Lò phản ứng số 4 (trái) và các bể chứa nước nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN.
Vào ngày 11/3/2011, một trận động đất có độ lớn 9 kéo theo sóng thần đã xảy ra ở bờ biển Đông Bắc Nhật Bản, phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO) và khiến các vật liệu phóng xạ phát tán trên một khu vực rộng lớn, buộc nhiều người dân phải sơ tán. Đây là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986. Khoảng 470.000 người đã phải sơ tán trong những ngày đầu tiên thảm họa xảy ra. Cho tới tháng 02/2022, vẫn còn 38.139 người chưa thể về nhà sau thảm họa này.
Các nạn nhân sau đó đã khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại từ TEPCO và cả Chính phủ Nhật Bản. Tháng 3 vừa qua, Tòa án Tối cao Nhật Bản đã giữ nguyên phán quyết buộc TEPCO bồi thường 1,4 tỉ yen (12 triệu USD) cho khoảng 3.700 người bị ảnh hưởng bởi sự cố rò rỉ hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima. Quyết định này được đưa ra sau khi Tòa án bác kháng cáo của TEPCO, khẳng định công ty này đã lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa sóng thần quy mô lớn như vậy.
Các Tòa án cấp thấp hơn vẫn đang chia rẽ về phạm vi trách nhiệm của chính phủ trong việc lường trước thảm họa và yêu cầu TEPCO phải có bước đi ngăn ngừa.
Về phần mình, Chính phủ Nhật Bản cho rằng khó có thể dự báo sóng thần và ngăn chặn các thảm họa sau đó, trong khi TEPCO cho biết đã đền bù cho người dân theo đúng yêu cầu của chính phủ.
TTXVN
Cần xử lý nghiêm hành vi ly hôn giả để tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ dân sự