LSVNO - Súng là một loại vũ khí được chế tạo để trang bị cho binh lính làm nhiệm vụ. Vì thế, từ khi súng được sử dụng phổ biến trong quân đội, các vua triều Hậu Lê đã có lệnh cấm những người không có chức phận được sử dụng, tàng trữ, cấm ngặt các hành vi mua bán súng trong dân gian.
Một số loại súng thời xưa
Chưa rõ súng được sử dụng lần đầu tiên trong quân đội Đại Việt từ khi nào, còn chính sử lần đầu tiên đề cập đến việc sử dụng súng đó là sự kiện trong trận đánh trên sông Hải Triều (nay là khúc sông giáp với hai huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên và huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình), tướng nhà Trần là Trần Khát Chân đã sai quân dùng súng bắn vào thuyền chiến, giết chết vua Chiêm là Chế Bồng Nga.
Đến thời Hồ, súng đã được sử dụng phổ biến, thậm chí nhà Hồ còn chế tạo cả pháo với chủng loại khác nhau. Sách Việt kiệu thư cho biết, chỉ tính riêng trong trận Lục Giang ngày 21 tháng 02 năm Đinh Hợi (1407) giữa quân nhà Hồ với giặc Minh xâm lược, các loại súng pháo sử dụng nhiều, tên đạn trận đó “bắn ra như chớp giật”.
Lính pháo thủ. Hình minh họa. Nguồn: www.hinhanhlichsu.org
Súng thời xưa có nhiều loại khác nhau được gọi chung là hỏa khí, phổ biến nhất là súng “điểu sang”, súng “điểu thương” và súng “hỏa mai” là loại súng nạp đạn rời từng viên ở đuôi nòng được trang bị cho binh lính; ngoài ra còn phải kể đến súng “bách tử” là loại súng bắn đạn ria, mỗi phát đẩy đi một nắm đạn; thô sơ hơn thì có súng “ngựa trời” có hình con bọ ngựa dùng để phóng các mảnh sắt, đá vụn. Thuộc dạng súng hạng nặng là các loại pháo được gọi là thần công, hay súng “thần cơ” (hoặc thần cơ sang pháo) mà nổi tiếng nhất là các loại “thần cơ” dưới thời Hồ. Sau này còn có súng phun lửa là loại vũ khí chứa chất cháy, dùng áp suất cao phun lửa để đốt mục tiêu, thời Lê Trung hưng có ống phun lửa, thời Tây Sơn có “hỏa hổ” là một dạng súng như vậy.
Binh lính với việc sử dụng súng
Khi súng được trang bị nhiều cho quân đội thì trong các cuộc thao diễn quân sự, tập luyện võ bị và cả trong chương trình thi võ học, súng đều được sử dụng.
Tại phía tây kinh thành Thăng Long có một thao trường lớn dùng làm nơi diễn tập gọi là khu trường bắn, không chỉ dùng để tập luyện võ nghệ, thao diễn binh khí mà còn là nơi tập bắn cung, bắn súng. Trong thi cử, bắn súng là một môn thi bắt buộc, thí dụ năm Canh Tý (1780) đời Lê Hiển Tông định lại phép thi, theo đó bắn cung và bắn súng là kỳ thứ 2 trong khoa thi võ.
Trong một số văn bản, điển chế pháp luật của nhà Hậu Lê có nhiều quy định liên quan đến việc tập luyện, thao diễn, thi bắn súng… Nhờ sự rèn luyện tinh thông mà binh lính thời Hậu Lê rất giỏi bắn súng, điều này được người phương Tây ở nước ta khi đó ghi chép, tường thuật lại với sự thán phục.
Giáo sĩ người Italia, Bandinotti trong bức thư ngày 12/12/1626 với nhan đề Tường thuật về vương quốc Đàng Ngoài, vùng đất mới phát hiện được viết: “Người dân ở đây rất thích nghề binh, đặc biệt họ bắn súng thần công và súng tay rất giỏi. Da họ trắng, tầm người cao, nhanh nhẹn và can đảm”.
Trong Bản tường thuật mới mẻ và độc đáo về Đàng Ngoài của một người Pháp tên là J. B. Tavernier cho biết con cái các quan võ được học võ từ rất sớm, khoảng 11-12 tuổi. Đầu tiên là học múa gươm, sau đó học bắn cung nỏ và tập cưỡi ngựa, rồi vừa phi ngựa vừa bắn cung… Sau khi thành thạo, tiếp đến là học bắn súng, chế tạo các loại thuốc súng, pháo hoa… Các chương trình võ học được xây dựng khá hoàn chỉnh, bài bản về cả lý thuyết, thực hành và được kiểm tra, rèn luyện thường xuyên.
