/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Thực tiễn thi hành các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017: Bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Thực tiễn thi hành các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017: Bất cập và kiến nghị hoàn thiện

27/09/2023 06:32 |

(LSVN) - Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (TNBTCNN) là công cụ pháp lý để người bị thiệt hại trong trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng (hình sự, dân sự, hành chính), thi hành án (hình sự, dân sự) khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm. Mỗi vụ yêu cầu bồi thường nhà nước sẽ có căn cứ cũng như những thiệt hại và chi phí khác nhau. Dưới góc nhìn của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu bồi thường, chúng tôi chỉ ra những vướng mắc trong quá trình thi hành và đề xuất một số các giải pháp nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, qua đó nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Ảnh minh họa. 

Khái quát về vị trí pháp lý của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN

Điểm d và điểm e khoản 1 Điều 13 Luật TNBTCNN quy định người yêu cầu bồi thường là người bị thiệt hại có quyền: “d) Nhờ người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình; e) Ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự cho cá nhân, pháp nhân khác thực hiện quyền yêu cầu bồi thường”. Như vậy, Luật sư có thể tham gia vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật TNBTCNN với tư cách người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu bồi thường hoặc người đại diện theo ủy quyền của người bị thiệt hại (sau đây gọi chung là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp). 

Luật TNBTCNN không quy định người thi hành công vụ gây thiệt hại và cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại được nhờ người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình hoặc ủy quyền để cho cá nhân, pháp nhân khác đại diện giải quyết vụ việc.  

Theo Luật TNBTCNN, người bị thiệt hại có thể giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo quy định tại Mục 1 Chương V (từ Điều 41 đến Điều 51) và/hoặc khởi kiện giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại Mục 2 Chương V (từ Điều 52 đến Điều 55). Trường hợp yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thì sẽ áp dụng các thủ tục quy định của Mục 1 Chương V, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương V; trường hợp Mục 2 Chương V không quy định thì áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (khoản 5 Điều 52). 

Mặc dù, điểm c khoản 3 Điều 46 quy định thành phần tham gia thương lượng việc bồi thường có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhưng Mục 1 Chương V và các nội dung khác của Luật TNBTCNN không quy định về quyền và nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ. Ví dụ: Xác minh thiệt hại tại Điều 45 và được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNBTCNN là thủ tục quan trọng, mấu chốt quyết định kết quả thương lượng quy định tại Điều 46. Tuy nhiên, do không quy định về quyền và nghĩa vụ nên không rõ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại có được tiếp cận các tài liệu, báo cáo xác minh thiệt hại sau khi người giải quyết bồi thường xác minh các thiệt hại hay không?

Trường hợp tham gia bảo vệ người bị thiệt hại tại tòa án, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp sẽ phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 75 và có quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 70, Điều 76 Bộ luật Tố tụng dân sự. Đặc biệt, việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính có nội dung yêu cầu bồi thường thì người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng hành chính.

Vai trò của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong vụ việc yêu cầu bồi thường Nhà nước

Bồi thường của nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án là một dạng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhưng bên cạnh những nội dung có tính tương đồng với những quy định về bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự thì còn có những điểm khác biệt như được bồi thường các chi phí hợp lý khác (Chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo; chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại; chi phí đi lại để thăm gặp của thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án phạt tù trong tố tụng hình sự (Điều 28). Ngoài ra, người bị thiệt hại còn được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (Điều 29), trả lại tài sản (Điều 30) và phục hồi danh dự (Điều 31). 

Trong giai đoạn tiền tố tụng, Luật sư có thể tư vấn, hỗ trợ, trợ giúp người yêu cầu bồi thường các vấn đề sau đây: 

Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường 

Trong các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thì điều kiện tiên quyết là phải có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong từng lĩnh vực theo quy định tại các Điều 8, Điều 9, Điều 10 và Điều 11. Thực tiễn cho thấy Tòa án đã đình chỉ giải quyết vụ án vì chưa có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. 

