Khu kinh tế Chân Mây được phát triển theo mô hình khu kinh tế tổng hợp.
Những thành quả đáng nghi nhận
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có vị trí địa lý kinh tế rất quan trọng, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối thuận lợi với mạch máu giao thông của đất nước, nằm cách Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc Nam khoảng 6-7km; nằm giữa sân bay Phú Bài và sân bay Đà Nẵng. Đặc biệt, cảng Chân Mây, là một trong những cảng nước sâu của Việt Nam có thể đón được tàu du lịch lớn lên tới 50 vạn tấn ra vào. Ngoài ra, vịnh Lăng Cô với chiều dài 42,5km, nằm dưới chân đèo Hải Vân hùng vĩ, đã được vinh danh là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới chứa đựng nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng…
Hiện nay, cùng với tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan từ Thừa Thiên - Huế đi Đà Nẵng và dự án hầm Hải Vân 2 đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đưa vào khai thác sẽ tạo ra thêm nhiều lợi thế cạnh tranh cho khu kinh tế này.
Với tiềm năng thế mạnh của mình, thời gian qua (đặc biệt là trong giai đoạn 2015 - 2020), Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã thu hút được một số lượng lớn các nhà đầu tư với nhiều dự án. Bên cạnh sự tăng lên về số lượng và quy mô các dự án đầu tư thì chất lượng các nhà đầu tư cũng có sự thay đổi lớn, một số nhà đầu tư trong và ngoài nước có thương hiệu đã đến đầu tư tại Khu kinh tế như: Tập đoàn Banyan Tree của Singapore, Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group), Tập đoàn Á Đông, Tập đoàn Phương Trang và Công ty cổ phần Kim Nam Long... Kết quả này đã góp phần quan trọng thay đổi vị thế của tỉnh Thừa Thiên - Huế về thu hút đầu tư so với cả nước và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, sẽ là động lực để Thừa Thiên - Huế phát triển hướng ra biển.
Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã và đang có những bước chuyển mình phát triển tích cực; hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông chính đã cơ bản được đầu tư, hoàn thiện theo quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết được duyệt, đáp ứng nhu cầu lưu thông trong nội bộ khu kinh tế và khả năng kết nối với các tuyến giao thông đối ngoại. Bên cạnh đó, sự phối hợp đồng bộ giữa Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh và UBND huyện Phú Lộc đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhiều nhà đầu tư và đối tác nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, từ các nước như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc)... qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn Khu kinh tế đang và sẽ hoạt động, nổi bật là: Khu du lịch Laguna Lăng Cô, Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô, Dự án Bến số 2 - Cảng Chân Mây, Dự án Bến số 3 - Cảng Chân Mây, Dự án hạ tầng Khu công nghiệp - Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây, Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế, Nhà máy điện khí LNG Chân Mây...
Với định hướng, giai đoạn 2021 - 2025 Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ được tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng... là khu kinh tế động lực quan trọng gắn kết với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điếm miền Trung; đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng (giao thông, điện, nước, thoát nước, xử lý chất thải, rác thải, hạ tầng thông tin.,..) gắn với bảo vệ, khai thác hợp lý và hiệu quả vịnh Lăng Cô, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, hạ tầng xã hội để tiến tới thành lập đô thị Chân Mây là đô thị loại III; hoàn thiện cơ chế chính sách về ưu đãi đầu tư, thực hiện tốt chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, đưa các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư vào vận hành, khai thác.
Ngày 14/7/2021, sau 05 năm thi công, Chủ đầu tư dự án xây dựng bến số 3 cảng Chân Mây đã có thông báo về việc Bến số 3 - Cảng Chân Mây bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 7/2021 và thực hiện đón tàu vào làm hàng tại Cảng từ ngày 14/7/2021. Với nhiều hạng mục như bến cập tàu, nạo vét khu nước trước bến, kè bờ, san lấp mặt bằng, khu neo đậu, bãi chứa hàng,..., đây sẽ trở thành bến cảng tổng hợp, phục vụ dịch vụ hậu cần, đảm bảo cho tàu chở hàng tổng hợp có trọng tải đến 50.000DWT giảm tải. Bến số 3 có khả năng tiếp nhận 1,8 triệu tấn/năm. Cùng với bên số 1 (đang khai thác 2,5 triệu tấn/năm) và bến số 2, sắp hoàn thành có khả năng tiếp nhận 1,8 triệu tấn/năm, như vậy, hàng năm cảng Chân Mây sẽ tiếp nhận 5-6 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Thời gian tới, để xây dựng và phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô theo đúng định hướng đã đề ra, cần tập trung huy động nguồn lực, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư. Bên cạnh việc xúc tiến thu hút nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược có chất lượng ở các lĩnh vực mũi nhọn, cần tiếp tục phối hợp để duy trì và đẩy mạnh công tác kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào Khu công nghiệp và khu phi thuế quan thuộc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời như: Chính sách bàn giao mặt bằng sạch cho những dự án mang tính ưu tiên, trọng điểm; Hỗ trợ kinh phí cho các nhà đầu tư hạ tầng. Đồng thời, đơn giản và tối đa hóa các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu và triển khai dự án.
Chú trọng đẩy mạnh thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch để triển khai các dự án. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần thiết phải huy động nguồn lực để thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân đối với công tác giải phóng mặt bằng.
Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch với việc phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh để hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu chức năng quan trọng. Tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội thiết yếu các khu tái định cư, hoàn thành đầu tư xây dựng các trục giao thông quan trọng để kết nối các vùng, nâng cấp hệ thống điện lưới, nước sạch… để có thể sẵn sàng đền bù, di dời dân cư, nhường đất để triển khai các dự án theo quy hoạch.
Thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự và an sinh xã hội gắn với giải quyết việc làm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động. Đặc biệt, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cho khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Để làm được các việc trên, cần phải có sự tập trung vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả.
Sau 15 năm thành lập và đi vào hoạt động, Chân Mây - Lăng Cô ngày càng phát triển. Với sự chung tay vào cuộc, sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, địa phương để tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án, các chính sách ưu đãi, tạo quỹ đất sạch để thu hút các doanh nghiệp, tin rằng các nhà đầu tư có thương hiệu, nhà đầu tư chiến lược hoàn toàn an tâm khi đầu tư trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Với mục tiêu và nhiệm vụ phải thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, tương lai không xa Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ là hạt nhân tăng trưởng, hướng đột phá để tỉnh Thừa Thiên - Huế vươn lên trở thành tỉnh phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, góp phần đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
THIÊN PHÚC
Nghị định mới về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư