/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Quy định về xử lý tài sản bảo đảm và những vướng mắc, kiến nghị hoàn thiện

Quy định về xử lý tài sản bảo đảm và những vướng mắc, kiến nghị hoàn thiện

10/08/2023 06:33 |

(LSVN) - Ngày 15/5/2021, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Nghị định số 21) đã chính thức có hiệu lực, thay thế. Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (Nghị định số 163), Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP (Nghị định số 11). Nghị định số 21 có nhiều điểm mới so với các nghị định trước đó về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó bao gồm các quy định về xử lý tài sản bảo đảm. Bài viết phân tích, đánh giá những điểm mới về xử lý tài sản bảo đảm trong Nghị định số 21 và dự báo một số khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện, đồng thời đề xuất một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Ảnh minh hoạ. 

Một số điểm mới của Nghị định số 21

Khác với Nghị định cũ, Nghị định số 21 đã sử dụng cụm từ “xử lý tài sản bảo đảm” thay vì “xử lý tài sản bảo đảm trong cầm cố, thế chấp” để thấy rằng những quy định tại Nghị định này được áp dụng cho tất cả các biện pháp bảo đảm mà không chỉ quy định cho riêng biện pháp bảo đảm bằng cầm cố và thế chấp như Nghị định cũ. Việc thay đổi tên gọi như trên là hoàn toàn phù hợp và mang tính chất bao quát cho tất cả các biện pháp bảo đảm.

Về mặt nội dung, Nghị định số 21 có nhiều điểm mới so với Nghị định số 163, cụ thể gồm:

Các quy định chung về xử lý tài sản bảo đảm

Điều 49 Nghị định số 21 quy định: Việc xử lý tài sản bảo đảm phải được thực hiện đúng với thỏa thuận của các bên, quy định của Nghị định này và pháp luật liên quan. Trường hợp tài sản bảo đảm là quyền khai thác khoáng sản, quyền khai thác tài nguyên thiênnhiên khác thì việc xử lý tài sản bảo đảm phải phù hợp theo quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật về tài nguyên thiên nhiên khác và pháp luật có liên quan. Bên nhận bảo đảm thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm trên cơ sở thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm thì không cần có văn bản ủy quyền hoặc văn bản đồng ý của bên bảo đảm.

Những quy định trên cho thấy, Nghị định số 21 đã làm rõ vấn đề xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm mà không cần giấy ủy quyền hoặc văn bản đồng ý của bên bảo đảm, điều này giúp cho bên nhận bảo đảm đẩy nhanh được tiến độ xử lý tài sản bảo đảm và thu hồi được nợ tốt hơn, đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng.

Về giải quyết trường hợp bên bảo đảm hoặc người có nghĩa vụ được bảo đảm là cá nhân chết hoặc bị tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết

Thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp khi hợp đồng bảo đảm đang diễn ra thì xảy ra sự kiện bên bảo đảm là cá nhân bị chết (chết sinh học hoặc chết do tòa án tuyên). Trường hợp này chưa được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Do vậy, Nghị định số 21, tại Điều 50 đã hướng dẫn vấn đề này như sau:

- Trường hợp bên bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm là cá nhân chết hoặc bị tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết thì việc thực hiện nghĩa vụ và xử lý tài sản bảo đảm thực hiện theo hợp đồng bảo đảm hoặc thỏa thuận khác đã được xác lập trước thời điểm bên bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm chết hoặc trước thời điểm bị tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết.

Như vậy, về nguyên tắc chung, sự kiện chết của bên bảo đảm và bên có nghĩa vụ không làm thay đổi việc thực hiện cũng như xử lý tài sản bảo đảm đã được các bên xác lập với bên nhận bảo đảm theo như hợp đồng bảo đảm đã ký kết.

- Trường hợp xác định được người hưởng di sản mà di sản đó đang là tài sản bảo đảm, người quản lý di sản mà di sản đó đang là tài sản bảo đảm thì bên nhận bảo đảm phải thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm cho người này theo địa chỉ được xác định như thông báo cho bên bảo đảm quy định tại Điều 51 Nghị định số 21.

- Trường hợp chưa xác định được người hưởng di sản mà di sản đó đang là tài sản bảo đảm, người quản lý di sản mà di sản đó đang là tài sản bảo đảm mà nghĩa vụ được bảo đảm đã đến hạn thực hiện thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.

Về thông báo xử lý tài sản bảo đảm Khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm, bên xử lý phải gửi thông báo cho bên bảo đảm hoặc cho người hưởng di sản là tài sản bảo đảm. Văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm có nội dung chủ yếu sau đây: lý do xử lý tài sản bảo đảm; tài sản bảo đảm sẽ bị xử lý; thời gian, địa điểm xử lý tài sản bảo đảm.

Phương thức thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm thực hiện theo thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận thì bên nhận bảo đảm gửi trực tiếp văn bản thông báo cho bên bảo đảm hoặc thông qua ủy quyền, dịch vụ bưu chính, phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu hoặc phương thức khác đến địa chỉ được bên bảo đảm cung cấp.

Trường hợp bên bảo đảm thay đổi địa chỉ mà không thông báo cho bên nhận bảo đảm biết thì địa chỉ của bên bảo đảm được xác định theo địa chỉ đã được bên bảo đảm cung cấp trước đó, theo hợp đồng bảo đảm hoặc theo thông tin được lưu trữ tại cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm.

Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ hoặc được giữ bởi người khác thì văn bản thông báo phải được gửi đồng thời cho bên bảo đảm, các bên cùng nhận bảo đảm khác (nếu có) và người giữ tài sản bảo đảm.

Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm thì ngoài phương thức thông báo trên còn có thể thực hiện bằng phương thức đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Thời hạn thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm phải thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc thỏa thuận khác. Trường hợp không có thỏa thuận thì phải thực hiện trong thời hạn hợp lý, nhưng trước ít nhất 10 ngày đối với động sản hoặc trước ít nhất 15 ngày đối với bất động sản tính đến thời điểm xử lý tài sản bảo đảm, trừ trường hợp tài sản bảo đảm bị xử lý ngay theo quy định tại khoản 1 Điều 300 Bộ luật Dân sự năm 2015 (1).

Trường hợp tài sản bảo đảm là chứng khoán niêm yết, hàng hóa trên sàn giao dịch hàng hóa hoặc động sản khác có thể xác định được giá cụ thể, rõ ràng trên thị trường thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Nghị định này.

Về giao tài sản bảo đảm, xử lý tài sản cầm cố, thế chấp

Theo Điều 52 Nghị định số 21, việc giao và xử lý tài sản bảo đảm được quy định như sau:

(i) Các bên có thể thỏa thuận về việc giao, xử lý một phần hoặc toàn bộ tài sản bảo đảm. Trường hợp một nghĩa vụ được bảo đảm bằng nhiều tài sản mà các bên không có thỏa thuận về việc lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý và pháp luật liên quan không có quy định khác thì bên nhận bảo đảm có quyền lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý hoặc xử lý tất cả các tài sản bảo đảm.

(ii) Trường hợp các bên thỏa thuận về xử lý tài sản cầm cố, thế chấp theo phương thức đấu giá và có thỏa thuận riêng về thủ tục đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản thì việc xử lý tài sản thực hiện theo thỏa thuận này. Trường hợp không có thỏa thuận riêng thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

(iii) Trường hợp các bên không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm mà tài sản bảo đảm là chứng khoán niêm yết, hàng hóa trên sàn giao dịch hàng hóa hoặc động sản khác có thể xác định được giá cụ thể, rõ ràng trên thị trường thì bên nhận bảo đảm được bán theo giá tại thị trường giao dịch chứng khoán hoặc tại sàn giao dịch liên quan khác nhưng phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác (nếu có) biết trước khi bán.

(iv) Thời hạn xử lý tài sản bảo đảm thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc thỏa thuận khác. Trường hợp không có thỏa thuận thì bên nhận bảo đảm quyết định thời hạn xử lý sau khi thực hiện nghĩa vụ thông báo quy định tại khoản 4 Điều 51 Nghị định số 21.

