Tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: |
Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Đây là loại tội phạm xảy ra rất phổ biến hiện nay trong xã hội, nhưng quan điểm xử lý của cơ quan tiến hành tố tụng mỗi địa phương lại rất khác nhau, ngay đối với các thành viên trong Ban soạn thảo BLHS 2015 cũng có nhiều ý kiến trái chiều, nên lúc đầu Điều 175 đã bỏ tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt” ra khỏi cấu thành tội phạm này. Sau khi BLHS 2015 được công bố, nhiều chuyên gia cho rằng, nhà làm luật bỏ tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt” là không phù hợp với cuộc sống, nhiều người vay, mượn hàng tỷ đồng của người dân rồi bỏ trốn. Người bị mất tiền, bức xúc nên tổ chức người nhà hoặc thuê đầu gấu siết nợ, có trường hợp gây án mạng.
Trước tình hình như vậy, để “chữa cháy”, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 306/TANDTC-PC ngày 12/10/2016 hướng dẫn về việc áp dụng tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” khi giải quyết vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, với nội dung: “…có thể hiểu bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản cũng là một dạng hành vi khách quan phản ánh ý thức chủ quan của người phạm tội là “gian dối để chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 175. Bên cạnh đó, quá trình rà soát, sửa đổi BLHS 2015, các cơ quan có thẩm quyền cũng đã thống nhất bổ sung lại dấu hiệu này vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015… Như vậy, việc khoản 1 Điều 175 BLHS 2015 không quy định cụ thể dấu hiệu “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” không phải là quy định có lợi cho người phạm tội để áp dụng từ ngày 01/7/2016 .
Về lý luận, nội dung hướng dẫn trên còn nhiều vấn đề phải bàn, nhưng cũng đã ổn định được tình hình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương không quán triệt tinh thần của Công văn này, nên không “dám” xử lý hình sự, mà chuyển sang xử lý về dân sự.
Có nơi, chỉ vì một vụ án nào đó “cấp trên” cho rằng “các cơ quan tiến hành tố tụng” cấp dưới đã “hình sự hóa” quan hệ dân sự, rồi bị kiểm điểm, cắt thi đua, không tăng lương, không xét bổ nhiệm, thậm chí bị kỷ luật, nên hầu hết những vụ vay mượn tiền đến hạn không trả, rồi bỏ trốn đều chuyển sang giải quyết bằng vụ án dân sự. Vì sợ làm oan người vô tội đã gây ra tâm lý “chẳng thà lọt còn hơn làm oan!”.
Hiện nay có tình trạng vay tiền để sản xuất, kinh doanh, đến hạn không trả được nợ nên tìm cách “đáo hạn” ngân hàng để không bị phạt lãi quá hạn, để khỏi bị mất nhà (tài sản thế chấp). Khi hết hạn, người cho vay đòi nhưng không trả, mặc dù có điều kiện, khả năng để trả nợ. Hầu hết các cơ quan tiến hành tố tụng đều cho rằng chỉ là quan hệ dân sự, nên không khởi tố hình sự. Việc nhà làm luật bổ sung tình tiết “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” là phù hợp với tình hình xã hội nhưng lại chưa đi vào cuộc sống, bởi vì việc hiểu thế nào là “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” thì cho đến nay còn rất khác nhau, lại chưa có hướng dẫn, nên quy định này cũng chỉ nằm trên giấy. Thực tiễn đến nay cũng chưa cho địa phương nào xử lý hình sự trường hợp vay, mượn tài sản mà “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. Hy vọng rằng, để pháp luật đi vào cuộc sống, ổn định tình hình xã hội, cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương cần khẩn trương hướng dẫn các tình tiết là dấu hiệu định tội quy định tại Điều 175 BLHS 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ở bất kỳ khoản nào của điều luật, vì theo quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của BLHS (không có Điều 175).
Ví dụ: Vũ Quốc K. mới 15 tuổi 11 tháng 28 ngày, mượn xe Honda SH của bạn là Trần Văn H. cùng lớp chở hàng cho mẹ ra chợ phường 7, TP. Vũng Tàu bán. Sau đó K. đi chơi game bị thua 4.500.000 đồng, K. đã đem xe của H. “cắm” lấy 10.000.000 đồng rồi quay lại quán game chơi tiếp, nhưng cũng bị thua hết tiền. Sợ không dám về nhà nên K đã bỏ trốn lên TP. Hồ Chí Minh ở với chị gái. 17 ngày sau chị gái của K. đưa K. về Vũng Tàu mới biết K đã mượn xe của H. đem “cắm” lấy tiền chơi game. Do chỉ căn cứ vào học bạ, mà không chú ý đến ngày tháng năm sinh của K. trong giấy khai sinh (bản chính) nên cơ quan điều tra lúc đầu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Quốc K. Tuy nhiên, sau đó bố K đã đến cơ quan điều tra xuất trình giấy khai sinh bản chính, cơ quan điều tra mới biết vào thời điểm đem xe đi “cắm” còn kém 02 ngày K. mới đủ 16 tuổi nên đã phải hủy bỏ quyết định khởi tố đối với K., gây bức xúc cho bị hại và xã hội. Nếu căn cứ vào Bộ luật Hình sự 1999 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc Vũ Quốc K kém 02 ngày đủ 16 tuổi lại chiếm đoạt xe SH là thuộc trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý, nhưng theo Điều 12 BLHS 2015 thì dù K chiếm đoạt bao nhiêu, thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng đều không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với những người đủ 16 tuổi trở lên, thì phải là người có năng lực hành vi, tức là không mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình mới là chủ thể của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 BLHS 2015.
Đối với người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác như ma túy, “ngáo đá” thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trong mọi trường hợp cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì theo Điều 14 Bộ luật Hình sự thì người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các Điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của BLHS mới phải chịu trách nhiệm hình sự. (không có Điều 175).
Đối với pháp nhân thương mại cũng không phải là chủ thể của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, vì theo Điều 76 BLHS thì pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật Hình sự (không có Điều 175).
Cá nhân của pháp nhân thương mại cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “ạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nếu họ nhân danh pháp nhân thương mại; vì lợi ích của pháp nhân thương mại hoặc được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, nếu họ không nhân danh pháp nhân thương mại; vì lợi ích của pháp nhân thương mại hoặc được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại, mà với tư cách cá nhân thì họ vẫn là chủ thể của tội phạm này như những người khác.
Nếu chiếm đoạt tài sản dưới 4.000.000 đồng thì người phạm tội phải là người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của BLHS, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì mới là chủ thể của tội phạm này.
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu. Vì vậy, nếu trong khi hoặc sau khi phạm tội, người phạm tội có hành vi gây chết bị hại hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của bị hại, thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Về đối tượng tác động (tiền hoặc tài sản), Điều 175 BLHS 2015 có bổ sung “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”, nhưng đây là tình tiết định tội trong trường hợp trị giá tài sản dưới 4.000.000 đồng, còn trị giá tài sản bị chiếm đoạt trên 4.000.000 đồng thì không cần phải xác định tài sản có phải là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ hay không. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có hướng dẫn thế nào là “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ” nên thực tiễn có nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương rất lúng túng khi xác định tình tiết phạm tội này. Ví dụ: Ông Đinh Văn S có một chiếc xe đạp “cà tàng” chỉ đáng giá 100.000 đồng nhưng hàng ngày ông S dùng chiếc xe đạp này đi lấy hàng về cho vợ bán hàng khô ở chợ Ngọc Hà, quận Ba Đình thành phố Hà Nội. Vậy chiếc xe đạp này có coi là phương tiện kiếm sống chính của ông S và gia đình ông S không?
