Ảnh minh họa.
Khái quát về học thuyết công ty là một hợp đồng
Học thuyết công ty là một hợp đồng dựa trên cơ sở tự do ý chí, tự do lập hội và tự do kinh doanh của công dân. Các tư tưởng này xuất phát từ các kết quả nghiên cứu của Adam Smith, Immanuel Kant… Theo đó, “không ai có thể bị ép buộc làm hay không làm một việc mà không xuất phát từ lợi ích của họ. Do vậy, hợp đồng được xem là sản phẩm của ý chí được hình thành từ lợi ích của các bên tham gia giao kết” (1). Các sáng lập viên có quyền thỏa thuận với nhau trên cơ sở tự do ý chí về những vấn đề pháp lý của công ty. Hiểu theo nghĩa rộng thì các nhà đầu tư “có quyền tự do thỏa thuận, lựa chọn hình thức công ty” (2) hoặc sáng tạo ra các loại hình công ty khác nhau được pháp luật tôn trọng và ghi nhận.
Công ty là một hợp đồng thông qua đó hai hay nhiều người thỏa thuận với nhau để sử dụng tài sản hoặc khả năng của mình nhằm thực hiện các hoạt động thương mại chung để thu lợi nhuận (3). Thông qua hợp đồng thành lập công ty, các sáng lập viên “tạo ra một thực thể kinh doanh, hay nói cách khác, tạo ra một pháp nhân” (4).
Cơ sở thực tế của việc thành lập công ty là các sáng lập viên phải thỏa thuận với nhau về các vấn đề góp vốn, thời gian góp vốn, số thành viên, quyền và nghĩa vụ cơ bản của các thành viên, nguyên tắc phân chia lợi nhuận trong quá trình hoạt động kinh doanh… Các nhà luật học có quan điểm rằng, khi các sáng lập viên thỏa thuận các vấn đề trên là đã xác lập quan hệ hợp đồng, bởi vậy, “công ty là một hợp đồng nói lên rằng việc thành lập công ty và việc duy trì sự tồn tại của nó có liên quan tới những vấn đề trọng yếu của việc giao kết và thực hiện hợp đồng, cũng như chấm dứt hợp đồng” (5).
Vì vậy, ý nghĩa của học thuyết công ty là một hợp đồng thường được xem xét trên khía cạnh nhằm để “giải quyết mối quan hệ giữa các thành viên của công ty với nhau; mối quan hệ giữa các thành viên của công ty với bản thân công ty và mối quan hệ giữa công ty và Nhà nước” (6). Ngoài các quy định của pháp luật điều chỉnh loại hình công ty nhất định, thì những thỏa thuận trong hợp đồng thành lập công ty (hay ở Việt Nam là điều lệ) là những cơ sở, căn cứ để giải quyết các tranh chấp liên quan giữa các chủ sở hữu với nhau, với công ty hoặc với người thứ ba. Giải thích cho những lập luận này, các tác giả cổ điển xem rằng: “Nguyên tắc tự do của ý chí là cơ sở của mọi hành vi pháp lý, cũng như hôn nhân, công ty là một loại hợp đồng. Nhiều quy tắc trong Luật công ty đã mượn kỹ thuật của hợp đồng: Công ty phải thỏa mãn các điều kiện về sự hữu hiệu của hợp đồng (sự thỏa thuận, năng lực, đối tượng) và các quy tắc điều hành công ty có thể giải thích bằng luật về hợp đồng (giám đốc được ủy quyền để quản lý công ty)” (7).
Ở Đức, các công ty đối nhân thường được thành lập trên cơ sở hợp đồng giữa các thành viên của công ty. Về hình thức của hợp đồng thành lập công ty nói chung “được lập thành văn bản, tuy nhiên không bắt buộc luôn phải làm vậy. Về nguyên tắc, hợp đồng thành lập công ty phải được đăng ký vào danh bạ thương mại” (8). Hợp đồng thành lập công ty có những nội dung cơ bản do các bên thỏa thuận trên cơ sở pháp luật và có giá trị giữa các thành viên với nhau, giữa thành viên với công ty, với người thứ ba và cơ quan Nhà nước.
