/ Trao đổi - Ý kiến
/ Thực tiễn công nhận và cho thi hành bản án dân sự của Tòa án Pháp tại Việt Nam

Thực tiễn công nhận và cho thi hành bản án dân sự của Tòa án Pháp tại Việt Nam

05/01/2021 18:10 |

(LSO) - Theo quy định của pháp luật tố tụng, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 04 tháng (có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng), kể từ ngày thụ lý tòa án ra quyết định sau mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

Ảnh minh họa.

1. Nội dung Bản án

1.1. Bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

Diễn biến vụ việc và và những vấn đề cụ thể được yêu cầu Toà án giải quyết

Tại Bản án sơ thẩm số 663/2017/QĐDS-ST ngày 31/5/2017 về việc yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của tòa án nước ngoài. Nội dung vụ việc cụ thể như sau:

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền và ông Azais Alexandre Stephane tự nguyện chung sống với nhau như vợ chồng vào tháng 4/2013, không có đăng ký kết hôn. Tháng 5/2014 do bất đồng quan điểm nên hai bên không tiếp tục cuộc sống chung. Vào thời điểm này bà Huyền đang mang thai.

Ngày 14/8/2016, bà Huyền sinh con có báo tin cho ông Azais Alexandre Stephane biết để cùng chăm sóc, nuôi dưỡng con. Ông Azais Alexandre Stephane là người trực tiếp đi đăng ký khai sinh cho con. Ông cũng cấp dưỡng nuôi con bằng cách trả tiền thuê nhà cho mẹ con cùng ở. Mỗi tuần khoảng 2-3 lần ông Azais Alexandre Stephane đến thăm con, mỗi lần thăm khoảng 01 giờ và đưa con về nhà riêng chơi khoảng 3 giờ, sau đó trả con lại.

Ngày 29/11/2014, ông Azais Alexandre Stephane đến thăm và đưa con đi như những lần trước nhưng không trả con lại cho bà. Bà đã tìm mọi cách liên lạc và liên hệ với ông Azais Alexandre Stephane giao lại con nhưng không có kết quả và bà biết ông Azais Alexandre Stephane đã đưa con về Pháp. Do đó, bà đã nhờ Văn phòng Luật Sư Pháp tại Việt Nam giới thiệu văn phòng luật sư cộng tác ở Paris khởi kiện ra Tòa án Pháp đòi quyền trực tiếp chăm sóc con. Ngày 23/6/2016, Tòa án Pháp đã xét xử bằng Phán quyết số 16/00411 giao cho bà quyền trực tiếp nuôi dưỡng con chung là trẻ Azais Sarah Thien Kim, sinh ngày 14/8/2014 và buộc ông Azais Alexandre Stephane thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung.

Ngày 05/7/2016, ông Azais Alexandre Stephane có gửi cho bà Thư thông báo rằng ông và Sarah đã trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Azais Alexandre Stephane không thực hiện Phán quyết của Tòa án Pháp.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền nộp đơn yêu Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam toàn bộ Phán quyết số 16/00411 ngày 23/6/2016 của Tòa án sơ thẩm thẩm quyền rộng ALBI-Pháp để bà được quyền trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc người con chung và ông Azais Alexandre Stephane thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con như nội dung phán quyết đã nêu.

Nội dung của Phán quyết số 16/00411 ngày 23/6/2016 của Tòa án sơ thẩm thẩm quyền rộng ALBI-Pháp như sau:

Ông Azais Alexandre Stephane phải ngay lập tức giao người con chung Azais Sarah Thien Kim cùng với hộ chiếu của con cho người mẹ là bà Nguyễn Thị Thanh Huyền trực tiếp nuôi dưỡng. Nơi thường trú của con là nơi đăng ký thường trú của bà Huyền tại Việt Nam.

- Ông Azais Alexandre Stephane chịu trách nhiệm trợ cấp cho người con chung Sarah toàn bộ học phí tại 01 trường của Pháp hoặc trường quốc tế từ khi người con học mẫu giáo.

- Ông Azais Alexandre Stephane và bà Huyền phải cùng nhau đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đặc biệt đến sức khỏe, học tập, giáo dục, tôn giáo, xuất cảnh. Thông báo cho nhau, vì giao tiếp cần thiết giữa cha mẹ về việc tổ chức cuộc sống của con. Cho phép con trao đổi với người kia trên nguyên tắc tôn trọng cuộc sống của mỗi người, thông tin trước và kịp thời cho người kia về bất kỳ thay đối nơi thường trú nào sửa đổi các phương thức thực hiện quyền của cha mẹ.

