ chồng ông C., bà B. hợp đồng ủy quyền của các đồng sở hữu còn lại, ông C. bà B. cho rằng bà V. có hành vi lừa dối nên Giấy nhận cọc do bà V. tự quyết định việc mua bán là vô hiệu.
Vợ chồng ông C. bà B. còn có đơn khởi kiện yêu cầu: Hủy giấy nhận cọc giữa bà Hồ Thị V., ông Tạ Duy Quốc C. do bị vô hiệu và buộc bà Hồ Thị V. trả lại cho vợ chồng ông C., bà B. số tiền 21 tỉ đồng đã nhận.
Tại phiên sơ thẩm, bà V. khẳng định, việc ông C. khởi kiện yêu cầu Hủy Giấy nhận cọc; buộc bà trả lại số tiền đã nhận cọc là 21 tỉ đồng và chấm dứt việc chuyển nhượng nhà và đất tại Đà Lạt thì bà không đồng ý ,vì bà và các đồng sở hữu khác vẫn thiện chí muốn bán căn nhà nêu trên cho ông C., bên bán không vi phạm bất cứ nghĩa vụ nào mà các bên đã thỏa thuận theo Giấy nhận cọc.
Bà đề nghị ông C. thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền còn lại là 33 tỉ đồng và ra công chứng hợp đồng mua bán nhà theo như thỏa thuận tại Giấy nhận cọc.
Phiên sơ thẩm sau đó đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông C., bà B. để buộc bà V. trả lại cho ông C., bà B. số tiền 21 tỉ đồng.
Không đồng ý với bản án của tòa sơ thẩm, bà V. và các đồng sở hữu đã kháng án.
Đơn kháng cáo của các đương sự yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tòa án cấp phúc thẩm sau đó đã quyết định: Chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bị đơn và chấp nhận toàn bộ kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn trả lại số tiền nhận đặt cọc 21 tỉ đồng.
Sửa bản án sơ thẩm xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu tuyên bố hợp đồng đặt cọc mua bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu.
Nhận định của Tòa án, có căn cứ xác định toàn bộ số tiền 21 tỉ đồng mà vợ chồng ông C., bà B. chuyển cho vợ chồng bà V., ông T. đều là tiền đặt cọc để mua nhà đất tại thành phố Đà Lạt .
Việc các bên giao kết hợp đồng đặt cọc chính là căn cứ để xác lập hợp đồng theo quy định và các bên cam kết trong giấy nhận cọc thì ông C. sẽ thanh toán số tiền còn lại 33 tỉ đồng thì các bên sẽ ra văn phòng công chứng lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; nhưng chưa đến ngày hai bên thỏa thuận ký kết hợp đồng, ông C., bà B. đã khởi kiện “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc” với bà V. là trái với ý chí tự nguyện thỏa thuận ban đầu giữa các bên.
Mặt khác, tại phiên phúc thẩm, vợ chồng ông D., bà H. xác nhận sau mỗi lần bà V. nhận tiền đặt cọc thì bà V. đều thông báo và chuyển tiền vào tài khoản của ông Hồ Đức D. tại ngân hàng; hiện nay vợ chồng ông D., bà H. cũng như vợ chồng bà V., ông T. vẫn yêu cầu vợ chồng ông C., bà B. thanh toán số tiền còn lại 33 tỉ đồng và tiến hành hợp đồng chuyển nhượng nhà đất theo quy định của pháp luật.
Hợp đồng đặt cọc là để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng không quy định bắt buộc phải thực hiện việc công chứng đối với hợp đồng đặt cọc. Do đó, các bên phải thực hiện đúng cam kết đã ký kết tại giấy nhận cọc nhưng vợ chồng ông C., bà B. không đồng ý tiếp tục nhận chuyển nhượng nhà đất là lỗi hoàn toàn thuộc về vợ chồng ông C., bà B. nên vợ chồng ông C., bà B. phải chịu mất số tiền đặt cọc 21 tỉ đồng.
PV
Bộ Công an chỉ đạo Công an Đà Nẵng xem xét đơn tố giác tội phạm của ông Trương Đình Đức