Thủ tục tố tụng của tòa án Luật sư mang nhiều nét đặc trưng. Trải qua 62 năm, kể từ khi Luật Luật sư liên bang (sau đây gọi là LLS Đức 1959) quy định tại phần 7, gồm 5 chương, 5 tiết, 52 điều, đã khẳng định cơ sở pháp lý, vai trò và ý nghĩa của nó. Việc tìm hiểu một số thủ tục tố tụng cơ bản với mong muốn góp phần thiết thực vào sự hiểu biết, thu thập và nghiên cứu kinh nghiệm của nước bạn để trong tương lai, khi hệ thống tư pháp của Việt Nam được cải cách, phát triển, đội ngũ Luật sư nước ta lớn mạnh, có thể cần tham khảo đến mô hình tòa án Luật sư (cũng như tòa án hiến pháp hay tòa án khu vực của Đức) góp phần vào việc thực hiện tốt nghĩa vụ nghề nghiệp, bảo vệ và phát triển hệ thống pháp luật nói chung, phù hợp với chủ trương đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư, kể cả trình độ chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp nhằm nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng quốc tế.
Những quy định mang tính nguyên tắc
Trong thực tiễn xây dựng và thực thi pháp luật, nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành luôn được chú trọng. Tuy nhiên, chỉ với một văn bản quy phạm pháp luật, LLS Đức 1959 không thể quy định đầy đủ tất cả các thủ tục về tố tụng. Trên thế giới không có hệ thống pháp luật của nước nào mà không có sự đan xen áp dụng luật tố tụng khác nhau để giải quyết các tranh chấp pháp lý ngày càng đa dạng và phức tạp. Bởi vậy, LLS Đức 1959 có quy định dẫn chiếu áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hành chính. Trường hợp phiên tòa của tòa án Luật sư cần nhiều thời gian hơn thường lệ thì áp dụng quy định tại mục 7 Luật Tổ chức tòa án.
Như vậy, khi thực hiện xét xử một Luật sư vi phạm nghĩa vụ không những cần đến thủ tục tố tụng của tòa án Luật sư mà cả thủ tục tố tụng thuộc lĩnh vực pháp luật khác có liên quan.
Nguyên tắc “quyền miễn trừ” tại Điều 117 LLS Đức 1959 nêu rõ: không được bắt, dẫn giải Luật sư trong khi Luật sư đang thực hiện các thủ tục tại tòa án; cũng không được phép buộc Luật sư đó phải đi giám định tình trạng tâm thần tại một bệnh viện hoặc cơ sở điều trị bệnh tâm thần.
Trong phiên tòa tại tòa án Luật sư có đặt ra vấn đề bào chữa hay không? LLS Đức 1959 chỉ dẫn không áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 140 của Bộ luật Tố tụng hình sự, nghĩa là không cần thiết có sự bào chữa.
Ban chấp hành đoàn Luật sư cũng như Luật sư vi phạm nghĩa vụ có quyền được xem hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 117b LLS Đức 1959 và câu 1 khoản 2, khoản 3, 5 và 6 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng hình sự, bản luận tội cũng như xem các chứng cứ được lưu giữ. Trường hợp Luật sư đang bị buộc tội vi phạm nghĩa vụ, đồng thời bị khởi kiện bởi một vi phạm pháp luật hình sự khác thì tòa án Luật sư vẫn thụ lý đơn kiện, tuy nhiên phải đợi giải quyết xong vụ án tại tòa án hình sự.
Thủ tục sơ thẩm của tòa án Luật sư
Tòa án Luật sư có thẩm quyền trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Thẩm quyền lãnh thổ của tòa án Luật sư được xác định theo địa hạt nơi có trụ sở hoạt động của đoàn Luật sư mà Luật sư vi phạm là thành viên khi mở thủ tục tố tụng (Điều 119).
Viện công tố nơi tòa án cấp cao bang có trụ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong quá trình tố tụng tại tòa án Luật sư theo quy định tại Điều 120.
Viện công tố và đoàn Luật sư cần phối hợp thực hiện nhiệm vụ khi nhận biết Luật sư có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định tại các điểm từ 3 đến 5 khoản 1 Điều 114 LLS Đức 1959 dẫn đến việc áp dụng các chế tài: phạt tiền đến 25.000 EURO; cấm đại diện và tham gia trong một số lĩnh vực pháp luật từ 01 đến 05 năm; khai trừ khỏi tổ chức Luật sư.
Bắt đầu mở thủ tục tố tụng
Theo quy đinh tại Điều 121 LLS Đức 1959 thì thủ tục tố tụng của tòa án Luật sư bắt đầu được mở khi viện công tố tống đạt bản luận tội cho tòa án Luật sư. Trường hợp sau đó viện công tố không tiến hành các bước tiếp theo hoặc ra quyết định đình chỉ vụ án thì phải thông báo lý do.