- Ông Azais Alexandre Stephane sẽ thực hiện quyền thăm nom và tạm trú (trừ phi có thỏa thuận tốt hon) tất cả các ngày thứ 7 của các tuần chẵn từ 9-18 giờ tại nơi đăng ký thường trú của bà Huyền và 01 năm 01 lần tại Pháp, chi phí đi lại của con và mẹ do người cha đảm nhận.

Nhận định của Toà án

(1) Về thẩm quyền: Theo kết quả xác minh ngày 28/10/2016 của Công an Phường Thảo Điền Quận 2 cung cấp thì ông Azais Alexandre Stephane, sinh năm 1975, Quốc tịch: Pháp, hiện đang cư ngụ tại địa chỉ: số 83 Xuân Thuỷ, khu phố 2, phường Thảo Điền, Quận 2. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Phán quyết về hôn nhân gia đình của Toà án nước ngoài, người phải thi hành là ông Azais Alexandre Stephane. Căn cứ vào khoản 9 Điều 29, điểm b khoản 1 Điều 37, điểm d khoản 2 Điều 39 , Điều 423 BLTTDS 2015 thì yêu cầu này thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

(2) Về thời hiệu xét đơn yêu cầu: Theo phán quyết của Thẩm Phán về hôn nhân gia đình số 16/00411 tại Phiên toà sơ thẩm của Tòa án sơ thẩm thẩm quyền rộng ALBI-Pháp ngày 23/6/2016 có mặt cả nguyên đơn (Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền) và Bị đơn (ông Azais Alexandre Stephane). Bản án có hiệu lực thi hành ngay, thậm chí trong trường hợp phúc thẩm. Ngày 21/7/2016 Thừa phát lại đã lập vi bằng tống đạt Bản án đến địa chỉ đang sinh sống của ông Azais Alexandre Stephane tại số 83 Xuân Thuỷ, khu phố 2, phường Thảo Điền, Quận 2. Ngày 07/9/2016 Bà Huyền nộp đơn yêu cầu công nhận tại Toà án Tp. HCM. Căn cứ vào Khoản 1 ĐIều 432 BLTTDS 2015 quy định: “Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Bản án của toà án nước ngoài có hiệu lực pháp luật”. Như vậy, thì đơn yêu cầu của Bà Huyền còn trong thời hạn.

(3) Về quyền nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án dân sự của Pháp:
Người yêu cầu (cũng đồng thời là người được thi hành): là bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, và Người phải thi hành: là ông Azais Alexandre Stephane là công dân Pháp, cư trú tại Việt Nam đã đáp ứng được quy định của điều 425(1): “1. Người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài, nếu cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam…” Việc vận dụng điều khoản là hoàn toàn đúng, tuy nhiên việc quyết định đề cập đến ông Azais Alexandre Stephane là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chưa đúng, mà theo thuật ngữ cũng như quy định của BLTTDS 2015 phải là người phải thi hành.

(4) Về thủ tục: Phiên họp giải quyết yêu cầu công nhận có sự có mặt của người yêu cầu là bà Nguyễn Thị Thanh Huyền và vắng mặt người phải thi hành là ông Azais Alexandre Stephane. Việc mở phiên họp vắng mặt của người phải thi hành là đúng luật vì ông Azais Alexandre Stephane đã được tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt tại phiên họp. Vấn đề này được điều 438(3) đoạn 2 BLTTDS 2015 quy định: “Việc xét đơn yêu cầu vẫn được tiến hành nếu người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có đơn yêu cầu Tòa án xét đơn vắng mặt hoặc người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt.”.

(5) Về cơ sở pháp lý:

Vụ việc này là vụ việc về yêu cầu công công nhận và cho thi hành đối với bản án của tòa án nước Pháp, là nước đã có ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự với Việt Nam. Vì vậy, Cơ sở pháp lý chủ yếu để xem xét vấn đề công nhận và cho thi hành đối với bản án của tòa án nước Pháp: Hiệp định tương trợ tư pháp (HĐTTTP) giữa Việt Nam và Pháp về các vấn đề dân sự ban hành vào ngày 24/02/1999 và Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam năm 2015 (BLTTDS 2015).

Cụ thể, các vấn đề về yêu cầu đối với bản án, điều kiện công nhận và cho thi hành bản án, các loại giấy tờ kèm theo phải được xét theo quy định của HĐTTTP về dân sự giữa Việt Nam và Pháp. Vấn đề về thủ tục công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án Pháp sẽ phải tuân thủ theo pháp luật của Việt Nam, là nước ký kết được yêu cầu, cụ thể phải tuân thủ quy định từ điều 432-443 BLTTDS 2015.

(6) Về điều kiện công nhận bản án của tòa án Pháp:

Theo quy định tại Điều 21 của Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và Pháp thì Bản án, quyết định của Toà án của Nước ký kết này được công nhận và có thể được cho thi hành trên lãnh thổ của Nước ký kết kia, nếu hội đủ các điều kiện sau đây: (i) Là bản án, quyết định của Toà án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật của Nước ký kết được yêu cầu; (ii) Luật áp dụng để giải quyết vụ việc là luật được chọn theo quy phạm xung đột pháp luật được công nhận trên lãnh thổ của nước ký kết được yêu cầu.

Tuy nhiên, luật áp dụng có thể khác với luật được chọn theo quy phạm xung đột pháp luật của Nước ký kết được yêu cầu, nếu việc áp dụng luật này hay luật kia đều dẫn đến cùng một kết quả; (iii) Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và được cho thi hành. Tuy nhiên, đối với các vấn đề về nghĩa vụ cấp dưỡng, quyền nuôi dưỡng hoặc quyền thăm nom người chưa thành niên, thì bản án, quyết định có thể chưa có hiệu lực pháp luật, nhưng được thi hành ngay trên lãnh thổ của nước ký kết đã ra bản án, quyết định đó; (iv) Các bên đương sự đã được triệu tập ra Toà, có đại diện của mình một cách hợp thức hoặc, nếu các bên vắng mặt, thì giấy triệu tập ra Toà đã được tống đạt hợp thức và trong thời gian cần thiết để bảo đảm quyền lợi của các bên; (v) Bản án, quyết định không trái với các nguyên tắc và giá trị cơ bản của nước ký kết được yêu cầu; (vi) Vụ kiện giữa chính các bên đương sự đó, có cùng căn cứ và cùng đối tượng như ở nước ký kết yêu cầu:

- Không phải là vụ án đang trong quá trình thụ lý và xem xét tại một Toà án của nước ký kết được yêu cầu, hoặc

- Chưa có bản án, quyết định nào của nước ký kết được yêu cầu trước khi có bản án, quyết định đang được yêu cầu công nhận và cho thi hành, hoặc

- Chưa có bản án, quyết định nào của nước thứ ba đã được công nhận tại nước ký kết được yêu cầu trước khi có bản án, quyết định đang được yêu cầu công nhận và cho thi hành.

(7) Về Quyết định của Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh

Ở vụ việc này, bản án số 16/00411 của Tòa án sơ thẩm thẩm quyền rộng ALBI (Pháp) đã tuyên vào ngày 23/6/2016 và “có hiệu lực thi hành ngay, thậm chí trong trường hợp phúc thẩm”. Ngày 04/10/ 2016 Tòa án Nhân Dân TP. Hồ Chí Minh đã thụ lý việc yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án hôn nhân và gia đình của tòa án nước Pháp.

Bản án này là bản án về hôn nhân và gia đình đã có hiệu lực pháp luật do Tòa án nước Pháp tuyên được 4 tháng tính đến thời điểm tòa án Việt Nam thụ lý, đáp ứng điều kiện được thụ lý xét công nhận và cho thi hành theo Điều 423 (1) (a) Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài được quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Vì vậy, Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định “công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết về hôn nhân gia đình số 16/00411 của Tòa án sơ thẩm thẩm quyền rộng ALBI-Pháp ngày 23/6/2016

Quyết định công nhận này của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh chưa có hiệu lực thi hành ngay mà vẫn bảo đảm quyền kháng cáo, kháng nghị theo điều 426 BLTTDS 2015:

“Bà Huyền được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ban hành quyết định. Ông Azais Alexandre Stephane vắng mặt được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận quyết định hoặc được tống đạt hợp lệ. Viện Kiểm sát có quyền kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.”

