/ Trao đổi - Ý kiến
/ Bắt giữ người trái pháp luật trong cấu thành tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”

Bắt giữ người trái pháp luật trong cấu thành tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”

26/08/2021 15:45 |

(LSVN) - Tội ‘Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự và tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự là hai tội phạm độc lập quy định tại hai điều luật khác nhau. Điểm chung của hai loại tội phạm này đó là hành vi bắt, giữ người trái pháp luật, trong thực tiễn áp dụng pháp luật đã có một số quan điểm nhầm lẫn giữa hai tội danh này dẫn đến việc áp dụng pháp luật chưa thống nhất. Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ phân tích làm rõ về hành vi khách quan cấu thành hai tội phạm trên, qua đó có góc nhìn nhận đúng tinh thần pháp luật của hai loại tội phạm này.

Ảnh minh họa. 

Tội "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật"

Tội này được quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó, người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 377 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Về mặt khách quan của tội phạm, hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thể hiện hành vi người không có thẩm quyền, không có chức năng hoạt động Nhà nước và cũng không phải trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang có lệnh truy nã nhưng vì lý do cá nhân đã có hành vi bắt giữ, giam người trái phép.

Tính trái pháp luật thể hiện việc bắt giữ người trái thẩm quyền và trái về thủ tục tiến hành. Ví dụ, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (Điều 110), bắt người phạm tội quả tang (Điều 111), bắt người đang bị truy nã (Điều 112), bắt bị can, bị cáo để tạm giam (Điều 113), tạm giữ (Điều 117) và thời hạn tạm giữ (Điều 118), tạm giam (Điều 119). Hành vi khách quan của tội phạm này bao giờ cũng được thực hiện bằng hành động tức là làm một việc mà pháp luật không cho làm như bắt, giữ hoặc giam người vô tội hoặc bắt người phạm tội (không thuộc trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã) mà không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân.

Ví dụ 1: Ông Nguyễn A. vì nghi ngờ anh Phạm Văn P. có quan hệ tình cảm với con gái là cháu Nguyễn T. (14 tuổi) nên đã có hành vi bắt, giữ anh Phạm Văn P. đưa về nhà và dùng vũ lực để tra hỏi sự việc.

Tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản"

Tội này được quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó, người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác...

Mặt khách quan của tội phạm, bắt cóc là hành vi bắt người trái pháp luật. Thông thường hành vi bắt người làm con tin được thực hiện một cách lén lút và đưa người bị bắt đến một nơi nào đó rồi tìm cách thông báo cho người thân của người bị bắt cóc biết, cùng với yêu cầu người thân của họ phải nộp một số tiền thì mới thả người bị bắt cóc, nếu không nộp tiền hoặc tài sản thì người bị bắt cóc sẽ bị nguy hiểm đén tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm. Hành vi bắt người trái pháp luật được thực hiên bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc bằng những thủ đoạn khác như cho uống thuốc ngủ, thuốc mê, xịt ête, lừa dối... để bắt được người làm con tin. Thủ đoạn bắt cóc không phải là dấu hiệu đặc trưng của hành vi phạm tội (không có ý nghĩa trong việc định tội), nhưng hành vi bắt cóc người làm con tin lại là đặc trưng cơ bản của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, bởi lẽ bắt người làm con tin chính là một thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài hành vi bắt cóc người làm con tin, người phạm tội còn có hành vi đe doạ người khác (cơ quan, tổ chức hoặc người thân của con tin) nếu không giao nộp tiền hoặc tài sản thì con tin sẽ bị giết, bị đánh đập, hành hạ... Hành vi đe doạ người khác cũng có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau như gọi điện thoại, viết thư, nhắn tin qua người khác hoặc trực tiếp gặp người thân của con tin.

Về thời điểm hoàn thành tội phạm, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được xác định là tội phạm có cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành khi đối tượng thực hiện được hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Việc người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản của người khác hay không thì không có ý nghĩa trong việc định tội.

Ví dụ: B. nợ A. 200.000.000 đồng và không có khả năng trả nợ, A. đã thuê D. bắt cóc B. làm con tin và yêu cầu bà C. (mẹ của B.) giao tài tiền mới thả người.

Theo quy định trên sẽ dễ dàng xác định hành vi cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; mục đích của hành vi bắt giữ người là nhằm chiếm đoạt tài sản có chủ đích. Tuy nhiên, xuất phát từ kỹ thuật lập pháp của điều luật cũng như thực tiễn chưa có Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng tội phạm này, do vậy, trong nhiều vụ án khi đưa ra xét xử còn tồn tại quan điểm khác nhau giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng. Tác giả xin đưa ra ví dụ dẫn chứng phân tích trong phần tiếp theo.

Thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện

Dưới góc độ nghiên cứu lý luận, phân tích hành vi khách quan thỏa mãn dấu hiệu cấu thành hai loại tội phạm trên có thể thấy rằng việc áp dụng không có vướng mắc, bất cập. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt khác, cùng là hành vi bắt giữ người trái pháp luật nhưng hành vi đó cấu thành tội bắt giữ người trái pháp luật hay tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.

Ví dụ, đó là các trường hợp vay nợ tiền, khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ, người vay chưa có khả năng trả nợ. Đối tượng cho vay đã tìm gặp người vay tiền của mình và liên tiếp dùng vũ lực yêu cầu người vay trả tiền, sau đó bắt giữ trái pháp luật người vay tiền đưa về nhà riêng của mình để tiếp tục đòi nợ. Trong lúc không có người trông coi, đối tượng vay nợ lấy được điện thoại trong túi áo gửi tin nhắn và chia sẻ nơi mình bị bắt giữ cho người thân biết để báo Công an. Với những vụ án như ví dụ đưa ra, trong thực tiễn xét xử còn tồn tại các quan điểm khác nhau về hành vi bắt giữ người trái pháp luật.

Nghiên cứu tình huống giả định trên, theo quan điểm của tác giả, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử người phạm tội về tội cướp tài sản là bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, hành vi bắt giữ người trái pháp luật còn thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” hay tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”?.

Thứ nhất, hành vi của người đòi nợ thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội "Cướp tài sản" (Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017).

Khoản 1 Điều 168 về tội "Cướp tài sản" quy định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. 

Xét về hành vi dùng vũ lực được thể hiện đó là, khi gặp được người vay tiền mình đã liên tiếp đánh, đấm làm người vay tiền bị tê liệt về ý chí và không có khả năng tự vệ, chống cự.

Căn cứ ví dụ đưa ra, người đòi nợ thực hiện 2 hành vi là hành vi dùng vũ lực và hành vi bắt, giữ người trái pháp luật. Vậy, hành vi bắt, giữ người trái pháp luật có thuộc trường hợp quy định tại tiểu mục 5.1, mục 5 phần I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật Hình sự năm 1999 không? Cụ thể tiểu mục 5.1, mục 5 phần I Thông tư liên tịch về tình tiết "sử dụng thủ đoạn nguy hiểm khác quy định “5.1. "Thủ đoạn nguy hiểm khác" quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự là ngoài các trường hợp sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm để thực hiện việc cướp tài sản, người phạm tội có thể dùng thủ đoạn khác nguy hiểm đối với người bị tấn công hoặc những người khác như sử dụng thuốc ngủ, thuốc mê với liều lượng có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân; đầu độc nạn nhân; nhốt nạn nhân vào nơi nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ; dùng dây chăng qua đường để làm cho nạn nhân đi mô tô, xe máy vấp ngã để cướp tài sản...”. (Thông tư liên tịch này hiện nay đã hết hiệu lực thi hành).

Tuy nhiên, khi áp dụng tinh thần của Thông tư liên tịch trên, nếu như hành vi bắt, giữ người trái pháp luật thuộc trường hợp nhốt nạn nhân vào nơi nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ thì quan điểm cho rằng đối tượng đòi nợ chỉ phạm tội cướp tài sản là phù hợp. Tuy nhiên, qua nghiên cứu tình tiết trên, tác giả cho rằng, thuộc trường hợp nhốt nạn nhân vào nơi nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ thì nạn nhân phải ở trong tình trạng không thể chống cự được, trong ví dụ đưa ra đối tượng bị bắt giữ vẫn lấy điện thoại để liên lạc báo tin và chia sẻ vị trí nơi mình đang bị bắt giữ cho người thân nhờ trình báo Công an. Như vậy, trong điều kiện, hoàn cảnh của người bị bắt giữ vẫn có thể bảo vệ được mình, nên không thể vận dụng tình tiết trên để cho rằng đối tượng đòi nợ chỉ phạm tội cướp tài sản như một số quan điểm đưa ra trong các bài nghiên cứu khoa học. 

Thứ hai, hành vi của đối tượng đòi nợ thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” (Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017).

Như tác giả đã phân tích tại mục 1; hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thể hiện hành vi người không có thẩm quyền, không có chức năng hoạt động Nhà nước và cũng không phải trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang có lệnh truy nã nhưng vì lý do cá nhân đã có hành vi bắt, giữ người trái pháp luật.

Trong tình huống trên, lý do cá nhân giữa chủ nợ với người vay tiền đó là giao dịch vay mượn tiền. Thay vì sử dụng biện pháp đòi nợ hợp pháp thì đối tượng là chủ nợ đã có hành vi dùng vũ lực bắt, giữ người trái pháp luật để buộc người vay tiền trả nợ là hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền tự do về thân thể của họ thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” là có căn cứ.

Với hành vi như ví dụ đưa ra, cũng có quan điểm cho rằng, ngoài phạm tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, hành vi bắt giữ người trái pháp luật của đối tượng chủ nợ còn cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017).

Đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, hành vi bắt giữ người tương tự như tội bắt, giam, giữ người trái pháp luật. Tuy nhiên, như tác giả đã phân tích ở trên, tội "Bắt, giữ người trái pháp luật" trái với quy định bắt giữ người hợp pháp theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự xâm phạm quyền tự do của con người đều là hành vi vi phạm pháp luật được luật hình sự bảo vệ và cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản" như tác giả phân tích tại mục 2 bài viết, mục đích của hành vi bắt giữ là nhằm chiếm đoạt tài sản có chủ đích của người bắt giữ.

Trở lại với ví dụ nêu trên, mục đích của người cho vay tiền bắt giữ người trái pháp luật là để đòi nợ, hai bên đã nhiều lần thỏa thuận về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhưng người vay tiền có hành vi trốn tránh. Do đó, khi biết chính xác địa chỉ của người vay tiền mình, đối tượng đã đến gặp mặt và tiếp tục yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ; thay vì thỏa thuận trên tinh thần tự nguyện, đối tượng lại thực hiện hành vi bắt, giữ người trái pháp luật để đòi nợ là hành vi vi phạm pháp luật về bắt giữ, người trái pháp luật theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Trong tình huống trên, hành vi của đối tượng đòi nợ sẽ thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản" nếu như họ thực hiện hành vi bắt cóc người vay tiền làm con tin và đe đọa người thân mang tiền ra chuộc mới giao người. Tuy nhiên, hành vi bắt giữ người trái pháp luật của họ chỉ với mục đích yêu cầu người vay tiền thực hiện nghĩa vụ trả nợ; không có hành vi bắt người vay tiền làm con tin để đe dọa người thân giao tiền chuộc. Thep đó, không có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản".

Qua phân tích và nhận định như trên, riêng đối với tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản" do kỹ thuật lập pháp chưa mô tả cụ thể hành vi bắt cóc người khác làm con tin trong điều luật, trong thời gian tới cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn áp dụng cụ thể nhằm bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh, chống tội phạm bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản trong thời gian tới. Bởi lẽ, không chỉ đối với tình huống trên, trong thực tiễn xét xử loại tội phạm này đã tồn tại nhiều trường hợp gây nhầm lẫn với tội "Cưỡng đoạt tài sản"; tội "Cướp tài sản".

                                                                                   PHÙNG HOÀNG

             Tòa án quân sự Quân khu 1

Đề xuất bổ sung hình thức cung cấp sản phẩm đo đạc, bản đồ dạng trực tuyến

Lê Minh Hoàng