Trường hợp đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì văn bản đó phải thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong từng lĩnh vực hoạt động quản lý hành chính (Điều 17), tố tụng hình sự (Điều 18), tố tụng dân sự, hành chính (Điều 19) và thi hành án hình sự (Điều 20), thi hành án dân sự (Điều 21). 

Thời hiệu yêu cầu bồi thường

Luật quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính và thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường theo Khoản 3 Điều 6. Như vậy, cần xác định chính xác ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường để xác định thời hiệu cho đúng. Thời hạn sẽ được tính theo quy định tại Điều 147, 148 Bộ luật Dân sự.           

Thời hiệu 03 năm áp dụng chung cho cả trường hợp yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ hoặc khởi kiện tại tòa án, tuy nhiên nếu đã yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ thì chỉ có 15 ngày để khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường hoặc ngày có biên bản kết quả thương lượng thành mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại không ra quyết định giải quyết bồi thường hoặc ngày có biên bản kết quả thương lượng không thành.

Tuy nhiên, Luật TNBTCNN không quy định cách thức xác định ngày bắt đầu thời hiệu bồi thường khi người bị thiệt hại nhận văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường bằng các cách thức khác với việc giao nhận trực tiếp như giao bằng phương thức bưu chính hoặc trường hợp cơ quan có thẩm quyền không giao văn bản cho người bị thiệt hại dẫn đến có những tranh chấp, ý kiến khác nhau về thời hiệu yêu cầu bồi thường.

Xác định thiệt hại được bồi thường

Đây là vấn đề trọng tâm của yêu cầu bồi thường, thiệt hại được bồi thường bao gồm: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (Điều 23), thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút (Điều 24), thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết (Điều 25), thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 26), thiệt hại về tinh thần (Điều 27), các chi phí khác được bồi thường (Điều 28), gồm: Chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo; chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại; chi phí đi lại để thăm gặp của thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án phạt tù trong tố tụng hình sự.

Việc nhận diện đúng, đầy đủ và chính xác các thiệt hại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết vụ việc yêu cầu bồi thường, giúp các bên có thể đạt được kết quả trong quá trình thương lượng, nhanh chóng khép lại sự việc, tiết kiệm thời gian, chi phí, sức khỏe, hao tổn tinh thần của người bị thiệt hại.

Qua nghiên cứu các bản án thì thấy rằng hầu hết các yêu cầu bồi thường về thiệt hại bị bác một phần hoặc toàn bộ, có 03 nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất là người yêu cầu bồi thường đưa ra yêu cầu không thuộc phạm vi bồi thường [1]; Thứ hai là yêu cầu thuộc phạm vi bồi thường nhưng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh dẫn đến việc tòa án chỉ chấp nhận mức bồi thường theo quy định của pháp luật [2] và thứ ba là không có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế với hành vi trái pháp luật [3]

Ngoài những nội dung trên, trong giai đoạn tiền tố tụng, Luật sư còn hỗ trợ cho người bị thiệt hại các vấn đề khác như: Xác định cơ quan có thẩm quyền bồi thường, Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự về yêu cầu bồi thường, lựa chọn phương thức yêu cầu bồi thường, chuẩn bị hồ sơ cần thiết và xác định các yêu cầu bồi thường.

Sau khi cơ quan có thẩm quyền thụ lý yêu cầu bồi thường, Luật sư với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu bồi thường sẽ tham gia thương lượng, đối thoại, hòa giải trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường; thu thập, bổ sung các tài liệu, chứng cứ và căn cứ vào chứng cứ do các bên cung cấp hoặc do tòa án thu thập được để điều chỉnh các yêu cầu bồi thường sao cho phù hợp với quy định và có căn cứ được chấp nhận. Trường hợp thương lượng, đối thoại, hòa giải không thành, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp sẽ tham gia phiên tòa, trình bày các luận cứ, chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.

Sau khi có quyết định giải quyết bồi thường hoặc bản án có hiệu lực pháp luật, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp có thể tiếp tục đồng hành với người yêu cầu bồi thường thi hành bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật.

