/ Tư vấn
/ Thủ tục tách thửa đất khi có di chúc

Thủ tục tách thửa đất khi có di chúc

05/01/2021 17:55 |4 năm trước

LSVNO - Bố tôi mất năm 2007 có để lại 1 bản di chúc chia thửa đất ở cho 3 anh em trai, nay gia đình tôi muốn tách ra làm 3 thửa thì thủ tục pháp lý như thế nào? Bạn đọc H. T. (Hà Nội).

LSVNO - Bố tôi mất năm 2007 có để lại 1 bản di chúc chia thửa đất ở cho 3 anh em trai, nay gia đình tôi muốn tách ra làm 3 thửa thì thủ tục pháp lý như thế nào? Bạn đọc H. T. (Hà Nội).

Luật sư tư vấn:

Để được tách thửa từ di sản thừa kế.

Thứ nhất: Thực hiện khai nhận thừa kế.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền định đoạt tài sản của mình cho ai theo ý chí của họ được thể hiện trong di chúc đã lập. Sau khi người để lại di chúc chết, di chúc phát sinh hiệu lực, những người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc có thể tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người để lại di chúc có người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, là con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con đã thành niên mà không có khả năng lao động thì chủ thể tiến hành khai nhận di sản thừa kế ngoài những người được chỉ định trong di chúc còn có những người này, hoặc người đại diện theo pháp luật của họ (đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế theo di chúc:

Giấy chứng tử của người để lại di sản;

Di chúc;

Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà đất;

Chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, hộ khẩu của người được hưởng di sản theo di chúc.

Thứ hai: Thủ tục đăng ký biến động đất đai.

Sau khi tiến hành khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức công chứng, những người thừa kế sẽ tiến hành thủ tục sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính.

Điều 9. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất:

2. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không thuộc trường hợp “dồn điền đổi thửa”; chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng gồm có:

a) Hợp đồng, văn bản về việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng theo quy định.

Trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;

b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

c) Văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư;

d) Văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất.

Đối với việc tách thửa cần đảm bảo phù hợp quy hoạch và đáp ứng điều kiện diện tích tối thiểu để tách thửa.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo