Tăng giá dịch vụ đăng kiểm ô tô từ 08/10/2022
(LSVN) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 55/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 238/2016/TT-BTC quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành; đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới.
Thông tư 55 quy định biểu giá dịch vụ đăng kiểm xe ô tô các loại được điều chỉnh tăng 10.000 đồng/xe so với hiện nay. Cụ thể, xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn và các loại xe ô tô chuyên dùng: Mức giá tăng từ 560.000 đồng/xe lên 570.000 đồng/xe.
Máy kéo, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và các loại phương tiện vận chuyển tương tự; rơ moóc, sơ mi rơ moóc: tăng từ 180.000 đồng/xe lên 190.000 đồng/xe.
Xe ô tô chở người trên 40 ghế (kể cả lái xe), xe buýt: tăng từ 350.000 đồng/xe lên 360.000 đồng/xe…
Xe ô tô chở người từ 10 ghế đến 24 ghế (kể cả lái xe), mức giá sẽ là 290.000 đồng/xe thay cho mức 280.000 đồng/xe hiện nay.
Xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi, xe ô tô cứu thương, mức giá sẽ là 250.000 đồng/xe thay cho mức 240.000 đồng/xe hiện nay.
Bộ Tài chính cũng quyết định thay đổi giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lần đầu đối với thiết bị, xe máy chuyên dùng đang lưu hành đối với:
Máy ủi công suất đến 100 mã lực (tăng từ 340.000 đồng/chiếc lên 350.000 đồng/chiếc).
Máy san công suất trên 130 mã lực (tăng từ 530.000 đồng/chiếc lên 540.000 đồng/chiếc).
Xe kéo, máy kéo nông nghiệp, lâm nghiệp tham gia giao thông (tăng từ 390.000 đồng/chiếc lên 400.000 đồng/chiếc)…
Thông tư 55 có hiệu lực thi hành từ 08/10/2022.
VĂN QUANG
Cảnh giác với hành vi giả danh Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Sẽ có hướng dẫn về việc nhà báo xin phép ghi âm, ghi hình tại phiên toà
(LSVN) - Tòa án nhân dân Tối cao đã tính đến việc sẽ phải trình xây dựng những quy phạm về cách tác nghiệp của nhà báo tại phiên toà; sắp tới sẽ phải có hướng dẫn về việc nhà báo xin phép ghi âm, ghi hình.
Ảnh minh họa.
Tại cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí về việc nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình tại phiên tòa, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, Pháp lệnh gồm 4 chương, 48 điều quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính. Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2022.
Theo Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ, Pháp lệnh này không quy định các hành vi mới, mà chỉ quy định cụ thể hơn việc xử phạt, các hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt đối với những hành vi không được phép thực hiện, hành vi bị coi là cản trở hoạt động tố tụng đã được quy định trong các đạo luật tố tụng.
Điều 234 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 153 Luật Tố tụng hành chính về Nội quy phiên tòa đều quy định: “Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ”.
Theo Luật Báo chí, nhà báo có quyền được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.
Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho rằng, nhà báo có quyền như vậy nhưng những người khác cũng có quyền mà quyền rất thiêng liêng đã được Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật ghi nhận. Đó là quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh,…
Do vậy, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước có quy định hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, để bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cũng cho biết thêm, việc ghi hình, ghi âm là hành vi bị nghiêm cấm, nên phát trực tiếp (Livestream) thì mức độ xử phạt lỗi lớn hơn. Việc phát tán lên mạng các hình ảnh mà người dân không đồng ý thì càng không được.
Ví dụ như trong một vụ án ly hôn, nếu nhà báo không xin phép khi tác nghiệp, sau đó người dân biết bản thân bị quay phim, chụp hình lên báo thì có thể khiếu nại. Khi đó nhà báo hoàn toàn chịu trách nhiệm với việc làm đó.
Tòa án nhân dân Tối cao đã tính đến việc sẽ phải trình xây dựng những quy phạm về cách tác nghiệp của nhà báo tại phiên toà; sắp tới sẽ phải có hướng dẫn về nhà báo xin phép ghi âm, ghi hình.
PHƯƠNG NGUYỄN
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng
Xử lý nghiêm cây xăng găm hàng, đóng cửa, để hết hàng
(LSVN) - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường vừa có chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường 63 tỉnh, thành phố, đặc biệt là các Cục Quản lý thị trường khu vực miền Nam tăng cường kiểm tra, giám sát mặt hàng xăng dầu.
Trước tình hình mặt hàng xăng dầu có diễn biến phức tạp, một số cây xăng tại khu vực phía Nam có biểu hiện găm hàng không bán, gây dư luận không tốt, sáng 29/8, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường 63 tỉnh, thành phố, đặc biệt là các Cục Quản lý thị trường khu vực miền Nam tăng cường kiểm tra, giám sát mặt hàng này.
Theo đó, Cục Quản lý thị trường ngay lập tức chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường giám sát 24/24, làm việc với các cây xăng cụ thể để không xảy ra tình trạng thiếu hàng và đóng cửa, nếu xảy ra tình trạng hết hàng, hay đóng cửa, đề nghị xử lý ngay lập tức.
Trong trường hợp do nhà cung cấp xăng dầu không giao, các Cục Quản lý thị trường phải làm việc với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý… nếu phát hiện vi phạm xử lý trong thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền báo cáo về Tổng cục Quản lý thị trường hoặc Bộ Công thương để xử lý.
Về xử lý tình huống hết hàng, đóng cửa, đề nghị các Cục (hoặc giao cho Đội Quản lý thị trường) ban hành quyết định kiểm tra hoặc giám sát các cửa hàng này làm rõ lý do, nếu vì lý do các thương nhân cung ứng xăng dầu (thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý) không cung ứng đủ hàng thì làm việc tiếp với các thương nhân cung ứng này (nếu có trụ sở hoặc chi nhánh tại tỉnh), nếu ngoài tỉnh thì phối hợp với Cục Quản lý thị trường nơi có trụ sở của thương nhân cung ứng xăng dầu làm việc để làm rõ nguyên nhân.
Nếu các thương nhân cung ứng xăng dầu có vi phạm phải được xử lý nghiêm, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Tổng cục Quản lý thị trường hoặc Bộ Công thương để xử lý.
Tại các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nếu hết hàng, khi kiểm tra, giám sát phải “đo bồn” và đối chiếu hóa đơn mua bán hàng để xác định lượng hàng tồn kho. Nếu hết hàng do chủ quan của doanh nghiệp và các vi phạm khác phải xử lý nghiêm. Đảm bảo phải kiểm tra tất cả các vụ việc mà cửa hàng bán lẻ thiếu hàng, hết hàng, đóng cửa.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Đội Quản lý thị trường địa bàn phải có trách nhiệm phát hiện sớm, phải biết cửa hàng nào đóng cửa trước khi người dân hay báo chí phản ánh. Tổng cục Quản lý thị trường sẽ xử nghiêm nếu buông lỏng quản lý địa bàn.
PV
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng