/ Pháp luật - Tiêu dùng
/ SGK ‘Kết nối tri thức với cuộc sống’ cần bám sát Chương trình đề ra

SGK ‘Kết nối tri thức với cuộc sống’ cần bám sát Chương trình đề ra

31/08/2021 13:00 |

(LSVN) - Từ việc phản ứng gay gắn về việc đưa bài thơ “Bắt nạt” của Nguyễn Thế Hoàng Linh vào sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn lớp 6 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” không phù hợp với học sinh, khi đối chiếu bộ SGK này với Chương trình mới năm 2018, chuyên gia đã phát hiện ra những bất cập so với Chương trình đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thông qua.

Không thực hiện đúng định hướng, mục tiêu Chương trình

Việc lựa chọn ngữ liệu trong SGK Ngữ văn phải đáp ứng mục tiêu giáo dục chung và yêu cầu cần đạt của cấp học đã quy định trong Chương trình môn học. Về mục tiêu giáo dục, Chương trình môn Ngữ văn quy định khá toàn diện, trong đó có mục tiêu phát triển năng lực văn học được quy định cụ thể như sau:

“Phát triển năng lực văn học với yêu cầu: phân biệt được các thể loại truyện, thơ, kí, kịch bản văn học và một số tiểu loại cụ thể; nhận biết được đặc điểm của ngôn Ngữ văn học, nhận biết và phân tích được tác dụng của những yếu tố hình thức và biện pháp nghệ thuật gắn với mỗi thể loại văn học; nhận biết được giá trị biểu cảm, giá trị nhận thức, giá trị thẩm mĩ; phân tích được tính hình tượng, nội dung và hình thức của tác phẩm văn học; có thể tạo ra được một số sản phẩm có tính văn học”.

Về yêu cầu cần đạt (chuẩn) đối với năng lực văn học ở cấp THCS, Chương trình quy định học sinh phải “nhận biết và phân biệt được các loại văn bản văn học: truyện, thơ, kịch, kí và một số thể loại tiêu biểu cho mỗi loại; phân tích được tác dụng của một số yếu tố hình thức nghệ thuật thuộc mỗi thể loại văn học; hiểu nội dung tường minh và hàm ẩn của văn bản văn học. Trình bày được cảm nhận, suy nghĩ về tác phẩm văn học và tác động của tác phẩm đối với bản thân; bước đầu tạo ra được một số sản phẩm có tính văn học”.

Nói tóm lại, định hướng của Chương trình Ngữ văn ở cấp THCS là dạy học theo thể loại văn học và kiểu văn bản. SGK cần lựa chọn những văn bản tiêu biểu cho các thể loại và kiểu văn bản để giúp học sinh có khả năng đọc hiểu những văn bản tương tự trong cuộc sống. SGK Ngữ văn 6 của NXB Giáo dục Việt Nam (bộ ”Kết nối tri thức với cuộc sống”) không làm đúng định hướng này mà tổ chức các bài học theo đề tài, chủ đề nội dung như ở cấp tiểu học, trong một bài học lẫn lộn cả thơ lẫn truyện, văn bản nghị luận, văn bản thông tin. Bài thơ ”Bắt nạt” dạy ở chủ điểm "Tôi và các bạn”. Nếu SGK theo đúng định hướng của Chương trình thì chắc sẽ không chọn bài thơ ”Bắt nạt” vì nó hiển nhiên không tiêu biểu cho thể loại thơ 5 chữ.

Bài thơ ”Bắt nạt” dạy ở chủ điểm ”Tôi và các bạn”.

Ngữ liệu văn học chưa bám sát Chương trình

Để đáp ứng mục tiêu và yêu cầu cần đạt đã nêu, Chương trình môn Ngữ văn năm 2018 quy định ngữ liệu văn học dạy ở lớp 6 và lớp 7. Cụ thể, về ngữ liệu lớp 6, văn bản văn học gồm: Truyền thuyết, cổ tích, đồng thoại, truyện ngắn; Thơ, thơ lục bát; Hồi kí hoặc du kí. Về ngữ liệu lớp 7, văn bản văn học gồm: Ngụ ngôn, truyện ngắn, truyện khoa học viễn tưởng; Thơ, thơ bốn chữ, năm chữ; Tuỳ bút, tản văn; Tục ngữ.

