Ảnh minh họa.
Theo đó, Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ.
Tờ trình của Bộ NN&PTNT cho rằng, sau 06 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 02 đã góp phần giảm thiểu khó khăn cho các đối tượng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, giúp người dân nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác khắc phục hậu quả do thiên tai, dịch bệnh.
Theo báo cáo của các địa phương và Bộ Tài chính, từ năm 2017 đến nay, tổng kinh phí đã triển khai thực hiện Nghị định là hơn 06 nghìn tỉ đồng để hỗ trợ cho người dân khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh.
Tuy nhiên, qua báo cáo của các địa phương và các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ NN&PTNT, khi áp dụng Nghị định số 02 đã phát sinh những tồn tại, bất cập và cần phải có những điều chỉnh, thay thế để phù hợp với thực tiễn sản xuất, như: phạm vi hỗ trợ, đối tượng, mức hỗ trợ, trình tự và thủ tục hỗ trợ.
Điển hình như mức hỗ trợ trong Nghị định số 02 được xây dựng từ năm 2017 là thấp và không phù hợp với thời điểm hiện tại. Hiện nay chi phí sản xuất, giá thị trường thay đổi theo chiều hướng tăng lên rất nhiều so với trước đây, nên mức hỗ trợ trong Nghị định số 02 chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu cho việc khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiên tai, dịch bệnh; một số loại cây trồng, vật nuôi, hình thức nuôi chưa được quy định trong Nghị định dẫn đến khó khăn trong công tác hỗ trợ khôi phục sản xuất.
Trình tự, thủ tục hỗ trợ vẫn còn những tồn tại, bất cập khi thực hiện kê khai thủ tục hỗ trợ. Một số thủ tục còn phức tạp, không phù hợp với thực tế nên sau khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra vẫn chưa triển khai hỗ trợ được cho một số đối tượng, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp…
Góp ý dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, so với văn bản hiện hành, Dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng: tăng mức hỗ trợ đối với diện tích lúa, cây công nghiệp hàng năm, cây trồng lâu năm, diện tích rừng bị thiệt hại; điều kiện hỗ trợ với cơ sở sản xuất bị thiệt hại…
Về trình tự, thủ tục hỗ trợ thiệt hại, Điều 6 của Dự thảo quy định về trình tự thủ tục hỗ trợ thiệt hại, gồm các khâu: Cơ sở sản xuất nộp hồ sơ cho UBND cấp xã; UBND cấp xã xem xét và trả lời về tính hợp lệ của hồ sơ; UBND cấp xã thẩm định hồ sơ trong 30 ngày, hoặc kéo dài không quá 60 ngày; UBND cấp xã niêm yết công khai trong thời hạn 05 ngày làm việc; UBND cấp xã gửi hồ sơ cho UBND cấp huyện trong vòng 03 ngày làm việc; UBND cấp huyện ban hành quyết định hỗ trợ trong vòng 30 ngày.
Góp ý về vấn đề này, VCCI cho rằng quy trình thủ tục này vẫn chưa hợp lý, minh bạch và cần được hoàn thiện thêm.
Cụ thể, theo VCCI thủ tục này mới chỉ đề cập đến việc ban hành quyết định hỗ trợ, chứ chưa đề cập đến việc chi trả thực tế. Như vậy, có thể dẫn đến tình trạng từ thời điểm UBND cấp huyện ban hành quyết định hỗ trợ cho đến khi tiền hỗ trợ đến tay cơ sở sản xuất bị kéo dài không xác định thời hạn. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định thời hạn từ khi ban hành quyết định hỗ trợ đến khi chi trả thực tế.
Mặt khác, tổng thời gian để thực hiện tất cả các công đoạn trên tương đối dài, có thể lên đến 70 ngày hoặc dài hơn. Điều này chưa phù hợp với mục đích của việc hỗ trợ là giúp cơ sở sản xuất nông nghiệp sớm khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh. Vì thế, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu rút ngắn các thời hạn xử lý thủ tục hành chính để tăng hiệu quả chính sách.
Ngoài ra, VCCI cho rằng thiên tai, dịch bệnh thường ảnh hưởng đến nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp cùng một lúc. Nếu yêu cầu từng cơ sở phải nộp hồ sơ và thực hiện thủ tục riêng lẻ có thể sẽ phức tạp và tốn kém chi phí, kéo dài thời gian. Trong những trường hợp đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cơ chế để UBND cấp xã chủ trì tập hợp thống kê, đồng thời thẩm tra thiệt hại của các cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm rút ngắn thời gian hỗ trợ khôi phục sản xuất.
QUÝ VŨ