Tháng 11 với nhiều sự kiện lớn của đất nước, như: Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 09/11, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11,... Với tôn chỉ, mục đích là phản ánh hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật, hoạt động nghề nghiệp của giới Luật sư, Tạp chí Luật sư Việt Nam ra mắt số tháng 11/2021 với nhiều nội dung mới, đặc sắc.
Tiếp nối thành công của những ấn phẩm trước đó, chào mừng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11, Tạp chí Luật sư Việt Nam số tháng 11/2021 giới thiệu đến quý độc giả những bài viết đặc sắc với những nghiên cứu, góp ý, kiến nghị về sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013.
Trong đó, nổi bật là bài viết "Làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý về đất đai" của Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy có rất nhiều vấn đề phát sinh về mặt quan điểm, nhận thức và thực tiễn thi hành về chế độ đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, được xác định là tài nguyên thiên nhiên, tài sản quốc gia và là tư liệu sản xuất đặc biệt, nguồn lực quan trọng của đất nước.
Một trong những nhóm chính sách cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 theo Tờ trình của Chính phủ là cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai, coi đây là một định hướng hoàn thiện chính sách về đất đai có tầm quan trọng hàng đầu. Bài viết phân tích, làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý về đất đai được dư luận và cử tri quan tâm.
Qua gần 8 năm thi hành, Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ những tồn tại, bất cập, đặc biệt là vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là với các dự án xây dựng, kinh doanh nhà ở, như: cơ chế giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; cơ chế xác định giá đất; hạn mức sử dụng đất,… gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước, cho người dân, doanh nghiệp.
Với mục tiêu tạo diễn đàn để các Luật sư, chuyên gia, doanh nghiệp cùng luận bàn, chỉ rõ những vướng mắc về pháp lý và khó khăn trong thực tiễn; đưa ra các giải pháp khắc phục, các khuyến nghị để Nhà nước xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Đất đai phù hợp hơn với thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý đất đai, khai thác tốt nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, ngày 10/11, Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức cuộc Toạ đàm với chủ đề: “Bất cập trong giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh - Nguyên nhân và đề xuất hoàn thiện pháp luật”.
Buổi Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, Luật sư, doanh nghiệp: ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội; Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law; ông Phạm Quang Tùng – Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng Vân Đồn; ông Đoàn Duy Công – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Thương mại Phú Thái – Hà Nội.
Với những ý kiến đóng góp của các khách mời, buổi Tọa đàm không chỉ hữu ích đối với các doanh nghiệp, các chủ đầu tư mà còn có những đề xuất, kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai phù hợp hơn với thực tiễn, góp phần quản lý, khai thác tốt nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế, xã hội.
PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội có bài viết "Giải pháp tháo gỡ khó khăn khi thực hiện Luật Đất đai cho doanh nghiệp".
Theo tác giả, trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đang chịu tác động rất lớn từ dịch Covid-19, việc Chính phủ rút đề án sửa đổi Luật Đất đai chuyển sang năm 2021 đã gây không ít hụt hẫng cho doanh nghiệp và người dân khi nhiều bất cập liên quan đến Luật Đất đai chưa được sửa đổi đã khiến doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận đất đai để hình thành dự án. Bất động sản là một lĩnh vực đặc thù, bị chi phối bởi rất nhiều luật liên quan, trong đó nền tảng là Luật Đất đai.
Do đó, chính sách đất đai nói chung có tác động rất lớn đến sự tồn vong, phát triển của doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Luật Đất đai đã ra đời hơn 30 năm, trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung và hiện nay Luật Đất đai năm 2013 thực thi trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai vẫn còn hàng loạt bất cập, chồng chéo gây lúng túng trong quản lý, khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận đất đai để đầu tư, xây dựng các dự án đô thị…
Trong bài viết, tác giả đề xuất cần có một cơ quan định giá đất độc lập để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có đất bị thu hồi bởi địa tô chênh lệch giữa giá đất để thu hồi đất với giá thị trường có thể chênh từ 50-700 lần. Việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cần có sự đổi mới căn bản về cơ chế chuyển dịch đất đai để phục vụ cho lợi ích theo cơ chế thị trường trong đó có vấn đề quan trọng nhất là vấn đề giá đất của Nhà nước bồi thường cho người sử dụng đất.