(v) Bên bảo đảm hoặc người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm theo thông báo về xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 51 Nghị định số 21.

(vi) Trường hợp bên bảo đảm hoặc người đang giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm thì bên nhận bảo đảm có quyền xem xét, kiểm tra thực tế tài sản bảo đảm để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản bảo đảm, để xử lý hoặc yêu cầu tòa án giải quyết.

(vii) Trường hợp người giữ tài sản bảo đảm là người thứ ba thì bên bảo đảm và người giữ tài sản có trách nhiệm phối hợp với bên nhận bảo đảm thực hiện việc xem xét, kiểm tra thực tế tài sản bảo đảm.

(viii) Bên bảo đảm hoặc người đang giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản bảo đảm theo thỏa thuận hoặc không giao tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 301 (2) Bộ luật Dân sự, không phối hợp hoặc có hành vi cản trở việc xem xét, kiểm tra thực tế tài sản bảo đảm mà gây thiệt hại cho bên nhận bảo đảm thì phải bồi thường.

Về quyền, nghĩa vụ của bên nhận bảo đảm trong thời gian tài sản bảo đảm chưa bị xử lý

Trong thời gian tài sản bảo đảm chưa bị xử lý có rất nhiều vấn đề cần giải quyết như như việc bảo quản tài sản, giải quyết hoa lợi, lợi tức phát sinh…, Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa có quy định cụ thể cho vấn đề này. Do đó, Nghị định số 21 đã có hướng dẫn như sau:

(i) Bên nhận bảo đảm có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn tài sản bảo đảm trong trường hợp giữ tài sản bảo đảm để xử lý.

(ii) Trong thời gian chờ xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm được khai thác, sử dụng tài sản bảo đảm hoặc cho phép bên bảo đảm hoặc ủy quyền cho người thứ ba khai thác, sử dụng tài sản bảo đảm theo đúng tính năng và công dụng của tài sản. Việc cho phép, ủy quyền hoặc xử lý hoa lợi, lợi tức phát sinh từ việc khai thác, sử dụng tài sản bảo đảm phải được lập thành văn bản.

(iii) Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ việc khai thác, sử dụng tài sản bảo đảm được dùng để thanh toán nghĩa vụ được bảo đảm cho bên nhận bảo đảm sau khi trừ các chi phí cần thiết cho việc khai thác, sử dụng tài sản.

Xử lý tài sản bảo đảm là vật đồng bộ; tài sản có tài sản gắn liền; quyền đòi nợ, khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác; giấy tờ có giá, chứng khoán, số dư tiền gửi; vận đơn, chứng từ vận chuyển

Bên nhận bảo đảm được xử lý đồng thời toàn bộ các phần, các bộ phận của tài sản bảo đảm là vật đồng bộ.

Trường hợp tài sản bảo đảm bao gồm nhiều tài sản gắn liền mà có thể chia được thì xử lý theo từng tài sản, không chia được thì xử lý đồng thời.

Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu người thứ ba là người có nghĩa vụ thanh toán, nghĩa vụ trả nợ hoặc có nghĩa vụ khác chuyển giao khoản tiền hoặc tài sản khác cho mình. Bên nhận bảo đảm phải chứng minh quyền của mình trong trường hợp người có nghĩa vụ có yêu cầu.

Bên nhận bảo đảm xử lý tài sản bảo đảm là giấy tờ có giá, chứng khoán, số dư tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định tại Điều 52 Nghị định số 21.

Bên nhận bảo đảm khi thực hiện quyền chiếm hữu đối với hàng hóa ghi trên tài sản bảo đảm là vận đơn, chứng từ vận chuyển có nghĩa vụ xuất trình vận đơn, chứng từ vận chuyển theo thủ tục được pháp luật về hàng hải, hàng không hoặc pháp luật khác liên quan quy định. Trường hợp pháp luật này không quy định thì việc xử lý hàng hóa ghi trên vận đơn, chứng từ vận chuyển áp dụng quy định tại Điều 52 Nghị định số 21.

