Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội

20/07/2022 03:03 | 2 năm trước

(LSVN) - Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, đổi mới sáng tạo phương thức, hình thức hoạt động thông tin tuyên truyền, bảo đảm xác thực, khách quan, trung thực; tiếp tục thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.

Ảnh minh họa.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 85/NQ-CP về hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022.

Trong đó, Nghị quyết nêu rõ, thời gian tới, dự báo kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, diễn biến khó lường và gặp nhiều khó khăn; lạm phát tiếp tục ở mức cao ở một số nền kinh tế lớn; xung đột tại Ukraine có thể kéo dài, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt; tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong 6 tháng cuối năm có thể nghiêm trọng hơn; dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ở trong nước, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn; tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, áp lực lạm phát gia tăng, chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của những biến động bên ngoài do độ mở cao, trong khi sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế còn hạn chế...

Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, theo dõi chặt chẽ tình hình, sẵn sàng phương án điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo ứng phó kịp thời với diễn biến thế giới, trong nước; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính tri, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiên định mục tiêu ưu tiên và nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất hiện nay là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH đã đề ra cho năm 2022.

Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, đổi mới sáng tạo phương thức, hình thức hoạt động thông tin tuyên truyền, bảo đảm xác thực, khách quan, trung thực; tiếp tục thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan báo chí tiếp tục thông tin tuyên truyền để người dân không chủ quan, lơ là trước diễn biến của dịch Covid-19; tăng lượng bài viết, phân tích, phản biện về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách; phản bác thông tin suy diễn, xấu độc, gây hoang dư luận xã hội của các thế lực thù địch, phản động,…

PHƯƠNG HOA

Cửa hàng tiện lợi bán cho khách phạm vi dưới 500m: Hạn chế quyền tự do lựa chọn sản phẩm, quyền tự do kinh doanh