Đối với các tội phạm có tính đồng phạm qua nghiên cứu các vụ án xét xử tại các Tòa án trong những năm qua nhận thấy một số vấn đề sau đây:
Về vấn đề tiếp nhận ý chí trong tội phạm đồng phạm
Tiếp nhận ý chí là giữa những người phạm tội này không cần bàn bạc, thống nhất trước khi thực hiện tội phạm song vẫn có thể thực hiện được hành vi phạm tội. Tiếp nhận ý chí là sự ăn ý hiểu ý giữa những người thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi tiếp nhận ý chí đó hình thành trong ý thức của người tiếp nhận, mọi sự tác động khách quan giúp hình thành hành vi tiếp nhận ý chí đều không thể xem đó là hành hành vi tiếp nhận ý chí, tuy nhiên hành vi tiếp nhận ý chí đó được coi là đồng phạm khi mà người tiếp nhận ý chí đó có những hành vi để giúp cho việc thực hiện tội phạm. Hành vi tiếp nhận ý chí trong đồng phạm có thể xác định trong tất cả các loại tội phạm.
Thời điểm hình thành việc tiếp nhận ý chí: Việc tiếp nhận về mặt ý chí nếu được hình thành sau khi hành vi phạm tội của người thực hành đã hoàn thành không phải là đồng phạm.
Ví dụ: Sáng ngày 23/01/2015 Lê Viết Q. dùng xe máy (chưa xác định được chủ sở hữu và biển kiểm soát) chở Nguyễn Văn Đ. vào trung tâm thành phố Vinh chơi. Đến khoảng 13h00’ cùng ngày, khi đi qua ngõ 42 đường An Dương Vương, phường Trường Thi, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, Q. phát hiện có chiếc mô tô biển kiểm soát 37FB2-077.01 dựng trước cửa nhà anh B., Q. dừng xe và giao xe máy đang điều khiển cho Đ. và nói “Mi chờ tau tí”. Sau đó Q. đi sang bên kia đường lấy trộm chiếc xe máy điều khiển đến chỗ Đ. đang đứng chờ, và nói “Đi theo tau”. Lúc này, Đ. biết Q. lấy trộm xe máy nên hiểu ý điều khiển xe theo Q. Đến 18h30’ cùng ngày, Q. nói với Đ. đưa xe 37B2-077.01 đến cầu Bến Thủy 1 để bán, thì bị Công an bắt quả tang, còn Q. bỏ chạy thoát. Bị cáo Nguyễn Văn Đ. và Lê Viết Q. phạm tội “Trộm cắp tài sản”.
Trong vụ án trên, trước khi thực hiện hành vi phạm tội giữa hai bị cáo Nguyễn Văn Đ. và Lê Viết Q. không có sự bàn bạc, thống nhất thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Sau khi Q. thực hiện hành vi trộm cắp và nói “Đi theo tau”, lúc này Đ. mới hiểu là Q. đã trộm xe máy. Mặc dù Đ. có hành vi tiếp nhận ý chí của Q. nhưng hành vi tiếp nhận ý chí đó có sự tác động khách quan mới hình thành, đồng thời, Đ. không có bất kì hành vi nào giúp Q. thực hiện hành vi phạm tội.
Ngoài ra, hành vi tiếp nhận ý chí của Đ. xuất hiện sau khi tội phạm “Trộm cắp tài sản” của Q. đã hoàn thành.
Từ những sự phân tích nêu trên có thể khái quát vấn đề tiếp nhận ý chí trong đồng phạm như sau:
Thứ nhất, mọi sự tác động khách quan giúp hình thành hành vi tiếp nhận ý chí không được xem là đồng phạm.
Thứ hai, có hành vi tiếp nhận ý chí nhưng người tiếp nhận ý chí đó phải thực hiện hành vi giúp người thực hành thực hiện tội phạm.
Thứ ba, hành vi tiếp nhận ý chí nếu hình thành sau khi tội phạm của người thực hành đã hoàn thành thì không thể xem đó là đồng phạm.
Xác định yếu tố thúc đẩy trong đồng phạm
Theo Từ điển Tiếng Việt thì: “Thúc đẩy là kích thích, tạo điều kiện, động lực cho hoạt động, phát triển mạnh hơn theo một hướng nhất định nào đó”, như vậy, hành vi được xem là thúc đẩy khi hành vi đó phải là hành vi xảy ra sau và hành vi đó phải tác động trực tiếp lên chỗ mà hành vi trước đó đã gây ra và nó góp phần cho việc gây ra hậu quả cuối cùng. Tuy nhiên, việc xác định hành vi thúc đẩy để xem xét yếu tố đồng phạm không phải áp dụng đối với tất cả các tội phạm mà hành vi thúc đẩy có thể xác định đối với một số tội trong nhóm tội xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng con người như tội “Giết người” Điều 123, Tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác”,…
Ví dụ: Vào khoảng 20h30’ phút ngày 05/4/2017, quân nhân Phạm Văn Tr. và Nguyễn Văn H. đi uống bia thì gặp nhóm thanh niên gồm: Tạ Văn L., Phạm Hữu Đ., Tạ Bá H., Phạm Văn H., Phạm Văn Th. đang uống bia tại quán, quá trình uống trong nhóm xảy ra mâu thuẫn L. đã vung tay phải đấm một cái vào mặt bên trái của Tr.; bị bất ngờ và đau, Tr. ngồi xuống ôm mặt. Một lúc sau, Tr. đứng dậy đi đến chỗ L. và nói: “L., sao mày đánh tao?”, lúc này Phạm Hữu Đ. chạy tới dùng hai tay xô Tr. ra; Phạm Văn H. và Tạ Bá H. ôm Đ. kéo ra, L. xông tới dùng tay phải đấm tiếp vào mặt bên trái của Tr. cái thứ hai làm Tr. ngã nằm nghiêng xuống đường, L. tiếp tục đạp một cái bằng chân phải từ trên xuống dưới vào đầu Tr.; nhóm bạn kéo L. ra thì L. đá một cái vào phía trước mặt của Tr.; Đang chạy tới đá với (sút) vào ngực Tr. nhưng chỉ trúng vào tay của Tr. Thấy Tr. bị bất tỉnh, mặt mũi ra nhiều máu nên H. và H. lấy xe môtô đưa Tr. đi cấp cứu nhưng Phạm Văn Tr. đã tử vong trên đường đi.
Biên bản kết luận giám định pháp y về tử thi xác định nguyên nhân chết chấn thương sọ não.
Xung quanh vụ án này, liên quan đến yếu tố đồng phạm tồn tại hai quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: Tạ Văn L. phạm tội "Cố ý gây thương tích" theo Khoản 3, Điều 104 BLHS năm 1999 và Phạm Hữu Đ. là đồng phạm với Tạ Văn L. Hành vi của Đ. là hành vi thúc đẩy góp phần vào dẫn đến cái chết của bị hại diễn ra nhanh hơn.
Quan điểm thứ hai: Tạ Văn L. phạm tội “Giết người” theo Điều 93 BLHS năm 1999 và Phạm Hữu Đ. không phải là đồng phạm với Tạ Văn L.
Trong vụ án nêu trên hành vi của Tạ Văn L. tuy không có mục đích giết người nhưng bị cáo dùng tay chân tấn công vào vùng đầu, vùng ngực của bị hại (đầu, ngực là vị trí trọng yếu trên cơ thể) với mức độ tấn công, cường độ tấn công mạnh và liên tục, mặc dù có người can ngăn nhưng L. vẫn tiếp tục tấn công nạn nhân nên hành vi của L. thỏa mãn cấu thành của tội “Giết người” theo Điều 93 BLHS năm 1999.
Trong quá trình diễn biến vụ án, khi L. đang có hành vi đánh bị hại thì Phạm Hữu Đ. có xông vào đánh bị hại cụ thể là đá với (sút) vào ngực Tr. nhưng chỉ trúng vào tay của Tr., Đ. có tham gia đánh nhưng hành vi này không thể xác định là yếu tố thúc đẩy, bởi không gây ra hậu quả cuối cùng là cái chết của anh Tr bởi trong kết luận giám định về nguyên nhân chết: Chấn thương sọ não, mà Đ. chỉ đá vào ngực.
Vì vậy, trong vụ án này Phạm Hữu Đ. không phải là đồng phạm với Tạ Văn L. Từ những sự phân tích nêu trên có thể khái quát vấn đề yếu tố thúc đẩy trong đồng phạm như sau:
Một là, hành vi thúc đẩy đó phải hình thành sau.
Hai là, hành vi thúc đẩy phải tác động trực tiếp lên chỗ mà hành vi trước đó đã gây ra và nó góp phần cho việc gây ra hậu quả cuối cùng (nói cách khác nếu không có sự tác động đó thì không thể dẫn đến hậu quả cuối cùng).
Xác định mục đích trong vụ án đồng phạm
Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc xác định đồng phạm. Trong Từ điển Tiếng Việt thì “Mục đích là nguyện vọng, ước mơ mà mình muốn đạt được.(mục đích là điểm đến, đích đến)”. Như vậy, trong việc thực hiện tội phạm đồng phạm thì việc giữa những người này có chung đích đến, điểm đến để thực hiện. Nếu mục đích là dấu hiệu bắt buộc thì chỉ khi đồng phạm cùng mục đích hay chấp nhận mục đích của nhau. Nếu mục đích không là dấu hiệu bắt buộc thì không cần đặt ra có cùng mục đích hay không.
Việc xác định mục đích để xem xét yếu tố đồng phạm áp dụng trong tất cả các tội phạm đặc biệt trong một số tội như tội “Giết người” Điều 123; Tội ‘Cố ý gây thương tích hoặc gây thiệt hại cho sức khỏe người khác” Điều 134; tội “Trộm cắp tài sản” Điều 173; tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” Điều 174; tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” Điều 175; tội “Buôn lậu” Điều 188…
Cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm
Cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong vụ án đồng phạm là một thuật ngữ pháp lý tồn tại từ lâu, tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản nào đưa ra khái niệm cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm là gì.
Theo Từ điển Tiếng Việt thì “Cá thể hóa là việc tách biệt cá nhân này với cá nhân khác trong nhóm để phân biệt vị trí, vai trò, mức độ của từng người”. Từ khái niệm này, vận dụng vào quy định về các thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm có thể nhận thấy đây là việc tách biệt từng người trong vụ án đồng phạm để xem xét vị trí, vai trò của từng người trong vụ án từ đó quyết định hình phạt cho phù hợp.
Vấn đề cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được xuất hiện sau khi Toà án đã xác định bị cáo có phạm tội và điều, khoản cụ thể của BLHS được áp dụng. Cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội thường được thể hiện:
Xem xét, cân nhắc lỗi, mục đích, động cơ của người phạm tội; phương tiện phạm tội; thủ đoạn phạm tội; thời gian và địa điểm phạm tội; khách thể xâm hại…
Thứ nhất, xem xét, cân nhắc hậu quả do hành vi phạm tội gây ra bao gồm hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản và hậu quả phi vật chất (gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội).
Thứ hai, nếu phạm tội có tổ chức cần xem xét, cân nhắc tính chất của tổ chức có ít người hay có nhiều người tham gia; mức độ cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm; xem xét, cân nhắc vị trí, vai trò của từng người khi thực hiện tội phạm để cá thể hóa trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt.
Trong vụ án đồng phạm khi đã xác định vụ án đồng phạm giản đơn nghĩa là tất cả các các bị cáo đều có vai trò là người thực hành nghĩa là ngang nhau thì lúc này không tiếp tục đánh giá vai trò của các bị cáo mà phải chuyển sang đánh giá mức độ tham gia của các bị cáo là phù hợp nếu tiếp tục đánh giá vai trò thì sẽ mang tính chất lặp lại. Việc đánh giá mức độ tham gia cũng là căn cứ để quyết định hình phạt cho phù hợp với các bị cáo.
Nguyên tắc thu hút tội danh trong vụ án đồng phạm
Trường hợp hành vi của chủ thể thoả mãn nhiều cấu thành tội phạm (CTTP) có thể là trường hợp chủ thể có nhiều hành vi phạm tội và mỗi hành vi phạm tội này thoả mãn một CTTP hoặc có thể là trường hợp chủ thể chỉ có một hành vi phạm tội nhưng hành vi đó đồng thời thoả mãn nhiều CTTP khác nhau. Vấn đề đặt ra ở đây là phải xác định trong trường hợp nào thì chủ thể bị coi là phạm nhiều tội (bị xử về nhiều tội phạm) và trong trường hợp nào thì chủ thể chỉ bị coi là phạm một tội (bị xử về một tội phạm).
Nguyên tắc: Trường hợp chủ thể có nhiều hành vi và các hành vi này có quan hệ với nhau. Chính vì mối quan hệ này mà một hành vi trong số đó đã thu hút tính nguy hiểm độc lập của hành vi xảy ra trước hoặc sau nó. Đó là trường hợp hành vi xảy ra trước được xem là điều kiện cần thiết cho hành vi sau có thể xảy ra hoặc hành vi sau là diễn biến tất yếu của hành vi trước.
Ví dụ: Vụ án Nguyễn Thanh T. và các bị cáo phạm tội “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc”.
Nguyễn Thanh T. gọi điện thoại cho Ngụy Khắc T., Lưu Đức H., Ngụy Khắc H. rủ đánh bạc và được đồng ý, sau đó hẹn nhau tại quán cà phê tại đây T. có rủ thêm Nguyễn Văn D., Lê Quang Tr., Nguyễn Phi L. đi cùng và các đối tượng này đồng ý. Trước khi đi Toàn có gọi điện thoại cho Cao Văn D. nhờ tìm địa điểm đánh bạc và D. có chỉ đến nhà Lưu Thị Đ. để đánh bạc. Sau đó tất cả lên xe đến nhà Đ. để đánh bạc, sau khi xuống xe thì D. mang chiếu, ghế từ trên xe và T. mang ba lô trong đó có bát, đĩa và xúc xắc, tất cả vào nhà Đ. để đánh bạc. Đ. nói với T. “Chơi xong thì đóng cửa lại cho chị, chị đi ra ngoài có chút việc” và sau khi chị Đ. đi thì T. đóng cửa. Trong quá trình đánh bạc T. có phân công cho Tr. xóc đĩa cho các con bạc đánh và L. đi thu tiền hồ. Đang đánh thì bị công an bắt quả tang tại chiếu bạc là 13.000.000 đồng. Xung quanh vụ án này tồn tại nhiều quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Bị cáo T. phạm tội “Tổ chức đánh bạc” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 321 BLHS, với vai trò là người tổ chức đánh bạc, vì T. đã có hành vi rủ rê, lôi kéo, tập hợp, mượn địa điểm, chuẩn bị dụng cụ đánh bạc. Các bị cáo khác D., L., Tr. đồng phạm với T. với vai trò là người giúp sức. Các bị cáo khác phạm tội đánh bạc.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Bị cáo T. ngoài phạm tội tổ chức đánh bạc còn phạm tội “Gá bạc” theo Điều 322 BLHS, vì T. sau khi bị cáo Đ. rời khỏi nhà đã giao chìa khóa nhà lại cho T. quản lý ngôi nhà nên T. đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành của tội “Gá bạc” theo Điều 322 tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc”.
"1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:…..
b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền Sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên”.
Bị cáo D., Đ., đồng phạm với T. với vai trò là người giúp sức. Các bị cáo khác phạm tội đánh bạc.
Trong vụ án nêu trên, bị cáo T. là người có hành vi rủ rê, lôi kéo, dụ dỗ và nhờ người tìm địa điểm để tổ chức đánh bạc với mục đích thu lợi bất chính thể hiện qua việc T. phân công bị cáo L. đi thu tiền hồ, như vậy mục đích của T. khi tổ chức đánh bạc không phải để thỏa mãn việc đánh bạc và không trực tiếp tham gia đánh bạc mà mục đích chủ yếu là thu lợi bất chính đây là căn cứ để xác định việc bị cáo chỉ phạm tội tổ chức đánh bạc, đồng thời vận dụng nguyên tắc thu hút tội danh có thể nhận thấy, hành vi của T. thỏa mãn yếu tố cấu thành của nhiều tội danh bao gồm tội “Tổ chức đánh bạc” (Điều 322); tội “Đánh bạc” (Điều 321) nhưng hành vi rủ rê, lôi kéo người khác tham gia đánh bạc phục vụ mục đích thu lợi bất chính thu hút hành vi giúp sức cho tội đánh đánh bạc, đồng thời hành vi giúp sức cho tội đánh bạc có tính chất hỗ trợ vì xét về mặt bản chất hành vi đánh bạc có xuất phát điểm từ hành vi tổ chức đánh bạc, nếu không có hành vi tổ chức đánh bạc thì hành vi đánh bạc của các bị cáo khác không diễn ra, vì vậy, theo nguyên tắc thu hút tội danh thì bị cáo T. chỉ phạm tội “Tổ chức đánh bạc” là hoàn toàn phù hợp.
Đối với quan điểm cho rằng, hành vi của bị cáo T. thoả mãn thêm tội “Gá bạc" vì sau khi bị cáo Đ. ra khỏi nhà thì ngôi nhà đó T. quản lý, vấn đề đặt ra đó là địa điểm thuộc quyền quản lý quy định trong điều luật đó bao gồm địa điểm quản lý hợp pháp hay địa điểm quản lý bất hợp pháp hay không? Trong trường hợp T. không có quyền quản lý ngôi nhà Đ. nên việc quản lý của T. về ngôi nhà là bất hợp pháp, mặc dù luật không quy định cụ thể song có thể hiểu nếu việc quản lý nhà của T. là bất hợp pháp thì Toàn không thuộc diện “Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình” như trong điều luật nên T. không phạm tội "Gá bạc".
Đối với bị cáo D. và Đ., trong vụ án này bị cáo D. nhận điện từ bị cáo T. nhờ tìm địa điểm đánh bạc và bị cáo Đ. tiếp nhận từ bị cáo D., cả D. và Đ. đều không biết việc T. tìm địa điểm là để tổ chức đánh bạc mà chỉ biết T. tìm địa điểm là để đánh bạc nên D.g và Đ. là đồng phạm giúp sức trong tội đánh bạc là phù hợp.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án đồng phạm
Theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Dân sự 2015 thực hiện nghĩa vụ liên đới:
“1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
2. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.
3. Trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.
4. Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ”.
Những người gây thiệt hại trong vụ án đồng phạm phải liên đới bồi thường. Một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.
Trong trường hợp một bị cáo đã tự nguyện bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra nhưng sau đó không yêu cầu các đồng phạm khác hoàn trả số tiền mà mình đã bồi thường thay khi xét xử Tòa án phải giải thích cho bị cáo biết quyền yêu cầu các bị cáo khác hoàn trả phần tài sản mà bị cáo đã bồi thường thay. Nếu bị cáo vẫn không thực hiện quyền mà Tòa án đã giải thích thì Tòa án ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo và không buộc khác phải hoàn trả, đồng thời không tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước khoản tiền trách nhiệm bồi thường của các bị cáo khác.
Trường hợp bị cáo đã bồi thường chưa yêu cầu giải quyết trong cùng vụ án thì sau này nếu có yêu cầu thì sẽ giải quyết bằng vụ án dân sự khác.
Khi một bị cáo tự nguyện bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo khác gây ra nhưng trong bản án vẫn phải tuyên trách nhiệm bồi thường của từng bị cáo
Qua thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án đồng phạm gồm những nội dung sau đây:
Một là, khi tuyên trách nhiệm bồi thường trong vụ án đồng phạm thì trước hết cần tuyên trách nhiệm liên đới bồi thường của các bị cáo, sau đó tuyên số tiền bồi thường cụ thể của từng bị cáo, cần tách số tiền bồi thường do hành vi vượt quá (nếu có).
Hai là, khi tính phần án phí khi bồi thường thiệt hại thì phải xác định số tiền cụ thể mỗi bị cáo phải phải bồi thường sau đó tính án phí dân sự cho mỗi bị cáo phải nộp.
Ba là, trong vụ án đồng phạm cần cá thể hóa trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với mỗi bị cáo.
Các vụ án có yếu tố đồng phạm mỗi vụ án là khác nhau đòi hỏi trong quá trình nghiên cứu cần có sự phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện để tránh xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm./.
TRẦN VĂN HÙNG
Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực quân khu 4