Trường hợp bên nhận bảo đảm đồng thời là người có nghĩa vụ thanh toán thì bên nhận bảo đảm được bù trừ nghĩa vụ từ khoản tiền hoặc tài sản thu được.

Về xử lý tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai

Điều 55 Nghị định số 21 quy định việc xử lý tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai thực hiện theo thỏa thuận của các bên. Thỏa thuận này có thể có các nội dung sau đây:

(i) Trường hợp tài sản bảo đảm chưa hình thành hoặc đã hình thành nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận trong trường hợp thuộc đối tượng phải đăng ký theo quy định của pháp luật thì bên nhận bảo đảm có thể chuyển nhượng hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng khác về xác lập quyền đối với tài sản hình thành trong tương lai, nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm hoặc bán tài sản hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật;

(ii) Trường hợp tài sản bảo đảm đã hình thành và bên bảo đảm đã xác lập quyền sở hữu đối với tài sản thì bên nhận bảo đảm có thể nhận chính tài sản này để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm hoặc xử lý theo quy định chung về xử lý tài sản bảo đảm đối với tài sản hiện có.

Về xử lý tài sản thế chấp được đầu tư Việc xử lý tài sản thế chấp được đầu tư thực hiện theo Điều 56 Nghị định số 21:

(i)Trường hợp đầu tư vào tài sản thế chấp quy định tại Điều 20 Nghị định số 21 làm phát sinh tài sản mới hoặc tài sản tăng thêm do đầu tư (tài sản mới phát sinh) không thuộc tài sản thế chấp theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp thì giải quyết như sau:

- Tài sản mới phát sinh có thể tách rời khỏi tài sản thế chấp mà không làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp so với giá trị của tài sản đó trước khi được đầu tư thì việc xử lý tài sản không bao gồm tài sản mới phát sinh, phần tài sản này được bên nhận thế chấp giao lại cho bên đầu tư;

- Tài sản mới phát sinh không thể tách rời thì tài sản được xử lý bao gồm cả phần tài sản mới phát sinh, bên đầu tư được bên nhận thế chấp thanh toán giá trị phần tài sản này.

(ii)Trường hợp tài sản mới phát sinh vừa tiếp tục được dùng để thế chấp vừa được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác thì áp dụng quy định về một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ.

(iii) Trường hợp tài sản mới phát sinh không tiếp tục dùng để thế chấp nhưng được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác thì giải quyết như sau:

- Tài sản mới phát sinh có thể tách rời khỏi tài sản thế chấp mà không làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp so với giá trị của tài sản đó trước khi được đầu tư thì bên nhận bảo đảm mới có quyền tách phần tài sản mà mình nhận bảo đảm;

- Tài sản mới phát sinh không thể tách rời như quy định tại điểm a khoản này thì tài sản được xử lý theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 56 Nghị định này. Giá trị tài sản mới phát sinh được bên nhận thế chấp thanh toán cho bên nhận bảo đảm khác.

(iv) Bên nhận thế chấp được thanh toán khoản tiền bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Nghị định số 21 từ số tiền thu được trong xử lý tài sản thế chấp.

(v) Việc xử lý tài sản bảo đảm được đầu tư thuộc biện pháp bảo đảm khác mà các bên không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan không quy định khác thì áp dụng theo các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 56 Nghị định này.

Về nhận lại tài sản bảo đảm

Theo Điều 57 Nghị định số 21, bên bảo đảm được nhận lại tài sản bảo đảm trong trường hợp sau đây: hoàn thành nghĩa vụ quy định tại Điều 302 của Bộ luật Dân sự; tài sản bảo đảm đã được thay thế, được trao đổi bằng tài sản khác; nghĩa vụ được bảo đảm đã được thanh toán bằng phương thức bù trừ nghĩa vụ; trường hợp khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định tài sản bảo đảm không bị xử lý.

