Ảnh minh hoạ.
Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc xả lũ không thông báo trước hoặc không báo mà người dân không nghe được là không đúng quy trình vận hành thủy điện. Nếu gây thiệt hại, các hộ dân có quyền yêu cầu nhà máy thủy điện phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra giám sát, kịp thời chấn chỉnh quá trình vận hành của nhà máy thủy điện này để đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời đảm bảo tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân phía hạ lưu sông được bảo vệ.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 28 Luật Thủy lợi năm 2017 về vận hành hồ chứa thủy điện, vận hành liên hồ chứa phục vụ thủy lợi, tổ chức, cá nhân trước khi vận hành xả lũ phải thông báo cho chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan theo quy trình vận hành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, hồ chứa thủy điện vận hành theo chế độ điều tiết ngày phải có giải pháp bảo đảm công trình thủy lợi ở hạ du hoạt động bình thường.
Bởi vậy, nếu doanh nghiệp vận hành thủy điện mà không tuân thủ quy định của pháp luật về xả lũ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của tổ chức và nhân dân thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra, người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo Luật sư Cường, trong vụ việc nêu trên, công ty vận hành thủy điện cho rằng họ đã thông báo bằng loa phát thanh, tuy nhiên người dân dưới hạ nguồn không nghe thấy. Vấn đề này cơ quan chức năng cần phải có giải thích, quán triệt với đơn vị vận hành thủy điện, việc thông báo phải được thực hiện trong khoảng thời gian phù hợp để người dân có thời gian sơ tán tài sản, tránh trú để tránh lũ cuốn, chính quyền địa phương cũng phải nhận được thông báo bằng văn bản để có phương án cứu nạn, hỗ trợ người dân khi xả lũ.
Nếu thông báo không đúng quy định, tổ chức cá nhân không nhận được thông tin thì coi như không thông báo và đơn vị vận hành thủy điện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với mọi thiệt hại có thể xảy ra đối với các tổ chức cá nhân khi thực hiện hoạt động xả lũ. Bởi vậy, trong trường hợp này, nếu các hộ dân, doanh nghiệp có thiệt hại thì có quyền yêu cầu đơn vị vận hành thủy điện phải bồi thường thiệt hại, nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện để tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
PHƯƠNG THẢO
Bảo đảm công tác y tế phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024