Pháp luật của rất nhiều quốc gia trên thế giới thường thể hiện học thuyết này ngay trong quy định định nghĩa công ty. Bộ luật Dân sự của Pháp quy định: “Công ty là một hợp đồng thông qua đó hai hay nhiều người thỏa thuận với nhau sử dụng tài sản hay khả năng của mình vào một hoạt động chung nhằm chia lợi nhuận thu được qua hoạt động đó” (Điều 1832). Vì thế, theo pháp luật của Pháp, có những loại hình công ty, mà “chỉ cần ký hợp đồng là đã đủ sinh ra một công ty - trường hợp công ty dự phần hoặc cũng cần phải hoạt động như trường hợp công ty thành lập trên thực tế” (9).
Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan quy định: “Hợp đồng tổ chức hội kinh doanh hoặc công ty là hợp đồng qua đó, hai hay nhiều người thỏa thuận cùng nhau để tiến hành một công việc chung, nhằm chia lời có thể có được qua công việc chung đó” (Điều 1012) (10). Vì thế cần thiết “giám sát việc tôn trọng những điều kiện cơ bản để cho một hợp đồng có hiệu lực” (Điều 1108)(11). Tuy vậy, hợp đồng thành lập công ty có những điểm khác biệt với hợp đồng thông thường bởi nó “tạo ra một pháp nhân và tạo ra hình thức công ty có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến xã hội… do đó pháp luật thường đòi hỏi thể loại hợp đồng này thể hiện nhiều điều khoản bắt buộc” (12).
Các sáng lập viên khi thông qua điều lệ phải trực tiếp ký tên vào điều lệ và nộp cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Điều lệ là văn bản quan trọng nhằm điều chỉnh việc thành lập, hoạt động, tổ chức lại hoặc giải thể của doanh nghiệp. Điều lệ hướng đến điều chỉnh các chủ thể cơ bản gồm: thành viên hoặc cổ đông; công ty và bên thứ ba. Khi có tranh chấp xảy ra, bản điều lệ chính là sự ràng buộc giữa các thành viên hoặc cổ đông, công ty và người thứ ba.
Có thể thấy rằng, học thuyết công ty là hợp đồng để lý giải về việc tạo lập công ty dựa trên tự do ý chí của các sáng lập viên thông qua một hợp đồng, theo đó các sáng lập viên có quyền thỏa thuận những vấn đề pháp lý của công ty. Các sáng lập viên có thể thành lập, sáng tạo ra các loại hình công ty khác nhau dựa trên cơ sở tự do ý chí, tự do hợp đồng và được pháp luật tôn trọng, ghi nhận sự lựa chọn đó. Hầu hết các quốc gia đều dựa trên cơ sở các học thuyết pháp lý làm cơ sở nền tảng lý luận khi xây dựng các quy định pháp luật về công ty.
Tuy vậy, xét một cách toàn diện, việc pháp luật của các nước thừa nhận sự tồn tại của công ty một thành viên cũng có nghĩa là phá vỡ ý nghĩa “liên kết” của hai hay nhiều chủ thể thỏa thuận với nhau theo quan niệm truyền thống về công ty. Để thấy sự thay đổi quan điểm về tính liên kết trong công ty, trong lịch sử pháp luật của Pháp cho thấy “trong suốt thời gian dài, công ty do một người thành lập bị coi là vô hiệu, bị xem là trái với bản chất và tính chất tập đoàn người của công ty. Việc thay đổi tư duy về bản chất của công ty ở Pháp nguyên nhân là do không phù hợp với thực tiễn và nhu cầu kinh doanh nên cuối cùng, dựa theo mô hình Einmann- GmbH của Đức, các nhà làm luật Pháp đã bắt đầu công nhận công ty một chủ có tên là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên” (13). Bộ luật Dân sự của Pháp hiện hành quy định: “Công ty có thể được thành lập, trong trường hợp luật định, bằng hành vi tự nguyện của một người duy nhất” (14).
Có thể nhìn nhận rằng bản chất sự hình thành công ty phải được xem xét ý chí đơn phương của một người hoặc sự thống nhất ý chí của nhiều người dựa trên cơ sở hợp đồng. Pháp luật các nước đã thừa nhận hành vi pháp lý đơn phương của sáng lập viên duy nhất, mà không có sự liên kết giữa các chủ thể với nhau trong công ty. Từ hành vi pháp lý của các sáng lập viên đã tạo lập lên công ty với tư cách là chủ thể độc lập của các quan hệ pháp luật.