2. Bản án phúc thẩm

Ông Azais Alexandre Stephane đã kháng cáo quyết định của TAND TP. HCM cho công nhận bản án của Pháp lên Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM, yêu cầu hủy quyết định công nhận bản án của tòa thẩm quyền rộng Albi có trụ sở tại Tòa án Tư pháp ở Albi (Pháp). Vụ việc phúc thẩm này được thụ lý số 171/2017 vào ngày 04/8/2017

Theo đó vụ việc về yêu cầu công nhận này lại chuyển sang vấn để về kháng cáo đối với quyết định công nhận của Tòa án Nhân dân Cấp Cao tại TP. HCM. Tòa án Nhân dân Cấp Cao đã ra quyết định mở phiên họp phúc thẩm số 798/2017/QDPT-DS vào ngày 04/12/2017. Theo quyết định này thì phiên họp được tổ chức vào ngày 27/12/2017.
Điều 443(1) BLTTDS 2015 quy định:“ Tòa án nhân dân cấp cao xét quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được hồ sơ; trường hợp cần phải yêu cầu giải thích theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 437 của Bộ luật này thì thời hạn này được kéo dài, nhưng không quá 02 tháng”.

Như vậy từ thời điểm thụ lý việc kháng cáo là ngày 4/8/2017, đến lúc ra quyết định mở phiên họp là ngày 4/12/2017, Tòa án Nhân dân Cấp Cao tại TP. Hồ Chí Minh đã để vượt quá thời gian luật cho phép đến 2 tháng, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt trong vụ việc này là người mẹ, người được thi hành.

Tuy nhiên, vào ngày 27/12/2017, phiên họp không thể tiến hành mà tòa án đã ra quyết định hoãn phiên họp do không có người phiên dịch. Cơ sở để hoãn phiên họp là theo điều 374(3) BLDS 2015 :”3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập tham gia phiên họp. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể triệu tập người làm chứng, người giám định, người phiên dịch tham gia phiên họp; nếu có người vắng mặt thì Tòa án quyết định hoãn phiên họp hoặc vẫn tiến hành phiên họp.”

Ngày 29/8/2018 tại trụ sở Toà án nhân dân cấp cao tại TP. HCM mở phiên họp phúc thẩm công khai giải quyết việc dân sự yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án hôn nhân gia đình của toà án nước ngoài.

Nhận định của Toà án trong Bản án phúc thẩm:

(1) Về thẩm quyền: ông Azais Alexandre Stephane hiện đang cư ngụ tại Quận 2 TP. HCM nên căn cứ vào khoản 9 Điều 29, điểm b khoản 1 Điều 37, điểm d khoản 2 Điều 39, Điều 423 BLTTDS thì việc toà án TP. HCM thụ lý đơn yêu cầu là hoàn toàn đúng với quy định về thẩm quyền.

(2) Về thời hiệu xét đơn yêu cầu: Đơn yêu cầu của bà Huyền vẫn còn trong thời hạn 3 năm được quy định tại Điều 432 BLTTDS

(3) Về nội dung yêu cầu: Hội đồng phúc thẩm nhận thấy giữa hai quốc gia có HĐTTTP. Tại Khoản 3 Điều 21 HIệp định quy định: “bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và được cho thi hành. Tuy nhiên, đối với các vấn đề về nghĩa vụ cấp dưỡng, quyền nuôi dưỡng hoặc quyền thăm nom người chưa thành niên thì bản án, quyết định có thể chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay trên lãnh thổ của Nước ký kết đã ra Bản án đó”. Khoản 1 Điều 22 cũng quy định: “thủ tục công nhận và cho thi hành Bản án, quyết định dân sự tuân theo pháp luật của Nước ký kết được yêu cầu”.

(4) Về phán quyết của Toà án Pháp: Hội đồng Phúc thẩm nhận thấy nội dung của phán quyết phù hợp với pháp luật Việt Nam

(5) Quyết định của Hội đồng phúc thẩm: Từ những căn cứ trên, Hội đồng phúc thẩm quyết định không chấp nhận kháng cáo của ông Azais Alexandre Stephane, giữ nguyên quyết định giải quyết việc dân sự sơ thẩm số 663/2017/QĐDS-ST ngày 31.5.2017 của Toà án nhân dân TP .HCM.

Những thuận lợi và khó khăn khi xem xét công nhận và cho thi hành Bản án trên của Toà án Pháp tại Việt Nam.

Thuận lợi:

- Đã có Hiệp định tương trợ tư pháp về Dân Sự giữa Việt Nam và Pháp.