Về tác phẩm cụ thể, Chương trình chỉ quy định bắt buộc học 6 tác phẩm sau: Nam quốc sơn hà (thời Lý), Hịch tướng sĩ (Trần Hưng Đạo), Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu), Tuyên ngôn Độc lập (Hồ Chí Minh). 

Bên cạnh đó, Chương trình có gợi ý một số ngữ liệu cho các lớp. Cụ thể, các bài ca dao, tục ngữ và thơ được gợi ý dạy ở lớp 6, lớp 7 là ca dao về tình yêu, tình cảm gia đình; Cảnh khuya (Hồ Chí Minh); Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật); Dặn con (Trần Nhuận Minh); Hành trình của bầy ong (Nguyễn Đức Mậu); Khi con tu hú (Tố Hữu); Mây và sóng (R. Tagore); Mẹ (Đỗ Trung Lai); Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông); Quê hương (Tế Hanh); Sơn Tinh, Thuỷ Tinh (Nguyễn Nhược Pháp); Tiếng vọng (Nguyễn Quang Thiều); Tục ngữ Việt Nam; Viếng lăng Bác (Viễn Phương).

Căn cứ gợi ý này, tác giả SGK lựa chọn ngữ liệu để dạy ở các lớp, các bài học cụ thể. Bên cạnh đó, tác giả có thể lựa chọn những ngữ liệu khác phù hợp với mục tiêu giáo dục, yêu cầu cần đạt đã quy định.

Đối chiếu với những quy định trên của Chương trình, có thể thấy những người làm bộ SGK Ngữ văn 6 của NXB Giáo dục Việt Nam (bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”) không hiểu Chương trình hoặc cố ý làm sai Chương trình. Bộ sách này hoàn toàn không có văn bản nào là hồi kí – thể loại được quy định học ở lớp 6. Trong khi đó, lại dạy tùy bút ("Cây tre Việt Nam” của Thép Mới) là thể loại được quy định học ở lớp 7.

Bộ sách không tập trung vào thơ lục bát như quy định của Chương trình mà dạy rất nhiều thơ 5 chữ ("Bắt nạt", "Chuyện cổ tích về loài người" của Xuân Quỳnh), thơ tự do ("Những cánh buồm" của Hoàng Trung Thông), thơ văn xuôi ("Mây và sóng" của Tagore)... Lấy cả ngữ liệu quy định cho cấp tiểu học lên dạy ở lớp 6 (Bài thơ "Chuyện cổ nước mình" của Lâm Thị Mỹ Dạ). Mỗi bài đọc có đến 6 câu hỏi nhưng hầu như không có câu hỏi nào hướng dẫn học sinh hiểu đặc điểm của thể loại được quy định trong chương trình.

Vì vậy, khi đối chiếu Chương trình, ta thấy sự lệch khung  rất rõ. Không hiểu vì sao một bộ sách viết trái chương trình như vậy vẫn được Hội đồng thẩm định SGK và Bộ GD&ĐT cho "lọt lưới"? Dạy tản mạn, tùy hứng như vậy thì làm sao thực hiện được định hướng của Chương trình là hướng dẫn học sinh đọc hiểu các tác phẩm văn học theo thể loại?.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Đại biểu Quốc hội khóa 15.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Đại biểu Quốc hội khóa 15 cho biết, để xảy ra hàng loạt những vấn đề, bất cập và sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về  NXB Giáo dục Việt Nam, Tổng chủ biên bộ sách, Ban biên soạn, đặc biệt là Hội đồng thẩm định SGK.

Chúng ta cần có bộ SGK chuẩn cho thầy trò cả nước dạy và học. Nếu chưa chuẩn, cần điều chỉnh, sửa chữa  ngay. Bởi các em có quyền được học những bộ sách tốt nhất.

Dư luận đang trông chờ vào việc giải quyết dứt điểm, kịp thời và minh bạch của Bộ GD&ĐT và cần có sự trả lời trước công luận càng sớm càng tốt.

Dư luận bàn tán về Bài thơ “Bắt nạt” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh đưa vào SGK Ngữ văn lớp 6 tập 1 bộ “Kết nối tri thức và cuộc sống” của NXB Giáo dục Việt Nam cả tháng nay rồi, nhưng tập thể tác giả và NXB Giáo dục Việt Nam cũng chưa hề lên tiếng là hoàn toàn không đúng. Tập thể tác giả và NXB Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm lắng nghe, giải trình trước công luận và đưa ra hướng khắc phục.

Bộ GD&ĐT là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt SGK, trách nhiệm trước hết là của Hội đồng thẩm định do Bộ thành lập, thứ hai là cơ quan tham mưu của Bộ và thứ ba là Lãnh đạo Bộ. Dù việc phê duyệt SGK là của nhiệm kỳ trước nhưng trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ là xuyên suốt cho nên lãnh đạo Bộ cần chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam và tập thể tác giả SGK nói trên trả lời công luận, nếu có sai sót thì lãnh đạo Bộ phải chỉ đạo sửa chữa khắc phục và xử lý theo thẩm quyền.

Một số ý kiến của các nhà giáo

Thầy Đào Quốc Vịnh, nhà thơ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Hiến Thành, Hà Nội cho rằng, trách nhiệm thuộc về các tác giả biên soạn SGK, đặc biệt là của Hội đồng thẩm định của Vụ Trung học phổ thông Bộ GD&ĐT. Phản biện xã hội về cái mới, về sự lạ nhất là trong dạy môn Ngữ văn là một việc làm đáng hoan nghênh và cần trân trọng. Tuy nhiên, chúng ta cần tách bạch ra làm hai vấn đề rõ ràng: Thứ nhất là tác giả, tác phẩm, và thứ hai là ý chí của cơ quan biên soạn SGK và Hội đồng thẩm định SGK.

"Tôi băn khoăn, Tổng chủ biên SGK Ngữ văn 6 Bùi Mạnh Hùng và nhóm biên soạn dựa vào những tiêu chí nào để lựa chọn bài thơ “Bắt nạt” vào SGK dạy cho các em học sinh. Hình thức nghệ thuật không ổn, ý nghĩa giáo dục, khiên cưỡng", thầy Vịnh nói. 

Thầy Ngô Mậu Tình, Phó Hiệu trưởng trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy, Quảng Bình nhận xét, SGK Ngữ văn 6 NXB Giáo dục Việt Nam chưa chú ý đến đối tượng học sinh và Chương trình.

Quan điểm biên soạn SGK THCS nói chung và SGK Ngữ văn lớp 6 mới nói riêng tuân thủ nguyên tắc bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Sách có 10 bài học. Các văn bản được lựa chọn làm ngữ liệu trong mỗi bài học có nội dung gắn với chủ đề thể hiện. Cụ thể trong bài 1 gắn với chủ đề "Tôi và các bạn", “Bắt nạt” của Nguyễn Thế Hoàng Linh trong chủ đề này.  Qua việc đọc hiểu được gợi ra từ văn bản, học sinh được bồi đắp tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự khiêm tốn, thái độ chan hòa… nhưng “Bắt nạt” đã nằm ngoài dụng ý người soạn sách.

Khi tiến hành thăm dò ý kiến của các học sinh giỏi và các em chuẩn bị lên lớp 6, tôi nhận được câu trả lời rất tiêu cực về nội dung bài thơ này. Với môn Ngữ văn, sự chuyển tiếp của các em thể hiện ở việc học sinh chuyển từ yêu cầu biết đọc, viết, nói, nghe ở mức độ căn bản sang yêu cầu phân biệt được thể loại, loại văn bản. Cho nên, bài thơ này không phù hợp với lứa tuổi, nhận thức của học sinh vừa rời chương trình tiểu học. Mặt khác, đa số học sinh ở nông thôn, miền núi rất xa lạ với các hình ảnh nhảy híp hốp và mù tạt trong bài thơ nên các em rất lạ lẫm, khó hiểu và không thể phát huy được phẩm chất và năng lực tiếp nhận.

Với người Việt, nhút nhát được ví như thỏ, tục ngữ có câu “Nhát như thỏ”. Vì vậy, sự so sánh này không có lợi trong tiếp nhận của trẻ. Đã nhút nhát thì không thể nào đáng yêu được ở hoàn cảnh này. Bác Hồ kính yêu đã khuyên học sinh trong 5 điều dạy, có lẽ ai cũng biết và nhớ. Trong đó có câu “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Chúng ta cần giáo dục học sinh dũng cảm chứ không phải thỏa hiệp với cái xấu, cái ác, cái tiêu cực trong cuộc sống.

THẠCH SƠN

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Lê Minh Hoàng