Alexandre de Rhodes, nhà truyền giáo người Pháp có nhiều đóng góp trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, trong cuốn sách “Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài” viết năm 1651 có kể câu chuyện thú vị về một nhà buôn người Bồ Đào Nha ở Kẻ Chợ (Hà Nội ngày nay) bắn súng khá giỏi, anh ta rất tự hào về điều đó nên thường có một thái độ tự cao. Hàng ngày nhìn những người lính tập luyện về, đi ngang qua cửa hàng của mình với con mắt coi thường. Có một người lính biết vậy bèn thách nhà buôn nước ngoài kia thi bắn súng, anh ta nhận lời ngay với vẻ mặt đắc ý, những tưởng phần thắng không thể tuột khỏi tay mình.
Đến ngày thi, người Bồ nọ để người lính bắn trước, và điều không ngờ đã xảy ra với anh ta, viên đạn của người lính đã xuyên thủng chính giữa hồng tâm. Nhà buôn Bồ Đào Nha biết không thể nào thắng được, để vớt vát danh dự, anh ta đã lấy một viên đạn không đầu mang ra bắn và nói là đầu đạn của mình đã chui qua lỗ viên đạn anh lính kia đã bắn.
Thương gia Samuel Baron trong cuốn Địa chí vương quốc Đàng Ngoài viết năm 1683 có những nhận xét về tài bắn của quân lính Đàng Ngoài như sau: “Binh sĩ của họ là những người bắn giỏi, tôi nghĩ rằng họ ít thua kém ai, họ vượt xa nhiều nước khác trong việc sử dụng khéo léo súng hỏa mai và bắn nhanh. Họ ít dùng súng, thường dùng cung tên và họ sử dụng cung tên lại càng giỏi”.
Tranh vẽ cảnh binh lính nạp đạn bắn súng (hình minh họa).Nguồn: wikipedia.org
Một người Anh tên là William Dampier cũng mô tả về cách luyện tập và tài thiện xạ của binh lính nhà Lê trong cuốn Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688: “…Cả kị binh và bộ binh đều rất khéo léo trong việc sử dụng vũ khí và họ bắn rất giỏi cả cung và súng vì họ thường được luyện tập để bắn vào đích… Đích là một cái bình bằng đất nung màu trắng, đặt trên một ụ đất. Khoảng cách đứng bắn khoảng 80 yard (= 0,914 m). Xạ thủ nào bắn vỡ bình đầu tiên được thưởng chiếc áo choàng đẹp nhất. Những người may mắn bắn trúng những cái bình còn lại cũng được những thứ trị giá thấp hơn hoặc được thưởng bằng tiền. Vua chi tiền cho các hoạt động này nhằm khuyến khích sự hăng say luyện tập để họ có thể bắn trúng đích và trên thực tế họ rất chóng tiến bộ.
Họ tiến hành các động tác nạp đạn vào súng rất nhanh. Động tác thứ nhất là hạ súng xuống, động tác tiếp theo là nhồi thuốc súng và nạp đạn. Họ tiến hành thêm hai động tác nữa để thu súng về và đặt súng vào vị trí cũ. Tất cả bốn động tác được tiến hành rất khéo léo và nhanh. Khi họ bắn vào đích đã ngắm, phát đầu tiên thường rất thành công”.
Có những người nhờ bắn súng giỏi mà thành danh, điển hình như trường hợp của danh tướng Đinh Văn Tả người làng Hàm Thượng, xã Hàm Giang, tổng Hàm Giang, phủ Thượng Hồng, xứ Hải Dương (nay thuộc phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương).
Là người có sức khỏe, giỏi nghề cưỡi ngựa bắn cung nhưng tính khí ngang tàng, nóng nảy, hung hãn lại phóng khoáng, không chịu bó buộc nên Đinh Văn Tả thường giao du với phường du đãng rồi phạm tội, bị bắt giam. Nhân khi chúa Trịnh sai các tướng võ thi tài bắn ở lầu Ngũ Long, ông bị giải qua đó, trông thấy cười mà nói rằng: “Bọn này không có tài, chỉ ăn hại lương mà thôi”.
Một viên khảo quan nghe được rất tức giận gọi lại bảo: “Ngươi là kẻ có tội, ăn nói hỗn xược tội càng nặng, có giỏi bắn thử cho ta xem, nếu được ta tha cho”.
Đinh Văn Tả cầm súng nhanh nhẹn bắn 10 phát trúng hồng tâm cả 10. Viên khảo quan hết lời khen ngợi rồi làm tờ khải đem việc ấy tâu lên, chúa Trịnh Tráng mến tài tha tội cho rồi triệu Đinh Văn Tả vào kinh giao cho chức Điển binh, khi đó ông mới 26 tuổi. Về sau ông trở thành một vị tướng nổi danh, lập nhiều công lao được vua Lê ban chỉ cho lập miếu thờ sống ông ở quê nhà Hàm Giang và sinh phong (phong khi còn sống) làm Thượng đẳng đại vương thành hoàng làng. Ông là một trong những người hiếm hoi trong lịch sử Việt Nam được phong thần và được thờ phụng khi còn sống.
