Quyền mời Luật sư và từ chối Luật sư trong vụ án hình sự

04/03/2024 05:18 | 2 tháng trước

(LSVN) - Quyền mời Luật sư và quyền từ chối Luật sư là quyền lợi chính đáng của người bị buộc tội và được pháp luật nước ta công nhận.

Ảnh minh họa.

Quy định của pháp luật cho phép Luật sư có thể tham gia vụ án từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của cơ quan điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ trong trường hợp bắt, tạm giữ người, hoặc có quyết định khởi tố bị can hoặc thậm chí người dân có thể mời Luật sư tham gia ngay từ khi bị tình nghi. Trong một số trường hợp cần giữ bí mật điều tra với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Luật sư được tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, có 04 nhóm người được mời người bào chữa cho người bị buộc tội gồm: Bản thân người bị buộc tội; Người đại diện của người bị buộc tội; Người thân thích của người bị buộc tội; Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đa phần, người dân sẽ chủ động mời Luật sư – người được trang bị đầy đủ về kiến thức pháp lý để tiến hành bào chữa cho mình. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyền chỉ định Luật sư bào chữa cho bị can/bị cáo.

Cụ thể khoản 1, Điều 76, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, trong trường hợp bị can, bị cáo phạm tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; Người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi thì bắt buộc phải có người bào chữa tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

Trong trường hợp người bị buộc tội, người đại diện, người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chỉ định người bào chữa cho họ. Chi phí hay thù lao chi trả cho Luật sư, người bào chữa sẽ do Nhà nước chi trả.

Việc được có Luật sư bào chữa là quyền lợi chính đáng của người bị buộc tội. Do đó, pháp luật cũng quy định người bị buộc tội cũng có quyền từ chối người bào chữa. Cụ thể, khoản 1, Điều 77, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định có 03 đối tượng có quyền thay đổi hoặc từ chối Luật sư bào chữa như sau:

Điều 77. Thay đổi hoặc từ chối người bào chữa

Những người sau đây có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa:

a) Người bị buộc tội;

b) Người đại diện của người bị buộc tội;

c) Người thân thích của người bị buộc tội.

Mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, trừ trường hợp quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 76 của Bộ luật này.

Theo đó, ý chí mong muốn có người bào chữa cho bản thân mình hay không phải xuất phát từ phía bị can, bị cáo. Do đó, trong trường hợp bị can, bị cáo từ nhận thấy có thể tự mình bào chữa, hoặc nhận thấy Luật sư được chỉ định không công tâm, không khách quan hoặc có mong muốn mời Luật sư khác thì có thể yêu cầu thay đổi hoặc từ chối Luật sư chỉ định.

Trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra, người bị buộc tội có mong muốn mời người bào chữa cho bị cáo hoặc có yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì bắt buộc phải có sự đồng ý và xác nhận của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra hoặc người bị buộc tội trừ trường hợp quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 76 của Bộ luật này.

Đối với các trường hợp người bị buộc tội là người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi do không thể chưa đủ hoặc không có khả năng nhận thức được vụ việc, bị hạn chế trong nhận thức thì không có quyền từ chối Luật sư chỉ định, mà phải thông qua người thân thích hoặc người đại diện của họ quyết định.

Trường hợp thay đổi người bào chữa thì việc chỉ định người bào chữa khác được thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 76, Bộ luật Tố tụng hình sự.

Việc từ chối người bào chữa được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối người bào chữa của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 76, Bộ luật này và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.

Đối với Luật sư bào chữa được cơ quan có thẩm quyền chỉ định cho bị can, bị cáo thì việc bào chữa ở đây là nghĩa vụ của Luật sư. Nếu không có lý do chính đáng hay trở ngại khách quan nào cản trở việc bào chữa của mình thì Luật sư: “Không được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan” căn cứ theo điểm b, khoản 2, Điều 73, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Như vậy, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, bị can, bị cáo có quyền mời Luật sư và quyền từ chối Luật sư. Tuy nhiên, việc mời Luật sư tham gia hỗ trợ ngay từ giai đoạn bị tình nghi, điều tra, truy tố, xét xử là điều vô cùng có lợi cho bị can, bị cáo. Luật sư sẽ hướng dẫn, giúp cho bị can, bị cáo hiểu về quyền và nghĩa vụ, hướng dẫn quy trình tiền tố tụng và các bước làm việc với cơ quan điều tra, đưa ra ý kiến có lợi và giúp thân chủ chuẩn bị về mặt tinh thần, tránh trạng thái hoang mang, lo sợ dẫn đến những hành động không kiểm soát có thể trở thành tình tiết tăng nặng, qua đó bảo vệ quyền lợi ích chính đáng cho bị can, bị cáo, đặc biệt là trong các giai đoạn của vụ án hình sự.

Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Dựng hiện trường 'tự tử' giả: Lỗ hổng pháp lý cần khắc phục