Trường hợp pháp luật về đấu giá tài sản, pháp luật khác liên quan có quy định về nghĩa vụ phải thực hiện trước khi được nhận lại tài sản bảo đảm thì bên bảo đảm chỉ được nhận lại tài sản sau khi nghĩa vụ này được hoàn thành.

Về mua, nhận chuyển nhượng, nhận chuyển giao khác về quyền sở hữu tài sản bảo đảm

 Điều 58 Nghị định số 21 quy định vấn đề này như sau:

Người mua, người nhận chuyển nhượng, người nhận chuyển giao khác về quyền sở hữu tài sản bảo đảm (người nhận chuyển giao) có quyền sở hữu tài sản, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật. Người nhận chuyển giao tài sản bảo đảm là cổ phần, phần vốn góp trong pháp nhân thương mại, pháp nhân phi thương mại là doanh nghiệp xã hội kế thừa quyền, nghĩa vụ của bên bảo đảm đối với cổ phần, phần vốn góp này trong pháp nhân.

Trường hợp tài sản bảo đảm đã được xử lý và được chuyển giao quyền sở hữu thì cơ quan có thẩm quyền áp dụng một trong các văn bản sau đây để thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người nhận chuyển giao:

- Hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng chuyển giao khác về quyền sở hữu tài sản bảo đảm giữa chủ sở hữu tài sản hoặc người có quyền bán tài sản với người nhận chuyển giao;

- Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá;

- Hợp đồng bảo đảm hoặc văn bản khác chứng minh việc chuyển quyền sở hữu tài sản bảo đảm.

Trường hợp pháp luật quy định việc chuyển giao quyền sở hữu phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu, văn bản thỏa thuận giữa chủ sở hữu tài sản, người có quyền bán tài sản với người nhận chuyển giao hoặc giữa người phải thi hành án với người nhận chuyển giao về việc xử lý tài sản bảo đảm thì những văn bản quy định tại khoản 2 Điều 58 Nghị định này được dùng để thay thế cho các loại giấy tờ đó.

Người mua được tài sản bảo đảm thông qua đấu giá tài sản tại tổ chức có thẩm quyền được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Đấu giá tài sản, luật khác liên quan.

 Về vấn đề nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm

Điều 59 Nghị định số 21 quy định về vấn đề này như sau:

(i) Trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm thỏa thuận về xử lý tài sản bảo đảm theo phương thức bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận bảo đảm được xác lập quyền sở hữu theo quy định tại Điều 223 Bộ luật Dân sự năm 2015.

(ii) Bên nhận bảo đảm phải cung cấp hợp đồng bảo đảm hoặc văn bản khác có thỏa thuận về việc mình có quyền được nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm, giấy chứng nhận về tài sản bảo đảm (nếu có) cho cơ quan có thẩm quyền để thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật liên quan.

Liên quan đến vấn đề xử lý tài sản bảo đảm, Nghị định số 21 không có quy định về thu giữ tài sản bảo đảm do hạn chế văn bản mức Nghị định. Tuy nhiên, để tháo gỡ vướng mắc, Nghị định đã quy định khi xử lý tài sản bảo đảm, chỉ cần thực hiện theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng, không cần có văn bản ủy quyền hoặc văn bản đồng ý của bên bảo đảm.

Trường hợp bên bảo đảm hoặc người đang giữ tài sản không giao thì bên nhận bảo đảm có quyền xem xét, kiểm tra thực tế tài sản bảo đảm để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản bảo đảm, để xử lý hoặc yêu cầu tòa án giải quyết.

Một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện

Bên cạnh những điểm mới đáng ghi nhận, Nghị định số 21 về xử lý tài sản bảo đảm cũng bộc lộ một vướng mắc cần hoàn thiện sau đây: Một là, khoản 1 Điều 49 quy định: “Việc xử lý tài sản bảo đảm phải được thực hiện đúng với thỏa thuận của các bên, quy định của Nghị định này và pháp luật liên quan”. Quy định này đã không bao quát được Bộ luật Dân sự bởi xếp Bộ luật Dân sự vào pháp luật liên quan là không hợp lý. Do đó, nội dung này cần sửa đổi như sau: “Việc xử lý tài sản bảo đảm phải được thực hiện đúng với thỏa thuận của các bên, quy định của Bộ luật Dân sự, Nghị định này và pháp luật liên quan”.