Đôi nét về quản lý súng thời Hậu Lê
Vũ khí trong quy chế quân đội nhà Hậu Lê gồm có vũ khí đánh gần (như câu liêm, giáo, kiếm, thương…) và vũ khí đánh xa (như cung, nỏ, phi liêm, thủ tiễn…, đặc biệt là súng, pháo).
Để quản lý tốt vũ khí, tránh những điều không hay xảy ra, các vua triều Hậu Lê đã ban bố nhiều chiếu chỉ, lệnh dụ, như vào tháng 2 năm Kỷ Sửu (1469) vua Lê Thánh Tông dụ các quan văn võ rằng: “Trẫm nối giữ nghiệp lớn, đến nay đã nhiều năm, trong nước yên tĩnh, không dùng đến đồ binh khí, nên xuống chiếu trong nước không được chứa cất đồ binh khí trong nhà. Dụ rõ để cấm” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, cũng trong năm đó, Lê Thánh Tông “ra sắc lệnh cho các vệ, các ty, các sở: “Nếu khí giới có hao mòn, khuyết mẻ, đều đem đến kho khố để tu tạo lại theo như quy thức, không ai được thiện tiện đem đến các nơi nhà công, nhà lính ở ngoài thành để sửa chữa hoặc làm mới. Người nào trái lệnh sẽ bị luận vào tội lưu”.
Việc cấp phát quân trang, quân dụng thời Lê Trung hưng tương tự như thời Lê sơ, chỉ thay đổi ít nhiều chi tiết như các loại cờ xí, kiếm kích, giáo mộc,… đặc biệt là súng, thuốc đạn đều do binh phiên cấp phát theo lệ. Triều đình còn có lệnh đối với các thứ binh khí như máy bắn đá, súng báng gỗ, súng dọc da, tên lửa, thuốc lửa, đạn lửa, thuốc mù đều cấm chế tạo. Các viên quản binh có thể được giữ riêng từ một đến hai khẩu súng, còn súng khác và cả ngựa đều không được chứa, cất, giấu giếm. Các cục làm súng đều thu hẹp, chỉ cho người các xã am hiểu được làm việc chế tạo, còn đâu tuyệt đối nghiêm cấm các phố phường, các dinh cư và tư nhân nuôi thợ làm súng đến bán. Ai trái lệnh, cả người chế tạo và người mua bán đều bị bắt, tang vật bị thu giữ, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà xử tội khác nhau.
Đời vua Lê Thần Tông, trước tình trạng quản lý súng còn chưa được chặt chẽ, vào tháng 3 năm Quý Tỵ niên hiệu Thịnh Đức (1653) nhà vua đã ban hành thêm một số quy định chi tiết đối với việc sản xuất, tàng trữ, mua bán súng. Theo sách Quốc triều chiếu lệnh thiện chính thì nội dung lệnh đó như sau:
“Dân các xứ cất trữ riêng súng và bia trong nhà, đều cho phép các quan cai thu lấy tiến nộp lên quan Phụng sai. Nếu có xã dân nào quen thói tàng trữ, đều cho phép 3 ty Đô - Thừa - Hiến xứ đó hoặc quan lại nha môn phủ huyện, hàng năm điều tra sự thật, thu lấy tiền nộp, lấy số lượng ít nhiều để xét thưởng. Nếu là quan cai thì xử theo phép nước, nếu là quan viên, tướng thần, xã trưởng, hương trưởng thì bị xử trảm. Từ nay về sau các viên Cận thị Nội giám không được đem súng, bia tàng trữ ở nhà riêng tại bản quán hoặc giả công thác tư, chia cho xã dân cất giữ, tra được, xử biếm bãi. Còn các cục thợ súng trong thiên hạ thì phải tập trung lại, chuẩn cho mỗi cục một viên cai quản, chọn nơi lập kho bãi, chuẩn cho thợ lành nghề ứng vụ để làm. Ngoài phố phường hoặc các dinh cơ, tư thất không được nuôi chứa cục thợ súng làm riêng để mua bán. Trái lệnh, trong kinh cho Xá nhân thể sát, ngoài dân gian cho 3 ty Đô - Thừa - Hiến và người biết thu lấy tang vật và bắt đích thân người thợ, người mua bán giải nộp lên, tùy theo số lượng ít nhiều xét thưởng. Còn thợ và người mua bán cũng tùy theo số lượng tang vật ít nhiều, mức độ nặng nhẹ đến đâu để xử tội nhằm nghiêm lệnh cấm”.
Luật gia Lê Thái Dũng