Do cấu tạo của Điều 175 BLHS 2015 và đặc điểm của tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản, nên hành vi khách quan của tội phạm này có những điểm cần chú ý sau:
- Việc chuyển giao tài sản từ bị hại sang người phạm tội xuất phát từ một hợp đồng hợp pháp như vay, mượn, thuê tài sản. Nếu hợp đồng giữa người phạm tội với bị hại không phải là hợp đồng hợp pháp thì không thuộc trường hợp phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mà tùy trường hợp người chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác tùy theo tính chất của hợp đồng không hợp pháp đó như: thua bạc phải viết giấy vay nợ là hợp đồng giả cách và người viết giấy vay có thể là bị hại của hành vi cưỡng đoạt tài sản; trả nợ nhưng bắt chủ nợ phải viết giấy vay tiền thì tùy trường hợp có thể là hành vi cưỡng đoạt hoặc nếu có thủ đạn gian dối thì đó là lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
- Sau khi đã nhận được tài sản, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đang do mình quản lý; về thủ đoạn gian dối cũng được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản như đối với thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ví dụ: Chị Nguyễn Lệ Th ở phường 7, TP. Vũng Tàu, cho Hà Thị H vay tiền nhiều lần, đến ngày 06/01/2016 H còn nợ của vợ chồng chị Th 2.237.000.000 đồng; H dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang số BY 992023 tại địa chỉ C.20 Hồ Quý Ly, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu, “gán nợ” cho chị Thủy bằng cách hai bên ký hợp đồng mua bán căn nhà này, nhưng khi đi làm thủ tục công chứng thì mới biết giấy đó là giấy giả. Sau đó chị Th gọi điện cho H nhưng H không nghe máy, nhiều lần tìm kiếm H để giải quyết nhưng không được. Chị Th làm đơn tố cáo với cơ quan điều tra thì cơ quan điều tra và viện kiểm sát lại cho rằng đây là quan hệ dân sự chứ không phải là tội phạm, mà chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự H về tội làm giả giấy tờ của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, chị Th khiếu nại đến nhiều cơ quan và nhờ luật sư bảo vệ, nên cuối cùng Hà Thị H cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
- Nếu người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối mà sau khi đã nhận tài sản một cách hợp pháp rồi bỏ trốn với ý thức không thanh toán, không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản (ý thức chiếm đoạt tài sản ) thì cũng là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, khi đánh giá hành vi bỏ trốn của người phạm tội phải xem xét một cách khách quan, toàn diện, nếu người phạm tội bỏ trốn hoặc tránh mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản vì nguyên nhân khác thì không coi là bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản.
Trường hợp người vay không có hành vi gian dối, không bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản nhưng lại dùng tài sản đó (tài sản nhận từ chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản một cách hợp pháp) vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì cũng bị coi là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Hiện nay, việc hiểu như thế nào là dùng tài sản vào mục đích bất hợp pháp cũng còn ý kiến trái chiều. Nếu theo khái niệm thông thường thì “bất hợp pháp” là không đúng với pháp luật không phân biệt đó là pháp luật gì và nếu hiểu bất hợp pháp theo nghĩa rộng như vậy thì hấu hết các trường hợp mất khả năng thanh toán nợ cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đều là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, thực tiễn đã không coi việc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp theo khái niệm rộng như trên, mà chỉ coi những trường hợp dùng tài vào việc thực hiện tội phạm thì mới coi là bất hợp pháp với ý nghĩa là dấu hiệu cấu thành tội phạm như: dùng tiền vay được để đưa hối lộ, để buôn lậu, để mua bán hàng cấm, để mua bán ma túy, vũ khĩ quân dụng, chất độc, chất cháy... Ngoài ra, trong một số trường hợp do làm ăn thua lỗ đã mất khả năng thanh toán, nhưng vẫn tiếp tục vay mượn tiền hoặc tài sản rồi dùng tiền hoặc tài sản đó trả nợ cũ, hoặc dùng tài sản vay được ăn tiêu, mua sắm vật dụng trong gia đình, mua đất xây nhà... Nếu không dùng tài sản vào mục đích phạm tội mà dùng vào mục đích bất hợp pháp khác thì phải xem xét, đánh giá từng trường hợp cụ thể, để xác định hành vi đó đã cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chưa và cần phân biệt dùng tài sản vào mục đích bất hợp pháp với việc sử dụng tài sản không đúng mục đích đã thỏa thuận khi vay, mượn. Ví dụ: Khi vay tiền, nói là để phát triển chăn nuôi (nuôi gà công nghiệp), nhưng sau khi vay được tiền lại không nuôi gà nữa mà dùng tiền vay được vào việc nuôi tôm sú, nhưng vì không có kỹ thuật nên bị thua lỗ dẫn đến không có khả năng thanh toán thì hành vi của người phạm tội không cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mà nếu có thì chỉ phạm tội sử dụng trái phép tài sản quy định tại Điều 177 BLHS.