Ban chấp hành đoàn Luật sư có quyền phản đối quyết định đình chỉ mở thủ tục tố tụng của viện công tố trong thời hạn 01 tháng, kể từ khi nhận được thông báo tại tòa án Luật sư bang, tuy nhiên cần có các tình tiết chứng minh cho việc cần mở một phiên tòa của tòa án Luật sư và cung cấp các chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 122. Việc áp dụng các quy định tại Điều 173 đến Điều 175 của Bộ luật Tố tụng hình sự sẽ phù hợp với thủ tục tố tụng tại tòa án Luật sư bang.
Luật sư có quyền đệ đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục tố tụng tại tòa án Luật sư với mục đích xóa bỏ sự nghi ngờ vi phạm nghĩa vụ, trừ trường hợp Luật sư vi phạm bị buộc phải nộp khoản tiền phạt theo Điều 57 hoặc bị ban chấp hành khiển trách theo quy định tại Điều 74. Trường hợp viện công tố bác đơn đề nghị của Luật sư hoặc sử dụng quyền đình chỉ vụ án thì phải thông báo cho Luật sư lý do (Điều 123).
Quyết định mở thủ tục tố tụng phải được tống đạt cho Luật sư, chậm nhất là cùng thời điểm với giấy triệu tập theo quy định tại khoản 3 Điều 207.
Phiên tòa chính tại tòa án Luật sư
Trường hợp Luật sư vi phạm vắng mặt, phiên tòa chính vẫn được mở, nếu Luật sư đó được triệu tập đúng quy định và trong giấy triệu tập đã khẳng định phiên tòa chính vẫn được tiến hành, kể cả khi Luật sư không có mặt. Theo quy định tại Điều 134 LLS Đức 1959 thì tòa án Luật sư không sử dụng giấy triệu tập công khai.
Về nguyên tắc, phiên tòa chính tại tòa án Luật sư được mở không công khai. Tuy nhiên, theo đề nghị của viện công tố hoặc Luật sư vi phạm, phiên tòa chính có thể diễn ra công khai. Với trường hợp này thì Điều 135 LLS Đức 1959 chỉ dẫn áp dụng quy định về tính công khai phiên tòa theo quy định của Luật Tổ chức tòa án.
Trường hợp xử kín thì thành phần tham dự phiên tòa chính là cơ quan quản lý tư pháp bang, chánh án tòa án cấp cao bang hoặc người được chánh án ủy quyền, công chức của viện công tố trong tòa án cấp cao bang và một số Luật sư trong đoàn Luật sư. Theo quy định tại Điều 135 LLS Đức 1959, tòa án Luật sư có thể cho phép các thành viên khác dự thính sau khi tham khảo ý kiến của các thành viên chính thức.
Tòa án Luật sư có thể ủy nhiệm cho một trong số thành viên thu thập chứng cứ từ người làm chứng hoặc giám định viên. Tòa án Luật sư cũng có thể đề nghị một tòa án Luật sư khác hoặc một tòa án khu vực tương trợ việc đó.
Theo yêu cầu của viện công tố hoặc của Luật sư trong phiên tòa chính thì việc thu thập chứng cứ từ người làm chứng hoặc giám định viên có thể được tiến hành tại tòa án (Điều 137).
Trong phiên tòa chính tại tòa án Luật sư, chánh tòa hoặc chánh tòa thường trực (nếu tòa án Luật sư có nhiều tòa chuyên trách) chỉ định một Luật sư làm thư ký phiên tòa. Luật sư được chỉ định phải thực thi và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trước khi bắt đầu công việc, thư ký phiên tòa phải tuyên thệ hoàn thành nhiệm vụ với trọng trách và lương tâm. Thư ký phiên tòa có nghĩa vụ giữ bí mật về những thông tin thuộc nội dung vụ án. Theo quy định tại Điều 140, chỉ khi được phép của chánh tòa chuyên trách tòa án Luật sư thì thư ký phiên tòa mới được tiết lộ công khai.
Các hình thức khiếu kiện bản án, quyết định của tòa án Luật sư
Đối với các bản án, quyết định của tòa án Luật sư bị kháng cáo thì tòa án Luật sư có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 142 LLS Đức 1959.
Kháng cáo phúc thẩm
Tòa án Luật sư bang có thẩm quyền giải quyết kháng cáo phúc thẩm đối với bản án của tòa án Luật sư. Kháng cáo phúc thẩm phải được gửi đến tòa án Luật sư bằng văn bản trong thời hạn 01 tuần, kể từ khi tòa tuyên án. Trường hợp bản án được tuyên khi Luật sư vi phạm vắng mặt thì thời hạn bắt đầu kể từ thời điểm tống đạt (Điều 143).
Nhiệm vụ tham gia phối hợp của viện công tố trong quá trình xét xử tại tòa án Luật sư bang do viện công tố tại tòa án cấp cao bang hoặc tòa sơ thẩm cao nhất của bang nơi tòa án Luật sư có trụ sở đảm nhận theo quy định tại Điều 144.