- Thẩm phán vững chuyên môn áp dụng đúng pháp luật theo điều ước mà Việt Nam là thành viên và vững vàng trong việc áp dụng pháp luật tố tụng.

- Các tòa án tạo điều kiện Hội Bảo vệ Trẻ em tham gia thực hiện được sứ mệnh của mình

- Có sự phối hợp của các cơ quan công quyền trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự.

Cụ thể : Ngày 20/6, Văn phòng UBND TP. HCM có công văn gửi Cục Thi hành án dân sự, Công an TP. HCM, Sở Ngoại vụ và UBND Quận 2 đề nghị Cục Thi hành án dân sự chủ động theo dõi, khi bà Nguyễn Thị Thanh Huyền có yêu cầu thì tạo điều kiện thuận lời tối đa và tổ chức thi hành án hiệu quả, báo cáo kết quả cho UBND TP. HCM.

Hạn chế:

- Về thời gian tống đạt: thường kéo dài.

- Việc cho phép kháng cáo đối với quyết định công nhận và cho thi hành trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình gây ra bất lợi cho lợi ích của trẻ. Gần 2 năm kể từ ngày bản án của tòa án Pháp đã có hiệu lực pháp luật.

- Thời gian xét đơn kháng cáo: vi phạm quy định của pháp luật dài hơn đến 2 tháng.

- Lý do hoãn phiên họp không đáng để xảy ra: Không có phiên dich tham gia phiên họp

Luật sư, ThS. Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng, Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP. HCM.

Kiến nghị hoàn thiện BLTTDS 2015 về công nhận và cho thi hành bản án quyết định dân sự của tòa án nước ngoài:

Kiến nghị 1: Rút ngắn thời gian tống đạt

Kiến nghị 2: Không cho phép kháng cáo đối với loại vụ việc về gia đình liên quan đến quyền lợi của trẻ nhỏ

Kiến nghị 3: quy định cho phép thi hành ngay quyết định về công nhận và cho thi hành đối với vụ việc liên quan đến trẻ em.

Khiển trách nghiêm đối với tòa án khi không tuân thủ thời hạn kháng cáo và giải quyết kháng cáo.

Theo quy định của pháp luật tố tụng, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 04 tháng (có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng), kể từ ngày thụ lý tòa án ra quyết định sau mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

Như vậy, có thể thấy rằng từ thời điểm thụ lý vụ việc dân sự này là Ngày 04/10/ 2016, và tòa án đã đưa ra giải quyết tại phiên họp vào ngày 24 và 31/5/2016 là hơn 7 tháng. Vấn đề này thì vẫn hợp pháp theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, tuy nhiên trong bản án, tòa án cũng nên thể hiện việc mình có sử dụng 2 tháng mà luật cho phép tòa án “yêu cầu người được thi hành giải thích những điểm chưa rõ trong đơn; yêu cầu Tòa án nước ngoài đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ trong hồ sơ” vì vậy dẫn đến phiên họp giải quyết là hơn 7 tháng.

Kiến nghị 4: Liên quan đến việc thi hành Bản án

Theo Bản án có hiệu lực pháp luật thì Ông Azais Alexandre Stephane phải ngay lập tức giao người con chung Azais Sarah Thien Kim cùng với hộ chiếu của con cho người mẹ là bà Nguyễn Thị Thanh Huyền trực tiếp nuôi dưỡng. Vấn đề đặt ra là nếu ông Azais Alexandre Stephane không tự nguyện thi hành Bản án thì việc cưỡng chế thi hành sẽ được thực hiện như thế nàò? Trên thực tế ông Azais Alexandre Stephane đã giao con cho chị Huyền nhưng lại không chuyển giao các giấy tờ của đứa trẻ cho chị Huyền.

Tại Điều 71 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi 2014 quy định về các biện pháp cưỡng chế thi hành án bao gồm:

1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.

4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.

5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.

6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

Như vậy, trong các biện pháp cưỡng chế được quy định không có biện pháp cưỡng chế “bắt con”. Điều này sẽ gây khó khăn đối với việc thi hành các Bản án liên quan đến lĩnh vực hôn nhân gia đình.

Luật sư, ThS. TRẦN THỊ NGỌC NỮ
Chi hội trưởng, Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP. HCM
/khoi-kien-dan-su-de-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-kinh-nghiem-quoc-te-va-khuyen-nghi-cho-viet-nam.html