Một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tư vấn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu bồi thường và các kiến nghị, đề xuất

Luật chỉ quy định người yêu cầu bồi thường là người bị thiệt hại có quyền nhờ người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình mà không có quy định đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại và cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại. Trong khi đó, phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như: Hoạt động quản lý hành chính (Điều 17), hoạt động tố tụng hình sự (Điều 18), hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính (Điều 19), hoạt động thi hành án hình sự (Điều 20), thi hành án dân sự (Điều 21). Đối với các hoạt động tố tụng (hình sự, dân sự, hành chính) và thi hành án (hình sự, dân sự), người thi hành công vụ đều có kiến thức pháp luật và hoạt động của cơ quan quản lý người thi hành công vụ liên quan mật thiết đến pháp luật nhưng trong hoạt động quản lý hành chính, bao gồm 17 nhóm hành vi khác nhau của nhiều loại cơ quan khác nhau, khi là bị đơn trong vụ án bồi thường Nhà nước cần thiết có người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho họ.

Đặc biệt, đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại, hiện Luật TNBTCNN đã quy định trách nhiệm phải hoàn trả [4] cho ngân sách một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường (Điểm c Khoản 2 Điều 14, Chương VII quy định về Trách nhiệm hoàn trả) nhưng Luật TNBTCNN chỉ quy định người này được tham gia vào quá trình giải quyết bồi thường và quá trình xác định trách nhiệm hoàn trả. Để đảm bảo quyền lợi cho người thi hành công vụ và cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, đặc biệt là cơ quan quản lý hành chính, đồng thời đảm bảo quyền bình đẳng giữa các thành phần tố tụng trong vụ án bồi thường theo Luật TNBTCNN, chúng tôi kiến nghị có những quy định để cơ quan quản lý hành chính và người thi hành công vụ gây thiệt hại có quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Luật TNBTCNN quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại Điểm d và Điểm e Khoản 1 Điều 13 nhưng chưa có quy định người nào được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Nếu người bị thiệt hại khởi kiện thì việc đăng ký làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự nhưng nếu người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thì ngoài Luật sư hoạt động theo quy định của Luật Luật sư, những người khác có được đăng ký làm người bảo vệ không thì chưa rõ, ví dụ người thân thích của người bị thiệt hại có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích, không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an thì có được đăng ký bảo vệ cho người bị thiệt hại không?

Do vậy, chúng tôi kiến nghị Luật TNBTCNN cần bổ sung thêm nội dung quy định về điều kiện của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và có thể quy định theo hướng “những người được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự được đăng ký làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại có yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này”. 

Mặc dù có 2 phương thức yêu cầu bồi thường là yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại và khởi kiện tại Tòa án nhưng “Việc giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ chưa hiệu quả, số lượng vụ việc giải quyết bồi thường tại Tòa án chiếm tỉ lệ cao. Nhiều trường hợp người yêu cầu bồi thường khởi kiện thẳng ra Tòa án hoặc tiếp tục khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết bồi thường sau khi cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại đã giải quyết dẫn đến vụ việc kéo dài, gây lãng phí về nguồn lực của Nhà nước. Điều này thể hiện người bị thiệt hại vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào cơ quan giải quyết bồi thường. Trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường, một số vụ việc giải quyết chưa phù hợp với pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”[5].

Chúng tôi thấy rằng, bên cạnh lý do tòa án là cơ quan trọng tài, mang tính độc lập với cơ quan quản lý người thi hành công vụ thì thủ tục giải quyết tại tòa án còn mang tính công khai, minh bạch, các đương sự có quyền và nghĩa vụ được luật quy định và bảo đảm thực hiện (Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự), trong đó có quyền được công khai và tiếp cận các chứng cứ do các bên cung cấp hoặc do Tòa án thu thập được. Trong khi đó, Luật TNBTCNN quy định theo hướng sau khi hoàn thành xác minh thiệt hại, trong thời hạn 02 ngày làm việc, cơ quan giải quyết bồi thường phải tiến hành thương lượng việc bồi thường (Điều 46). Như vậy, Luật TNBTCNN không quy định người có yêu cầu bồi thường được công khai, tiếp cận các tài liệu xác minh thiệt hại để tìm hiểu, nghiên cứu trước khi thương lượng mà chỉ được biết báo cáo xác minh thiệt hại khi người giải quyết bồi thường công bố (Điểm b Khoản 6 Điều 46). Do vậy, nâng cao hiệu quả của phương thức giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ, chúng tôi kiến nghị cần bổ sung quy định về tiếp cận, công khai tài liệu xác minh thiệt hại, báo cáo xác minh thiệt hại cho người yêu cầu bồi thường trước khi thương lượng. 

