'Thu phí tới 40% tiền bồi thường oan sai là không phù hợp với đạo đức xã hội'

05/04/2021 16:19 | 3 năm trước

(LSVN) – Những năm gần đây, nhiều người giả danh Luật sư thực hiện các dịch vụ pháp lý làm giảm sút uy tín của Luật sư chân chính, gây bức xúc trong dư luận.

Theo quy định của pháp luật thì để hành nghề Luật sư, phải có chứng chỉ hành nghề và phải đăng ký hành nghề với một Đoàn Luật sư, được cấp thẻ hành nghề Luật sư thì mới được phép hành nghề Luật sư. Luật sư được cung cấp các dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Luật sư là tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác. Còn đối với những người không có Chứng chỉ hành nghề Luật sư, không có thẻ Luật sư thì không được phép cung cấp dịch vụ pháp lý, không được phép xưng danh Luật sư để thực hiện công việc nhận tiền của người dân.

Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều công ty được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, giấy chứng nhận do Sở Kế hoạch đầu tư cấp, trong tên của công ty có từ “luật” và những người trong công ty đó thực hiện công việc như một tổ chức hành nghề Luật sư, họ cung cấp dịch vụ pháp lý trái phép cho tổ chức, cá nhân khiến nhiều tranh chấp khiếu kiện xảy ra, một số trường hợp đã bị xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, tình hình này vẫn diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức hành nghề Luật sư chân chính.

Bởi vậy, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và các cơ quan chức năng ở các địa phương cần có những kiểm tra rà soát các tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý trái phép, nếu đến mức độ có thể xử lý hình sự thì cần phải xử lý hình sự phải dẹp bỏ các tổ chức hoạt động dịch vụ pháp lý trá hình, các công dân thực hiện hoạt động dịch vụ pháp lý trái phép để đảm bảo ổn định trật tự xã hội, tránh gửi dân tiền mất tật mang với những đối tượng nhân danh Luật sư để kiếm tiền.

Trong trường hợp một tổ chức hành nghề Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý là tham gia tố tụng hoặc đại diện ngoài tố tụng thì phải ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, có đóng dấu pháp nhân của tổ chức hành nghề Luật sư. Trong hợp đồng phải ghi rõ những công việc Luật sư sẽ làm và số tiền phải chi phí mà khách hàng phải thanh toán. Pháp luật nghiêm cấm việc hứa hẹn kết quả, trả tiền theo kết quả mà các bên cam kết hứa hẹn từ trước. Bởi vậy, trong các vụ việc nêu trên nếu có tranh chấp, khiếu kiện xảy ra thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ hoạt động này có phải là dịch vụ pháp lý do tổ chức hành nghề Luật sư cung cấp hay không. Nếu là dịch vụ pháp lý thì phải tuân thủ quy định về Luật Luật sư và quy tắc ứng đạo đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư. Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư quy định rất rõ ràng đạo đức của Luật sư trong ứng xử với cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, trong quan hệ với khách hàng và trong việc tính thù lao, dịch vụ pháp lý... Nếu tổ chức hành nghề Luật sư hoặc Luật sư có vi phạm Luật Luật sư, vi phạm quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Còn trường hợp cá nhân, tổ chức không phải là Luật sư nhưng gian dối, xưng danh là Luật sư để thực hiện các dịch vụ pháp lý trái phép nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân thì vụ việc có dấu hiệu hình sự. Trong những vụ việc như vậy thì cơ quan điều tra có thể xem xét làm rõ thủ đoạn gian dối và ý thức chiếm đoạt tài sản để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu gian dối để chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Thực tế trong đời sống xuất hiện một số người không có chứng chỉ hành nghề Luật sư, không có thẻ Luật sư nhưng thường xưng danh làm Luật sư, mạo danh là cộng tác của văn phòng Luật sư để nhận tiền của nhiều tổ chức, cá nhân, sau đó không thực hiện công việc và cũng không trả lại tiền. Những đối tượng đó không khác gì những “lang băm” trong lĩnh vực y tế, hoạt động trái phép, chữa bệnh không có chứng chỉ gây bức xúc trong dư luận.

Còn trường hợp một người không phải là Luật sư nhưng có hiểu biết pháp luật, có thời gian, điều kiện để nhận thực hiện công việc theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự. Trong văn bản ủy quyền thỏa thuận rõ nội dung công việc ủy quyền và thù lao thì mối quan hệ đó là quan hệ dân sự, được giải quyết theo luật dân sự. Nếu có tranh chấp xảy ra thì có thể khởi kiện đến tòa án để giải quyết tranh chấp về ủy quyền trong các giao dịch dân sự. Pháp luật cho phép công dân nhận thực hiện công việc theo ủy quyền và được nhận thù lao đối với công việc mình đã thực hiện. Tuy nhiên thỏa thuận phải tự nguyện, trung thực, không có gian dối. Trong trường hợp người nhận ủy quyền trong trường hợp này lại lấy tư cách là Luật sư, sử dụng pháp nhân là tổ chức hành nghề Luật sư để thực hiện công việc theo ủy quyền thì việc ủy quyền đó có thể bị hủy bỏ bởi có gian dối, người ủy quyền bị lừa dối.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Trong trường hợp này thì bên ủy quyền có thể khởi kiện đến tòa án để đề nghị hủy bỏ hợp đồng ủy quyền do một bên bị lừa dối...

Trong một số vụ việc kêu oan thời gian gần đây, sau khi sự việc kết thúc thì gia đình những người được nhận tiền bồi thường oan sai phải trả một khoản chi phí rất lớn cho người đại diện theo ủy quyền khiến dư luận xã hội có nhiều quan điểm khác nhau. Vấn đề này nếu có tranh chấp, khiếu kiện thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ tư cách pháp lý của bên nhận ủy quyền đó như thế nào, đây là dịch vụ pháp lý của Luật sư hay đơn giản chỉ là quan hệ dân sự.

Về mặt đạo đức nghề nghiệp Luật sư, nếu đi kêu oan, đi yêu cầu bồi thường oan sai mà thu đến 40% tiền bồi thường thì đó là một con số quá lớn, không phù hợp với đạo đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư. Tuy nhiên pháp luật cũng không cấm mức thù lao trong quan hệ dân sự, việc thỏa thuận thù lao do hai bên tự nguyện và phải ghi rõ vào trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Đương nhiên, tổ chức hành nghề Luật sư nhận thù lao thì phải có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật.

Còn đối với quan hệ dân sự thực hiện công việc theo ủy quyền thì mức thù lao trong hợp đồng ý quyền pháp luật cũng không hạn chế, mức thù lao do hai bên tự nguyện thỏa thuận. Tuy nhiên, về mặt đạo đức xã hội những người bị kết án oan sai họ rất khổ tâm, bị ảnh hưởng nghiêm trọng về danh dự, đời sống, tâm lý nên những người đã dẫn thân giúp đỡ họ lại thu một khoản thù lao quá lớn như vậy thì về mặt đạo đức xã hội cũng không phù hợp. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ phải xem xét yêu cầu những người có thu nhập từ việc nhận thù lao đó phải nộp thuế thu nhập theo quy định pháp luật. Nếu có gian dối để chiếm đoạt tiền của những người bị oan sai như vậy thì cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG 

Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Đưa Luật An ninh mạng vào trường học là rất cần thiết