(LSO) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa kết luận, phải tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương lớn về thực hiện mục tiêu kép: Vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, trong bối cảnh về cơ bản, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.
Tính đến sáng ngày 15/9, Việt Nam trải qua 13 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Các địa phương có ca nhiễm cũng đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường.
Ngay tại Đà Nẵng, “tâm điểm” của đợt bùng phát dịch thứ hai tại Việt Nam, sau gần 50 ngày, với sự chỉ đạo sâu sát, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Bộ Y tế và sự nỗ lực về mọi mặt của chính quyền địa phương, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát và cuộc sống người dân đang dần trở lại bình thường sau chuỗi ngày bị phong tỏa, giãn cách. Cũng từ hôm nay, 14/9, hàng nghìn học sinh từ lớp 6 đến lóp 12 của thành phố Đà Nẵng chính thức đến trường - buổi học đầu tiên tại Thành phố sau thời gian ảnh hưởng của Covid-19.
Kết luận cuộc họp mới nhất của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các bộ, ngành, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các địa phương, nhất là thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Hải Dương và nhiều địa phương khác đã thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện mục tiêu kép đạt kết quả tích cực.
Tính tới thời điểm hiện tại, với quy mô dân số gần 100 triệu dân, nhưng tổng chi phí dành cho công tác chống dịch chưa đến 400 triệu USD, Việt Nam được đánh giá không chỉ ngăn chặn dịch hiệu quả mà còn là một trong những nước chống dịch tiết kiệm nhất.
Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng, nhất là khi Việt Nam mở cửa trở lại trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương lớn về thực hiện mục tiêu kép.
Thực tế, đây cũng là yêu cầu xuyên suốt của Chính phủ, của Thủ tướng kể từ khi dịch bùng phát tại Việt Nam, nhưng tùy từng thời kỳ và diễn biến dịch bệnh, việc triển khai thực hiện “chủ trương lớn” này đã có những điều chỉnh phù hợp.
Trong giai đoạn gần đây, kể từ khi ca bệnh Covid-19 được phát hiện trong cộng đồng tại Đà Nẵng hồi cuối tháng 7, khác với việc giãn cách quy mô lớn như giai đoạn thứ nhất bùng phát dịch, Thủ tướng đã yêu cầu tùy diễn biến dịch, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định mức nguy cơ và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số 16 và 19 về phòng chống dịch. Ngay tại ‘tâm dịch’ Đà Nẵng, việc áp dụng các biện pháp cũng hết sức linh hoạt theo nguyên tắc này.
Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là chống dịch như đánh trận, quyết liệt nhưng phải bình tĩnh, vừa tổ chức phòng, chống dịch bệnh vừa phải bảo đảm phát triển kinh tế. Đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát, yêu cầu tất yếu là mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội.
Trước mắt và dễ thấy nhất, đó là yêu cầu phải mở các chuyến bay thương mại để đón chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường các hoạt động giao lưu đem lại lợi ích cho quốc gia, cùng với đó là những hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tuy nhiên, việc mở cửa lại này, ngay cả trong “trạng thái bình thường mới”, cũng tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, khi dịch Covid-19 trên thế giới còn hết sức phức tạp.
Trước tình hình này, kết luận cuộc họp mới nhất của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo hàng loạt giải pháp cụ thể, theo tinh thần từng đơn vị, doanh nghiệp, tập thể và từng cá nhân đều tích cực xác lập trạng thái bình thường mới, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch.
“Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Nghiêm cấm việc áp dụng các biện pháp có tính chất “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế đi lại, hạn chế giao thương. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp”, Thủ tướng nêu rõ.
Đáng chú ý, với việc mở lại đường bay thương mại quốc tế - vốn hết sức quan trọng với các hoạt động kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chức năng trong việc xem xét, giải quyết các vấn đề đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Từng chuyến bay đều phải có phương án cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm an toàn. Cùng với đó, chuẩn bị, bảo đảm cơ số cách ly tối thiểu 10.000 người và có thể tăng dần trong thời gian tới…
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh tinh thần không được chủ quan trước dịch bệnh nhưng vẫn phải lo sản xuất kinh doanh, việc làm cho người lao động.
Thời gian qua, mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh dần được phục hồi; công tác bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng; nhưng do tác động của dịch, chúng ta vẫn tiếp tục phải đối mặt với những rủi ro, thách thức đối với phát triển kinh tế. Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, tác động của đợt bùng phát lần 2 của dịch đã vượt quá khả năng chịu đựng của một số ngành, lĩnh vực và nhiều doanh nghiệp, nhất là những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp như vận tải hàng không, du lịch, lưu trú, lữ hành, ăn uống, sản xuất dệt may, da giày, xuất khẩu nông sản...
Đến nay, cơ bản dịch Covid-19 đã được kiểm soát, yêu cầu của Thủ tướng là cần cố gắng phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất, tạo cơ sở cho phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021, mà theo dự kiến sơ bộ, có thể ở mức khoảng 6-6,5%.
HÀ CHÍNH/VGP