Ảnh minh họa.
Vừa qua, VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 08/CT-VKSTC về tăng cường trách nhiệm công tác quản lý, giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của VKSND.
Cụ thể, sau hơn 3 năm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, công tác quản lý, giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện KSND đã từng bước đạt được những kết quả tích cực; việc ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn, chỉ đạo triển khai Luật đã góp phần giúp các đơn vị được giao nhiệm vụ giải quyết yêu cầu bồi thường thực hiện kịp thời, đúng quy định của pháp luật, quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại cơ bản được đảm bảo; hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong toàn ngành ngày càng hiệu quả, thống nhất.
Tuy nhiên, việc giải quyết bồi thường nhà nước cho người bị thiệt hại trong tố tụng hình sự vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường, xác định thời hiệu và căn cứ giải quyết yêu cầu bồi thường trong việc xác minh thiệt hại, khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại và thực hiện trách nhiệm hoàn trả do người thi hành công vụ gây ra, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; chất lượng báo cáo của Viện KSND các cấp chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ kịp thời theo đúng hướng dẫn của Viện KSND Tối cao.
Để tăng cường trách nhiệm và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự, tạo chuyển biến tích cực, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, đáp ứng yêu cầu của ngành và của Nhà nước, Viện KSND Tối cao yêu cầu:
Viện trưởng Viện KSND các cấp tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, chính xác quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành của Viện KSND Tối cao.
Viện KSND các cấp chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, TAND và các cơ quan liên quan tại địa phương trong quá trình thụ lý, giải quyết bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự, thống nhất cách xác định căn cứ, yêu cầu giải quyết bồi thường; cơ quan có trách nhiệm giải quyết yêu cầu bồi thường và trách nhiệm hoàn trả, báo cáo kịp thời về Viện KSND Tối cao các trường hợp tranh chấp về thẩm quyền giải quyết.
Viện KSND các cấp đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của mình; cần tập trung giải quyết dứt điểm đối với các trường hợp tồn đọng, kéo dài; chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan và xin thỉnh thị cấp có thẩm quyền trong quá trình giải quyết nếu có vướng mắc; có giải pháp tích cực trong quá trình thương lượng đối với người bị thiệt hại; xem xét thực hiện việc hoàn trả đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Thủ trưởng đơn vị, Viện trưởng Viện KSND các cấp chủ động trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị, địa phương đã có các vụ việc bồi thường xảy ra; tranh thủ sự hướng dẫn về mặt nghiệp vụ và đề cao trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị trong công tác này.
Ngoài ra, Vụ 7 Viện KSND Tối cao tăng cường việc kiểm tra, quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết kịp thời, hiệu quả các vụ việc yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của VKSND; thẩm định hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường, trình cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí, bảo đảm việc chi trả theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Vụ 7 Viện KSND Tối cao phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất xây dựng các văn bản hướng dẫn giải quyết yêu cầu bồi thường, thống nhất trong áp dụng pháp luật về bồi thường nhà nước.
Đối với vụ việc yêu cầu bồi thường liên quan đến trách nhiệm giải quyết của Viện kiểm sát quân sự, Viện KSQS Trung ương chủ động báo cáo Bộ Quốc phòng; trao đổi, phối hợp với Vụ 7 Viện KSND Tối cao trong quá trình quản lý, chỉ đạo và giải quyết yêu cầu bồi thường để báo cáo các cấp có thẩm quyền.
TRẦN QUÝ
Xây dựng chỉnh đốn Đảng: Ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng để 'đấu đá', 'hạ bệ' nhau