Đồng thời, tác giả cũng đề xuất trong thời gian chờ sửa các bất cập ở văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn, Chính phủ cần tích cực ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án mà các chủ đầu tư phải thỏa thuận giá bồi thường với dân, cho phép chủ đầu tư được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp, theo giá đã thỏa thuận, nếu có chứng từ hợp lệ, nhưng không vượt quá tiền sử dụng đất phải nộp (hoặc không quá 70% tiền sử dụng đất phải nộp). Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất một cách công khai, minh bạch, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường quyền sử dụng đất một cách bình đẳng, hạn chế việc xin - cho, tham nhũng trong lĩnh vực này.
Hiện nay, các văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân Tối cao và thực tiễn áp dụng pháp luật khi xét xử của tòa án xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong trường hợp đăng ký biến động là quyết định hành chính cá biệt. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn tồn tại một số bất cập, chưa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ pháp luật đất đai, cần được tiếp tục nghiên cứu và thảo luận. Nội dung này được thể hiện trong bài viết "Mâu thuẫn khi xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính" của Luật sư Nguyễn Bỉnh Hiếu.
Theo quan điểm của tác giả, không nên xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở đăng ký biến động là một quyết định hành chính. Trong trường hợp cần thiết, tòa án có thể yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được quy định rõ trong pháp luật đất đai.
Với chủ đề về sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013, chuyên mục Diễn đàn có nhiều bài viết hấp dẫn, trao đổi sôi nổi như: "Thực trạng giải quyết tranh chấp đất đai và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013" của Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh; "Một số kiến nghị về nội dung sửa đổi Luật Đất đai 2013" của Thạc sĩ, Luật sư Cao Thị Hòa và Thạc sĩ Lê Văn Tiến, Công ty Luật TNHH Vietthink,...
Về vấn đề Luật sư hội nhập quốc tế, có bài viết "Luật sư làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia thương mại quốc tế?" của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp Việt đang tích cực tìm kiếm cơ hội và mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Khi doanh nghiệp ngày càng hội nhập sâu rộng thì nhu cầu tìm các dịch vụ Luật sư quốc tế cũng ngày càng gia tăng.
Vì vậy, các Luật sư và hãng luật Việt Nam cần có một lộ trình và chiến lược phát triển vươn ra quốc tế một cách bài bản và thực hiện quyết liệt. Khi Luật sư Việt Nam đủ tự tin về kiến thức, ngôn ngữ và kỹ năng hành nghề, sẽ là chỗ dựa cho doanh nghiệp Việt Nam và đến lúc đó, các doanh nghiệp sẽ đặt chọn niềm tin vào Luật sư Việt Nam khi đàm phán các giao dịch quốc tế.
Ngoài ra, Chuyên mục “Nhìn ra thế giới”, tác giả Nguyễn Quang Du với bài viết "Tòa án hiến pháp của Cộng hòa liên bang Đức". Trong hệ thống chính trị của Nhà nước pháp quyền liên bang, dân chủ và xã hội Cộng hòa liên bang Đức (sau đây gọi là Đức), với vai trò là cơ quan hiến pháp, Tòa án hiến pháp liên bang giữ vị trí quan trọng. Có thể nói đây là “điểm nhấn” của một nhà nước pháp quyền với nền dân chủ truyền thống, trong đó pháp luật được tôn trọng và thực thi với hiệu quả cao nhất vì mục đích tối thượng là nhân phẩm và quyền cơ bản của người dân được quy định ở các điều khoản đầu tiên trong Luật Cơ bản (LCB) 1949 mà ở Đức được hiểu là “hiến pháp của các hiến pháp”.
Với những nội dung đa dạng, hấp dẫn, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả trong cả nước Ấn phẩm số tháng 11/2021 của Tạp chí Luật sư Việt Nam.
THANH THANH