Kháng cáo giám đốc thẩm
Tòa án tối cao liên bang có thẩm quyền giải quyết kháng cáo giám đốc thẩm bản án của tòa án Luật sư bang. Tòa án Luật sư bang chỉ có thẩm quyền giải quyết kháng cáo giám đốc thẩm, nếu đó là quyết định về vấn đề pháp lý hoặc các vấn đề thuộc phạm vi nghĩa vụ nghề nghiệp của Luật sư (Điều 145).
Kháng cáo giám đốc thẩm phải được gửi bằng văn bản đến tòa án Luật sư bang. Thời hạn bắt đầu được tính kể từ khi tòa tuyên án (Điều 146). Trường hợp bản án được tuyên khi Luật sư vi phạm vắng mặt thì thời hạn bắt đầu kể từ thời điểm tống đạt.
Nhiệm vụ tham gia phối hợp của viện công tố trong phiên tòa xét xử tại tòa án Luật sư bang do trưởng công tố viện công tố liên bang đảm nhận (Điều 147).
Quy định chung về chứng cứ vụ án
Viện công tố có thể đình chỉ vụ án xét xử một Luật sư vi phạm và đồng thời đề nghị đưa ra quyết định bảo vệ chứng cứ. Chứng cứ được tòa án Luật sư thu thập. Tòa án Luật sư có thể ủy quyền cho một trong số các thành viên thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 148 LLS Đức 1959.
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời
Trong trường hợp có lý do cấp thiết cho thấy một Luật sư vi phạm có khả năng bị khai trừ khỏi tổ chức Luật sư thì tòa án Luật sư có thể áp dụng quyết định cấm hành nghề hoặc cấm đại diện tạm thời.
Trước khi mở thủ tục tố tụng, viện công tố có thể đề nghị đưa ra quyết định cấm hành nghề hoặc cấm đại diện của Luật sư vi phạm. Trong đề nghị cần nêu rõ vi phạm nghĩa vụ của Luật sư và hình thức khiếu kiện (Điều 150).
Để quyết định cấm hành nghề hoặc cấm đại diện có hiệu lực pháp luật, cần đa số (2/3) số phiếu tán thành. Trường hợp quyết định khai trừ Luật sư vi phạm ra khỏi tổ chức Luật sư thì quyết định cấm hành nghề hoặc cấm đại diện vẫn được tòa tuyên, cho dù Luật sư vi phạm vắng mặt tại phiên tòa (Điều 153). Quyết định cấm có hiệu lực ngay lập tức và cần được tống đạt cho Luật sư vi phạm, sau khi tòa tuyên án.
Luật sư vi phạm chịu hình phạt cấm đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều 150 LLS Đức 1959 không được làm đại diện trực tiếp hoặc gián tiếp trước tòa án, cơ quan công quyền, tòa án trọng tài cũng như không được ủy quyền đại diện hoặc đại diện tiếp theo quy định tại khoản 3 Điều 155. Tuy nhiên, Luật sư đó vẫn được phép thực hiện những công việc của riêng mình, của người vợ, người bạn đời hoặc của con vị thành niên, nếu khi giải quyết những việc đó không cần đến Luật sư đại diện (khoản 4 Điều 155).
Trường hợp Luật sư vi phạm yêu cầu hủy bỏ quyết định cấm hành nghề hoặc cấm đại diện thì tòa án Luật sư cần mở phiên tòa bằng lời (không có thư ký ghi biên bản) để giải quyết vụ việc.
Nếu Luật sư vi phạm cố ý không chấp hành quyết định cấm hành nghề hoặc cấm đại diện thì sẽ bị khai trừ khỏi tổ chức Luật sư, trừ trường hợp có tình tiết dẫn đến biện pháp giảm nhẹ hình phạt (Điều 156).
Để phản đối quyết định cấm hành nghề hoặc cấm đại diện của tòa án Luật sư hoặc tòa án Luật sư bang, theo quy định tại Điều 157, Luật sư vi phạm có thể kháng cáo ngay lập tức. Lệnh cấm này được thông báo cho chủ nhiệm đoàn Luật sư theo quy định tại Điều 160 LLS Đức 1959.
Công cuộc bảo vệ pháp luật cần được duy trì, thực hiện tốt là mục tiêu quan trọng hàng đầu, bởi vậy, để phù hợp với nhu cầu thực tế, đoàn Luật sư có thể cử một Luật sư đại diện cho Luật sư vi phạm đang tham dự phiên tòa và chuẩn bị thi hành quyết định cấm hành nghề hoặc cấm đại diện. Trước khi thực hiện việc này cần tham khảo ý kiến của Luật sư vi phạm theo quy định tại Điều 161 LLS Đức 1959.
NGUYỄN QUANG DU