Về chi phí được bồi thường, điểm c Khoản 2 Điều 28 Luật quy định “Chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại được thanh toán theo hợp đồng thực tế nhưng không quá mức thù lao do Chính phủ quy định đối với Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và chỉ thanh toán cho một người bào chữa hoặc một người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại tại một thời điểm”. 

Thù lao và chi phí cho Luật sư trong trường hợp Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng được quy định tại Điều 19 Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2013, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 137/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư và được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 191/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 12/12/2014. 

Hiện chỉ có Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định các trường hợp chỉ định người bào chữa tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, còn các lĩnh vực khác như như tố tụng dân sự, hành chính, thi hành án không có quy định, được áp dụng trên cơ sở thỏa thuận giữa tổ chức hành nghề Luật sư và khách hàng nhưng khi có yêu cầu bồi thường chi phí Luật sư trong vụ án yêu cầu bồi thường Nhà nước thì thù lao trong tố tụng hình sự được áp dụng chung cho tố tụng hành chính, tố tụng dân sự, thi hành án.

Mặc dù đã có căn cứ pháp lý để được bồi thường nhưng thực tiễn cho thấy nhiều trường hợp chi phí Luật sư không được Tòa án chấp nhận hoặc chỉ chấp nhận một phần, thấp hơn nhiều so với yêu cầu bồi thường. Có bản án thì nêu lý do cụ thể để bác yêu cầu bồi thường chi phí Luật sư như “các khoản chi phí cụ thể về công việc, hoạt động của Luật sư không có hóa đơn, chứng từ chứng minh mà chỉ yêu cầu chung một khoản tiền 50.000.000đồng là không có cơ sở để xem xét[6] nhưng cũng có bản án tuyên “Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông H về việc yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại số tiền thuê Luật sư là 100.000.000 đồng” mà không nêu bất kỳ nhận định, lý do nào [7].

Qua nghiên cứu các bản án yêu cầu bồi thường theo Luật TNBTCNN về phần bồi thường thù lao và chi phí Luật sư, chúng tôi nhận thấy có những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, Luật đã quy định theo hướng thù lao, chi phí Luật sư, dù tham gia theo tố tụng dân sự, hình sự, hành chính, thi hành án, nếu có yêu cầu bồi thường, sẽ được chi trả theo thù lao và chi phí cho Luật sư trong trường hợp Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Theo đó, thù lao được trả cho 01 ngày làm việc của Luật sư là 0,4 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định, căn cứ vào thời gian gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; thời gian thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa; thời gian nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị tài liệu; thời gian tham gia phiên tòa; thời gian hợp lý khác để thực hiện việc tham gia tố tụng. Ngoài khoản tiền thù lao, Luật sư được thanh toán chi phí tàu xe, lưu trú theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác trong nước. Như vậy, khi có yêu cầu bồi thường thù lao và chi phí Luật sư, để được cơ quan có thẩm quyền, tòa án chấp nhận thì cần xác định đâu là thù lao, đâu là chi phí, đối với thù lao phải xác định số lượng thời gian cụ thể đã làm việc (thời gian tiếp xúc khách hàng, thu thập chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tham gia phiên tòa…). Nếu yêu cầu một khoản tiền chung chung mà không có chi tiết, cụ thể thì rất dễ bị bác yêu cầu.   

Thứ hai, thù lao và chi phí Luật sư phải có tài liệu, chứng từ hợp pháp, hợp lệ chứng minh. Đây là chứng từ của Luật sư nên Luật sư phải hỗ trợ đương sự, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động hành nghề Luật sư như ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý có đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 26 Luật Luật sư, khi thu thù lao phải có hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán.  

Số lượng án yêu cầu bồi thường nhà nước tương đối ít so với các loại án khác [8], trên cơ sở các quy định của pháp luật về bồi thường Nhà nước và pháp luật có liên quan, nghiên cứu các bản án trong thời gian gần đây, dưới góc nhìn của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại có yêu cầu bồi thường, chúng tôi nhận thấy Luật TNBTCNN cần bổ sung thêm những quy định về đối tượng được bảo vệ, điều kiện công nhận và quyền, nghĩa vụ của người bảo vệ đối với phương thức yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại. Vấn đề trọng tâm của loại yêu cầu bồi thường Nhà nước là xác định thiệt hại, Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn đã có quy định tương đối chi tiết về thiệt hại được bồi thường, cách thức xác định giá trị thiệt hại và khoảng thời gian làm căn cứ xác định thiệt hại nhưng một trở ngại lớn của người bị thiệt hại là không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lệ để chứng minh do thời gian đã lâu, không còn lưu giữ chứng từ hoặc bên cung cấp dịch vụ không phát hành chứng từ. Điều này dẫn đến thiệt hại sẽ được áp dụng theo tháng lương tối thiểu vùng hoặc lương cơ sở, thường thấp hơn chi phí thực tế.

Do vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người yêu cầu bồi thường, chúng tôi kiến nghị cần có quy định theo hướng đối với những thiệt hại thực tế nhưng không có tài liệu, chứng cứ thì được bồi thường trên cơ sở khảo sát, đối chiếu giá thị trường để giải quyết.

[1] Bản án số 31/2023/DS-PT ngày 13/2/2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM về việc tranh chấp bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước.

[2] Bản án số 168/2022/DS-PT ngày 24/3/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về việc tranh chấp trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính.

[3] Bản án số 61/2020/DSPT ngày 26/3/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc tranh chấp bồi thường Nhà nước.

[4] Theo Báo cáo số 74/BC-BTP ngày 17/3/2023 của Bộ Tư pháp về Công tác bồi thường Nhà nước năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp năm 2023: Việc xem xét trách nhiệm hoàn trả đang thực hiện đối với 24 vụ việc (07 việc trong hoạt động quản lý hành chính, 07 việc trong hoạt động thi hành án dân sự, 10 việc trong hoạt động tố tụng hình sự). Trong đó, 06 vụ việc đã xem xét trách nhiệm hoàn trả với tổng số tiền người thi hành công vụ gây thiệt hại phải hoàn trả là 318 triệu 798 nghìn đồng (tăng 110 triệu 893 nghìn đồng so với năm 2021), đã thực hiện hoàn trả 77 triệu 379 nghìn đồng (hoạt động quản lý hành chính là 11 triệu 643 nghìn đồng, hoạt động thi hành án dân sự là 65 triệu 736 nghìn đồng); 07 vụ việc không xem xét trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật; 11 vụ việc đang xem xét trách nhiệm hoàn trả.

[5] Báo cáo số 74/BC-BTP ngày 17/3/2023 của Bộ Tư pháp về Công tác bồi thường Nhà nước năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp năm 2023

[6] Bản án số 97/2022/DS-PT ngày 13/4/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về việc yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

[7] Bản án số 661/2020/DS-PT ngày 11/11/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh

[8] Theo Báo cáo số 1386/BC-TA ngày 18/11/2022 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương về Kết quả thực hiện công tác bồi thường Nhà nước năm 2022 thì “từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/10/2022, TAND 2 cấp tỉnh Bình Dương giải quyết 02/03 vụ liên quan đến công tác bồi thường Nhà nước”.

Thạc sĩ, Luật sư TRƯƠNG NHẬT QUANG

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương

Đề xuất Luật sư sao chụp tài liệu vụ án hình sự phải chịu chi phí

 

Nguyễn Mỹ Linh