/ Tích hợp văn bản mới
/ Quốc hội thông qua Nghị quyết về đầu tư dự án trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông

Quốc hội thông qua Nghị quyết về đầu tư dự án trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông

05/01/2021 18:05 |

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, sáng 19/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, 91,72% đại biểu Quốc hội đã tham gia biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày nêu rõ: Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (Nghị quyết 52).

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.

Về sự cần thiết và nội dung chuyển đổi phương thức đầu tư: Một số ý kiến không tán thành việc chuyển đổi đầu tư đối với 2 dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 và Phan Thiết-Dầu Giây và cho rằng 2 dự án này có tiềm năng, khả thi nhất để thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Có ý kiến đề nghị cần lựa chọn dự án thành phần khác để chuyển đổi phương thức đầu tư theo tiêu chí lựa chọn các dự án PPP có khả năng đấu thầu thành công thấp.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, do đó, cần thiết phải chuyển đổi từ phương thức đầu tư PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công. Đối với 2 dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45 và Phan Thiết-Dầu Giây, việc chuyển đổi sang đầu tư công là cần thiết, cấp bách nhằm sớm giải quyết nhu cầu giao thông lớn (nhu cầu vận tải lớn nhất trong 11 dự án thành phần) do kết nối với cửa ngõ các trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất của cả nước (Hà Nội và TP. HCM)).

Đồng thời, 2 dự án này mặc dù đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển nhưng có tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia ít, cần huy động số vốn ngoài ngân sách lớn, nhất là vốn tín dụng, vì vậy, việc lựa chọn được nhà đầu tư có thể gặp khó khăn. Việc chuyển đổi 2 dự án thành phần này sang phương thức đầu tư công sẽ bảo đảm khả năng thành công cao hơn cho các dự án thành phần.

Đối với 5 dự án thành phần còn lại, sẽ tiếp tục đầu tư theo phương thức PPP để bảo đảm tính nhất quán trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hiệu quả, đồng thời, tạo điều kiện tối đa cơ hội đầu tư, kinh doanh cho khu vực tư nhân, dành ngân sách nhà nước bố trí cho các nhu cầu thiết yếu, cấp bách khác.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết chuyển đổi từ phương thức đầu tư PPP sang đầu tư công đối với 3 dự án thành phần như đề xuất của Chính phủ, 5 dự án thành phần còn lại có phải tiếp tục chuyển đổi trong thời gian tới hay không.

Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Mặc dù 5 dự án thành phần còn lại đều có từ 2 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, tuy nhiên, chưa thể khẳng định việc đấu thầu sẽ lựa chọn được nhà đầu tư do còn phụ thuộc vào kết quả đấu thầu. Ngoài ra, trong trường hợp có nhà đầu tư trúng thầu thì sau khi ký kết hợp đồng dự án, nhà đầu tư có thời gian tối đa 6 tháng để huy động vốn tín dụng. Sau thời hạn nêu trên, trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng thì sẽ phải hủy hợp đồng, tịch thu bảo lãnh và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Việc tham gia đấu thầu của nhà đầu tư và việc quyết định cung cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại được thực hiện theo cơ chế thị trường, phụ thuộc chủ yếu vào tính hấp dẫn, mức độ rủi ro của từng dự án… Do vậy, trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết 52.

Giải trình ý kiến đề nghị làm rõ lý do chỉ có một dự án (Vĩnh Hảo-Phan Thiết) không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, có ý kiến đề nghị xem xét bổ sung nguồn vốn hỗ trợ Nhà nước đối với dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết và các dự án còn lại để tăng tính hấp dẫn đối với các dự án, dễ thu hút các nhà đầu tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Tại Tờ trình số 282/TTr-CP, Chính phủ đã báo cáo quá trình sơ tuyển đối với dự án này có 3 nhà đầu tư tham gia.

Tuy nhiên, hồ sơ dự sơ tuyển của các nhà đầu tư không đạt yêu cầu (tính hợp lệ của hồ sơ dự sơ tuyển, năng lực tài chính, kinh nghiệm không đạt yêu cầu) nên không vượt qua sơ tuyển. Ngoài ra, để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết 52, việc phân bổ vốn nhà nước tham gia các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP phải hợp lý. Do đó, việc xác định mức vốn tham gia của nhà nước được thực hiện trên cơ sở tính toán phương án tài chính, bảo đảm hiệu quả tài chính các dự án.

Đề cập đến một số ý kiến đề nghị xem xét, làm rõ tác động và khả năng cân đối vốn trong giai đoạn sau nếu bổ sung vốn nhà nước giai đoạn 2021-2025 để chuyển đổi các dự án thành phần từ PPP sang đầu tư bằng vốn đầu tư công trong khi nhu cầu đầu tư các lĩnh vực khác cũng rất cần thiết, cấp bách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Theo nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn quy định tại Điều 51 Luật Đầu tư công: “Tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của các cấp, các ngành”. Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là dự án quan trọng quốc gia. Căn cứ nguyên tắc nêu trên, Chính phủ sẽ trình Quốc hội bố trí vốn theo quy định và điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm một cách hợp lý, linh hoạt, hạn chế các tác động đến nợ công và trần nợ công. Bên cạnh đó, các dự án sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền để thu hồi vốn nhà nước, đây cũng là giải pháp phù hợp để huy động nguồn lực xã hội và giảm thiểu tác động đến nợ công.

Có ý kiến đề nghị cần cắt giảm các dự án chậm tiến độ, không bảo đảm tiến độ đề ra năm 2020 và sử dụng nguồn vốn này để đầu tư chuyển đổi một số dự án thành phần sang phương thức đầu tư công 100% vốn nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Theo báo cáo của Chính phủ, Chính phủ sẽ cân nhắc các giải pháp điều hành kế hoạch đầu tư công một cách hợp lý, linh hoạt để bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn nhằm đầu tư các dự án quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Về các kiến nghị của Chính phủ: Nhiều ý kiến đề nghị cần xây dựng phương án để thu hồi vốn đối với các dự án được chuyển đổi sang đầu tư công 100% vốn nhà nước, góp phần giúp giảm áp lực về nhu cầu vốn cho việc phát triển các công trình hạ tầng khác trong cả nước, bảo đảm khả thi và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước, không làm đội vốn và không làm tăng nợ công, đồng thời, phương án thu hồi vốn phải tính toán kỹ để phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế và khả năng chi trả của người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc thu hồi vốn nhà nước đối với các dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ NSNN đã được quy định tại Nghị quyết 52. Đối với 3 dự án thành phần sau khi chuyển đổi sang đầu tư công sẽ tiếp tục tổ chức xây dựng phương án thu hồi vốn nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Do đó, tại dự thảo Nghị quyết đã quy định đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, Chính phủ có trách nhiệm xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách Trung ương.

Giải trình các ý kiến đề nghị về thẩm quyền phê duyệt Dự án cần thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, theo đó người có thẩm quyền quyết định là Thủ tướng Chính phủ, không giao cho Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 52 và quá trình triển khai thời gian qua, 11 dự án thành phần của Dự án được thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư là dự án độc lập theo quy định của Luật Đầu tư công. Trong trường hợp được chuyển đổi sang đầu tư công, cả 03 dự án thành phần sẽ thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia sẽ phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công. Theo đó, thẩm quyền quyết định đầu tư dự án thuộc Thủ tướng Chính phủ, quy định tại Điều 40 Luật Đầu tư công.

THẮNG HẢI/VGP

/ha-noi-duoc-tu-quyet-muc-thu-phi-le-phi-va-su-dung-nguon-phi-thu-duoc.html