Trong thời gian vừa qua, hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra với thủ đoạn tinh vi hơn và cũng dễ nhầm với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và quan hệ dân sự như trong thực tế, có nhiều trường hợp do đánh số đề, thua bạc, bị giật hụi hoặc vì nhiều lý do khác nhau, người thua phải viết giấy “vay tiền” để hợp thức hóa hành vi vi phạm pháp luật của mình và của người khác. Ngược lại, có trường hợp chủ nợ đi đòi nợ nhưng cũng phải viết giấy “vay tiền” thì người vay mới chịu trả.
Hậu quả của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là trị giá tài sản bị chiếm đoạt. Khoản 1 của điều luật quy định trị giá tài sản bị chiếm đoạt từ 4.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, còn nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 4.000.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện: đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của BLHS, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Về tình tiết “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả. Đây là tình tiết cấu thành tội phạm mới so với BLHS 1999. Việc hiểu thế nào là “có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” nói chung không khó, chỉ cần căn cứ vào tình hình tài sản của người phạm tội hoặc hoạt động kinh doanh của người phạm tội là có thể xác định họ có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả tài sản cho người mà họ vay, mượn hay không. Tuy nhiên, khi áp dụng tình tiết phạm tội này cần chú ý: Nếu hành vi vay mượn tiền hoặc tài sản xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 nhưng sau 0 giờ 00 phút ngày 01/0/2018 mà không trả, mặc dù có khả năng thì không cấu thành tội phạm. Chỉ cấu thành tội phạm tội nếu hành vi vay, mượn tiền hoặc tài sản kể từ sau 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà có điều kiện nhưng cố tình không trả mới là hành vi phạm tội.
Riêng tình tiết “sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản” cũng là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, nếu dùng tài sản vay, mượn dùng vào việc phạm tội, nói chung các cơ quan tiến hành tố tụng không vướng mắc; nhưng ngoài việc sử dụng tài sản vào việc phạm tội thì người vay còn dùng tài sản vay, mượn được vào những mục đích khác như: trả nợ ngân hàng để khỏi mất nhà đã thế chấp, trả nợ cũ đã hết hạn để khỏi bị siết nợ, để đầu tư vào bất động sản kiếm tiền chênh lệch cao hơn khoản tiền lãi phải trả cho người cho vay…, nếu không được hướng dẫn thì mỗi địa phương áp dụng một kiểu. Khi áp dụng tình tiết phạm tội này cần chú ý: Nếu người vay, mượn tài sản tuy sử dụng tài sản vay, mượn được vào mục đích bất hợp pháp nhưng đến hạn họ vẫn trả được nợ cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản thì hành vi “sử dụng tài sản vay, mượn được vào mục đích bất hợp pháp” không phải là dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mà tùy trường hợp, hành vi sử dụng tài sản đó cấu thành tội phạm nào thì họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm đó.
Do đặc điểm của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là người phạm tội chiếm đoạt tài sản đang do mình quản lý, nên nói chung không có trường hợp phạm tội chưa đạt, vì nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản thì cũng có nghĩa là chưa có hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trong trường hợp người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối, nhưng thủ đoạn đó không lừa được chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản tin nên không chiếm đoạt được tài sản đang do mình quản lý thì mới coi trường hợp phạm tội ở giai đoạn phạm tội chưa đạt (đã dùng thủ đoạn gian dối nhưng vì những lý do khách quan nên người phạm tội không thực hiện được thủ đoạn đó). Khoa học pháp lý gọi là phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.
Nếu người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 4.000.000 đồng, nhưng chưa chiếm đoạt được thì chưa cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, vì dù có chiếm đoạt được cũng chưa cấu thành tội phạm huống chi chưa chiếm đoạt được. Tuy nhiên, trong trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 4.000.000 đồng và chưa chiếm đoạt được nhưng lại thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của BLHS, hoặc “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ” thì hành vi này đã cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhưng về đường lối xử lý, tùy từng trường hợp cụ thể mà quyết định việc có truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội hay không. Theo chúng tôi, chỉ nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đã bị xử phạt hành chính nhiều lần về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của BLHS, hoặc họ là phần tử nguy hiểm, là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp. Người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng thực hiện hành vi do cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Thạc sĩ, Luật sư ĐINH VĂN QUẾ
Nguyên Chánh tòa Tòa Hình sự, TAND Tối cao