Hai là, Điều 50 Nghị định số 21 cho phép ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm đã được xác lập trước thời điểm bên bảo đảm chết với điều kiện là nếu xác định được người thừa kế di sản đang là tài sản bảo đảm, người quản lý di sản đang là tài sản bảo đảm thì ngân hàng phải thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm cho người này.

Quy định này không đúng với tinh thần của khoản 2 và khoản 3 Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại; còn trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Ba là, Nghị định số 21 quy định về giải quyết trường hợp bên bảo đảm hoặc người có nghĩa vụ được bảo đảm là cá nhân chết hoặc bị tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết nhưng chưa quy định thời điểm xử lý tài sản bảo đảm là thời điểm cá nhân bảo đảm chết hay vẫn phải thực hiện theo như hợp đồng bảo đảm đã ký kết. Tức sẽ có những trường hợp cá nhân bảo đảm chết nhưng theo hợp đồng bảo đảm đã ký thì phải một thời gian dài sau đó bên nhận bảo đảm mới được quyền xử lý theo thời hạn xác định trong hợp đồng. Trong khi đó, tài sản bảo đảm được giao cho người thừa kế hoặc do người thừa kế hưởng thì sẽ không bảo đảm được quyền của bên nhận bảo đảm. Nghị định số 21 cần bổ sung làm rõ nội dung này.

Bốn là, Nghị định số 21 không có bất cứ quy định nào đề cập cụ thể việc xử lý thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua, bán nhà ở hình thành trong tương lai vốn là biện pháp bảo đảm rất phổ biến mà việc xử lý đang đặt ra cho các ngân hàng rất nhiều khó khăn.

Đối với việc xử lý thế chấp quyền đòi nợ - là loại tài sản có rất nhiều điểm ưu việt và được kỳ vọng sẽ sử dụng rộng rãi trong thời gian tới, Nghị định số 21 là một bước lùi đáng tiếc so với quy định cũ khi không đề cập chi tiết cơ chế xử lý thế chấp này.

Năm là, Nghị định số 21 không có quy định nào về trường hợp một người dùng tài sản của mình để bảo đảm cho khoản vay của người khác (là biện pháp bảo đảm khá phổ biến trong thực tế), đặc biệt là chưa công nhận một cách rõ ràng quyền của bên bảo đảm được yêu cầu bên vay thực hiện hoàn trả cho mình trong phạm vi giá trị tài sản bảo đảm đã bị ngân hàng xử lý.

Sáu là, khoản 3 Điều 293 Bộ luật Dân sự năm 2015 ngầm định rằng trong trường hợp bảo đảm cho các khoản vay hình thành trong tương lai thì hợp đồng bảo đảm phải nêu rõ một thời hạn bảo đảm (được hiểu là để bảo vệ quyền lợi cho bên bảo đảm do bên bảo đảm sẽ biết được tài sản của mình được sử dụng để bảo đảm cho các khoản vay sẽ phát sinh trong giai đoạn nào), trong khi khoản 2 Điều 25 Nghị định số 21 lại “bật đèn xanh” cho việc không cần thỏa thuận về thời hạn bảo đảm (3).

===============

 (1) Đối với tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến bị giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản đó.

(2) Điều 301. Giao tài sản bảo đảm để xử lý

Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.

Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

(3) TS Bùi Đức Giang, Băn khoăn quy định mới về giao dịch bảo đảm (https://thesaigontimes.vn/ban-khoan-quy-dinh-moi-ve-giao- dich-bao-dam/).

Tiến sĩ LÊ THỊ GIANG

Trường Đại học Luật Hà Nội

Hoàn thiện một số quy định về tội xâm phạm hoạt động tư pháp

Nguyễn Mỹ Linh