Học thuyết công ty là một hợp đồng trong Luật Doanh nghiệp năm 2020
Hiện nay, các nhà luật học cho rằng khuynh hướng của các quốc gia trên thế giới thường thể hiện bản chất hợp đồng của công ty theo hai cách: “Thứ nhất: quy định chi tiết về cả hợp đồng thành lập công ty và điều lệ của công ty” (15). Vì thế, có thể thấy rằng “điều quan trọng nhất trong hợp đồng thành lập công ty là sự thỏa thuận về trách nhiệm của các thành viên” (16) trong công ty. Thứ hai, không quy định hợp đồng thành lập công ty, mà chỉ quy định chi tiết về điều lệ của công ty. Pháp luật Việt Nam đang quy định theo hướng điều lệ như một hợp đồng mà các sáng lập viên thỏa thuận khi thành lập công ty. Do đó, điều lệ phải “tuân thủ các quy tắc chung về hợp đồng liên quan đến các điều kiện về nội dung, các điều kiện về hình thức và các chế tài đối với những vi phạm các điều kiện này” (17).
Các quy định pháp luật doanh nghiệp ở Việt Nam không thừa nhận trực tiếp công ty là một hợp đồng giống như nhiều nước, mà đang quy định theo hướng điều lệ như một hợp đồng mà các sáng lập viên thỏa thuận khi thành lập công ty. Luật Công ty năm 1990 định nghĩa: “Điều lệ công ty là bản cam kết của tất cả thành viên về thành lập và hoạt động của công ty, được thông qua tại đại hội đồng thành lập” (18). Tuy nhiên, đến Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005, 2014 và 2020 đều không đưa ra định nghĩa điều lệ công ty.
Theo quy định tại Điều 24 Luật Doanh nghiệp năm 2020 hiện hành, có thể hiểu nội dung cơ bản của điều lệ điều chỉnh việc thành lập, tổ chức, quản lý điều hành và giải thể công ty. Điều lệ công ty có thể được coi là cam kết chung, được sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong công ty khi thành lập hoặc trong quá trình hoạt động về các vấn đề như: cơ cấu tổ chức quản lý, hoạt động kinh doanh, phương thức quản lý. Điều lệ được xem là văn bản quan trọng và được ưu tiên áp dụng trước cả các văn bản pháp luật nếu nội dung của điều lệ không trái với những quy định của pháp luật.
Điều lệ của công ty là văn bản ghi nhận thỏa thuận của những người sáng lập liên quan đến việc thành lập, tổ chức, điều hành và giải thể công ty được thông qua với nguyên tắc nhất trí của tất cả người sáng lập. Về các quan hệ trong hợp đồng, thì “các nước phát triển coi nó là một bản hợp đồng giữa công ty với các thành viên góp vốn và giữa các thành viên góp vốn với nhau” (19).
Như vậy, bản điều lệ công ty thực chất là hợp đồng đặc biệt giữa các sáng lập viên. Nội dung của trong điều lệ không hoàn toàn dựa trên thỏa thuận của các bên mà phải dựa trên các quy định của pháp luật. Nếu điều lệ có những thỏa thuận trái với các quy định pháp luật, thì thỏa thuận đó không có hiệu lực. Các thành viên không thể thỏa thuận những nội dung hoàn toàn theo ý chí của mình mà còn phải tuân thủ theo các quy định có tính bắt buộc của pháp luật về những nội dung của điều lệ. Rõ ràng thấy rằng, việc thừa nhận bản chất công ty là một hợp đồng là rất quan trọng, khi mà điều lệ công ty phải chịu những ràng buộc về những quy định pháp luật.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 hiện hành không có quy định cụ thể nào thừa nhận và giải thích về bản chất, vị trí pháp lý của điều lệ công ty. Trong thực tế, điều lệ công ty đang bị xem nhẹ, khi xây dựng và soạn thảo điều lệ thường lấy mẫu trên internet hoặc sao chụp từ điều lệ mẫu để đáp ứng điều kiện đăng ký kinh doanh chứ các thành viên chưa thật sự hiểu rõ bản chất, vai trò quan trọng của điều lệ trong quá trình hoạt động của công ty.
