Theo phản ánh của người dân sinh sống ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, việc vận chuyển mía của Nhà máy đường KCP khiến tuyến đường 24/3 liên tục bị xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, ô nhiễm, bụi bặm.
Xe tải chở mía ồ ạt vào nhập hàng ở Nhà máy Đường KCP.
Ông Nguyễn Văn T., người dân thị trấn Củng Sơn cho biết, ngoài phục vụ cho việc đi lại của người dân ở trong khu vực, tuyến đường 24/3 còn phục vụ hoạt động vận chuyển nguyên liệu của Nhà máy Đường KCP cùng một số nhà máy khác. Sau mỗi mùa vụ mía, mặt đường trở nên gồ ghề, “ổ gà, ổ voi mọc nên như nấm”, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân và mất an toàn giao thông.
Vào vụ mía, mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn xe tải chở mía đi vào Nhà máy Đường KCP. Các xe này nối đuôi nhau thành đoàn dài, gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường. Mặt đường xuống cấp, “chắp vá” khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn, nguy hiểm.
Bà Nguyễn Thị Ng. bức xúc cho biết, “đường đang được sửa chữa, xe chạy rầm rập cả ngày, mỗi lần chạy qua bụi bay mù mịt, gia đình tôi không giám mở cửa nhà”.
Mía trên xe được chất cao.
Tại tuyến đường 24/3, hàng ngày, có hàng trăm chiếc xe tải, nối đuôi nhau thành đoàn dài chở mía vào, ra nhà máy đường KCP. Những chiếc này có dấu hiệu quá khổ, quá tải, chạy rầm rập, đất đá bắn tung tóe, bụi phủ trắng đường… Mặt đường xuống cấp, hư hại nặng nhất của tuyến đường này bắt đầu từ điểm đấu nối giữa QL19 đến khu vực cổng Nhà máy Mía đường KCP. Đây cũng chính là đoạn đường mà xe chở mía hay lưu thông.
Được biết, hiện nay công suất ép mía Nhà máy Đường KCP đã tăng lên 10.000 tấn mía cây/ngày. Theo ước tính, vụ thu hoạch mía sẽ kéo dài khoảng từ 5-6 tháng tuỳ theo năng suất mùa vụ. Để đảm bảo lượng mía hoạt động, mỗi ngày tuyến đường 24/3 phải chịu hàng trăm lượt xe chở nguyên liệu mía ra, vào khu vực nhà máy.
Xe chở mía chạy vào cả đường cấm trọng tải.
Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Phó trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Sơn Hòa cho biết, tuyến đường 24/3 do huyện quản lý. Ngoài phục vụ cho công tác đi lại, giao thương cho người dân, thì tuyến đường này còn phục vụ cho hoạt động của Nhà máy Đường KCP. Qua quá trình đưa vào sử dụng tuyến đường có biểu hiện của sự xuống cấp, hàng năm huyện đầu tư kinh phí để tiến hành tu sửa, đảm bảo việc đi lại cho người dân.
Hàng loạt xe tải chở mía nối đuôi nhau vào khu vực nhà máy đường.
Theo Luật sư Trần Văn Đức, Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng, căn cứ quy định của Điều 28 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. Tuyến đường 24/3 là tuyến đường do huyện quản lý, theo quy định tại Thông tư 46/2015/TT- BGTVT ngày 07/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Thông tư 06/2023/TT-BGTVT thì Sở Giao thông vận tải phải cập nhật tải trọng, khổ giới hạn đường tại địa phương để gắn biển báo về tải trọng của đường bộ.
Mọi phương tiện giao thông buộc phải tuân thủ biển báo khi tham gia giao thông, nếu vi phạm thì có thể bị xử phạt hành chính và buộc khắc phục hậu quả. Theo Nghị định số 123/2021/NĐ-CP thì ngoài mức phạt về việc quá tải trọng giới hạn của cầu đường thì còn bị xử phạt bổ sung và buộc khắc phục hậu quả là khôi phục tình trạng ban đầu. Trong trường hợp các phương tiện tham gia đường bộ mà có giấy phép cho phép xe quá tải trọng và quá khổ thì không bị các chế tài trên.
NGUYÊN PHƯƠNG