Một số đề xuất nhằm hoàn thiện Luật Doanh nghiệp năm 2020
Thứ nhất, thừa nhận học thuyết bản chất công ty là một hợp đồng
Trên cơ sở bản chất của công ty là “một hợp đồng và cũng như mọi sự thỏa thuận, không chỉ làm phát sinh các ý chí và các nghĩa vụ giữa các bên tham gia ký kết, mà còn tạo nên một pháp nhân mới” (20), công ty ra đời trên cơ sở tự do ý chí của các thành viên sáng lập ra công ty, Nhà nước phải tôn trọng, ghi nhận những sáng tạo của con người, bởi chỉ có sáng tạo mới đưa ra nhiều sản phẩm cho xã hội. Trong đó, việc sáng tạo ra các loại hình doanh nghiệp mới để thực hiện các hoạt động kinh doanh phải được khuyến khích phát triển, với mục tiêu phát triển nền kinh tế - xã hội trong một môi trường bình đẳng, lành mạnh.
Sự ra đời của công ty là kết quả của sự liên kết giữa các nhà kinh doanh, cùng nhau tạo ra các lợi thế về vốn, cạnh tranh và cùng nhau chia sẻ các rủi ro nhằm thực hiện một mục đích chung. Với lợi thế số đông người tham gia quản lý, tập trung trí tuệ, trình độ để công ty đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn và giảm bớt rủi ro cho các chủ sở hữu.
Vì vậy, việc Luật Doanh nghiệp ghi nhận công ty là một hợp đồng có ý nghĩa: thừa nhận một cách minh định về một học thuyết pháp lý phổ biến trên thế giới và được pháp luật hầu hết các quốc gia quy định ngay trong định nghĩa công ty; ghi nhận và mở rộng quyền tự do ý chí, quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư; giúp các sáng lập viên khi thành lập, các thành viên khi tham gia góp vốn vào công ty hiểu tầm quan trọng và trú trọng hơn các nội dung thỏa thuận trong điều lệ khi thành lập hoặc tham gia góp vốn vào công ty.
Thứ hai, đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp được ghi nhận
Từ học thuyết công ty là một hợp đồng, thấy rằng pháp luật về các loại hình doanh nghiệp với vai trò xác định và điều chỉnh các quyền lợi tư và chủ yếu giải thích cho ý chí của các chủ thể có địa vị ngang bằng, bình đẳng với nhau. Khi các chủ thể cùng nhau thành lập một loại hình doanh nghiệp nào đó thì phải tự chịu rủi ro trong quá trình hoạt động. Nhiệm vụ của Nhà nước là ghi nhận và điều chỉnh những rủi ro có thể phát sinh, bảo đảm quyền lợi của các bên tham gia. Vai trò của Nhà nước cần phải, “quy định nhiều loại hình công ty để đương sự có thể lựa chọn hoặc giải thích cho ý chí của đương sự trong trường hợp họ đã khế ước thành lập mà thiếu các quy định cụ thể chi tiết về quyền lợi của mình” (21).
Có thể thấy rằng, việc thành lập loại hình công ty nào phụ thuộc vào ý chí của các nhà đầu tư và họ chịu sự ràng buộc (đối với chính họ, với Nhà nước và bên thứ ba) bởi sự lựa chọn một loại hình doanh nghiệp để thành lập. Về nguyên tắc, họ có quyền lựa chọn loại hình công ty được pháp luật quy định hoặc được sáng tạo ra loại hình công ty mới. Vì thế, “để bảo đảm quyền tự do kinh doanh và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lựa chọn một mô hình kinh doanh thích hợp, pháp luật của các quốc gia trên thế giới đều ghi nhận nhiều mô hình tổ chức kinh doanh, đặc biệt nhiều loại hình công ty cho các nhà đầu tư lựa chọn” (22).
Thứ ba, thay đổi cách thức điều chỉnh về các loại hình chủ thể kinh doanh
Theo kinh nghiệm của Đức, “với mô hình kinh tế thị trường xã hội được minh họa như một sân bóng mà trong đó xã hội là sân bóng, các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội là các cầu thủ và Nhà nước đóng vai trò là trọng tài bảo đảm cho trận đấu diễn ra theo luật, tránh những vi phạm hoặc thiệt hại. Nhà nước can thiệp đúng lúc và ở mức độ hợp lý, thích hợp với môi trường, phù hợp và tương thích với các quy luật của thị trường” (23).
Khi thừa nhận học thuyết công ty là một hợp đồng, pháp luật cần đưa ra những nguyên tắc, hình thức và giới hạn nội dung của hợp đồng thành lập công ty. Vì thế, chức năng của Luật Doanh nghiệp “suy cho cùng là khuyến khích mọi người dân đầu tư vốn, tham gia kinh doanh” (24). Nếu Nhà nước “hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức đầu tư của các thương nhân mà không có lý do chính đáng từ phía cộng đồng là điều bất hợp lý” (25). Pháp luật phải thể hiện khả năng dự liệu, cập nhật và nhạy bén với xu thế và nhu cầu của nền kinh tế sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế khác nhau.
Tóm lại, xu hướng hoàn thiện của pháp luật công ty trong nền kinh tế thị trường là ngày càng ghi nhận và mở rộng quyền tự do kinh doanh. Vì vậy, nhu cầu đặt ra cho các nhà làm luật phải nghiên cứu, xây dựng các quy định pháp luật dựa trên những học thuyết pháp lý được thừa nhận phổ biến trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu của sự hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế và phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế hiện nay.
(1) Ngô Huy Cương (2003), Cơ sở triết học của hợp đồng thành lập công ty, Tạp chí Khoa học kinh tế - luật, ĐHQGHN, Tập XIX, (4), tr.3. (2) Ngô Huy Cương (2003), Công ty: Từ bản chất pháp lý tới các loại hình, Tạp chí Khoa học kinh tế - luật, ĐHQGHN, Tập XIX, (1), tr.1-8. (3) Rahul Kumar Singh, Origin and Evolution of the Modern Company Law, www.legalserviceindia.com/artycles/ eocindia.htm. (4) Ngô Huy Cương (2003), tlđd, tr.1-8. (5) Ngô Huy Cương (2003), tlđd, tr.1-8. (6) Harry G.Henn và John R. Alexander (1983), Laws of Corporatons and Other Business Enterprises, West Publishing Co, tr.146. (7) Nguyễn Mạnh Bách (2006), Các công ty thương mại, NXB Tổng hợp Đồng Nai, tr.16. (8) Hoàng Thế Phước (1992), (chủ biên dịch), Một số vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, NXB Pháp lý, tr.32. (9) Nguyễn Văn Bình và Lê Thị Tý (1989) (dịch), Tổ chức công ty - Tập 1, Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, tr. 41. (10) Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan (các quyển I-VI) (1925), NXB Chính trị Quốc gia. (11) Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa Pháp (2005), NXB Tư pháp. (12) Ngô Huy Cương (2004), Một số nội dung của hợp đồng thành lập công ty, Tạp chí Khoa học kinh tế - luật, ĐHQGHN, Tập XX, (1), tr.12- 23. (13) Lê Minh Phiếu (2006), Các loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Pháp, Tạp chí Khoa học pháp lý, (4) (35), tr.48-55. (14) Nguyễn Văn Bình và Lê Thị Tý, tlđd, tr. 48. (15) Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình Luật Thương mại: phần chung và thương nhân, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.173-174. (16) Hoàng Thế Phước (chủ biên dịch), 1992, tlđd, tr.32. (17) Nguyễn Mạnh Bách (2006), Các công ty thương mại, NXB Tổng hợp Đồng Nai, tr.30. (18) Điều 10, Luật Công ty năm 1990. (19) Nguyễn Ngọc Bích - Nguyễn Đình Cung (2009), Công ty - vốn, quản lý và tranh chấp theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, NXB Tri thức, tr.95. (20) Lưu Văn Đạt, Phạm Hữu Chi (1993) (dịch), Nguyên lý và thực hành luật thương mại, luật kinh doanh, NXB Chính trị Quốc gia, tr.164. (21) Ngô Huy Cương, Phạm Vũ Thăng Long (2001), Công ty: Bản chất pháp lý, các loại hình và việc xây dựng hệ thống các văn bản pháp luật liên quan”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (3), tr.32-44. (22) Bùi Xuân Hải (2016) (chủ biên), Giáo trình pháp luật về chủ thể kinh doanh (tái bản lần 1), NXB Hồng Đức, tr.19. (23) Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (2016), Thể chế pháp luật kinh tế một số quốc gia trên thế giới, NXB Tài chính, tr.235-236. (24) Phạm Duy Nghĩa (2011), Giáo trình Luật kinh tế (tái bản lần ba), NXB Công an nhân dân, tr.162. (25) Ngô Huy Cương (2013), sđd, tr.200. |
TS NGUYỄN VĂN LÂM
Viện Kinh tế và quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội
Những yếu tố ảnh hưởng thực hiện pháp luật về kinh doanh vàng miếng tại Việt Nam